HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

Ðìều khoản Một và Hai

Mỗi tổ chức, mỗi quốc gia, mỗi đoàn thể đều có một bản hiến pháp, cương lĩnh, nội quy hay điều lệ. Dân chúng hoặc các đoàn viên sẽ dựa theo đó mà sinh hoạt cho đúng đường lối, đúng tôn chỉ đã được vạch ra. Do đó đạo Chúa cũng có hiến chương. Ðây không phải là bản luật để quy định chuyện thưởng phạt (đạo Chúa cũng có thập giới và 6 điều răn). Mà đây cũng không phải chỉ là những câu đề nghị khuyên nhủ xuông, theo hay không theo cũng chẳng sao. Trái lại, nó kết tạo nên những điều căn bản, cốt cán, để người ta nhận ra và lượng giá một thành phần của tổ chức hay đoàn thể nào đó.

Khi Chúa xuống gian trần nhập thể, Ngài đã quyết định tạo lập một dân riêng mới, dân Tân Ước, để phụng sự và tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (Gioan4 :24). Ðương nhiên, Ngài đã dậy dỗ đầy đủ về con đường mới ai nấy phải theo để được đón nhận ơn cứu độ. Ngài đã lớn tiếng kêu mời mọi người gia nhập nước Thiên Chúa, nhưng lại công bố Bản Hiến Chương Nước Trời hoàn toàn khác biệt với mọi thứ hiến chương khác trên trần đời. Lý do là vì Ngài muốn cho thiên hạ biết rằng nước của Ngài không thuộc về thế gian này (Gioan 18 : 36)

Bản Hiến Chương này được các nhà thần học, cũng như chú giải Thánh Kinh đồng hóa với chính BÀI GIẢNG TRÊN NÚI của Chúa. Người ta cũng gọi nôm na là TÁM MỐI PHÚC THẬT, phần tóm kết mọi điều cốt tủy của bài giảng này. Tổng quát, Ngài muốn mọi “công dân nước trời” phải bắt chước Ngài, kẻ đã đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Ngài dậy các môn đệ nếu muốn làm lớn thì phải biết học cách hầu hạ, biết rửa chân cho anh em khác. Thế là cái bản cương lĩnh của Chúa gồm toàn những điều khoản trái ngược với sự mong đợi của đa số, của những kẻ chỉ lăm le được ngồi” bên tả, bên hữu” cái ghế chủ tịch đầy uy quyền theo nghĩa thế gian.

Ta hãy cùng thánh sử Matthêu để mở đoạn V: Chúa thấy dân chúng đông đảo, Ngài lên núi để ngồi dậy dỗ họ, và Ngài đề cập thật rõ ràng về 8 điều hệ trọng cho mọi người hiểu và thi hành. Sau đó cho tới hết cả đoạn VI và đoạn VII, Chúa quảng diễn thêm nhiều chi tiết, để ai nấy thấy rõ đường hướng nước trời sẽ phải là thế nào.

Ðương nhiên, có một số không chấp nhận, vì tư tưởng của họ còn đầy những khuynh hướng và tham vọng trần đời. Với họ, lời Chúa đã trở nên “chói tai”.

Mãi cho đến ngày nay và tới ngày tận thế, vẫn sẽ còn nhiều người không chịu đón nhận những điều khoản của Hiến Chương này. Chung quy chỉ là vì họ không muốn cùng Chúa đi con đường khổ giá để tới nguồn ơn Cứu Ðộ. Trái lại, họ chỉ mong đạt vinh quang bằng con đường tắt dễ dãi, nhung lụa. Tuy nhiên, Chúa chẳng bao giờ thay đổi lập trường. Phúc âm của Ngài sẽ tồn tại ngàn năm. Dù một nét chấm, một nét phẩy cũng không hề biến thay suy chuyển.

1. PHÚC CHO KẺ CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ

Chúa mở đầu với mối phục thật gây sự sợ hãi cho nhiều người. Nhưng đây là điệu kiện tối tư cần thiết để vào nước trời. Một số nhà tu đức dám nói rằng cứ suy cho hết lẽ của mối phúc thật này, cũng hiểu hết 7 mối kia: Cái tinh thần nghèo khó phải bao trùm mọi cố gắng trong đời sống thiêng liêng của một tín hữu. Nghèo khó ở đây phải bắt nguồn từ tinh thần, chứ không đơn giản chỉ là thiếu thốn về mặt vật chất. Cái tinh thần này cũng không chỉ là một ước mơ xuông, nhưng đòi liên tục được thực hiện ở cuộc sống.

Thật ra, điều đạo Chúa nhắm tới là Ðức Ái, chứ không phải chuyện từ bỏ của cải. Thế nhưng, Ðức Ái bao giờ cũng thôi thúc ta sống tinh thần nghèo khó của Chúa. Nếu chỉ nghèo vì hoàn cảnh xã hội, con người thường hay thèm khác của cải vật chất. Nhưng một khi ta chấp nhận cuộc sống thanh bần vì nước trời, tâm hồn ta sẽ hoàn toàn khác.

Tại sao thế? Bởi vì Ðức Khó Nghèo Phúc Âm dậy ta phải tự làm mình ra trống rỗng, ra trần trụi, ra thiếu thốn, để rồi phó thác cho bàn tay quan phòng của Chúa, cho sự tác động của ân sủng siêu nhiên. Tinh thần khó nghèo đòi ta trục xuất ra mọi ý nghĩ chủ quan sai lạc, mọi nguyên tắc của con người ích kỷ, mọi nền tảng nhân loại mù quáng, sau đó nhường chỗ cho lời Hằng Sống đổi thay, tái tạo. Cái căn bản ở đây là ta phải biết làm cho ta hóa nên như hư không, như vô nghĩa, đứng trước dung nhan Chúa là đấng có mọi sự.

Qua cái thái độ hoàn toàn thuần phục và lệ thuộc vào Chúa này, ta sẽ trở thành con người tự do thực sự trên đường thiêng liêng, hết phải dính bén vào bất cứ điều gì trần tục, dẫu là vô hình hay hữu hình. Mọi điều ta đang có đây phải được coi là những phương tiện tạm thời để ta phục vụ Chúa và tha nhân. Cái ta phải lưu tâm để học từ bỏ hơn cả, chính là cái ý riêng, cái nhận xét chủ quan, cái ảo tưởng hợm hĩnh về mình. Ngay cả khi ta đang nghèo thật mà lại hãnh diện kiêu căng về chuyện nghèo của mình, là vô tình rơi vào chỗ lầm lạc tệ hại hàng đầu của bài học Phúc Âm.

Thế nghĩa là ta phải thường xuyên chiến đấu với cái khuynh hướng “sở hữu” trong con người mình. Ta không được phép thỏa mãn với ngay cả một tư tưởng riêng, một định kiến riêng. Trái lại, mỗi ngày cần thoát ra ngoài cái “tôi” đó để nắm tay hành trình với Chúa. Chả khác nào Abraham sẵng sàng để lại tất cả mà lên đường đi tới nơi Chúa chỉ dẫn.

Ai cũng biết Chúa bảo người giàu có vào nước trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng kẻ tham lam về mặt tinh thần còn ở trong tình trạng khó khăn gấp bội. Thành ra, cái mẫu mực tuyệt hảo của tinh thần khó nghèo phải được tìm thấy nơi chính bản thân Chúa Kitô khi Ngài xuống thế sống giữa loài người.

Thánh Gioan đã viết rằng Ngôi Hai đã từ bỏ cõi trời sang trọng để để tự làm ra mình nghèo hèn, ngõ hầu chúng ta được giàu có ân sủng của Chúa. Nhưng giàu với thánh ân sao được nếu chúng ta không sẵn sàng đi theo con đường Ngài chỉ vẽ. Người đời vẫn nói” Phú bất nhân - Bần bất nghĩa. Giàu ta hay khinh người, mà nghèo (kinh tế ) thì lại dễ lâm vào chỗ mất quân bình nội tâm mà làm những điều xằng bậy. Bởi thế, Chúa chẳng cầu chúc cho ai phải sống cảnh khố rách áo ôm. Ðiều Chúa yêu cầu căn bản là những ai muốn theo Ngài phải biết học bài học từ bỏ, hy sinh, để rồi khi thoát khỏi hình thức nô lệ, ham mê dính bén, ta sẽ dễ dàng gặp Chúa.

Cũng vì thế mà Thánh Kinh Cựu Ước đã dậy ta cầu nguyện: “ Xin Chúa chớ để con giầu kẻo con dễ quên Chúa, nhưng cũng đừng để con nghèo khổ kẻo rồi con sinh ra trộm cắp lỗi luật Chúa”. Thực tế hơn nữa, là ta phải biết chia sẻ mọi của cải vật chất cũng như tinh thần cho những người thiếu thốn, xấu số như lời dạy của tiên tri Osée: Cách tốt nhất để có tinh thần khó nghèo là biết yêu thương những kẻ nghèo hèn.

2. PHÚC CHO KẺ HIỀN LÀNH

Chúa muốn dùng đất nước làm phần thưởng cho những kẻ hiền lành.Hiền không phải chỉ mềm nhũn như con sứa, con giun. Nhưng giá trị của họ là ở chỗ biết từ tốn kiên nhẫn. Bản lãnh của họ là ở chỗ biết chờ mong, biết hy vọng rằng rồi sẽ có giải đáp tốt đẹp thỏa đáng từ Chúa.

Tất cả bắt nguồn từ niềm tin cậy phó thác nội tâm. Nhờ dựa vào ơn Chúa, mà ta sẽ không dễ nóng giận, cộc cằn hoặc nuôi lòng thù hận ghét ghen.

Những chi tiết về cái nhân đức thuộc mối phúc thật thứ hai này phải được lấy tiêu chuẩn từ chính trái tim của Ngôi Hai nhập thể: “ Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, rồi các ngươi sẽ thấy tâm hồn thư thái bình an”(Matthêu 11 : 29).

Công dân nước trời luôn sẵng sàng chiến đấu chống ba thù, nhưng từ nội tâm, họ phải là những mẫu gương của nhu mì, nhã nhặn, theo phong cách của vị Tôn Sư Tối Cao.

Chỉ có Chúa mới giúp ta giữ luôn được tâm hồn hiền lành tử tế ở những lúc ta đối diện với những kẻ thù hung bạo ác tâm. Cái Ðất được hứa làm phần thưởng đây trước hết là chính đất tâm hồn mình: ta sẽ làm chủ được mọi xáo trông bên trong, để rồi không sợ làm những điều sai quấy. Rồi đến sẽ chính là cái đất của tâm hồn tha nhân, nhờ đó ta sẽ giúp họ quy hướng về tình yêu Chúa, theo như mục tiêu Chúa xuống trần gian để đem tin lành cho kẻ nghèo khó, an ủi kẻ buồn phiền v.v...(Luca 4 :18)

Chúa đã sống hiền lành như Con Chiên. Nay Ngài muốn ta tiếp tục nếp sống hiền lành đó, dù phải là như con chiên giữa bày sói rừng (Luca 10 : 3).(Còn tiếp)