Tháng năm về, muôn đóa hoa của mọi con dân xin được dâng kính Mẹ. Đóa hoa đẹp nhất từ vườn hoa có lẽ là những lời Kinh Mân Côi, như là những đóa hồng thắm dâng lên Mẹ. Gần đây, các tu sĩ thuộc Dòng Đaminh, theo truyền thống là những người bảo quản và cổ võ việc thực hành rất ích lợi này đang tái truyền bá Kinh Mân Côi tại Việt Nam. Xin kính gửi quý độc giả bài phỏng vấn thầy Trần Kim Ngọc, OP- người phụ trách việc truyền bá kinh Mân Côi của Dòng Đaminh.

PV: Xin kính chào Thầy, xin Thầy giới thiệu cho quý độc giả gần xa biết về Thầy một chút ạ.

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Xin chào Soeur và quý độc giả.

Xin cho phép xưng là cháu nhé! Cháu là một tu sĩ Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Trong Tỉnh Dòng, cháu được giao đặc trách việc cổ võ Kinh Mân Côi trên phạm vi toàn quốc; còn trong tu viện nơi cháu được bổ nhiệm, cháu được giao phụ trách mảng mục vụ di dân. Ưu tiên trong công việc mục vụ của cháu là truyền giáo. Và để công việc truyền giáo mang lại kết quả, một phần nhỏ là sự cộng tác của con người; còn phần lớn nhất và quyết định nhất, đó là Thiên Chúa. Kinh Mân Côi như là một lời kinh cho sứ vụ truyền giáo. Và gần đây thôi, cháu mới thực sự cảm nhận được như thế. Cháu nghĩ rằng đó là một chọn lựa ưu tiên trong đời tu của cháu: truyền giáo và cổ võ Kinh Mân Côi.

PV: Xin Thầy cho biết điều gì đã thôi thúc Thầy thành lập Hội Mân Côi?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc
Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Xin được xác định ngay rằng cháu không thành lập và cũng không có quyền thành lập Hội Mân Côi

Thánh Đa Minh- Tổ Phụ của cháu được coi là người thành lập Hội Mân Côi. Sau thời thánh Đa Minh, Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi hầu như bị lãng quên. Sau này, một tu sĩ Đa Minh là chân phước Alain de la Roche bắt đầu tái rao giảng về Kinh Mân Côi và tái lập Hội Mân Côi; từ đó, Hội Mân Côi phát triển ra ở nhiều nơi.

Cha Bề Trên Giám Tỉnh, đại diện Bề Trên Tổng Quyền, có quyền thành lập, cổ võ và phổ biến Hội Mân Côi trong lãnh thổ của Tỉnh Dòng. Cha Bề Trên Giám Tỉnh đã cháu đảm trách vai trò và công việc này.

PV: Hội Mân Côi tại Việt Nam đã được thành lập khi nào và đến nay được bao nhiêu hội viên?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Theo các cha lớn tuổi trong Tỉnh Dòng, các vị thừa sai đã phổ biến Hội Mân Côi từ rất lâu tại các giáo phận do Dòng Đa Minh đảm trách (Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, khi giáo dân từ các giáo phận này di cư vào Nam, thì Hội Mân Côi cũng được thành lập tại nhiều giáo xứ di cư. Đứng trước nhu cầu mục vụ đó, cha Giuse Nguyễn Tri Ân đã dày công biên soạn cuốn “Hội Mân Côi” bằng tiếng Việt (Chân Lý Xuất Bản, 1958), và ngài cũng ra sức thành lập Hội Mân Côi nhiều nơi.

Sau biến cố 1975, Hội Mân Côi chỉ sinh hoạt tại các giáo xứ hoặc mỗi hội viên tự thực hiện lấy bổn phận một cách âm thầm. Kể từ đây, các mối liên hệ giữa Tỉnh Dòng và các Hội Mân Côi, giữa các Hội với nhau hầu như bị cắt đứt. Tỉnh Hội năm 2007 đã chỉ thị tái lập Hội Mân Côi. Sau năm này, công việc cổ võ Kinh Mân Côi bắt đầu được xúc tiến trở lại. Tỉnh Hội năm 2011 tiếp tục khuyến khích anh em Đa Minh thành lập Hội Mân Côi và cổ võ Kinh Mân Côi.

Cháu mới đảm nhận công việc này từ hơn một năm nay. Bước đầu chỉ phổ biến trên website (www.kinhmancoi.net) mà thôi. Khoảng gần một năm trở lại đây, cháu mới phổ biến Hội Mân Côi và Nhóm Mân Côi bằng các phương thức khác. Cháu thật bất ngờ khi thấy nhiều người hưởng ứng đăng ký gia nhập. Chúng cháu chưa thống kê, nhưng hằng ngày cháu biết là có nhiều người tại nhiều giáo xứ gia nhập rất đông. Có giáo xứ gia nhập gần hết: người lớn thì vào Hội (lần hạt 5 chục Kinh Mân Côi mỗi ngày), thiếu nhi và giới trẻ thì vào Nhóm (lần hạt 1 chục Kinh Mân Côi mỗi ngày). Đúng là quá sức tưởng tượng. Cháu nói vui với một số người theo kiểu ngoài đời: “thành công rực rỡ”. Cháu không đặt nặng về con số, nhưng điều cháu muốn nói là đã có nhiều người hiểu biết và yêu mến Kinh Mân Côi nhiều hơn.

PV: Thưa Thầy, làm sao mình biết và quản lý được các hội viên của Hội Mân Côi ạ?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Hội Mân Côi được tổ chức theo hai cách:

Cách thứ nhất, Hội Mân Côi hữu quan, giống như các Hội đoàn khác, có Ban Điều Hành... Vì là một Hội chuyên lo cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, nên cơ cấu tổ chức cũng đơn giản. Cách tổ chức Hội tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi địa phương. Chúng cháu không bận tâm về cách thức tổ chức lắm, mà chỉ nhắm vào việc giúp người ta liên kết chung một mục đích, ý hướng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

Cách thứ hai, Hội Mân Côi vô quan, là không có Ban Điều Hành và cũng không có sinh hoạt chung. Bất kỳ ai đủ điều kiện, dù ở đâu, đều có thể đăng ký ghi tên gia nhập Hội Mân Côi, trực tiếp với Đặc trách hoặc với Hội trưởng được Đặc trách nhờ. Việc lần hạt, mỗi hội viên tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện của bản thân mà thực hiện. Từ phản hồi qua các hình thức (email, điện thoại, thư từ...), cháu thấy rõ Kinh Mân Côi đang làm thay đổi nhiều người...

Trong tương lai, khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép, cháu sẽ đi thăm các Hội tại các địa phương, để có điều gì thì tìm cách giải quyết! Dự định cuối năm nay, cháu sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm từ Bắc chí Nam. Tất cả đang nhờ Trời!!!

PV: Thầy có thể cho quý độc giả biết tiêu chí nào để được gia nhập Hội Mân Côi ?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Cháu xin đưa ra đây một số điều liên quan đến Hội Mân Côi như điều kiện gia nhập, cách thức gia nhập, bổn phận-ơn ích-quyền lợi-ơn xá của hội viên

Người công giáo đến tuổi khôn (7 tuổi trở lên) đều có thể gia nhập Hội Mân Côi.

Ai đã gia nhập hội đoàn nào rồi, mà trong đó có bổn phận lần hạt Mân Côi, thì cũng có thể gia nhập Hội Mân Côi; và khi hoàn thành bổn phận trong hội đoàn đó thì cũng được coi là hoàn thành bổn phận đối với Hội Mân Côi miễn là có ý chỉ như thế.

PV: Điều kiện cũng không có khó, như vậy Hội Mân Côi đã có mặt được bao nhiêu giáo phận rồi ạ?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Cho đến hôm nay, hội viên (Hội Mân Côi vô quan) có mặt không chỉ ở hầu hết các giáo phận trong nước, mà nhiều người Việt ở nước ngoài đã biết tới và đăng ký. Có những nữ tu đang truyền giáo ở Phi Châu xin gia nhập để nhờ Hội cầu nguyện cho sứ vụ. Có nhiều công nhân đang đi làm ở Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Nga... cũng xin gia nhập. Nói tóm lại, tất cả các châu lục đều có người Việt xin gia nhập. Tạ ơn Chúa. Ngoài ra, có nhiều Hội Mân Côi đã được thành lập hơn 10, 20 – 50 năm, nay biết, cũng đã liên lạc sát nhập vào Hệ Thống Kinh Mân Côi Dòng. Sau mấy tháng xúc tiến, tại nhiều giáo xứ đã thành lập Hội Mân Côi.

PV: Được biết, chuỗi Mân Côi được tặng cho những hội viên. Vậy Thầy phải có nguồn kinh tế vững lắm để mua hạt và thuê người làm?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Cho đến hôm nay, Ban Cổ Võ đã tặng cho hội viên và nhóm viên khoảng gần 300.000 cỗ tràng hạt (300 ngàn). Chúng cháu chủ trương tặng chuỗi cho hội viên như là một quà tặng của Mẹ Mân Côi. Ngoài ra, chúng cháu cũng tặng nhiều thứ khác như sách Kinh Mân Côi, tài liệu... liên quan đến Kinh Mân Côi.

Về tài chính, chẳng có nguồn nào cả. Cháu hay nói vui: “đi ăn mày” ấy mà! Những người thân quen, khi biết cháu làm công việc này, thì đều sẵn sàng góp phần vào: người có ít thì góp ít, người có nhiều thì góp nhiều. Điều cháu nhận thấy là: không có dư, mà cũng chưa thấy thiếu!!! Người này thì góp mấy đồng để mua hạt, người khác thì lại bỏ công để làm tràng hạt. Đại khái là có nhiều người góp sức vào việc này. Lạ thật! Không có mà lại có. Có mà lại như không có! Bởi vì góp được bao nhiêu là chuyển đi nơi này nơi kia. Nhu cầu đang rất lớn!!!

PV: Chắc chắn Tỉnh Dòng Đa Minh hỗ trợ Thầy nhiều chứ ạ?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Khi sự việc cần thì gõ cửa Tỉnh Dòng. Từ khi nhận công việc đến nay, thì mới gõ cửa một lần thôi, lần ấy in nhiều thứ tài liệu quá! Hao! Tỉnh Dòng hoan nghênh công việc này. Nhân đây, cháu cũng muốn bày tỏ ước nguyện: mong sao có nhiều người chung tay góp sức vào việc cao quý này.

PV: Trong công việc quảng bá Kinh Mân Côi, Thầy có những Hội Dòng, hội đoàn hay cá nhân nào giúp sức không ạ?

Ts. Fx.Trần Kim Ngọc: Xét về phía tập thể trước hết là Tỉnh Dòng, tu viện, các Hội Dòng Nữ Đa Minh, Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh, các Nhóm Cầu Nguyện, đặc biệt hơn nữa là có các Chị Đan Sĩ Đa Minh...

Xét về cá nhân, có nhiều cá nhân từ nhiều miền, không thể kể hết được: người giúp công, người giúp tiền, người cầu nguyện...

Nhân đây, cháu cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới những đơn vị, cá nhân đã tích cực cộng tác trong công việc cổ võ Kinh Mân Côi. Cháu mong tiếp tục nhận được sự cộng tác từ quý vị, và nhiều đơn vị cùng các cá nhân khác nữa. Cháu vẫn thường nói vui: công việc không của riêng ai; mỗi người đều có công trong việc này; mỗi người mỗi cách, đều có thể chung tay làm vườn nho cho Chúa.

Xin chân thành cảm ơn Thầy với những chia sẻ đạo đức, tốt lành trong tháng Năm này. Xin cho sức mạnh của Kinh Mân côi lớn mãi và xin Mẹ chúc lành cho những công việc Thầy làm.