SUY NIỆM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

I. CẦN LÒNG MẾN
Chúa nhật Phục Sinh (lễ chính ngày)


Bà Maria Mađalêna đi thăm mộ Thầy Giêsu lúc trời còn tối. Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt, chỉ mong cho mau sáng để lên đường.

Ai có thể hiểu trái tim của bà? Bà yêu mến Thầy cách đặt biệt. Mới chiều thứ sáu, vì lòng yêu mến, bà đứng bên chân thánh giá (Ga 19, 25). Sau đó, cũng vì lòng yêu mến, bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy (Mt 27, 61). Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên, trước cả người môn đệ được Thầy thương mến…

Nhưng thật kinh hoàng: xác Thầy đã biến mất. Tảng đá che mộ đã bị ai đó lăn ra… Maria Mađalêna hớt hãi chạy vội về báo tin cho các môn đệ. Bà nghĩ, có lẽ có kẻ đã ăn cắp xác Thầy. Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải, đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20, 2.13.15). Bà cần biết chỗ đó để lấy ngay xác về. Maria không hề nghĩ rằng Thầy của bà, và là Chúa của bà đã phục sinh. Bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết…

Nghe Maria nói, Phêrô và Gioan cũng chạy đến mộ. Họ chạy bằng những bước chân hối hả. Nhưng khi đến mộ, thì chỉ có ngôi mộ trống và băng vải đặt ở đó, còn khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng. Thấy mọi điều đó, tông đồ Gioan tin rằng, Thầy đã phục sinh. Chẳng ai ăn cắp xác mà lại để gọn ghẽ khăn vải liệm…

Chúng ta cần có lòng mến như bà Maria Mađalêna, nhưng rất cần có tình yêu nhạy cảm để tin như Gioan. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố: Đó là ý nghĩa của cái chết bi đát trên Núi Sọ. Đó là ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng. Tất cả những ý nghĩa đó dạy ta biết: Chúa chúng ta đã phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con được phục sinh với Chúa trong đời sống hằng ngày của con. Đó là cho con biết vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ, vượt qua những đam mê kéo ghì con xuống, vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã, vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Đó là cho con vượt qua những khắc khoải của niềm tin, vượt qua những thành kiến mà con có về người khác…

Xin cho con như Chúa Phục Sinh, gieo rắc bình an và hy vọng; tin tưởng và niềm vui. Ước gì ai gặp con, họ cũng đều gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

II. LÒNG MẾN ĐÁNH TAN NỖI SỢ HÃI
Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục sinh


Tin Mừng theo thánh Gioan và Tin Mừng theo thánh Matthêu đều cho biết, lần đầu tiên sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ đạo đức. Các bà được diễm phúc trở thành người đầu tiên nhận lãnh sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, bởi các bà yêu mến Chúa nhiều. Lòng yêu mến Chúa của các phụ nữ được chứng minh rõ ràng nhất trong cuộc thương khó của Chúa, vừa mới diễn ra hai ngày trước: Các bà đã theo Chúa đến cùng trên con đường tử nạn. Các bà đã đau lòng và khóc thương Chúa thật nhiều khi chứng kiến thân thể nát tan vì roi đòn và kiệt sức đến cùng cực của Chúa. Các bà nhìn thấy sự gian ác mà các nhà lãnh đạo tôn giáo của các bà dành cho Chúa. Các bà chứng kiến đến cùng thói bạo ngược, ganh tỵ , và tà tâm của tất cả những kẻ có quyền, có thế. Các bà đau đớn khi cây thập giá, khi mão gai, khi các trận roi đòn, khi đinh nhọn thi nhau giáng trên thân xác Chúa. Các bà không thể ngờ nổi, làm sao mà sự tàn ác của các nhà lãnh đạo tôn giáo, những kẻ mà các bà vẫn tin tưởng, vẫn vâng theo lời họ dạy, lại có thể lớn lao và khủng khiếp đến vậy. Các bà đã chứng kiến máu Chúa rơi trên đường tử nạn. Các bà đã chứng kiến máu Chúa đổ ra lai láng khi người ta giơ cao búa đóng đinh Chúa. Tiếng búa gõ vào da thịt và tiếng đinh nhọn gõ vào gỗ thập giá cứ chan chát, chỉ cần nghe đã thấy đau đớn, đã thấy khiếp sợ, đã thấy ớn lạnh cả người. Nhưng không hiểu sao, tất cả mọi kẻ đang hành hình Chúa Giêsu, từ những nhà lãnh đạo, kể cả những nhà lãnh đạo tôn giáo, đến những lính tráng và dân chúng, ai cũng nghe, ai cũng chứng kiến, nhưng lòng vẫn cứ sắc lạnh đến rợn người. Các bà càng thương Chúa bao nhiêu, thì càng lúc càng không thể hiểu hết sự tàn độc cũa con người. Các bà quá ngỡ ngàng trước những bi thương Chúa phải chịu và sự vô cảm đến tàn nhẫn của mọi người xung quanh. Các bà đã nghe thấu mọi lời sỉ vả, lăn nhục mà những kẻ chuyên “nghề” thờ phượng Chúa có thể phun ra trên môi miệng cách dễ dàng đến vậy. Các bà đã chứng kiến đến cùng tiếng than thở của Thầy với Chúa Cha: “Sao Cha nỡ bỏ con” mà tan cõi nát lòng. Các bà đã xót xa trước cảnh tượng Chúa phó linh hồn và gục đầu chết trong tức tưởi, trong đau đớn và tủi nhục. Các bà đã đau buốt tâm hồn khi nhìn lưỡi đòng mà người ta đã đan tâm thọc vào trái tim Thầy mình, y như lưỡi đòng ấy đang thọc vào trái tim mình vậy. Các bà thảng thốt quá đỗi trước thái độ bạo ngược dành cho Chúa, của tất cả những người mà các bà hằng ngày gặp gỡ, quen biết. Trong đó còn có cả những kẻ là thượng tế, tư tế, luật sĩ, kinh sư… vẫn thường to tiếng trong đền thờ, trong hội đường giảng dạy dân chúng về lề luật, về lòng nhân từ của Thiên Chúa… Sự thảng thốt, sự ngỡ ngàng, sự hãi hùng của các bà càng dâng cao, thì lòng yêu mến Chúa của các bà càng đầy ứ. Các bà càng uất ức vì không thể làm gì cho Chúa trong lúc Chúa phải gánh chịu, thì lòng yêu mến Ch1ua của các bà càng dâng cao tột độ. Mọi sự giờ đây chỉ còn có thể dồn vào tình cảm để các bà thêm yêu Chúa mà thôi!...

Trên đường tử nạn của Chúa, vì lòng yêu Chúa, các phụ nữ bất chấp mọi nguy hiểm có thể gây ra bởi những nhà lãnh đạo Do thái giáo, những kẻ chủ mưu giết chết Chúa, để theo Chúa đến cùng, chứng kiến đến cùng cái chết đau thương của Chúa. Giờ đây, các bà lại bất chấp mọi sợ hãi, công khai đứng về phía Chúa. Dù lính tráng không ngớt canh giữ mồ Chúa, các phụ nữ không sợ trả thù, không sợ liên lụy. Họ đã chạy ra mồ từ tảng sáng sau khi vừa trải qua ngày lễ nghỉ. Các phụ nữ được Chúa trả công xứng đáng: Các bà trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên của Tin Mừng Phục Sinh.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho lòng chúng con thấm nhuần tình yêu Chúa, để chúng con không bao giờ bị khuất phục trước bạo lực, bất công. Xin gieo vào tâm hồn chúng con tinh thần can đảm của những người mang lấy sức sống phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con biết đứng về phía lẽ phải, để đừng vì một sợ sệt nào, làm chúng con trở thành kẻ bất công lên án, thậm chí giết chết người vô tội. Amen.

III. BIẾN ĐỔI
Thứ Ba tuần Bát Nhật Phục sinh


Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria Madalena, Người đã không tỏ vinh quang như trên núi Hiển Dung cho ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê (Mt 17,1-8), mà vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh lại mang dáng dấp của một người làm vườn. Vì sao không là một hình ảnh nào mà lại là hình ảnh một người làm vườn?

Đó là sứ điệp dạy ta phải biết thay đổi chính mình. Ta không thể mang nguyên hình ảnh con người cũ của mình, một con người còn nhiều dính bén cuộc sống trần thế, còn nhiều bon chen, tranh giành, còn ích kỷ, lỳ lợm, còn dễ sa đà trong cám dỗ, còn nhiều tính toán, vụ lợi…để có thể đi gặp gỡ Đấng Phục Sinh được. Nếu không thay đổi mình, nếu không phục sinh cuộc đời mình trong đức tin, ta sẽ chẳng bao giờ gặp được Chúa. Thậm chí, dù có đối diện với Chúa, ta vẫn thấy Người trong dáng dấp tầm thường như Maria Mađalêna chỉ có thể thấy Chúa Phục sinh như một người làm vườn mà thôi.

Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt, tiến tới phía trước, thoát khỏi cái cũ kỹ của mình, để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy Chí Thánh.

Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, không hề thay đổi. Bởi các Kitô hữu, thuở ban đầu cho đến chúng ta hôm nay, và mãi về sau, đều luôn luôn được mời gọi hãy biến đổi chính mình, để có thể gặp Chúa trong đời thường, gặp Chúa trong từng anh chị em, gặp Chúa trong mọi cảnh huống của đời sống tôn giáo và xã hội.

Vậy ta thay đổi mình như thế nào để có thể đến cùng Chúa Phục Sinh? Sách Công Vụ Tông đồ đề nghị một lối sống đại đồng. Nói đúng hơn, sách Công Vụ Tông Ðồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh: Đó là bức tranh về một cộng đoàn hòa giải, mọi người luôn luôn sống chan hòa, mọi người liên kết với nhau bằng tình yêu hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau, không ai quá dư thừa, và cũng không ai quá thiếu thốn. Đó phải là cách sống của các Kitô hữu hôm nay. Họ phải có một tình thần tương trợ, một tình yêu và đại đồng như thế, mới mong họ có thể thấy Chúa trong đời mình, thầy Chúa trong mọi anh chị em, và thấy Chúa chính trong từng tương quan tốt lành với mọi người, mọi nơi mà họ tiếp xúc.

Lạy Chúa, xin phá vỡ tấm màn che là sự ích kỷ nơi con mắt chúng con, để chúng con không còn mù tối trước sự hiện diện của Chúa. Nhưng xin cho chúng con có một thái độ chân thành biến đổi chính mình, để chúng con thấy Chúa nơi mọi anh chị em, nhờ đó, chúng con ra sức phục vụ Chúa nơi từng con người mà Chúa ban cho chúng con. Amen.

IV. XIN Ở LẠI VỚI CON
Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục sinh


Lời của các môn đệ nài xin Chúa: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29). Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi.

Nhưng đên tối ở đây còn nói lên tình trạng của tâm hồn: Tâm hồn hai môn đệ bị chìm trong đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt, bị đánh đập, bị đóng đinh, bị giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tối về mặt không gian và thời gian tự nhiên.

Đêm tối ấy cũng là tình trạng thực tế của cuộc đời chúng ta. Những lúc chúng ta thất bại, tâm hồn rơi vào cay đắng, chán chường, muốn bỏ cuộc… Thậm chí còn có cả những người nghi ngờ Thiên Chúa… Chúng ta hãy làm như các môn đệ là nài xin Chúa: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.

Trong những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất, thất vọng nhất mà chúng ta gặp phải, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với chúng ta. Người dùng Kinh Thánh để trò truyện, Người tế nhị gợi lên niềm vui và hy vọng, từ từ Người đưa chúng ta đến chỗ nhận ra Người. Nhất là chúng ta được Chúa củng cố trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta được dự phần trong từng thánh lễ.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con, vì con cần có Chúa hiện diện để con được củng cố đức tin, và được tăng thêm lòng mến, tăng thêm sự vững vàng, giúp chúng con vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời chúng con. Amen.

V. PHỤC SINH KHÔNG GIẾT CHẾT THÁNH GIÁ
Thứ Năm tuần Bát Nhật Phục Sinh


“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các môn đệ của Người như thế.

Sau phục sinh, Chúa Giêsu nhiều lần hiệc ra với các tông đồ. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ ba của Chúa Giêsu. Trong khi các ông ngỡ ngàng, hoang mang khi nhìn thấy Chúa. Chúa đã trấn an các ông bằng cách mời gọi các ông nhìn chính thân thể Phục Sinh của Chúa.

Chúng ta tự hỏi, nơi chân tay Chúa, nơi xương thịt Chúa, nơi thân thể Chúa có gì mà lại cho xem, có gì mà lại mời gọi: “Cứ rờ mà xem”?

Dẫu Chúa đã khải hoàn phục sinh, nhưng trên thân thể của Đấng Phục Sinh vẫn còn nguyên dấu ấn của thánh giá, dấu ấn của tình yêu cứu độ. Phục sinh không giết chết thánh giá. Phục sinh không xóa tất cả những thương tích của khổ nạn. Còn hơn thế, dấu thánh giá là dấu chỉ mà các môn đệ của Chúa nhờ đó mà nhận ra Chúa. Vì thế, dù Chúa đã đi vào vinh quang phục sinh, các môn đệ vẫn cần đến dấu thánh giá trên thân thể của Người để nhận ra Người. Một khi nhận ra chính Thầy của mình bởi dấu thánh giá, các môn đệ bình an, lòng các ông hết nghi nan, các ông lại còn vui mừng vì biết rằng Thầy của mình đang sống.

Bởi Chúa đã phục sinh, nhưng Người không làm biến tan nỗi đau của thánh giá, vì thế, khi sống trong đời, dù chúng ta tin chắc chắn, Chúa đã phục sinh, chúng ta cũng vẫn mãi đối mặt với không biết bao nhiêu đau khổ, thuử thách. Khổ đau và thử thách chính là thánh giá cần thiết thanh luyện ta, giúp ta vững chãi hơn, đem ta đến gần Chúa hơn. Khổ đau và thử thách chính là thánh giá mà ta vác lấy để cùng kết hợp với thánh giá Chúa, mang lại ơn cứu độ đời đời cho ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng, Chúa đã đi qua thánh giá để tiến tới phục sinh. Cuộc đời mỗi chúng con cũng cần vác thánh giá để đi theo Chúa, nhờ đó, chúng con cũng sẽ tiến vào niềm vui phục sinh vĩnh cửu mà Chúa đã ban cho chúng con. Amen.

VI. ĐỂ NHẬN RA CHÚA
Thứ Sáu tuần Bát Nhật Phục Sinh


Hôm nay, với một hình dạng khác, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ của Người. Họ đã không nhận ra Chúa. tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trong số các môn đệ ấy đều không nhận ra Chúa Phục Sinh. Thánh Gioan cho biết: “Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô rằng: Chúa đó!”.

Bài Tin Mừng hôm nay lại dạy chúng ta một ý nghĩa mới: Để nhận ra Đấng Phục Sinh trong cuộc đời mình, con người ta cần phải có một mối hiệp thông trong tình yêu với Chúa. Giữa lúc mọi người đều thấy người khách trên bãi biển, nhưng chỉ có mỗi một mình “Người Môn Đệ Chúa Yêu” nhận biết Chúa mà thôi.

Cũng vậy, trong cuộc đời mình, nếu ngày nào ta còn sống hờ hững, sống thiếu niềm tin, thiếu lòng yêu mến, thiếu vắng sự cầu nguyện liên lỉ, chắc chắn, chúng ta sẽ còn bị che khuất, còn bị đui mù trước sự hiện diện của Chúa. Chúng ta cần có một tấm lòng thành, sẵn sàng để Chúa hướng dẫn, thì mới mong nhận ra Chúa. Chúng ta phải sống hết sức đơn sơ, khiêm nhường thì Chúa mới có thể lấp đầy những thiếu vắng trong ta. Chúng ta phải có lòng đơn sơ, yêu thương đón nhận anh chị em quanh mình thì mói có thể nhìn thấy hình ảnh Chúa vinh quang nơi chính người anh em chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn phục sinh của Chúa, để chúng con có thể làm mới lại chính mình trong tình yêu, trong sự thờ phượng mà chúng con dành cho Chúa. Xin cho ơn phục sinh phục hồi con người cứng cõi của chúng con, để chúng con nhận ra chính Chúa hiện diện nơi anh chị em chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ sống vì Chúa, vì anh chị em hơn. Amen.

VII. CHÚA VẪN HIỆN DIỆN
Thứ Bảy tuần Bát Nhật Phục Sinh


Bài Tin Mừng hôm nay như là một bài tóm kết cả một tuần lễ sau phục sinh, tường thuật nhiều biến cố lạ thường mà Chúa Kitô Phục Sinh đã làm nên:

- Chúa hiện ra với người phụ nữ tên là Maria Mađalêna, để từ nay, bà sẽ làm chứng cho ơn tha thứ mà Chúa dành cho bà thật ngoạn mục.

- Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường đi về làng Emau, để từ nay, họ lên đường dấn thân loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa.

- Chúa hiện ra với nhóm Mười Một để củng cố lòng tin của các ông. Từ nay, các ông sẽ là kẻ chinh phục tâm hồn con người và mở mang Nước Chúa, đế Nước Chúa ngày càng trải rộng mọi nơi, mọi chốn.

Ngày nay, Chúa vẫn hiện diện trong đời ta. Người thôi thúc ta lên đường dấn thân và phục vụ anh chị em đồng loại, nhân danh tình yêu của Chúa, hiến dâng lên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì ta, tất cả sự nỗ lực của chính bản thân ta, để thế giới thắm đầy tình yêu cứu độ của Người.

Lạy Chúa, xin dạy con yêu Chúa để con luôn là chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa. Xin Chúa Phục Sinh tuôn tràn ơn Phục Sinh của Ngưới để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa là tình yêu. Amen.

VIII. LẠY CHÚA TÔI
Chúa nhật cuối tuần Bát nhật Phục Sinh (Chúa nhật II Phục Sinh)


Khi nói về thánh Tôma, thường chúng ta hay gán cho ngài: Kẻ cứng lòng tin. Chính vì thế, trong đời thường, gặp một ai còn xa rời đức tin, hay lạnh nhạt khi được nói về đức tin, hay tỏ ra ngoan cố trong việc lười biếng, bỏ bê việc đạo hạnh, người ta thường ví von so sánh họ: “Cứng lòng như Tôma”.

Thật ra, nơi đức tin và lòng mến của thánh Tôma với Chúa, nếu chúng ta chịu khó đào sâu, sẽ thấy đó là cả một bài học vô giá giúp ta sống đức tin của mình.

"Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lổ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin”. Qua câu nói, ta thấy thánh Tôma là người thực tiễn. Thái độ thực tiễn của thánh Tôma là câu trả lời khả dĩ cho đức tin vào Chúa Phục Sinh của thời đại thực nghiệm của chúng ta hôm nay.

Nhờ thánh nhân lên tiếng, ta mới thấy rõ hơn thế nào là sự trăn trở, sự giằng vặt của đức tin mà nỗ lực cá nhân của chính ta có thể đáp lại mạc khải của Chúa.

Cũng chính nhờ thánh nhân, Hội Thánh có một bằng chứng xác thực cho tất cả những ai nghi ngờ về đức tin Phục Sinh của người Công Giáo: Bởi Chúa Giêsu đã đáp ứng đòi hỏi của thánh Tôma: Tám ngày sau, Chúa đã hiện ra với tất cả mọi bằng chứng rõ ràng nhất mà thánh Tôma đã từng đòi hỏi. Chúa đã đánh đổ thách thức của thánh Tôma, qua đó, Chúa đánh đổ mọi nghi ngờ của con người thực nghiệm thời nay: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin”. Trước bằng chứng hùng hồn về tất cả nơi Chúa Phục Sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu thừa nhận. Thánh nhân tuyên xưng đức tin bằng một lời tuyên xưng long trọng, đầy tư cách cá nhân của chính mình với Chúa Phục Sinh của mình: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi".

Là Kitô hữu, chúng ta đã tin chắc chắn Chúa đã phục sinh. Vậy chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa: sống một cách yêu thương, hòa dịu với mọi người. Ta dẹp bỏ thói ích kỷ, tính tranh giành, vụ lợi. Biết xả thân phục vụ những lợi ích chung như thực hành các công tác trong giáo xứ, các công trình phúc lợi của xã hội, thực hành đức bác ái mọi nơi, mọi lúc… Đặc biệt, qua tất cả công chiệc, trong hết mọi ngày đời ta, ta luôn nghĩ đến việc truyền giáo, để làm cho mọi người tin Chúa, thờ phượng Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin hãy mở cho chúng con đôi mắt, để chúng con nhận ra Chúa qua tất cả mọi biến cố của đời sống.

Xin làm cho nhiều người còn chưa biết Chúa, được nhận biết và tôn thờ Chúa, nhờ đó, Nước Chúa phát triển khắp nơi trên thế giới này.

Xin cho những ai đã thờ phượng Chúa, nhưng sai lạc trong đức tin, biết mau chóng trở về, nhìn nhận một mình Chúa duy nhất là Đấng có sự sống đời đời mà thôi. Amen.