Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ở một số quốc gia, đặc biệt là các nước Á Châu, có một tình hình đặc biệt là sự bất khoan dung tôn giáo có thể đến từ các tôn giáo khác, các tổ chức, hay phong trào quần chúng. Phong trào Văn Thân, Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Việt Nam là những ví dụ. Không nhìn về quá khứ, nhưng hướng đến tương lai truyền giáo thì cha thấy Giáo Hội tại Việt Nam có thể làm gì để cải thiện tình hình này.

Bất khoan dung tôn giáo là hiện tượng thường thấy trong lịch sử. Nó có thể đến từ các tôn giáo, từ các tổ chức chính trị-văn hóa, từ các phong trào quần chúng, từ các chính quyền...Không riêng châu Á, bất khoan dung tôn giáo xuất hiện ở mọi quốc gia, mọi châu lục, mọi thời đại với những hình thức khác nhau. Tại Việt Nam các cộng đồng Công Giáo có thể bị những nhóm người mù quáng tấn công. Họ có thể là những người vô thần, hoặc thuộc các tôn giáo khác nhau, thậm chí họ mang danh Công Giáo. Đây là những người bị cộng sản tuyên truyền, kích động và tổ chức để chống lại Công Giáo. Các nhóm giáo dân mang danh “Công Giáo yêu nước” hoặc các nhóm “quần chúng tự phát” đã tấn Công Giáo xứ Thái Hà hay thiền viện Bát Nhã của Phật giáo là những trường hợp điển hình hiện nay ở Việt Nam. Kinh nghiệm dạy tôi rằng không thể có bao dung tôn giáo trong chế độ cộng sản. Bởi vậy, để cải thiện tình hình, một mặt các thành viên trong GH cần tích cực chứng tỏ cho mọi người thấy chính nghĩa của mình với mọi người và mọi tổ chức tôn giáo hiện diện trên đất nước Việt Nam. Tiếp theo cần tích cực đối thoại liên tôn bằng những hình thức khác nhau, liên đới với các tôn giáo khác nhau trong mục tiêu đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ ở Việt Nam, cùng các tôn giáo khác phục vụ những người nghèo. Cũng cần thiết phải tiếp cận và giác ngộ những người lương thiện đang bị chế độ sử dụng như con rối để chống phá Công Giáo cách mù quáng, giúp họ thấy được bộ mặt thật của chế độ xấu xa đê tiện và sự bất nhân bất nghĩa của chế độ cộng sản. Trên tất cả, cùng với các cá nhân, các tổ chức và các tôn giáo khác ở VN, GH cũng cần tích cực đấu tranh dưới một hình thức thích hợp để góp phần xóa bỏ độc tài và xây dựng một chế độ dân chủ thì mới mong loại trừ được bất khoan dung tôn giáo.

2. Theo niên giám Giáo Hội Công Giáo, mức tăng dân số của Giáo Hội Công Giáo trong nhiều năm qua là dưới mức tăng trưởng về dân số. Đâu là những nguyên nhân chính, thưa cha?

Mức tăng dân số của GHCGVN trong nhiều năm qua đều dưới mức tăng trưởng về dân số của Việt Nam. Đấy là sự thật. Người Công Giáo trước đây hơn nửa thế kỷ đã chiếm 10 % dân số Việt Nam. Ngày nay chỉ còn chiếm khoảng hơn 7 %. Theo logic thì chưa kể số tân tòng gia nhập, chỉ nội số người Công Giáo gia tăng tự nhiên qua con đường sinh sản, thì tỷ lệ người Công Giáo hiện nay phải cao hơn trước đây. Vì trong khi người ngoài Công Giáo thực hành các biện pháp tránh thai, và hạn chế sinh sản, thì người Công Giáo ít thực hành các biện pháp tránh thai và thường sinh nhiều con cái hơn. Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay tỷ lệ người Công Giáo lại giảm đi so với hơn nửa thế kỷ trước. Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do sự cấm đạo khốc liệt và toàn diện của chế độ cộng sản. Việc gây khó dễ cho người Công Giáo, việc phân biệt đối xử đối với người Công Giáo, việc tuyên truyền xuyên tạc nhằm chống Công Giáo, việc ngăn chặn cơ may thực hành tôn giáo của các tín hữu... tất cả đã góp phần làm cho số người bỏ đạo gia tăng. Tôi đã thấy nhiều người đón nhận đức tin Công Giáo, nhưng tôi thấy một số lượng nhiều hơn những người bỏ Công Giáo để mưu tìm một cuộc sống thuận lợi hơn trong chế độ cộng sản. Tôi chưa thấy triều đại nào trong lịch sử Việt Nam bách hại Công Giáo triệt để và toàn diện hơn thời Cộng sản.

3. Cha đang ở Rôma thủ đô của Giáo Hội, và cha cũng từng đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới, cha nhận định thế nào về mức độ hiểu biết trung thực về hiện tình Giáo Hội Việt Nam trong thế giới Công Giáo nói chung? Theo Cha, thực trạng về Giáo Hội Việt Nam trong chế độ hiện này thế nào?

Hiện tình GHVN ít được hiểu biết thấu đáo và toàn diện. Người Công Giáo VN còn chưa hiểu biết trung thực về hiện trạng của GH mình nói chi thế giới Công Giáo nói chung. Thực tế nhận thức của nhiều người trong nước và nước ngoài về GHVN chỉ dừng lại ở những ngôi thành đường hoành tráng, ở những lễ hội tôn giáo đông đảo, ở những con số thống kê ơn gọi tu sĩ và linh mục gia tăng, mà không thấy được năng động truyền giáo của GH đang suy giảm và GH vẫn đang ở trong tình trạng phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng để giáo dục niềm tin tôn giáo trong một chế độ vi phạm tự do tôn giáo, vẫn đang coi Công Giáo là kẻ thù và vẫn đang tuyên chiến với Công Giáo khi ngầm ngầm, khi công khai. Một cách tổng quát, GHVN vẫn đang sống trong cảnh bách hại và chưa được hưởng tự do tôn giáo. Nhà nước vẫn ngang nhiên can thiệp vào chuyện đào tạo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển các linh mục, giám mục. Công Giáo không được phép giảng dạy ngoài nhà thờ. Nhà nước không cho GH được tự do và bình đẳng như các tổ chức và cá nhân trong ngoài nước hiện diện ở Việt Nam: Cụ thể GH không được mở trường học, bệnh viện, trung tâm từ thiện; không được làm kinh tế, thậm chí không được mở một trương mục ngân hàng; không được mở đài phát thanh, truyền hình, không được mở các tòa báo và các nhà xuất bản, không được thuê truyền hình hay radio để phát thanh và truyền hình các chương trình tôn giáo; con dấu và chữ ký của các tổ chức và cơ quan Công Giáo không được các tổ chức chính trị và xã hội công nhận... Người khác tôn giáo không được tự do theo Công Giáo. Người Công Giáo không được làm công chức, không được tham gia vào bộ máy quản trị, hành chính của đất nước, không được học các trường đại học cảnh sát, an ninh, quốc phòng, phòng cháy chữa cháy và các học viện cán bộ. Các tổ chức, cơ quan của GH và các tín hữu Công Giáo thường xuyên bị phân biệt đối xử trong nghề nghiệp và trong việc học tập. Nhà nước lại còn dùng cả hện thống giáo dục và hệ thống truyền thông để xuyên tạc và nói xấu Công Giáo.

4. Theo cha, người Việt Công Giáo có thể làm gì để tăng cường thông tin về Giáo Hội Việt Nam trước thế giới?

Cần giáo dục ý thức truyền thông và kỹ năng truyền thông. Nhà nước cộng sản Việt Nam thường vu cáo, xuyên tạc, chụp mũ, gây rối, đàn áp, cướp bóc và chối bỏ trách nhiệm, biến các nạn nhân trở thành tội nhân. Vì thế ở Thái Hà chúng tôi chủ trương mỗi giáo dân là một nhà giáo công dân. Nhờ vậy chúng tôi có đủ bằng chứng để bảo vệ công lý và sự thật và hóa giải mưu mô gắp lửa bỏ tay người của cộng sản. Tuy nhiên, biết và nói sự thật ở Việt Nam là nguy hiểm. Chỉ có niềm tin và tình yêu công lý và yêu thương những người khốn khổ mới cho chúng ta có đủ can đảm, vượt qua nỗi sợ để lên tiếng.

5. Lập trường chung của Tòa Thánh trong các cuộc đàm phán với các quốc gia là không xin một đặc quyền nào cho người Công Giáo mà chỉ mong các tín hữu Công Giáo được đối xử bình đẳng như các công dân khác. Chính vì thế, khi diễn ra các cuộc đòi đất và tài sản của Giáo Hội tại Tòa Khâm Sứ hay tại Thái Hà, nhiều người nói rằng Giáo Hội không nên đòi một tài sản cụ thể nào cho riêng mình, nhưng nên đấu tranh chống lại những chính sách bất công đã dẫn đến những việc chiếm dụng này. Với tư cách là một người trực tiếp tham gia vào những hoạt động đòi lại những đất đai và tài sản Giáo Hội đã bị chiếm dụng trái phép, cha nghĩ thế nào về quan điểm này.

Liên quan đến điều thứ nhất, con nghĩ rằng: Đúng là người Công Giáo chưa bao giờ được bình đẳng với các công dân khác, vì họ bị phân biệt đối xử trong nhiều lãnh vực khác nhau, điển hình là trong công ăn việc làm và trong trong học tập. Họ là bị coi là công dân hạng hai hay hạng ba gì đó. Tuy nhiên, ngay cả khi các tín hữu Công Giáo VN được đối xử bình đẳng như các công dân khác thì HIỆN NAY quyền làm người của mọi công dân, trong đó có người Công Giáo, vẫn chưa được bảo đảm. Vì vậy, các cuộc đàm phán phải tiến tới mục tiêu góp phần giúp cho phẩm giá và quyền lợi của mọi công dân được tôn trọng này chứ không dừng lại ở chỗ làm cho người Công Giáo được bình đẳng như các công dân khác.

Liên quan đến điều thứ hai: Câu hỏi nêu lên vấn đề: “khi diễn ra các cuộc đòi đất và tài sản của Giáo Hội tại Tòa Khâm Sứ hay tại Thái Hà, nhiều người nói rằng Giáo Hội không nên đòi một tài sản cụ thể nào cho riêng mình”. Trước nhất, chúng ta thấy từ “GH” được nói ở đây rất hàm hồ. “GH” ở đây là ai? Là một pháp nhân chung chung mang danh là “GHCGVN”? Là “Hội Đồng Giám Mục VN”? Nếu là như vậy thì không thể nói “GH không nên đòi một tài sản cụ thể nào”. Vì những pháp nhân này dường như không có đất đai, nhà cửa gì. Trên thực tế hầu hết đất đai, nhà cửa đều thuộc sở quyền sở hữu, quản lý và sử dụng của một Tòa Giám Mục, một Hội Dòng hoặc một Giáo xứ nào đó. Trường hợp Thái Hà thì thuộc sở hữu của DCCTVN, trường hợp Tòa Khâm Sứ thì thuộc sở hữu của TGM Hà Nội. Đối với cả hai trường hợp này, trong khi TGP Hà Nội và DCCTVN còn tồn tại, thì cái chủ thể “GH” và/hoặc HĐGMVN kia không có tư cách pháp nhân để quyết định vấn đề đòi hay không đòi, nhưng có thể đàm phán hoặc đề nghị nhà nước đưa ra những luật lệ phù hợp bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân và mọi tổ chức trong xã hội trong đó có GHCG và việc làm này không thay thế và không loại trừ nỗ lực bảo vệ công lý, đòi lại đất đai, tài sản của DCCTVN và của Tòa TGM Hà Nội.

Tiếp theo chúng ta cũng thấy rằng ở Việt Nam hiện nay khắp nơi nhà nước viện cớ quy hoạch các dự án này nọ để cướp đất cướp nhà của các cá nhân và tập thể, trong đó đất đai tôn giáo. Tiến trình này được thực hiện không theo các quy định của các luật lệ hiện hành của nhà nước Việt Nam. Biết là các bộ luật đó của nhà nước VN còn nhiều bất cập, thậm chí là bất công, nhưng Giáo xứ Thái Hà và TGP Hà Nội vẫn dựa vào các luật lệ này để bảo vệ quyền lợi tối thiểu của mình. Trong các cuộc “đối thoại” với nhà nước, chúng tôi trưng dẫn những điều khoản trong các bộ luật liên quan và những bằng chứng hiển nhiên, xác đáng để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngược lại chính quyền Hà Nội đã không thể bác bỏ những chứng lý ấy, lại cũng không đưa ra những chứng cớ và lý lẽ xác đáng theo luật để biện minh cho việc chiếm đất của họ. Bởi thế họ đã dùng bạo lực trong đêm tối để cưỡng chiếm đất đai của DCCT và của TGP Hà Nội. Họ đã ngồi xổm trên những luật lệ do chính họ bày ra.

Nhà nước VN không tôn trọng những luật lệ hiện hành (những chính sách bất công có nhiều điều có lợi cho họ) mà họ còn không tôn trọng, thì làm sao dám mơ họ làm ra những bộ luật mới? Giả như khi có những bộ luật đất đai phù hợp, bảo đảm sự công bằng, thì liệu nhà nước Việt Nam với bạo lực sẵn có trong tay, họ có tôn trọng các bộ luật ấy không? Là ảo tưởng khi tin rằng nhà cầm quyền Việt Nam làm ra những luật lệ công bằng và sẽ ứng xử theo những bộ luật kia. Nhân danh ảo tưởng này để chối bỏ quyền bảo vệ tài sản hợp pháp của các tổ chức cụ thể trong GH như Tòa Khâm Sứ, như ở giáo xứ Thái Hà thì đấy là một kiểu tiếp tay gián tiếp cho bạo quyền gia tăng cướp bóc. Thực ra việc bảo vệ tài sản hợp pháp của từng cá nhân và tổ chức trong ngoài GH, cùng với việc đấu tranh của GH cũng như của mọi cá nhân và tập thể khác nhằm chống lại những chính sách bất công là hai phương diện của một vấn đề; cả hai hỗ tương nhau trong mục tiêu bảo vệ công lý cho mọi cá nhân và tập thể. Ai nghĩ rằng bỏ đi một trong hai điều ấy mà bảo đảm được công lý thì đấy là người ngây ngô, chẳng hiểu gì bản chất ăn cướp của chế độ cộng sản VÀ SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TỰ DO TÔN GIÁO VÀ XA HƠN LÀ MỤC TIÊU DÂN CHỦ, NHÂN QUYềN CHO VIỆT NAM.