Tổng Giám mục Argentina cảnh báo chống lại một ‘Giáo Hội Thế Tục”.

Tổng Giám mục Havana nói rằng bài phát biểu của Hồng Y Jorge Bergoglio (bây giờ là Giáo hoàng Phanxicô) tại cuộc họp tiền mật viện của các Hồng Y thì “xứng bậc thầy dạy” và “rõ ràng”.

Hồng Y Jaime Lucas Ortega y Alamino đã nói về bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio trong một Thánh lễ ngày thứ Bảy ở Cuba, khi trở về quê hương sau chuyến đi tới Rôma chào từ biệt Đức Bênêđíctô, tham dự mật viện và chào đón Đức Phanxicô.

Hồng Y Ortega nói rằng Hồng Y Bergoglio đã trao cho ngài những ghi chú chép tay bài phát biểu và cho phép ngài chia sẻ cho người khác nội dung của nó.

Hồng Y Ortega nói: “Cho phép tôi chia sẻ với anh chị em tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, hầu như là hoa quả đầu tiên của ngài, về sứ vụ của Giáo Hội,”

Orlando Marquez, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Havana, nói với Zenit rằng, trong Thánh lễ thứ Bảy, Tổng Giám mục Havana xem bài phát biểu như thể “xứng bậc thầy dạy, khai sáng, mời gọi một sự dấn thân, và quả là chân thực”.

Sau đó, ngài đọc toàn bộ bản văn mà vị Giáo Hoàng tương lại cho ngài. Trong bản văn đó, vị Giáo Hoàng tương lai này tóm tắt trong bốn điểm các tư tưởng mà ngài muốn chia sẻ với các Hồng Y, và trình bày viễn ảnh của cá nhân ngài về Giáo hội hiện nay.

Điểm đầu tiên là về Phúc Âm hóa, và ngài nói rằng “Giáo Hội phải đi ra khỏi chính mình và đến với vùng ngoại biên”, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh, được tỏ lộ trong mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công và ngu dốt.

Điểm thứ hai là một lời phê bình về một Giáo Hội “qui ngã”, nhìn vào chính mình theo kiểu “tự yêu mình” (theological narcissism), tách biệt khỏi thế giới và “giữ Đức Giêsu Kitô bên trong Giáo Hội và không cho phép Ngài đi ra ngoài”.

Như là hậu quả của điều đó, có hai hình ảnh về Giáo Hội, theo điểm thứ ba trong bài phát biểu của Hồng Y Bergoglio: một “Giáo Hội phúc âm hóa, đi ra khỏi mình” và “một Giáo Hội trần tục, sống đóng khung trong chính mình, vì mình và cho mình”. Và nhận xét này phải “đem lại ánh sáng cho những thay đổi và cải cách khả thi, cần thực hiện” trong Giáo hội.

Ở điểm cuối cùng, Hồng Y Bergoglio nói với các Hồng Y về điều ngài mong chờ nơi vị sẽ được tuyển chọn để lãnh đạo Giáo hội: “Một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô… sẽ giúp Giáo Hội đi ra khỏi chính mình hướng về những vùng ngoại biên hiện sinh.”

Tổng Giám Mục Havana giải thích trong bài giảng của mình rằng, vì ngài đồng ý với nét phác thảo đó về Giáo Hội, ngài đã hỏi Hồng Y Bergoglio có bản viết về bài phát biểu đó không, vì ngài muốn giữ nó. Hồng Y Bergoglio trả lời là ngài không có.

Tuy nhiên, Hồng Y Ortega nói tiếp rằng, sáng ngày hôm sau, “với sự cân nhắc kỹ lưỡng”, Hồng Y Bergoglio đã cho ngài bản viết tay bài phát biểu đúng như những gì người còn nhớ.

Khi ấy, Hồng Y Ortega đã xin và nhận được sự chấp thuận của Hồng Y Bergoglio cho phép ngài chia sẻ những tư tưởng đó trong Giáo Hội.

Sau khi đức Phanxicô được bầu chọn, Hồng Y Ortega lại xin phép để chia sẻ bài phát biểu, và Đức Phanxicô lại đã đồng ý. Hồng Y Ortega nói rằng ngài đang giữ bản gốc bài phát biểu như là một kho báu đặc biệt của Giáo hội và là vật kỷ niệm quý báu của vị Giáo hoàng hiện nay của Giáo Hội.

Palabra Nueva, tạp chí của Tổng Giáo phận Havana do Orlando Marquez điều hành, đã đăng những ghi chú mà Hồng Y Bergoglio trao cho Hồng Y Ortega.

Niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa

Nói về phúc âm hoá. Đó là lý do hiện hữu của Giáo hội -- "niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa" (Đức Phaolô VI). Chính Đức Giêsu thúc đẩy chúng ta tự bên trong.

1. Phúc âm hóa bao hàm lòng nhiệt thành tông đồ. Phúc âm hóa bao hàm một ước muốn trong Giáo Hội đi ra khỏi chính mình. Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh: những vùng liên hệ tới mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công, ngu dốt, của những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng và của mọi cảnh khốn cực.

2. Khi Giáo Hội không ra khỏi chính mình để phúc âm hóa, Giáo Hội trở nên “qui ngã” và sau đó bị nhuốm bệnh (x. người đàn bà còng lưng trong Tin Mừng). Những điều xấu xa theo thời gian xảy ra trong thể chế Giáo Hội có nguồn gốc từ sự qui ngã và một thứ “tự yêu mình” (theological narcissism). Trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu nói rằng Ngài đứng ở cửa và gõ. Rõ ràng bản văn liên hệ tới việc Ngài gõ cửa từ bên ngoài để vào bên trong, nhưng tôi nghĩ về những lần Đức Giêsu gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho Ngài đi ra bên ngoài. Giáo Hội qui ngã giữ Đức Giêsu bên trong mình và không để Ngài đi ra ngoài.

3. Khi Giáo hội qui ngã nhưng không ý thức điều đó, Giáo Hội tin rằng mình có ánh sáng của riêng mình. Giáo Hội hết là mầu nhiệm mặt trăng (the mysterium lunae) và mở đường cho sự dữ lớn lao là sự thế tục hóa tinh thần (spiritual worldliness) (Theo De Lubac, đây là sự dữ tồi tệ nhất có thể tấn công Giáo Hội). Giáo Hội qui ngã sống chỉ để làm vinh danh cho nhau. Nói cách đơn giản, có hai hình ảnh về Giáo Hội: Giáo Hội phúc âm hóa đi ra khỏi chính mình, lắng nghe Lời của Thiên Chúa và loan báo cách trung thành, và Giáo Hội thế tục sống đóng khung trong chính mình, vì mình, và cho mình. Điều này phải đem lại ánh sáng cho những thay đổi và cải cách khả thi, cần thực hiện để cứu rỗi các linh hồn.

4. Nghĩ về vị Giáo Hoàng tương lai, ngài phải là một con người, nhờ việc chiêm ngưỡng và tôn thờ Đức Giêsu Kitô, giúp Giáo Hội ra đi, đến những vùng biên hiện sinh, giúp Giáo Hội trở nên người mẹ sinh hoa trái, sống niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc phúc âm hóa.

Nguồn Zenit 26/3/2013