VATICAN, ngày 11, tháng 8, 2013 (Zenit.org) – Đây là bản dịch huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin hôm nay tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến, Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 12:32-48) nói với chúng ta về ước muốn được vĩnh viễn gặp gỡ Chúa Kitô, là một ước muốn giúp chúng ta luôn luôn sẵn sàng, với tinh thần thức tỉnh, vì chúng ta chờ đợi cuộc gặp gỡ này với tất cả trái tim, với tất cả con người.

Đây là một khía cạnh căn bản của đời sống. Có một ước mong chúng ta luôn luôn ôm ấp trong lòng, dù được biểu hiệu hay che dấu, chúng ta luôn luôn lưu giữ trong lòng. Điều quan trọng là cũng phải thấy giáo huấn này của Chúa Giêsu trong nội dung thực tế và hiện sinh theo đó Chúa truyền dậy. Trong trường hợp này, tác giả Phúc Âm trình bầy Chúa Giêsu, đang cùng đi với các môn đệ lên Giêrusalem, dự Lễ Vượt Qua, tới cái chết và sự Phục Sinh, và trong hành trình này Chúa giảng dậy họ, tâm sự với họ về những gì trong tâm tư, và những thái độ thầm kín trong tâm hồn Người. Trong các thái độ này là sự thờ ơ đối với những tài nguyên trần thế, việc tin tưởng vào sự an bài của Thiên Chúa và chính là sự thức tỉnh nội tâm, và mong đợi Nước Trời một cách tích cực.

Đối với Chúa Giêsu, đó là việc mong đợi được trở về nhà Cha. Đối với chúng ta đó là việc mong đợi chính Chúa Kitô, Người sẽ đến để đem chúng ta tới bàn tiệc vĩnh cửu, Người đã làm như vậy đối với Mẹ Người, Rất Thánh Mẹ Maria: Chúa đã đem Mẹ về Thiên Đàng với Người.

Phúc Âm này muốn cho chúng ta hay là Kitô hữu là người mang trong lòng một ước muốn sâu xa: là được gặp gỡ Chúa Kitô cùng với các anh chị em của mình, cùng với những bạn đồng hành trên đường. Và tất cả những gì Chúa Giêsu dậy chúng ta được tóm lược trong câu châm ngôn nổi tiếng này: Kho tàng ở đâu thì lòng bạn ở đó (Lc 12:34).

Trái tim có ước mong này… Nhưng tất cả chúng ta đều có ước mong này! Những người không có ước mong này thật nghèo nàn! Ước mong được bước tới chân trời này, và đối với chúng ta các Kitô hữu chân trời này là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ đích thực với Người, vì Người chính là sự sống và niềm vui của chúng ta, và làm cho chúng ta được hạnh phúc.

Nhưng tôi muốn hỏi các bạn hai câu hỏi. Câu thứ nhất: Tất cả các bạn có một trái tim mong ước không? Xin hay suy nghĩ và thầm trả lời trong tim: Bạn có trái tim mong ước không, hay là một trái tím khép kín, một trái tim ngủ say, một trái tim bị làm cho bị tê mê đối với những gì của đời sống? Ước muốn tiến bước đi gặp Chúa Giêsu.

Và câu hỏi thứ hai: Đâu là kho tàng của bạn, và bạn mơ ước?

Vì Chúa Giêsu bảo chúng ta: Nơi đâu là kho tàng của bạn thì tâm hồn bạn cũng ở đó, và tôi muốn hỏi? Điều gì quan trọng nhất, và thực tại nào quý giá nhất đối với bạn? Thực tại nào đang lôi kéo trái tim bạn như một nam châm? Cái gì đang thu hút trái tim bạn? Tôi có thể nói đây là tình yêu Thiên Chúa không? Có phải là ước muốn làm việc lành đối với tha nhân không, để sống vì Thiên Chúa và anh chị em không? Tôi có thể nói như vậy không? Tất cả mọi người trả lời âm thầm trong tim.

Nhưng có người có thể nói với tôi: Nhưng, thưa cha, con có công ăn việc làm, con có gia đình. Đối với con, điều quan trọng nhất là phải giúp cho gia đình con thăng tiến, và con được tiến thân trong sự nghiệp... Dĩ nhiên, điều này cũng quan trọng. Nhưng đâu là quyền lực liên kết gia đình? Chính là tình yêu, và Thiên Chúa là Đấng gieo rắc tình yêu trong tim chúng ta, gieo tình yêu Thiên Chúa trong tim chúng ta. Và đây chính là kho tàng đích thực.

Nhưng tình yêu Thiên Chúa là gì? Đây không phải là một cái gì mơ hồ, một tâm tình vô định. Tình yêu Thiên Chúa có một danh hiệu và một gương mặt: thánh danh và gương mặt Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Giêsu. Vì chúng ta không thể yêu không khí… Chúng ta có yêu mến không khí không? Chúng ta có yêu tất cả mọi sự không? Không, điều này không thể làm được!

Chúng ta yêu những con người, và người chúng ta yêu là Chúa Giêsu, là quà tặng của Chúa Cha ban cho chúng ta. Đây là tình yêu ban cho chúng ta giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi điều khác; một tình yêu ban sức mạnh cho gia đình, việc làm, học vấn, tình bạn, nghệ thuật, và cho tất cả mọi sinh hoạt của con người. Và còn giúp cho cả những kinh nghiệm tiêu cực có ý nghĩa, vì tình yêu này giúp chúng ta vượt lên trên các kinh nghiệm này, để đi xa hơn, để không bị làm nô lệ cho sự dữ, nhưng làm cho chúng ta tiến xa hơn, và luôn luôn mở ra niềm hy vọng cho chúng ta.

Do đó, tình yêu Thiên Chúa nơi Giêsu luôn luôn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, và một chân trời hy vọng, chân trời tối hậu của cuộc hành hương của chúng ta. Bằng cách này ngay cả những tranh đấu và thất bại của chúng ta cũng có ý nghĩa. Tội lỗi chúng ta cũng có ý nghĩa trong tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu Thiên Chúa nơi Giêsu luôn luôn tha thứ, vì yêu thương quá nhiều nên luôn luôn tha thứ cho chúng ta.