Âm mưu che đậy cuả truyền thông Hoa Kỳ

Những lời khai trước toà cho biết đã có hằng trăm thai nhi vẫn còn sống sót sau những cuộc phá thai vội vã, nhân chứng khai rằng có nghe thấy những tiếng khóc như cuả một 'người hành tinh xa'. Và nhiều trường hợp, nhân viên phá thai nhận tội đã dùng kéo bấm vào gáy cuả thai nhi cho xương sống gẫy đi, một hình thức 'chặt đầu', để kết liễu chúng.

Đó chỉ là một phần nhỏ cuả cuộc xử án, còn rất nhiều chi tiết kinh dị khác, nhưng sau gần một tháng xử án công khai...giới truyền thông 'phóng khoáng' (liberal) và 'phò phá thai', gồm tất cả các hệ thống thông tin lớn ở Mỹ, đã giữ một thái độ im lặng, nếu không phải là cố tình 'che đậy'. Thậm chí ngay tại thành phố Philadelphia là nơi xử án, tờ Philadelphia Inquirer chỉ đăng tin đó một lần ở trang bên trong.

Nhưng sự che đậy đó đang bị khui ra, bắt đầu từ thứ Năm tuần qua, nhiều tiếng nói bất bình đã gióng lên một cách giận dữ và mạnh mẽ.

Dân biểu Chris Smith Hoa Kỳ (R N.J.) đã lên tiếng chỉ trích tại diễn đàn Hạ Viện việc mà ông gọi là một sự "giấu giếm cuả hệ thống truyền thông quốc gia" về một sự kiện ông đặt tên là 'vụ án ngôi nhà kinh dị' cuả Gosnell (Gosnell’s 'house of horrors' trial.)

Cô Kirsten Powers, một phóng viên phóng khoáng, dù có nhiều thành tích hoạt động cho đảng Dân Chủ, cũng đã phải bất bình và đặt một câu hỏi về tính trung thực cuả hệ thống thông tin Mỹ trên tờ 'USA Today'.

Trên mạng xã hội Twitter, một cơn bão đang bị khấy động lên bởi cô Mollie Hemingway, phóng viên cuả tờ 'Christianity Today'. Cô đích danh nêu thẳng vấn đề với tờ Washington Post về việc tờ báo này chưa có tin tức gì về vụ án trong khi họ thường nhanh chóng loan đi những tin sốt dẻo về các giáo hội Kitô giáo.

Nhiều người đã phụ hoạ với cô Mollie và cho đến chiều thứ Năm, thì tiết mục "#Gosnell" đã trở thành một tiết mục được đóng góp nhiều nhất trên mạng Twitter.

Cho nên, dù muốn hay không, sức ép dư luận sẽ bắt buộc giới truyền thông Mỹ phải đề cập đến 'sự thật bất tiện' này, là vụ án Gosnell. Dù cho họ thuận hay chống thì vấn đề Phá Thai sẽ được bàn cãi một cách đúng đắn và công bình hơn.

Ngày thứ Hai hôm qua, toà xử đã chật ních người xem, các hãng thông tấn đều có phái người đến theo dõi.

(Xin lưu ý: sau đây có trích dẫn các biên bản của bồi thẩm đoàn với nhiều đoạn tả chân rất kinh dị, vậy xin đừng cho các em nhỏ đọc và những người lớn hay xúc động cũng không nên đọc tiếp.)

Sơ lược vụ án Gosnell

Sau khi vấn đề che đậy bị phanh phui, phóng viên Conor Friedersdorf cuả tờ Atlantic đã viết một bài nghiên cứu khá đầy đủ về vụ án, xin tóm lược lại như sau:

Vào ngày 18 tháng 2 năm 2010, nhân viên cảnh sát liên bang FBI đã đột kích cơ sở "Women's Medical Society" cuả bác sĩ Kermit Gosnell ở Philadelphia vào lúc 8:30 tối. Mục đích là để thu thập những bằng chứng liên quan đến những tố cáo là cơ sở này đã bán thuốc 'hạn chế' cho thân chủ mà không đòi hỏi phải có toa bác sĩ.

Khi vào bên trong, nhân viên liên bang nhanh chóng nhận ra có một cái gì đó không ổn. Theo lời khai ghi lại trên biên bản nộp cho Bồi Thẩm Đoàn sau này thì:

"Có nhiều vết máu trên sàn nhà. Mùi nước tiểu nồng nặc trong không khí... Một con mèo đầy bọ chét đang lê la rảo chơi khắp chốn, phân mèo vương vãi ở từng nấc thang một. Nhiều Phụ nữ 'nửa tỉnh nửa mê' đang rên rỉ ngồi chờ để phá thai hoặc nằm trên các chiếc ghế mây với những tấm chăn vấy máu trong phòng hồi sinh. Tất cả những phụ nữ này đã bị đánh thuốc mê bởi những nhân viên không có giấy phép hành nghề."

Họ cũng được tiết lộ cho biết đã có một bệnh nhân thiệt mạng tại cơ sở một vài tháng trước.

Cũng theo biên bản nộp cho bồi thẩm đoàn thì sau đó các quan chức y tế đã được gọi đến để kiểm tra phòng phẫu thuật và đã kết luận là "Dụng cụ không có khử trùng. Thiết bị đã lỗi thời và rỉ sét. Các bình cung cấp dưỡng khí phủ đầy bụi, không có dấu kiểm tra. Cái ống hút sử dụng cho việc phá thai đã bị rỉ sét và cũng là cái ống duy nhất để trợ giúp bệnh nhân thở bằng miệng khi cần. Không có thiết bị cấp cứu hoặc để theo dõi sức khoẻ, ngoại trừ một chiếc dây đo mạch máu."

Sau khi kiểm tra thêm những nơi ngoài phòng phẫu thuật, "nhân viên điều tra đã phát hiện ra nhiều thai nhi được lưu trữ một cách tuỳ tiện, như giữ trong túi xách, trong bình sữa, hộp nước cam, và thậm chí trong các hộp đựng thức ăn cho mèo."

Và "chính ông BS Gosnell cũng phải thú nhận với thanh tra Wood rằng có ít nhất là 10 đến 20% thai nhi có thể lớn hơn 24 tuần. Mặc dù luật ở Pennsylvania cấm phá thai sau 24 tuần. Trong một số trường hợp, có những vết mổ đã được phát giác ra tại gáy cuả các đầu lâu."

Giấy phép hành nghề cuả bác sĩ Gosnell đã nhanh chóng bị đình chỉ. 18 ngày sau đó, Bộ Y tế đóng cửa phòng khám.

Công tố viện đã đệ trình trường hợp lên bồi thẩm đoàn vào ngày 4 tháng 5 năm 2010 với chứng từ cuả 58 nhân chứng.

Cuộc xử bắt đầu ngày 18 tháng 3 năm 2013 vừa qua, và có thể kéo dài hàng tháng nữa.

Ở Pennsylvania, hầu hết các bác sĩ không thực hiện phá thai sau tuần thứ 20, nhiều người vì lý do sức khỏe, những người khác vì lý do đạo đức. Phá thai sau 24 tuần là bất hợp pháp. Được biết trước năm 2009, BS Gosnell đã thực hiện phá thai từ các tam cá nguyệt thứ nhất và đầu tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, theo lời cuả những nhân viên cũ thì, phòng khám của ông bị ế ẩm vì mang tiếng xấu, cho nên ông đã thu hút các vụ phá thai không thể thực hiện được ở nơi khác.

"Nam nhân viên Steven Massof ước tính rằng có đến 40% phá thai được thực hiện bởi Gosnell là ở cuối tam cá nguyệt thứ hai, khi các bào thai đã lớn hơn 24 tuần rất nhiều."

"Nữ nhân viên Latosha Lewis khai rằng việc Gosnell thực hiện các thủ tục trên 24 tuần là quá nhiều và cô không thể đếm nổi, những đứa trẻ quá 26 tuần thì rất thường xuyên. Trong vài năm gần đây, cô làm chứng, Gosnell ngày càng nhận nhiều thân chủ đến từ các tiểu bang khác, tất cả đều có thai quá 2 tam cá nguyệt hoặc hơn nữa. Theo ước tính, Gosnell thực hiện ít nhất bốn hoặc năm vụ phá thai bất hợp pháp mỗi tuần. "

Báo cáo lên bồi thẩm đoàn còn có một hình ảnh cuả một trường hợp cực kỳ đặc biệt: Đó là trường hợp một người mẹ đã phải chạy đến xin cấp cứu ở một bệnh viện sau khi việc phá thai tại văn phòng của Gosnell bị tắc nghẽn và người ta đã chụp hình đứa trẻ đã chết ngộp trong bụng mẹ đó.

Báo cáo của bồi thẩm đoàn tóm tắt các vụ phá thai muộn tại phòng khám này với những đoạn văn sau đây:

"Khi bạn thực hiện một cuộc 'phá thai muộn' bằng cách ép làm ra xẩy thai, thì bạn sẽ có một em bé sinh ra. Nó sống, thở, và loay hoay. Sau 24 tuần tuổi, hầu hết các trẻ sinh non sẽ sống nếu chúng nhận được sự chăm sóc y tế thích hợp. Nhưng đó không phải là việc làm cuả cơ sở Women's Medical Society. Gosnell có một giải pháp đơn giản hơn cho những đứa trẻ bị ruồng bỏ mà ông ta đã đỡ đẻ chúng ra: ông ta giết chúng đi. Ông ta không gọi việc đó là giết. Ông gọi việc đó là 'đảm bảo cho một bào thai không có sự sống'. Cái cách ông ấy 'đảm bảo cho bào thai không có sự sống' là đút một cái kéo vào phía sau cổ của đứa bé và cắt dây cột sống cuả nó. Ông ta gọi việc đó là 'cắt rễ' ('snipping'.)"

"Đã có hàng trăm vụ 'cắt rễ' như vậy. Đôi khi, nếu Gosnell không có mặt, thì việc 'cắt rễ' được thực hiện bởi một trong nhiều bác sĩ giả của ông, hoặc thậm chí do một nhân viên thư ký văn phòng."

"Tuy nhiên, dù cho tất cả mọi nhân viên của Women's Medical Society đều biết như vậy. Mọi người vẫn hành động như thể đó không phải là việc giết người. Và hầu hết những hành vi trên không thể bị truy tố, vì Gosnell đã hủy hết các hồ sơ. Trong một số trường hợp ít ỏi có thể thụ lý được, thì có một thai nhi gọi là Baby Boy A, người mẹ 17 tuổi đã mang thai gần 30 tuần - 7 tháng rưỡi - khi cái thai đó bị xẩy. Một nhân viên đã ước tính trọng lượng cuả nó là 6 lbs (3 ký). Nó vẫn thở và chuyển động khi Gosnell cắt xương sống và đặt nó vào một cái hộp giày để vất đi. Ông Bác sĩ còn nói đùa rằng thằng bé này lớn quá, thậm chí nó có thể "dẫn ông ta đi bộ tới bến xe buýt." Một trường hợp khác, Baby Boy B, xác được tìm thấy trong một hũ nước có dung tích một gallon còn giữ trong tủ lạnh, bé trai này ít nhất đã được 28 tuần khi bị giết. Môt đứa khác, Bé C, đã giẫy dụa và thở được 20 phút trước khi một trợ lý cắt tủy sống nó."

"Nhưng những vụ này vẫn chưa phải là những trường hợp xấu nhất." Biên bản viết tiếp.

Ngược đãi bệnh nhân

Ngoài những cáo buộc giết người mà giới truyền thông chú ý vào. Báo cáo của bồi thẩm đoàn cũng cho thấy cơ sở Women's Medical Society là một nơi kinh hoàng cho các bệnh nhân.

Thiếu vệ sinh chỉ là một khởi đầu.

Một phụ nữ "bị bỏ lơ nằm tại chỗ trong nhiều giờ sau khi Gosnell làm rách cổ tử cung và đại tràng của cô sau khi đã cố gắng không thành công để moi thai nhi ra," bản báo cáo viết. Một bệnh nhân khác, 19 tuổi, "đã bị giữ lại nhiều giờ sau khi Gosnell làm thủng tử cung của cô. Vì sự chậm trễ này, cô đã lên cơn động kinh vì mất máu, và phải cắt bỏ tử cung." Một bệnh nhân thứ ba "đã co giật trong lúc phá thai, lăn ra ngoài bàn mổ, và đập đầu xuống sàn. Nhưng Gosnell không gọi xe cứu thương, và không cho phép người đồng hành cuả người phụ nữ rời khỏi tòa nhà để gọi xe cứu thương. "

Thông thường, phụ nữ được cho uống thuốc để kích thích cơn đau đẻ trước khi bác sĩ đến. Một cựu nhân viên cho biết:

"Nếu. .. thai nhi có vẻ sắp ra, thì tôi sẽ đưa người phụ nữ vào phòng tắm, họ sẽ ngồi trên cầu vệ sinh và như thế em bé sẽ rơi vào bồn cầu và tôi sẽ xoa lưng cho cô ta để giữ cho cô ta bình tĩnh trong ba, bốn giờ cho đến khi BS Gosnell đến. Cô ta sẽ không được di chuyển."

Một ca tử vong:

Đó là một phụ nữ 41 tuổi, tên là Karnamaya Mongar, một người Nepal tị nạn mới đến Hoa Kỳ. Khi bà ta đến phòng khám, Gosnell, như thường lệ, không có ở đó. Nhân viên văn phòng đã cho bà ta ký một đống giấy tờ mà bà không hiểu, và sau đó bắt đầu trích thuốc mê. Bà ta bị chích liều thuốc Demerol nhiều lần mà không có sự canh chừng giám sát, đây là một loại thuốc an thần ít còn được sử dụng trong những năm gần đây vì có nhiều nguy hiểm. Gosnell thích nó bởi vì giá rẻ. Sau vài giờ, bà Mongar ngừng thở. Khi các nhân viên phát giác ra, thì Gosnell được gọi đến và đã cố gắng cung cấp hô hấp nhân tạo CPR. Ông không thể sử dụng máy rung tim (nó đã bị hỏng), ông cũng không dùng các loại thuốc khẩn cấp có thể khởi động lại tim. Sau một thời gian chậm trễ tối khẩn như thế, thì nhân viên cấp cứu mới được gọi đến, nhưng có lẽ não cuả bà Mongar đã chết trước khi họ được gọi. Trong thời gian đó, các nhân viên phòng khám ráp nối lại máy móc, sắp xếp lại cơ thể của bà để làm cho nó trông giống như là họ đang thi hành một thủ tục phá thai an toàn.

Thậm chí sau đó, có thể đã có một chút hy vọng mỏng manh cho sự sống cuả bà Mongar. Nhân viên cấp cứu nhận ra một nhịp mạch còn đập yếu ớt. Nhưng, bởi vì cửa an toàn đã bị khoá và các hành lang dẫn ra cửa chưá đầy đồ đạc lộn xộn, cho nên phải mất hơn hai mươi phút nữa họ mới tìm ra một cách để đưa bà ta ra khỏi tòa nhà. Các bác sĩ tại bệnh viện đã giữ cho tim cuả bà ta đập, nhưng họ không biết phải điều trị cái gì, bởi vì Gosnell và nhân viên của ông đã nói dối về liều thuốc mê họ chích cho bà ta. Tới lúc đó thì đã có không có cách nào để khôi phục lại hoạt động thần kinh. Máy móc hỗ trợ sự sống được gỡ bỏ vào ngày hôm sau. Karnamaya Mongar được tuyên bố đã chết.

Thêm một chi tiết thú vị: Một cựu nữ nhân viên làm chứng rằng các bệnh nhân da trắng thường không phải chờ đợi ở các phòng bẩn thỉu như các khách hàng da đen và châu Á. ông Gosnell sẽ mời họ vào một văn phòng sạch sẽ (duy nhất) có bảng tên ghi là - Bác sĩ O'Neill. - và ông sẽ bật TV cho họ xem.

Bà Mongar, cô nói, là người Ấn Độ, đã được điều trị "không khác những phần còn lại của châu Phi và châu Á. "

Người nữ nhân viên cho biết thêm:

"Ông ta sẽ không màng đến việc bạn tiêm thuốc mê cho một cô gái người Mỹ gốc Phi, hoặc một cô gái Ấn Độ, nhưng nếu bạn có một cô gái da trắng đến từ vùng ngoại ô, oh, bạn tốt hơn không trị bịnh cho cô ta. Bạn tốt hơn là chờ đợi cho đến khi ông ta tới và nói chuyện với cô ấy. Có một ngày tôi đã nói xa xôi để cho ông ta hiểu có sự phân biệt đối xử đấy, thì ông làm ra vẻ đó là cách sống của thế giới. Huh?"

"Và ông ta gạt việc ấy đi và thế là hết chuyện."

Thuốc mê thường xuyên được sứ dụng bởi những nhân viên không có giấy phép và cũng không được đào tạo để làm điều đó. Hầu hết nhân viên đều làm những gì họ được ra lệnh, nhưng một học sinh trung học 15 tuổi tập sự tại phòng khám đã phản đối:

Cô Marcella Stanley Choung, cho biết rằng việc "đào tạo" để đánh thuốc mê là 15 phút giải thích cuả Gosnell và đọc một biểu đồ treo trên một cái tủ. Cô ta rất khó chịu về việc đánh thuốc mê các bệnh nhân đến nỗi "đã không ngủ được ban đêm." Cô biết rằng nếu cô phạm một lỗi nhỏ, "Tôi có thể giết chết người phụ nữ này, nhưng tôi không muốn ở tù". Một đêm vào năm 2002, khi cô ta ở một mình với 15 bệnh nhân, cô đã từ chối chỉ thị cuả Gosnell trị bịnh cho họ. Cô tìm một cái cớ, đi ra chỗ đậu xe, lái xe đi, và không bao giờ trở lại.

Choung ngay lập tức nộp đơn khiếu nại với Bộ Ngoại Giao (State department, Quốc Vụ), nhưng bộ này không bao giờ giải quyết việc đó.

Những thất bại cuả chính quyền.

Những điều kinh dị như thế gợi ra một câu hỏi: Làm thế nào mà đã quá lâu như thế mà không có ai dừng việc ấy lại?

Bồi thẩm đoàn cũng đặt một câu hỏi tương tự trong bản báo cáo như sau.

Pennsylvania không phải là một thế giới thứ ba. Đã có nhiều cơ quan giám sát có cơ hội đóng cửa Kermit Gosnell từ lâu. Tuy nhiên, không cơ quan nào đã làm việc ấy...

Trên tuyến đầu là Bộ Y tế Pennsylvania. Công việc của bộ phận kiểm tra các bệnh viện và cơ sở y tế, như cuả Gosnell, là để bảo đảm các quy tắc và việc dịch vụ an toàn. Cơ hội đầu là khi Women's Medical Society xin giấy phép vào năm 1979. Nhưng bộ y tế đã không tiến hành việc kiểm tra cho đến năm 1989, tức là mười năm sau. Nhiều vi phạm đã bị khám phá, nhưng Gosnell hứa sẽ sửa chữa và vẫn được phép hoạt động. Những đánh giá tiếp theo vào những năm 1992 và 1993 cũng ghi nhận nhiều vi phạm khác, nhưng một lần nữa bộ y tế đã không theo dõi nếu chúng có được sửa chữa hay chưa.

Nhưng ít nhất thì các bộ phận đó có làm một cái gì đó, dù là không có hiệu quả. Nhưng sau năm 1993 thì ngay cả một hình thức ủng hộ cho những nỗ lực yếu kém đó cũng đã kết thúc. Bộ Y tế Pennsylvania đã đột ngột quyết định, vì lý do chính trị, không kiểm tra các cơ sở phá thai nữa... Ngoại lệ duy nhất là chỉ điều tra khi có khiếu nại trực tiếp với bộ y tế. Nhưng những khiếu nại liên tục về Gosnell thì vẫn không được điều tra. Nhiều luật sư đại diện cho những phụ nữ bị thương bởi Gosnell đã liên lạc với bộ y tế. Một bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng ở Philadelphia đã trao đơn khiếu nại tận tay, và tư vấn cho bộ y tế rằng rất nhiều bệnh nhân mà ông giới thiệu đi phá thai ở cơ sở cuả Gosnell đã trở lại với ông có cùng một loại bệnh hoa liễu. Nhân viên kiểm tra y tế của quận Delaware cũng thông báo cho bộ y tế là Gosnell đã thực hiện phá thai bất hợp pháp cho một cô gái 14 tuổi đã mang thai 30 tuần. Và bộ y tế cũng đã nhận được thông báo chính thức rằng một người phụ nữ tên là Karnamaya Mongar đã chết vì Gosnell.

Tuy nhiên, không một hồi chuông cảnh báo đó - ngay cả cái chết của bà Mongar - đã thúc đẩy bộ y tế xem xét lại trường hợp cuả Gosnell hoặc Women's Medical Society... Nhưng ngay cả khi mà Sở Y tế hoàn toàn bất lực thì một cơ quan có thẩm quyền khác trong lĩnh vực y tế, là Bộ Ngoại Giao Pennsylvania, có thể đã có thể ngưng Gosnell.

Bộ Ngoại Giao, thông qua Hội đồng Y khoa, cấp giấy phép và giám sát các bác sĩ cá nhân. .. Gần một thập kỷ trước, một cựu nhân viên của Gosnell đã đệ đơn khiếu nại về toàn bộ những vi phạm vi của Gosnell: điều kiện ô uế, không khử trùng, nhân viên không có giấy phép, không có việc giám sát thuốc mê, bệnh nhân phá thai còn ở tuổi vị thành niên, thậm chí còn bán quá liều những thuốc giảm đau có giá trị bán lại cao trên đường phố. Bộ Ngoại Giao chỉ định một nhà điều tra, chủ yếu là phỏng vấn bên ngoài với Gosnell. Nhân viên điều tra không bao giờ tới kiểm tra cơ sở, đặt câu hỏi với các nhân viên, hoặc xem xét bất cứ hồ sơ nào. Luật sư cuả Bộ Ngoại Giao đã chấp nhận cuộc điều tra không đầy đủ này, và bác bỏ những khiếu nại là không được xác nhận.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại Giao lại nhận được một báo cáo đáng lo ngại hơn về một người phụ nữ đã chết vì nhiễm trùng sau khi Gosnell đục lủng tử cung cuả cô, một năm trước vụ Karnamaya Mongar. Người phụ nữ này mới 22 tuổi. Vụ kiện dân sự chống lại Gosnell đã được điều đình với giá một triệu đô la, và các công ty bảo hiểm đã chuyển các thông tin đến bộ Ngoại Giao. Báo cáo đó đáng lẽ là hội đủ các xác nhận cần thiết cho các đơn khiếu nại từ các cựu nhân viên đã có trong hồ sơ của bộ Ngoại Giao. Nhưng thay vào đó, luật sư cuả bộ bác bỏ đơn khiếu nại này... Những sự việc tương tự cũng đã xảy ra ít nhất là hai lần nữa: bộ đã nhận được nhiếu khiếu nại về Gosnell, nhưng coi chúng như vô nghĩa. ..

Sở y tế lao động Philadelphia thường xuyên đến thăm Women's Medical Society để lấy mẫu máu thử nghiệm, nhưng không bao giờ nhận thấy, hoặc không bao giờ muốn phiền hà để báo cáo, về bất cứ điều gì không ổn. Một nhân viên khác đến kiểm tra phòng khám vì có đơn khiếu nại rằng có bào thai chết lưu trữ trong túi giấy để ở trong tủ lạnh ăn trưa của nhân viên. Việc kiểm tra xác nhận rất nhiều vi phạm. .. Nhưng không có theo dõi tiếp theo... Một đại diện của Sở y tế cũng đến phòng khám trong một chương trình tiêm chủng trên toàn thành phố. Cô đã kịp thời phát hiện ra rằng Gosnell là một tên lừa đảo, cô là người duy nhất thực sự cố gắng để làm một cái gì đó về những điều kinh khủng cô nhìn thấy ở đó. Bằng cách đặt câu hỏi và xoi bói xung quanh, cô đã nộp một báo cáo chi tiết xác định nhiều yếu tố nghiêm trọng nhất. Báo cáo cuả cô đã đủ để ngăn chặn ông ta. Nhưng báo cáo của cô đã bị dìm vào một hố đen, một tuần trước khi Karnamaya Mongar bước vào cửa Woman's Medical Society.

... Và không chỉ là lỗi cuả các cơ quan chính phủ. Bệnh viện Đại học Pennsylvania và công ty thống thuộc, Penn Presbyterian Medical Center, nằm trong cùng một khu vực cuả văn phòng của Gosnell. Luật Tiểu Bang đòi hỏi các bệnh viện báo cáo các biến chứng do nạo phá thai. Một thập kỷ trước, một bệnh nhân cuả Gosnell đã chết tại phòng cấp cứu cuả bệnh viện sau khi phá thai hỏng, và bệnh viện dường như có nộp báo cáo cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân khác vẫn tiếp tục đến. Ít nhất là có ba bệnh nhân cuả Gosnell đã được đưa đến Penn để giải phẫu khẩn cấp, nhân viên cấp cứu cũng cho biết họ đã điều trị nhiều người khác nữa. Và ít nhất là một người phụ nữ đã phải nhập viện sau khi Gosnell bắt đầu phá thai trắng trợn bất hợp pháp những thai nhi 29 tuần tuổi. Tuy nhiên, khác với báo cáo lúc ban đầu, Penn không thể tìm thấy một trường hợp duy nhất nào khác mà nó đã tuân thủ nghĩa vụ pháp lý là cảnh báo các cơ quan chức năng về sự nguy hiểm này. Không cả ngay khi một người phụ nữ thứ hai đã được đưa qua hầu như đã chết. ..

Và cả hội Liên bang Phá thai quốc gia (National Abortion Federation) cũng thất bại.

NAF là một hiệp hội của các nhà cung cấp phá thai có mục đích nghiêm ngặt duy trì tiêu chuẩn y tế và pháp lý cuả các thành viên. Gosnell, một thời gian ngắn sau khi cái chết của Karnamaya Mongar, đã nộp đơn xin nhâp hội. Một nữ nhân viên cuả NAF đã được phái tới điều tra và dễ dàng lưu ý rằng hồ sơ không giữ đúng cách, những rủi ro không được giải thích, các bệnh nhân không được giám sát, thiết bị không có sẵn, thuốc mê được sử dụng sai mục đích. Đó là một phòng phá thai tồi tệ nhất mà cô đã kiểm tra. Đơn cuả Gosnell bị bác. Nhưng cô ấy không bao giờ báo cáo với thẩm quyền cao hơn về những điều khủng khiếp nguy hiểm cô đã nhìn thấy.

Kết luận rút tiả ra thì đáng buồn.

Đổ tội cho hệ thống quan liêu thì dĩ nhiên, nhưng không mới lạ gì.

Nhưng còn có một cái gì đó đã là lý do làm cho không ai dám có hành động. Phải chăng bởi vì những người phụ nữ liên hệ là người nghèo và da màu? bởi vì các nạn nhân là những đưá trẻ không tên tuổi? và bởi vì chủ đề phá thai là những màn đá bóng chính trị?