Giáo xứ chúng tôi được đặt dưới sự quản nhiệm của các cha Dòng thuộc một Cộng Đoàn Việt-Nam ở hải ngoại nên hằng năm thường được đón tiếp các cha mới của Dòng về dâng Thánh lễ đầu tay. Vào trung tuần tháng bảy vừa qua, giáo xứ chúng tôi hân hạnh đón tiếp một tân linh mục Dòng trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú. Trong Thánh lễ đầu tay, những bài đọc hôm đó ngẫu nhiên trùng hợp với ý nghĩa buổi lễ của tân linh mục, nhằm đưa ra một hướng đi cho những mục tử. Vị tân linh mục hôm đó đã chia sẻ cảm nghĩ của mình, dựa theo những gợi ý của các bài đọc liên hệ.

Trong bài đọc một, tiên tri Giêrêmia đã kết án nặng nề những mục tử gian ác như sau:

Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của Đức Chúa. Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng.

Nầy Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa. Chính Ta sẽ qui tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến.Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa
. (Gr. 23, 1-4)

Trong bài đọc hai, Thánh Phao-lồ Tông Đồ gởi thư cho tín hữu Ê-phê-xô để nói về Đức Kitô, vị mục tử nhân từ đã mang lại sự hòa giải cho những người đối nghịch ngõ hầu những người ở xa trở nên những người ở gần:

Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.

Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha
.” (Ep. 2, 13-18).

Trong bài Phúc Am hôm đó, Thánh Mác-cô thuật lại cảnh tượng Đức Chúa Giêsu và môn đệ phải quên ăn mất ngủ để lo sứ vụ tông đồ:

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: ‘Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.’ Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thời giờ ăn uống nữa. Vậy thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc. 6, 30-34).

Vị tân linh mục cũng chia sẻ về thánh chức linh mục được dành cho toàn thể cộng đồng dân Chúa, qua thư thứ nhất của Thánh Tông Đồ Phêrô như sau:

Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.” (1Pr 2, 9-10).

Sau Thánh lễ hôm đó, ở cuối nhà thờ người ta quảng bá tập san Chân Lý. Nhiều người chen chúc để ghi tên mua báo và quên cả việc bắt tay chào hỏi những linh mục đồng tế, kể cả vị tân linh mục nữa. Quang cảnh đó khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện “TIỆM BÁN CHÂN LÝ” ở trong sách “Như Tiếng Chim Ca” (trang 92) của cha Anthony de Mello:

Tôi hoa mắt lên khi thấy tên cửa tiệm: TIỆM BÁN CHÂN LÝ.

Cô bán hàng rất lễ phép: Tôi muốn mua loại chân lý nào đây: chân lý toàn diện hay chân lý phiến diện? Chân lý toàn diện, dĩ nhiên rồi. Đối với tôi, nhất định không có lừa bịp, không có chống chế, không có giải thích quanh co. Tôi muốn chân lý của tôi phải thuần khiết và minh bạch. Cô bán hàng vẫy tay ra hiệu chỉ cho tôi phía đằng kia tiệm sách.

Cậu bán hàng ở đó lấy ngón tay chỉ cái nhãn hiệu có ghi giá cả. Cậu ta nói: "Thưa ông, giá rất đắt." Tôi hỏi: "Giá bao nhiêu?", vì tôi cương quyết mua cho bằng được cái chân lý toàn diện, cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Cậu trả lời: "Thưa ông, giá của sự an toàn của ông đấy.”

Tôi ra khỏi tiệm với con tim nặng trĩu. Tôi đang cần sự an toàn cho những niềm xác tín bất khoan nhượng của tôi
.”

Trên đường về nhà, tôi đi ngang qua một nhà thờ của dân địa phương. Một cảnh tượng khác thường xảy ra: thánh lễ chấm dứt, mọi người túa ra sân nhà thờ, ai nấy tay bắt mặt mừng, thăm hỏi trò chuyện niềm nở, nói cười không dứt. Vị linh mục chánh xứ không ngừng bắt tay chào hỏi người nầy đến người khác mà không dành những lời chào hỏi thân tình cho riêng ai. Cảnh tượng đó khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện “NHỮNG CON NGƯỜI RẰN RÌ” (trong sách “Như Tiếng Chim Ca”, trang 127):

Một vị thuyết giáo đặt câu hỏi nầy cho một lớp học trẻ em: "Nếu những người tốt thì màu trắng và những người xấu thì màu đen, các em sẽ chọn màu nào?"

Em bé Mary Jane trả lời: "Thưa cha, con sẽ chọn màu rằn ri!"


Vị Thuyết Giáo kia cũng thế. Các Đạo Sĩ, các Giáo Hoàng và các vị Thánh cũng đều rằn ri hết. (Chú thích của cha Anthony de Mello).

Một người đi kiếm một nhà thờ tốt lành để dự lễ và cuối cùng đã đi vào một ngôi thánh đường mà cộng đồng và linh mục đang đọc Sách Kinh. Họ đọc như sau: "Chúng con đã bỏ dở những công việc mà đáng lẽ chúng con phải làm và chúng con đã làm những việc mà lẽ ra chúng con không nên làm."

Người đó ngồi xuống ghế và thở ra nhẹ nhõm: "Đội ơn Chúa, cuối cùng mình cũng tìm được cộng đồng của mình
."

Cố gắng che đậy những vết rằn ri của mình đôi khi thành công, nhưng luôn luôn thiếu lương thiện. (Chú giải của cha Anthony de Mello).



Trong Cựu Ước, tiên trì Isaia đã loan báo: “Chính Ta là Đức Chúa, phán dạy chân lý, loan báo điều chính trực” (Is 45, 19).

Và tiên tri Da-ca-ri-a cũng đã công bố: “Đây là những điều các ngươi phải thi hành: Hãy rao truyền chân lý với nhau; nơi cổng thành của các ngươi, hãy theo chân lý, lẽ công minh và sự ôn hòa mà xét xử.” (Dcr 8, 16).

Trong Tân Ước Chúa Kitô cho biết chân lý đi đôi với thần khí: “Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc nầy đây - giờ những người thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế.” (Gio 4, 23).

Và chân lý chính là Đức Kitô vậy: “Chính Thầy là con đường, là chân lý và là sự sống. Không ai đến với Cha mà không qua Thầy.” (Gio 14, 6).

Chính nhờ sống trong chân lý mà chúng ta trở về với Đức Kitô: “Nhưng sống theo chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu.” Ep 4, 15).

Người ta thường nói: “Yêu là yêu ai” và “sống là sống với”. Như vậy “yêu sống” là sống bằng cách chia sẻ chân lý với tha nhân trong tin yêu và thần khí ở giữa giòng đời. Và đó chính là sống trong Đức Kitô vì Ngài là chân lý vậy.