Đừng quên đi niềm vui Chúa sống lại

THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH (2013)

Trong cử hành Phụng Vụ trang trọng đêm nay, chúng ta có thể nhận ra có 2 từ được Phụng Vụ sử dụng như là "điểm nhấn" quan trọng cho mầu nhiệm mà Hội Thánh cử hành. Đó là : "EXULTET" (Tiếng La Tinh : Mừng vui lên đi, hãy vui lên) và "HALÊLUIA" (Tiếng Do Thái : ngợi khen Đức Chúa).

Lý do gì mà Phụng Vụ "liên tục và hối thúc" chúng ta "Exultet - mừng vui lên" và "Halêluia-ngợi khen Đức Chúa" ? Tất cả chúng ta không ai là không trả lời được. Bởi vì đây là điều cốt yếu của đức tin Ki-tô giáo mà ! Vì không có điều cốt lỏi nầy thì chẳng có Ki-tô giáo.

Vâng chúng ta "vui mừng lên" vì Đức Ki-tô đã sống lại ; và chúng ta "ngợi khen Đức Chúa" vì công trình vĩ đại nhất mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta đó là "Con Một Ngài đã sống lại từ cõi chết" để mang ơn cứu độ cho toàn thể chúng sinh. Đúng là "Đây là ngày Chúa đã lập ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Haleeluia"

Và để làm bật nổi cái ý nghĩa cốt yếu trên, Phụng Vụ đã vận dụng tất cả : từ hình ảnh đến không gian (ánh lửa bừng lên trong đêm tối, ánh nến lung linh khắp giáo đường...) đến khối lượng dồi dào và phong phú của nhiều Bài Đọc Thánh Kinh từ Cựu ước tới Tân ước (9 bài) ; từ sự đa dạng và phong phú của Phụng Vụ Bí Tích (Rửa tội, Thêm Sức, Thánh Thể) đến những rộn rã tưng bừng của âm thanh và nhạc thánh : chuông rung, tiếng Halêluia vang vọng...Vâng, tất cả như một phông nền sống động để trình bày một mầu nhiệm cao cả : Đức Ki-tô Phục Sinh, Đức Ki-tô đã đập tan bóng tối sự chết để khải hoàn vinh thắng trong ánh quang rạng ngời của Phục Sinh.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ý nghĩa đặc biệt nầy qua những dòng thơ của các Thánh Thi Giờ Kinh Phụng Vụ Sáng và Chiều trong ngày hôm nay :

Đã im bặt câu than tiếng khóc

Đã hết rồi cảnh ngục thê lương

Sứ thần áo trắng vui mừng

Loan tin Chúa dã uy hùng phục sinh....

Tử thần hởi từ đây ngươi đã chết

Lúc Con Người ra khỏi mộ hiên ngang

Chúa Phục sinh khi mở cửa thiên dàng

Đã ra lệnh giam ngươi vào ngục tối.

Thế nhưng, mầu nhiệm Phục Sinh, hòn đá tảng của niềm tin Ki-tô, giáo lý và chứng từ đầu tiên của các Tông Đồ, lại chẳng phải là điều luôn luôn dễ đón nhận, nếu không nói là chuyện luôn gây dị ứng cho mọi nơi và mọi thời.

Chúng ta đừng quên rằng : ngay từ đầu, khi phiến đá che cửa mộ táng xác Chúa Giêsu mới vừa được khép lại, các quan chức Do Thái giáo đã dùng tiền bạc đút lót để hòng dập tắt mọi chuyện liên quan đến “vụ án Giêsu Nadarét”, và nhất là tìm cách ngăn ngừa và vô hiệu hóa mọi toan tính nếu có của những tên tông đồ mà theo họ, là cuồng tín và có khả năng bày đặt ra câu chuyện “phục sinh” của Thầy mình để biện minh cho những lời tiên báo của Thầy trước đó ; và họ cứ ngỡ rằng : bằng phiến đá to lấp cửa mộ, bằng vài tên lính canh đứng gác bên ngoài, bằng dấu triện niêm phong của quan tổng trấn Philatô…vĩnh viễn cái xác của tên “tội đồ” Giêsu Na-da-rét sẽ chết thúi trong mồ và tiếng tăm của “chàng thợ mộc” Giêsu Na-da-rét sẽ sớm chìm vào sọt rác của thời gian !

Nhưng oái ăm thay ! Cái chuyện mà loài người không ngờ tới thì Thiên Chúa lại "vận dụng". Chỉ bằng những bước chân hớt hải hoảng kinh của một nhóm đàn bà đi thăm mộ thấy mộ trống (như Tin Mừng Luca vừa được công bố), hay chỉ với những lời tường thuật đầy hoang mang sợ hải đượm một thoáng ngỡ ngàng của một thiếu phụ Maria Mađalêna đã vang bóng một thời là một cô gái làng chơi nức tiếng : “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mộ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” (Ga 20, 2), mọi toan tính “khai trừ Giêsu” khỏi thế giới sự sống và lịch sử của loài người của hội đồng cộng tọa Do Thái, của những người cương quyết chống lại Chúa Giêsu cho tới cùng đã trở nên “dã tràng xe cát”.

Vâng, Tin Mừng Phục Sinh, chân lý Phục Sinh, đạo của Đấng Phục Sinh lại khởi đi từ những cái xem ra "bé nhỏ, tầm thường" như thế. Thảo nào mà trong buổi "sinh tiền", Chúa Giê-su đã từng nêu bật những giá trị như "phúc cho ai có tinh thần nghèo khó", "Nước Trời giống như một hạt cải"...

Và chúng ta cũng hãy hãy nhớ rằng, khi những bước chân đầu tiên của các Tông Đồ mới vừa mạnh dạn mở cửa phòng Tiệc Ly để công bố cho dân Giêrusalem về Đấng Phục Sinh, liền bị quan chức Do Thái giáo đập cho te tua bằng lao tù, trấn áp, cấm ngăn…Nhưng Tin Mừng Phục Sinh vẫn cứ được truyền rao, làm chứng và thuyết phục khi tất cả họ đều sẵn sàng "vui mừng vì chịu khổ vì Chúa" và cương quyết làm chứng đến cùng cho chân lý Phục Sinh dầu phải đánh đổi cả mạng sống.

Và cuối cùng, một kẻ cứng lòng và phủ nhận Đức Ki-tô Phục Sinh cho tới tận cùng như Saolô thì cũng đành "ngã ngựa" và chịu khuất phục để trở thành một Tông Đồ, một chuyên viên rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Và cùng với niềm tin và lời rao giảng về của Phaolô cũng như của các môn đệ khác của Chúa Giêsu, cả đế quốc Rôma đã bị niềm tin Phục Sinh chinh phục cho đến khi “tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng tràn ra khắp cõi địa cầu”…

Và vì thế, chúng ta có thể nói được rằng : sở dĩ câu chuyện “Mồ Trống” của Bà Maria Mađalêna, câu chuyện Ngày Thứ Nhất trong tuần của hai môn đệ làng Emmau, của Phêrô, của Gioan…cứ sống mãi, cứ mới hoài và cứ đầy sức thuyết phục, vì suốt 2000 năm nay luôn tiếp nối liên tục những chứng từ, những ngôn sứ, những, tông đồ đã tin và dám trả giá cho niềm tin đó bằng chính mạng sống mình.

Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna” :

“Tôi đã thấy mồ trống của Đức Kitô,

Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn…

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá

Đức kitô thật đã phục sinh

Tâu Vua chiến thắng hiển vinh

Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).

Mà câu chuyện Phục Sinh, mầu nhiệm Phục Sinh đâu là câu chuyện kể của 2000 năm trước và chỉ liên quan tới một số người ! Không. Những anh chị em dự tòng được gia nhập đạo hôm nay trên toàn thế giới, hay mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đã từng lãnh nhận dòng nươc tái sinh của bí tích Thanh Tẩy, đều đang hội nhập sâu xa và hiện thực vào mầu nhiệm nầy, như cách cắt nghĩa của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay :

“Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…”.

Cuộc sống mới này, mà Chúa Giêsu là người đầu tiên sinh ra trong đó, chúng ta có thể kinh nghiệm được ngay từ bây giờ. Nó không phải là một giả thiết cho tương lai, song là một thực tại của hiện thời. Đó là tất cả ý nghĩa của phép thánh tẩy và sức mạnh canh tân của nó mà ta đang thấy qua các cử hành Phục sinh. Nếu Chúa Giêsu là trưởng tử của tạo vật mới, thì không nguyên một mình Ngài mà tất cả những ai được rửa tội, ngay từ bây giờ, đã làm thành một dòng tộc mới giống Chúa Giêsu. Và đây là vai trò chính yếu và là sứ mệnh muôn đời của Giáo hội : loan báo cho thế gian biết rằng : Chúa Giêsu đã sống lại và trao ban sự sống mới của Ngài cho tất cả những ai tin nhận Ngài và cùng Ngài bước đi trên lộ trình mới chan hòa ánh sáng Phục Sinh, như lộ trình của hai môn đệ trên đường Emmau, sau khi được đồng bàn với Đấng Phục Sinh từ trong quán trọ.

Chính vì thế, cử hành Phụng vụ đêm nay còn nhắc nhở chúng ta rằng : chúng ta hãy canh tân phép rửa của chúng ta thường xuyên trong sức mạnh nguyên tuyền của nó để củng cố và xây dựng một cuộc đời mới, một tương quan mới với Chúa và anh chị em đã được Chúa Giêsu phục sinh khai mào. Muốn thế, chúng ta phải không ngừng từ bỏ tội lỗi và những biểu hiện của một nền “văn minh sự chết”, của lối sống đồi trụy, bấp bênh, ảo tưởng và không định hướng mà bao ý thức hệ điên khùng, bao triết lý phi nhân đang rao bán nhan nhản trên chợ đời thế giới hôm nay.

Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng : “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”, là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn, cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn…Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới ; Ngài đang phục sinh mối tương quan vợ chồng vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử giữa tôi, gia đình tôi với mọi người xung quanh vốn thờ ơ lạnh nhạt , ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…

Và như thế, thay cho lời chúc Phục Sinh, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau như ước nguyện ngày nào của Mẹ Á Thánh Têrêsa Calcutta :

Lạy Chúa,

Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

....

Ước gì từ nay,

không có gì có thể làm cho chúng con

khổ đau và khóc lóc

chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

GiuseTrương Đình Hiền