ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC
CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP
« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam
Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »
từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 05/08/2013 : Ra Đại Hội, ghi nhớ điều thâu nhận mang về nhà


Đại Hội Hành Hương Lộ Đức của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, khai mạc sáng 02/08/2013 và kết thúc tôi ngày 04/08/2013. Thêm vào ba ngày Đại Hội này, còn ngày vào 01/08/2013 và ngày ra 05/08/2013, vị chi tất cẩ có năm ngày. Trong bài "Lời Ngỏ" viết trong tập tài liệu phát ngày vào Đại Hội 01/08/13 và trong "Lời Chào Mừng" nói trong ngày khai mạc Đại Hội 02/08/13, cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang đã "Xin kính chúc tất cả quí Ông Bà Anh Chị Em được nhiều ơn thiêng trong kỳ Đại-Hội, để rồi khi trở về với cuộc sống hằng ngày tại địa phương, quí Ông Bà Anh Chị Em sẽ là những gương sáng xứng danh là con cháu các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam". Ngày ra Đại Hội, trở về nhà, mỗi người tham dự Đại Hội đã nhận được gì để mang về nhà? Có dịp trao đổi với một số người tham dự Đại Hội, sau đây người viết xin tóm lược vài điều ghi nhận đươc.

1. Gương Đức Tin của các Thánh Tử Đao. Sau khi đi đàng Thánh Giá ngày 02/08/13, trên đường xuống núi về khách sạn, khi đươc hỏi về điều mình đã ghi nhận từ hai ngày qua, bốn anh chị cùng đi đã trả lời rằng đó là ba tấm gương Đức Tin của ba thánh mà Đức Ông Vinh đã nói đến trong bài giảng khai mạc. Chị PTN nói: Về sống Đức Tin, Đức Ông bảo : "Chắc chắn các Thánh Tử Đạo đã sống đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta rất nhiều : - về phạm vi tôn giáo, các ngài phải chọn lựa giữa đạo cổ truyền, ‘đạo thờ ông bà, đạo thờ thần tượng’ với ‘Đức tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, vào Đức Kitô Cứu Thế’. Anh LĐT thêm : Tôi nhớ rõ rằng để diễn tả việc bênh vực Đức Tin, Đức Ông kể rằng "Thánh chủng sinh Toma Trần Văn Thiện, tử đạo năm 1838, khi quan tòa hỏi ‘Thiện, mày có phải là người Công Giáo không?’, chú Thiện đã dõng dạc trả lời: ‘Vâng, thưa quan lớn, tôi là ngưòi Công Giáo, cha mẹ tôi cũng là người Công Giáo. Tôi nhất quyết sống đức tin Công Giáo mà cha mẹ tôi đã sống và đã dạy tôi”. Anh ĐTH, trùm một họ đạo vùng Trung nước Pháp, thêm : "Riêng tôi, thì tôi nhớ nhất là gương Truyền giáo bằng việc xây dựng cộng đoan. Đức Ông bảo : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ý thức rằng một trong những cách truyền giáo hữu hiệu là chứng tỏ cho lương dân thấy tinh thần đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn hay họ đạo. Đó là những hoạt động tông đồ cụ thể của các vị thánh trùm họ Emmanuel Lê Văn Phụng (+1859), Antôn Nguyễn Đích (+1838), Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854); của những giáo dân can tràng Matthêu Lê Văn Gẫm (+1847), Michael Nguyễn Huy Mỹ (+1838), Annê Lê Thị Thành (+1841).

2. Linh đạo chứng nhân. Sau bài thuyết trình ngày 04/08/2013 về lịch sử cấm đạo và bắt đạo thời các Thánh Tử Đạo, một linh mục đến nói với tôi : « Hôm nay, qua hai câu trả lời phụ thêm của giáo sư, con khám phá 2 điều mới lạ. Một là những nét chính yếu trong linh đạo chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo sư bảo "Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã theo linh đạo chứng nhân của Đức Kytô, vị tử đạo tiên khởi. Các ngài không chống đối, không biểu tình, không tuyệt thực, không tự thiêu, không tự sát. Nhưng các ngài đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, bị nộp cho quan, vì là Công Giáo. Các ngài đã bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bi tra khảo, có lúc một vài vị lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Nhưng rút cục, các ngài đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Quyết định của vua quan tuyên bố xử các ngài cũng nói rõ rằng các ngài phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Các ngài không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ.
Hai là giáo sư bảo rằng linh đạo chứng nhân này đang được các Giám Mục Việt Nam dần dà mang ra áp dụng, từ Công Đồng Vatican II. Sau hai thư chung 1951 và 1960 lên án cộng sản và cấm người Công Giáo cộng tác với cộng sản, từ cuối thập niên 60, trong nhiều tài liệu khác nhau, các Giám Mục Miền Nam «kêu gọi thiện chí của chính quyền hai miền Nam và Bắc hãy cùng nhau kiến tạo hòa bình» : thông điệp ngày 05.01.1968, thư luân lưu 1969, thông cáo tháng 07/1971, thư chung ngày 03/02/1973, và tuyên ngôn ngày 01/01/1974. Rồi từ những năm 70, các ngài kêu gọi giáo dân cộng tác với chính quyền xây dựng quê hương, « Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc và góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.» : Tâm thư ngày 01/04/1975 của ĐTGM Nguyễn Kim Điền, thư luân lưu ngày 12/06/1975 của ĐTGM Nguyễn Văn Bình và nhất là Thư mục vụ ngày 01/05/1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thành lập trong cuộc hop chính thức từ ngày 24/04 đến 01/05/1980 tại Hà Nội và Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam, ngày 01/05/2011 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (câu số 33). Thái độ cởi mở, hòa hợp, yêu nước và cộng tác của các Giám Mục Việt Nam cho thấy có sự chuyển hướng theo linh đạo chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

3. Khám phá bài Văn Tề tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày ra Đại Hội, thứ hai, 05/08/2013, trên xe lửa tốc hành về Paris, bác NVH tâm sự cùng mấy người đồng hành tằng điều bác tâm đắc nhất là được đọc bài Văn Tế tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Rồi bác mở sách đọc ba đoạn bác thích nhất:

Nhớ linh xưa!
Trọng Đất nước, thờ Tổ tiên, thảo kính mẹ cha đến khôn cùng!
Yêu quê hương, thương láng giềng, lo toan đạo đời bao xiết nỗi!
Theo gót Thánh hiền tránh xa điều nên tội
Đón lời Tin mừng lãnh nhận mối thành ngay.

Xin các đấng quan thầy cầu bầu cho
Máu thắm vào đất Việt-
dưỡng nuôi cội nguồn đức tin sinh quả ngọt,
Danh lừng vang khắp chốn-
vun trồng chồi lộc hậu thế trổ mùa thơm
Để làn sóng hoà bình, công lý cuộn trào dâng
Khơi ngọn lửa sự thật, hiệp thông bừng cháy mãi
Diệt bóng đêm đen giữa lương tri nhân loại
Xua niềm sợ hãi trong tâm khảm người ngay
Cho Chim hòa bình ngậm vành thiên tuế ngợp trời bay
Đón Chúa Ngôi Ba ban ơn canh tân tràn đất mới.


TẠM KẾT

Không kể ba điều ghi trên đây, còn rất nhiều điều khác mà những người tham dự Đại Hội đã nói ra. Người thì thích thú được dịp cầu nguyện chung với cả ngàn đồng đạo, già có, trẻ có, bằng tiếng việt và qua những hình thức cổ truyền quen thuộc, như thánh lễ misa, đi đường thánh giá, lần hạt mân côi. Lại có dịp nhìn thấy tận mắt sự tin đạo, sống đạo, giữ đạo và sùng đạo của nhiều thứ dân nước, đến từ nhiều châu lục khác nhau trên địa cầu. Nhận ra tính Công Giáo của Đạo Chúa. Người lại cảm kích được thấy đông đủ các cha tuyên úy, đến từ khắp các cộng đoàn trên toàn nước Pháp và thấy các ngài đoàn kết, hiệp nhất và làm việc tận tụy trong suốt những ngày Đại Hội.

Nhưng không thiếu những người bày tỏ những ưu tư cho đời sống Đức Tin trong cộng đoàn địa phương họ đang sông. Và mối ưu tư lớn nhất là đời sống Đức Tin của con cái mai sau. Con cái học hành thành đạt, làm ăn dư giả; Nhưng hờ hững việc đạo nghĩa Đức Tin, thậm chí có đứa đã không còn đi lễ, đi nhà thờ nữa; có đứa lại đã tuyên bố không tin hoặc không muốn tin nưa. Vấn đề Văn Hóa Việt Nam cũng là một mối ưu tư khác. Con cái hội nhập tốt và có khi rất tốt vào xã hội Pháp. Nhưng Văn Hóa Việt Nam, tiếng nói Việt Nam, Phong tục Việt Nam, chúng đã sao lãng, quên dần. Rồi nhìn vào đời sống của cộng đoàn, ơn gọi tận hiến càng ngày càng hiếm. Tìm đâu ra linh mục Việt Nam để lo cho các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp? Sẽ phải giải quyết những vấn đề địa phương thế nào ? Kẻ thì nói ai có thân người ấy lo. Người lại bảo cần có sự giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Cộng Đoàn, để cùng nhau giải quyêt. Người khác nữa lại phó thác, trông cậy vào sự quan phòng của Chúa, sự phù trợ của Mẹ Lộ Đức, Mẹ La Vang, sự bầu cử của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Theo làn hương trầm chúng con cùng cúi lạy:
Xin đổ tràn ân phúc trạch
Cho Giáo xứ nhân hiền
Cho Giáo Hội trung kiên
Cho Dân an quốc thái
Đoàn con cùng kính bái. Amen


Lộ-Đức, ngày 05 tháng 08 năm 2013
Trần Văn Cảnh