Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Rio de Janeiro, nơi nhiều người trẻ trên khắp năm châu tụ họp về chung quanh vị đại diện Chúa Kitô trên trần thế. Niềm vui, sự tự hào và niềm hy vọng chắc chắn sẽ bừng lên ở Rio, và hơn nữa, ở “khắp cùng bờ cõi đất”.

Lý do của niềm vui, tự hào và hy vọng ấy nằm ở nơi chính Chúa Giêsu, Đấng là thần tượng muôn đời cho giới trẻ trong một thế giới vốn đã có quá nhiều những thần tượng mau qua, chóng đổ.

Hội Thánh là Mẹ hiền, quan tâm đến những người vì hoàn cảnh không thể đến tham dự Đại Hội tại Rio, “trong suốt thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nếu theo dõi các biến cố qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới như Internet, sẽ nhận được ơn toàn xá miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi”.

Như thế, mầu nhiệm hiệp thông và liên đới trong Hội Thánh được biểu lộ một cách vừa huyền nhiệm vừa rõ ràng. Cho nên việc không cùng đi với các bạn trẻ năm châu cũng không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, chúng ta không thể thấy vui mừng khi trên thế giới vẫn còn có những nơi mà người trẻ không những không thế tham dự Đại Hội dành cho mình, mà đau khổ hơn nữa, là không dám mơ có ngày mình sẽ được tham dự.

Ở những nước nghèo, các bạn trẻ không có điều kiện đến tham dự Đại Hội. Khó khăn về tài chánh quả là vấn đề lớn. Nhưng vấn đề này vẫn có thể giải quyết được. Theo tin của Thông tấn xã Vietcatholic, “Nhờ tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” tài trợ 220 ngàn Euros, nhiều bạn trẻ vùng Trung Đông đã có thể tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio. Trong số các bạn trẻ có 49 người Ai Cập, 100 người Irak, nhiều người Libăng, Giordania, Israel và Palestine”.

Ở một số nơi khác như Siri, Đức Tổng Giám Mục Zenari, Sứ Thần Tòa thánh tại đây cho biết vì tình hình nội chiến, người trẻ không thể đi Rio, nhưng họ sẽ hiệp thông với các bạn trẻ thế giới trong những ngày sắp tới.

Còn ở những nơi vừa nghèo vừa do xã hội bất an, như Việt nam chẳng hạn, ước mơ đến tham dự Đại Hội giới trẻ quả là xa vời. Nhiều bạn trẻ muốn đóng mấy trăm ngàn tiền Việt (khoảng hai mươi USD) để đi chơi với các bạn khác mấy ngày cuối hè ở một thành phố không xa, vẫn không thể kiếm ra tiền, làm sao họ nghĩ đến chuyện vượt trời mây đến một nơi xa xôi hàng chục ngàn cây số?

Rồi việc ra khỏi đất nước cũng không phải là điều dễ dàng. Ra khỏi đất nước để tham gia lễ hội thánh thiêng với một nhóm mà mình chưa quen biết trước thì quả là hồng ân, vì tất cả đều nằm trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh. Nhưng cái nguy cơ về nhà bị thẩm vấn, bị nghi ngờ là tham gia các tổ chức quốc tế vẫn có thể là mối đe doạ.

Vì những lý do “đặc biệt” ấy mà từ lần tổ chức đầu tiên ở Rôma (1984) đến nay, qua bao nhiêu lần Đại Hội Giới trẻ được tổ chức ở những thành phố danh tiếng trên thế giới, thì một phái đoàn chính thức của giới trẻ trong nước vẫn chưa bao giờ được cử đi tham dự. Năm 2008, một nhóm bạn trẻ đi Sydney với tư cách cá nhân và nhóm nhỏ, đã phải “sợ chết khiếp” khi sang bên ấy bắt gặp những hình ảnh và màu sắc hào hùng của các bạn đồng hương.

Làm sao cho giới trẻ quê hương mình có thể vươn lên cùng với anh em bạn bè muôn phương? Câu hỏi đó có vẻ dư thừa vì chuyện vươn bằng người khác không phải là điều quan trọng, vì thế giới ngày nay không còn cái kiểu cạnh tranh hơn thua. Cái quan trọng nhất chính là được hoà nhập trong cộng đồng của những con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc, để cùng nhau ca ngợi Đấng đã ban “sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy” (chủ đề Đại Hội Năm 2008).

Những bạn trẻ được hạnh phúc tham gia Đại Hội Giới Trẻ thế giới hẳn có lúc nghĩ đến những người anh chị em dù rất khát khao vẫn không bao giờ dám mơ có ngày được tham dự, trừ khi Đại Hội được tổ chức ở ngay quê hương mình. Mà như thế thì lại nảy sinh một vấn đề khác không thuộc phạm vi bài viết này.

Hôm nay một bạn nhỏ đến nhà tôi tổ chức Sinh nhật, chung vui cùng bạn bè. Tôi thấy các em hồn nhiên, vui tươi và hết mình với Đức Tin cũng như với những giá trị khác của thế giới. Khi các em ra về, tôi chạnh lòng nghĩ đến những bạn bè đồng trang lứa với các em, giờ này đang say sưa chuẩn bị chào đón ngày Giới Trẻ. Làm sao cho những con người đang hăng say ở đất nước tôi có thể đem hết nhiệt huyết Chúa ban mà làm cho cộng đồng nhân loại cùng tiến lên, hướng về siêu việt? Làm sao có những đam mê và sôi nổi của các em được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi biết rằng mình không lẻ loi trên những nẻo đường đời?

Rio de Janeiro, cố đô của Brazil (thủ đô nước này vào những năm 1763-1960), nổi tiếng với tượng Chúa Giêsu trên đỉnh núi nhìn ra biển. Rio de Janeiro từ nay càng nổi tiếng hơn với Đại Hội Giới Trẻ lần đầu tiên trong triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô. Rio de Janeiro, niềm mơ ước của bao tâm hồn người trẻ Việt nam.

Cùng cầu xin cho Đại Hội Giới Trẻ năm nay đem lại ơn ích thật nhiều cho những người tham dự và cho mọi người khát khao tham dự, cả những người không có cơ hội nghe đến. Và hãy cùng lặng lẽ hát lên bài “Này con là Đá, trên viên Đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là Đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung. Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô…”