Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Sebastian sáng thứ Bẩy 27/07/2013

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Khi nhìn thấy Vương Cung Thánh Đường này đầy các Giám mục, linh mục, chủng sinh, và tu sĩ nam nữ từ khắp thế giới, tôi nghĩ đến những lời của tác giả Thánh Vịnh 66 trong Thánh Lễ hôm nay: "Lạy Chúa, hãy để muôn dân tán tụng Chúa". Quả thực, chúng tôi có mặt ở đây để ca ngợi Chúa, và tán tụng Ngài trong khi tái khẳng định ước muốn của chúng ta được là những khí cụ sao cho không chỉ có một số người ca khen Thiên Chúa mà thôi, nhưng là tất cả muôn dân. Với cùng một cung điệu mạnh mẽ của Phaolô và Barnabas, chúng ta loan báo Tin Mừng cho những người trẻ, để họ có thể gặp gỡ Chúa Kitô, là ánh sáng soi đường ta bước, và xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Tôi muốn trình bày với anh chị em về ba khía cạnh của ơn gọi của chúng ta: chúng ta được Thiên Chúa gọi, để rao giảng Tin Mừng, và để thúc đẩy nền văn hóa của gặp gỡ.

1. Khiá cạnh thứ nhất ơn Chúa gọi – Thật quan trọng để khơi lại nhận thức về ơn Chúa gọi của chúng ta, mà thường khi chúng ta không chú ý đến giữa muôn vàn những trách nhiệm hàng ngày của mình. Chúng ta phải nhớ điều Chúa Giêsu đã nói, "Anh em đã không chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn anh em" (Ga 15: 16). Điều này có nghĩa là trở về nguồn gốc ơn gọi của chúng ta. Ở buổi đầu hành trình ơn gọi của chúng ta, có một sự lựa chọn của Thiên Chúa. Chúng ta đã được Thiên Chúa kêu gọi, với lời mời gọi hãy sống gần gũi với Chúa Giêsu (x. Mc 3:14), hiệp nhất với Ngài sâu sắc đến mức chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: "Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi "(Gl 2,20). Thuật ngữ “sống trong Chúa Kitô”, chính là những gì có thể bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động tông đồ của chúng ta, nghĩa là chắc chắn rằng sứ vụ của chúng ta có kết quả "Ta cắt cử anh em, để anh em ra đi và sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại" (Ga 15:16). Không phải những sáng tạo mục vụ, hoặc các cuộc họp hay các kế hoạch có thể đảm bảo hoa trái của chúng ta, nhưng chính sự trung thành của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã lặp đi lặp lại: "Hãy ở lại trong ta và ta cư ngụ trong anh em" (Ga 15:4). Và chúng ta biết rõ điều đó có nghĩa là: chiêm ngắm Người, thờ lạy Người, để ôm lấy Người, đặc biệt là qua sự trung tín của chúng ta trong đời sống cầu nguyện, và trong cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với Người, Đấng hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể và trong những người túng quẫn nhất. "Sống với" Chúa Kitô không có nghĩa là tách chúng ta ra khỏi những người khác. Thay vào đó, chính là "với Ngài" để đi ra và gặp những người khác. Điều này gợi nhớ đến những lời của Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta: "Chúng ta phải rất tự hào về ơn gọi của chúng ta vì nó mang đến cho chúng ta cơ hội để phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo. Đó là trong những khu ổ chuột, trong những xóm nghèo, trong các chòi tranh rách nát, mà ta phải tìm kiếm và phục vụ Chúa Kitô. Chúng ta phải đến với họ như là các linh mục giới thiệu Ngài tại bàn thờ với niềm vui " Chúa Giêsu, là Chúa Chiên Lành, là kho báu đích thực của chúng ta. Chúng ta hãy kết hiệp tâm hồn ta với Ngài mật thiết hơn bao giờ hết (x. Lc 12:34).

2. Khiá cạnh thứ hai được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng – Anh em Giám mục và linh mục thân mến, nhiều người trong anh em, nếu không phải là tất cả, đã hướng dẫn những người trẻ đến với Ngày Giới trẻ Thế giới. Các bạn trẻ này cũng đã nghe về lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên các môn đệ" (x. Mt 28:19). Trách nhiệm của chúng ta là hãy đốt lên trong trái tim họ mong muốn trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu. Chắc chắn, lời mời này có thể gây ra ít nhiều cảm giác lo sợ, khi nghĩ rằng là nhà truyền giáo đòi hỏi phải rời khỏi quê hương bản quán của họ, gia đình và bạn bè. Tôi nhớ những giấc mơ tôi đã ôm ấp khi còn nhỏ: đó là trở thành một nhà truyền giáo tại Nhật Bản xa xôi. Tuy nhiên, Chúa lại chỉ cho tôi thấy rằng lãnh thổ truyền giáo của tôi thực ra gần gũi hơn: đó là đất nước của chính mình. Chúng ta hãy giúp các bạn trẻ nhận ra rằng ơn gọi tông đồ truyền giáo bắt nguồn từ phép rửa của chúng ta và là một phần thiết yếu trong ý nghĩa của việc là “Kitô hữu”. Chúng ta cũng phải giúp họ nhận ra rằng chúng ta được kêu gọi để truyền giáo bắt đầu từ chính gia đình chúng ta và những nơi chúng ta học tập và làm việc, để rao giảng Tin Mừng cho gia đình và bạn bè của chúng ta.

Chúng ta chớ bỏ qua một nỗ lực nào trong sự hình thành những người trẻ của chúng ta! Thánh Phaolô sử dụng một cách nói rất đẹp mà ngài đã thể hiện ra trong cuộc sống của mình, khi đề cập đến các cộng đồng Kitô hữu: "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, là những người mà tôi phải quặn đau sanh thêm một lần nữa cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong anh em" (Gal 4:19). Chúng ta hãy thể hiện điều này chính trong sứ vụ của chúng ta! Chúng ta hãy giúp các bạn trẻ của chúng ta khám phá sự can đảm và niềm vui của đức tin, niềm vui được ưu ái bởi Thiên Chúa, Đấng đã ban Đức Giêsu, Con của Ngài làm giá cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy đào tạo họ trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước tới. Chúa Giêsu đã làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các tông đồ dưới cánh của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra! Chúng ta không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân! Chúng ta hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến bàn tiệc Chúa.

3.Khiá cạnh thứ hai được kêu gọi để thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ - Thật không may, ở nhiều nơi, nền văn hóa của sự loại trừ, từ chối, đang lan rộng. Không có chỗ cho người già hoặc cho những đứa trẻ không được mong muốn, không có thời gian cho người nghèo trên các vĩa hè đường phố. Đôi khi, đối với một số người, có vẻ như quan hệ con người được quy định bởi hai "giáo điều" hiện đại: tính hiệu quả và chủ nghĩa thực dụng.

Anh em Giám Mục thân mến, các linh mục, tu sĩ và các chủng sinh đang chuẩn bị cho thừa tác vụ: hãy có can đảm để lội ngược dòng. Đừng từ chối hồng ân này của Thiên Chúa là trở nên một gia đình các con cái của Ngài. Những gì làm cho xã hội chúng ta thực sự nhân bản là gặp gỡ, chào đón tất cả mọi người, liên đới và huynh đệ với nhau.

Hãy là những đầy tớ của sự hiệp thông và của nền văn hóa gặp gỡ! Cho phép tôi nói rằng chúng ta phải gần như bị ám ảnh về vấn đề này. Chúng ta không muốn trở thành kẻ tự phụ, luôn áp đặt "chân lý của chúng ta". Phải để cho sự xác tín nhưng khiêm tốn và hân hoan hướng dẫn chúng ta những người đã được tìm thấy, đã được Chân Lý là Đức Kitô đoái thương và biến đổi, như đã từng được loan báo (x. Lc 24:13-35).

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta được mời Chúa gọi để loan báo Phúc Âm và để quảng bá với lòng can đảm cho nền văn hoá gặp gỡ . Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu cho chúng ta noi theo. Cuộc đời Mẹ luôn là "Mẫu gương của tình mẫu tử mà những ai dự phần vào sứ vụ tông đồ của Giáo Hội trong việc tái tạo một nhân loại mới luôn vui mừng”