Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau thánh lễ Sáng Chúa Nhật 28-7 trước sự hiện diện của hơn 3 triệu tín hữu tại bãi biển Copacabana để bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ, Đức Thánh Cha đã về nghỉ tại trung tâm Sumaré của Tổng giáo phận Rio để dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng. Kế đến vào lúc 4 giờ chiều, tại thính đường của Trung tâm này, ngài đã gặp gỡ 45 vị Hồng Y và Giám Mục thuộc ban điều hợp Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu La tinh, gọi tắt là Celam, nhân dịp các vị nhóm họp từ ngày 29-7 đến 2-8-2013 tại Học viện Nữ Vương Trời Cao tại thành phố Rio de Janeiro.
Celam qui tụ 22 Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu la tinh và quần đảo Caribê được thành lập cách đây 57 năm, với mục đích thăng tiến, khích lệ và làm sinh động tính chất đồng đoàn của các Giám Mục cũng như tình hiệp thông giữa các Giáo Hội tại miền này với các vị chủ chăn.
Đức Cha Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám Mục giáo phận Tlalnepanda của Mễ Tây Cơ đã chào mừng Đức Thánh Cha.
Trong bài phát biểu Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ phê bình trào lưu ý thức hệ hóa sứ điệp Tin Mừng, giải thích Tin Mừng bên ngoài sứ điệp Phúc âm và ngoài Giáo Hội; giải thích dựa theo phương pháp chú giải của các khoa xã hội và bao gồm những lãnh vực rất khác nhau, từ tự do thị trường cho tới phân loại theo chủ thuyết mác xít.
Đức Thánh Cha đã nói về tài liệu 'Aparecida', đã được soạn thảo vào năm 2007. Tài liệu, bao gồm tình hình của Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh, đã đặc biệt vạch ra mục tiêu khôi phục niềm tin. Như một lời nhắc nhở, Đức Thánh Cha nói Giáo Hội là một người mẹ, là người phải hàn gắn vết thương.
Ngài nói:
"Tôi phải nói rằng đây này là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Nó rất phức tạp, nhưng cốt lõi của nó đó là sứ vụ tông đồ của lòng thương xót, là chiều kích nhân hậu của Mẹ Giáo Hội. Đó là dùng tình mẫu tử của Giáo Hội để chữa lành vết thương và nâng đỡ. Tôi đã nói về điều này ngày hôm qua với Giám Mục Brazil. Ngay bây giờ, chúng ta đang sống một khoảng thời gian đầy các vết thương. Có những người phần nào đó lìa xa Giáo Hội, có những người ra đi rồi quay lại. Thật dễ dàng để nghĩ rằng, "được rồi, chúng ta hãy đề ra những khóa học về điều này điều nọ, nhưng không ... sau một trận chiến, ưu tiên hàng đầu là chữa lành các vết thương. Nhiệm vụ mục vụ của Giáo Hội là để chữa lành. "
Sử dụng khiếu hài hước của ngài, Đức Giáo Hoàng yêu cầu các giám mục hãy gần gũi với mọi người và yêu thương Giáo Hội, cả trong lúc thịnh vượng cũng như lúc gian truân.
Đức Thánh Cha nói:
"Chúng ta không có thể là những người suy nghĩ và hành xử như các ông hoàng. Những người tham vọng đã kết hôn với một Giáo Hội, nhưng đồng thời lại đang chờ đợi một điều gì khác. Về khiá cạnh này, chúng ta không thể có giám mục đa thê, phải không? Họ đã kết hôn với một Giáo Hội, nhưng đôi mắt lại dán vào những lợi lộc khác. "
Ở cuối bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng một giám mục phải hướng dẫn cộng đồng của mình, và không nên độc đoán. Sau đó, Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu các giám mục đặc biệt chú ý đến bài giảng của các ngài đừng tách rời thực tế và quá trừu tượng.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đó vào sáng thứ Bẩy 27 tháng 7, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Sebastian của Rio De Janeiro, trước các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và chủng sinh trên thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha đã nói:
Chúng ta không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân! Chúng ta hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến bàn tiệc Chúa.
Theo Đức Thánh Cha, hai thách đố lớn nhất trong đặc tính truyền giáo của môn đệ Chúa Kitô, đó là canh tân Giáo Hội từ bên trong và đối thoại với thế giới ngày nay.
2. Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng thương mến dành cho các nhân viên tại Sumaré bằng cách vẽ một trái tim trong cửa sổ máy bay trực thăng
Khi rời khỏi Sumaré bước lên một chiếc trực thăng để đến gặp các tình nguyện viên ở Rio, Đức Thánh Cha Phanxicô làm dấu Thánh Giá, trước khi cất cánh. Sau đó một vài phút sau, khi đám đông chào tạm biệt, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng ngón tay của mình để phác thảo một trái tim thể hiện lòng yêu mến của ngài cho các nhân viên tại nhà hưu dưỡng Sumaré của Tòa Tổng Giám Mục Rio De Janeiro nơi Đức Thánh Cha đã cư ngụ trong suốt thời gian thăm Brazil.
3. Gặp gỡ và cám ơn các bạn trẻ thiện nguyện
Giã từ các Giám Mục thuộc ban điều hợp Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu la tinh, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng tới Khu vực Hội nghị của thành Rio gọi là “Trung Tâm Rio” để gặp gỡ 15 ngàn người đại diện cho 60 ngàn người thiện nguyện đã phục vụ từ 2 năm nay trong việc chuẩn bị, tổ chức và tiến hành Ngày Quốc Tế giới trẻ vừa qua.
Khi Đức Thánh Cha đến đây vào lúc quá 5 giờ chiều, ngài đã được các bạn trẻ thiện nguyện nồng nhiệt tiếp đón.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Orani Tempesta sở tại và 2 đại diện những người thiện nguyện, một người Brazil và một người Ba Lan là nơi sẽ đón tiếp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới, Đức Thánh Cha nồng nhiệt cám ơn họ và nói:
“Qua nụ cười của mỗi người trong các bạn, với sự tử tế, sẵn sàng phục vụ, các bạn đã chứng tỏ rằng “Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh” (Cv 20,35). Việc phục vụ mà các bạn đã thi hành trong những ngày này làm cho tôi nhớ đến sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả đã dọn đường cho Chúa Giêsu. Mỗi người, theo cách thế của mình, là một dụng cụ để hàng ngàn bạn trẻ khác chuẩn bị con đường gặp gỡ Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha cũng khích lệ các bạn trẻ thiện nguyện đáp lại tiếng gọi của Chúa: 'Thiên Chúa kêu gọi thực hiện những chọn lựa chung kết, ngài có một dự phóng cho mỗi người: khám phá và đáp lại ơn gọi ấy chính là con đường tiến đến sự thực hiện chính mình trong hạnh phúc. Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người nên thánh, sống cuộc sống của mình, nhưng ngài có một con đường cho mỗi người. Một số được kêu gọi nên thánh qua việc thành lập gia đình nhờ bí tích hôn phối. Có người nói rằng ngày nay hôn nhân là điều lỗi thời; trong nền văn hóa tạm thời, tương đối, nhiều người chủ trương rằng điều quan trọng là “hưởng thụ giây phút hiện tại”, và dấn thân trọn đời, thực hiện những chọn lựa chung cục, là điều không bõ công, vì ta không biết tương lai sẽ ra sao. Trái lại, tôi xin các bạn hãy trở thành những người cách mạng, đi ngược dòng; đúng vậy, tôi xin các bạn hãy nổi lên chống lại thứ văn hóa tạm bợ như thế, thứ văn hóa này, xét cho cùng, nghĩ rằng các bạn không có khả năng lãnh nhận trách nhiệm, không có khả năng yêu thương thực sự. Tôi tin tưởng nơi người trẻ và tôi cầu nguyện cho các bạn. Hãy can đảm đi ngược dòng. Hãy có can đảm sống hạnh phúc.
Với những người chọn cuộc sống linh mục, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “Chúa kêu gọi hiến thân cho Chúa một cách trọn vẹn nhất, để yêu thương mọi người với tâm hồn của vị Mục Tử nhân lành. Những người khác, Chúa kêu gọi phục vụ trong đời sống tu trì: trong các đan viện chuyên cầu nguyện cho thiện ích của thế giới, hoặc trong các lãnh vực khác nhau của việc tông đồ, xả thân cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Tôi không bao giờ quên cái ngày 21-9 khi tôi được 17 tuổi - sau khi dừng lại tại nhà thờ thánh Giuse de Flores để xưng tội, lần đầu tiên tôi nghe thấy Chúa gọi tôi. Các bạn đừng sợ điều Chúa yêu cầu các bạn! Thưa vâng với Chúa thật là điều bõ công. Nơi Chúa có niềm vui!
Và Đức Thánh Cha chào giã từ các bạn trẻ thiện nguyện với một câu hỏi: “Các bạn hãy hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì, đâu là con đường con phải theo?”
4. Họp báo trên máy bay từ Rio De Janeiro về Rôma
Trên đường đến Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hứa với các nhà báo sẽ có một cuộc họp báo trên đường trở về Roma. Mặc dù rất mệt mỏi, ngài đã giữ lời hứa của mình. Trên chuyến bay dài 11 tiếng rưỡi từ Rio De Janeiro về Tôma, Đức Thánh Cha đã nồng nhiệt chào thăm và cám ơn hơn 70 ký giả tháp tùng ngài. Trong một giờ 22 phút, ngài đã trả lời các câu hỏi do các ký giả đặt ra không có giới hạn.
Lần đầu tiên ngài đã đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi như vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, Ngân hàng Vatican và thậm chí ngài đã nói về tin đồn có “nhóm vận động hậu trường cho đồng tính” bên trong Vatican.
Đức Thánh Cha nói:
Người ta đã viết nhiều về “nhóm vận động hậu trường của đồng tính” này. Tôi vẫn chưa tìm thấy một người nào tự giới thiệu mình tại Vatican, với một "thẻ đồng tính." Trong những tình huống này, điều quan trọng là cần phân biệt giữa một người đồng tính và một việc vận động hậu trường cho đồng tính, bởi vì vận động hậu trường không bao giờ là tốt. Nếu một người đồng tính, là một người có thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai để phán xét họ? Giáo lý của Giáo Hội giải thích điều này rất đẹp. Người đồng tính không thể bị gạt ra ngoài lề”.
Về vấn đề ngân hàng Vatican hay Viện Giáo Vụ, Đức Thánh Cha nói:
"Tôi không biết Ngân hàng Vatican sẽ ra sao. Một số nói rằng điều tốt nhất là phải có một ngân hàng, những người khác nói rằng nó phải là một quỹ cứu trợ, những người khác khuyên đóng cửa hoàn toàn. Chúng tôi nghe nói mãi về các lựa chọn này. Bây giờ, tôi tin tưởng vào công việc Viện Giáo Vụ đang làm. Chúng ta nên tìm kiếm sự lựa chọn tốt nhất, nhưng cho dù đó là một ngân hàng, một quỹ, hoặc bất cứ là gì đi nữa, nó phải dựa trên tính minh bạch và trung thực. Đó là cách tốt nhất. Cảm ơn bạn. "
Về vấn đề truyền chức cho phụ nữ, Đức Thánh Cha nói:
"Về việc truyền chức cho phụ nữ, mà Giáo Hội đã lên tiếng và câu trả lời là không. Đức Gioan Phaolô II đã giải thích lập trường dứt khoát của Giáo Hội. Cánh cửa đã đóng lại. Nhưng hãy để tôi nói cho bạn điều này, Đức Mẹ, là quan trọng hơn các tông đồ, các giám mục, phó tế và linh mục. Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng hơn là các giám mục, hay linh mục. Quan trọng như thế nào? Đây là những gì chúng ta phải giải thích tốt hơn một cách công khai. "
Đức Thánh Cha cũng nói về mối quan hệ của mình với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và ngày Đức Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh có lẽ là vào ngày 27 tháng Tư chứ không phải 08 Tháng 12 như những đồn đoán trước đây.
Ngài nói:
"Có Đức Thánh Cha danh dự giống như có một ông nội ở nhà. Một người ông rất khôn ngoan. Trong một gia đình, người ông ở nhà được tôn trọng, yêu thương và được lắng nghe. Đức Thánh Cha Benedict XVI là một người thận trọng ... Ngài không tham gia vào những vấn đề. Tôi đã nói với ngài nhiều lần, "Đức Thánh Cha hãy tiếp tục với cuộc sống của ngài, gặp gỡ với mọi người, đi cùng với chúng tôi." Ngài đã đồng ý tham dự lễ khánh thành tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Tôi có thể tóm lại như thế này: Giống như tôi có một người ông ở nhà. Ngài như một người cha. Nếu tôi có khúc mắc gì, hoặc nếu tôi phải đối mặt với một cái gì đó tôi không hiểu, tôi có thể nhờ ngài. "
Chỉ vài tháng sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài nói là nhớ thành phố Buenos Aires. Đức Thánh Cha nói thêm ngài rất thích đi ra ngoài và đi bộ trên đường phố, nhưng ngài tôn trọng những giới hạn của hiến binh Vatican.
Nhưng trong mọi trường hợp, khi có dịp ra ngoài, ngài rất dễ gần gũi với anh chị em tín hữu. Đức Thánh Cha nói thêm là ngài không sợ các cuộc tấn công, và giải thích rằng theo ý kiến của ngài, một Giám Mục thật là điên khi xa lánh người dân, để tránh một cuộc tấn công.
Đức Giáo Hoàng cũng nói rõ ràng rằng ngài không ngại sử dụng những từ đơn giản và rõ ràng trong thông điệp của mình.
5. Giã từ
Sau khi ban phép lành cho các bạn trẻ thiện nguyện, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng ra sân bay quốc tế Antonio Carlos Jobim ở Rio de Janeiro., cách đó 30 cây số. Tại đây vào lúc 6 giờ rưỡi chiều, giờ địa phương, đã diễn ra nghi thức tiễn biệt với sự hiện diện của bà tổng thống Dilma Roussef, chính quyền dân sự, đoàn chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brazil cũng như các Hồng Y và Giám Mục của vùng này.
Trong lời giã từ, Đức Thánh Cha nói: “Tôi ra đi với tâm hồn tràn đầy những kỷ niệm hạnh phúc; và những kỷ niệm này chắc chắn sẽ trở thành kinh nguyện. Trong lúc này đây tôi bắt đầu cảm thấy một sự nhớ nhung, nhớ Brazil với dân tộc cao cả và tâm hồn quảng đại, dân tộc rất thân hữu. Nhớ nụ cười rộng mở và chân thành mà tôi đã thấy nơi bao nhiêu người, sự hăng hái nhiệt thành của những ngừơi thiện nguyện. Nhớ niềm hy vọng nơi ánh mắt của các bạn trẻ ở nhà thương thánh Phanxicô. Nhớ đức tin và niềm vui giữa những nghịch cảnh của những người dân ở khu xóm nghèo Varginha. Tôi chắc chắn ràng Chúa Kitô đang sống và thực sự hiện diện trong hoạt động của vô số các bạn trẻ và bao nhiêu người mà tôi đã gặp trong tuần lễ này không thể quên được. Xin cám ơn vì sự tiếp đón và tình bạn nồng nhiệt đã được bày tỏ cho tôi!
Đức Thánh Cha chân thành cám ơn bà tổng thống, các anh em Giám Mục và đông đảo những ngừơi cộng tác của các vị đã làm cho những ngày này trở thành một buổi lễ tuyệt vời cử hành đức tin phong phú và vui tươi của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng ngài sẽ tiếp tục hy vọng rất nhiều nơi người trẻ Brazil và trên toàn thế giới: qua họ, Chúa Kitô đang chuẩn bị một mùa xuân mới trên toàn thế giới.
Giống như lúc khởi hành từ Roma, Đức Thánh Cha cũng tự tay xách cặp khi bước lên chiếc máy bay Airbus 330 của hãng Alitalia bay về Roma.
6. Đức Thánh Cha về đến Rôma
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Rôma, sau khi cử hành thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2013 tại Rio Brazil, với gần 3 triệu người hành hương, một thánh lễ Giáo Hoàng lớn nhất trong nhiều năm qua.
Chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ sân bay Rio de Janeiro về Rôma đã mất 11:30 giờ. Đức Giáo Hoàng đã bay qua các vùng trời Brazil, Senegal, Mauritania, Algeria và cuối cùng Ý, nơi ngài hạ cánh tại sân bay Ciampino ở Rome.
Trên đường từ sân bay về Vatican, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ. Như một món quà, ngài để lại một áo thể thao màu xanh lá cây và một quả bóng có hàng chữ ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro.
Tưởng cũng nên nhắc lại là hai ngày trước khi bay sang Brazil, chính xác là lúc 16:45 phút ngày thứ Bẩy 20 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đền thờ Đức Bà Cả để xin Đức Mẹ phù hộ cho chuyến tông du sắp tới của ngài tại Brazil, cho những người trẻ, và tất cả các tín hữu sẽ tập trung tại Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro và cho tất cả những người trẻ trên toàn thế giới.
Trước ảnh Đức Maria là phần rỗi của dân Rôma, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện trong thinh lặng hơn nửa giờ, sau đó ngài dâng lên Đức Mẹ một vòng hoa và thắp một ngọn nến.
7. Đêm canh thức Copacabana: Một câu chuyện bi thương làm cho ba triệu con tim sững sờ.
Anh Felipe Passos đã làm cho 3 triệu con tim rúng động khi anh chia sẻ câu chuyện riêng tư cuả mình trong đêm canh thức tại bãi biển Copacabana.
Anh cho biết đã phát hiện ra và chấp nhận cây thánh giá cuả mình: đó chính là chiếc xe lăn cuả anh.
Anh Felipe, một thanh niên độc thân người Brazil mới 23 tuổi, đã phát biểu tại đêm canh thức cuả Trẻ Thế Giới ngày 27 tháng Bảy trước sự hiện diện cuả Đức Giáo Hoàng.
Anh kể lại đã tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid vào năm 2011, và đã cam kết hai lời hứa thiêng liêng. Anh hứa sẽ sống trong sạch cho đến khi kết hôn và chăm chỉ làm việc để gây quĩ cho nhóm Ponta Grossa, một nhóm thanh niên cầu nguyện ở tiểu bang Paraná của Brazil, để có thể cùng nhau tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới một lần nữa, tổ chức năm nay tại Rio de Janeiro.
Với nguồn tài chánh eo hẹp, Felipe và nhóm bạn bè gây vốn bằng cách làm thêm nhiều công việc nặng nhọc và cùng một lúc chuẩn bị tinh thần bằng cầu nguyện, tôn thờ Thánh Thể, ăn chay và làm việc phúc đức.
Nhưng một sự khủng khiếp đã xảy ra cho họ.
"Vào tháng Giêng năm nay, hai ngày trước khi tôi lên 23 tuổi, hai thanh niên đã đột nhập vào nhà của tôi, súng trên tay, đòi cướp số tiền mà chúng tôi đã dành dụm với rất nhiều hy sinh," Felipe nói.
"Tôi nghĩ về những nỗ lực rất lớn cuả nhiều ngày tháng, về những hy sinh cuả những người trong gia đình, của bạn bè và đồng nghiệp. .. tất cả những cái ấy sắp bị cướp đi trong khoảng khắc và vì thế mà tôi cương quyết sẽ bảo vệ nó," anh nói với một giọng xúc động.
Anh Felipe thành công trong việc bảo vệ số tiền tiết kiệm của nhóm, nhưng đã bị một viên đạn bắn vào, hầu như kết liễu cuộc sống của anh.
"Đối với bệnh viện thì tôi đã chết, tim ngừng đập nhiều lần, và các bác sĩ đã nói với cha mẹ tôi rằng 'cậu bé này không có hy vọng," nhưng tôi vẫn còn ở đây và nhóm của tôi vẫn còn đến đây được chỉ vì lòng thương xót của Chúa, " Felipe nói.
Toàn thể bãi biển đông nghịt người hầu như bị lên cơn sốc trong một sự im lặng đến nghẹt thở, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn anh chăm chú.
Anh Felipe tả lại cảnh tượng anh bị hôn mê, thở qua ống dưỡng khí, trong khi cộng đoàn giáo xứ của anh liên lỉ cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình cho anh.
Cuối cùng...thì anh tỉnh dậy, điều đầu tiên anh xin là được rước Mình Thánh Chúa, anh hồi phục nhanh chóng.
Nhưng Felipe, đã bị bất toại phải ngồi xe lăn, anh cho biết, "đây là cây thập giá, cây thập giá Chúa gửi đến cho tôi để tôi có thể đi tới gần Ngài hơn, sống nhiều hơn trong ân sủng và tình yêu của Chúa."
Ba triệu tiếng vổ tay nổ ra ào ạt, nhưng Felipe ngăn họ lại.
"Xin im lặng!", anh nói. "Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần!"
Người thanh niên 23 tuổi yêu cầu mọi người hãy cầm lấy thập giá mà họ đang đeo ở trên cổ lên, và nhìn vào nó.
Anh xin mọi người suy ngẫm trong im lặng với những câu hỏi: "thập giá mà Chúa đã ban cho tôi là gì? Thập giá mà Ngài muốn tôi thực hiện cho tình yêu của Ngài là gì? "
Tất cả mọi người, kể cả Đức Giáo Hoàng đã cầm thánh giá lên...
Câu chuyện thương tâm cuả người thanh niên trẻ đã tạo ra một thời khắc không bao giờ quên được cho 3 triệu người có mặt trong đêm canh thức trên bãi biển Copacabana.
8. Đức Thánh Cha Phanxicô dâng lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên tại Rôma
Hôm thứ Tư 31 tháng 7 đã không có buổi triều yết chung như thường lệ. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên đã dâng Thánh Lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla, đấng sáng lập Dòng Tên tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên ở Rôma cùng với cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, Đức Tổng Giám mục Luis Ladaria Ferrer, SJ, Thứ kí Bộ Giáo Lý Đức Tin, khoảng 270 anh em Giêsu hữu của ngài, quý thân hữu và các cộng tác viên của Dòng.
Đức Giáo Hoàng đến bằng xe hơi. Cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã ra tận cửa chào đón Đức Giáo Hoàng và chúc mừng Đức Giáo Hoàng về chuyến thăm Brazil của ngài.
“Con xin chúc mừng chuyến thăm Brazil của ngài thưa Đức Thánh Cha”
Trong diễn văn chào mừng, cha Nicolás đã thưa với Đức Giáo Hoàng rằng tất cả Giêsu hữu sẵn sàng đảm nhận mọi sứ vụ từ Đức Giáo Hoàng.
Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ rằng đời sống của Dòng Tên cần phải để cho Chúa Giêsu trở nên trung tâm. Ngài nói: “Tôi muốn đưa ra 3 suy tư đơn sơ dựa trên ba lối diễn tả này: hãy để Chúa Kitô và Giáo Hội ở tại trung tâm của đời sống mình; hãy để cho chính anh em được Chúa Kitô chinh phục để phục vụ tha nhân; hãy cảm thấy thẹn thùng vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể trở nên khiêm nhường trước Chúa Kitô và nhân loại.”
Cuối Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đã đến gần và cầu nguyện trước tượng thánh Inhaxiô. Ngài cũng dâng một bó hoa cho Đức Mẹ và cầu nguyện trước mộ của Tôi Tớ Chúa là cha Phêrô Arrupe, vị Bề Trên Tổng Quyền đã phục vụ trên cương vị là người đứng đầu Dòng Tên cho đến năm 1981.
Thầy phó tế FX. Nguyễn Mai Kha, SJ, 1 học viên Dòng Tên Việt Nam giúp lễ cho Đức Thánh Cha
9. Krakow:
Cuối thánh lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro, Đức Thánh Cha đã loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới.
Ngài nói:
“Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Krakow, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”.
Phái đoàn các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.
Nhân dịp này, Lan Vy xin giới thiệu với quý vị vài nét về thành phố quê hương của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nơi sẽ tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới.
Kraków (Ba Lan phát âm: [krakuf]) là thành phố lớn thứ hai và là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Ba Lan. Nằm trên sông Vistula, [Chỉ vào bản đồ] thành phố được hình thành từ thế kỷ thứ 7 Kraków có truyền thống là một trong những trung tâm hàng đầu của Ba Lan về học thuật, văn hóa và đời sống nghệ thuật và là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Ba Lan. Kraków đã từng là thủ đô của Ba Lan từ năm 1038 đến năm 1569.
Thành phố hiện có khoảng 760.000 dân, trong khi khoảng 8 triệu người sống trong bán kính 100 km tính từ quảng trường chính của thành phố.
Sau cuộc xâm lược Ba Lan vào đầu Thế chiến II, Kraków trở thành thủ đô của Đại Quốc Xã tại Ba Lan. Người Do Thái và Ba Lan trong thành phố bị phân loại, tập trung trong những ghettos với ý đồ thanh trừng chủng tộc. Họ đã được gửi đến các trại hủy diệt như Auschwitz và các trại tập trung của Đức Quốc xã như Płaszów.
Trong năm 1978, Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla, của tổng giáo phận Kraków, đã được bầu làm giáo hoàng. Ngài là người Slavic đầu tiên Slavic được bầu vào chức vụ ấy và là vị Giáo Hoàng không phải người Ý đầu tiên trong 455 năm trước đó. Cũng trong năm đó, UNESCO công nhận Krakow là di sản thế giới