Thánh Giá : bảng chỉ đường thân thương cho cuộc sống

(Thứ Sáu Tuần Thánh 2013)

Anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh khắp muôn nơi cử hành long trọng cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu. Vì cuộc khổ nạn của Chúa gắn liền với cây thập giá, cho nên trọng tâm và điểm nhấn của Phụng Vụ hôm nay chính là Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa Kitô.

Thập Giá Chúa Ki-tô có gì đặc biệt dể hôm nay dân Ki-tô giáo tôn sùng ?

Chúng ta biết rằng người Do thái chỉ tử hình tội nhân bằng hình thức ném đá hoặc cột cối đá vào cổ thả xuống biển. Vậy tại sao Chúa Giêsu là công dân Do thái mà lại bị đóng đinh trên thập giá?

Tử hình thập giá là sáng kiến của người Rôma. Vào thời Chúa Giê-su người Do thái bị Đế quốc Rôma đô hộ nên bên cạnh hình phạt ném đá và cột cối đá, hình phạt đóng đinh thập giá được áp dụng. Đây là một hình phạt rất nhục nhã và ghê sợ. Nhục nhã vì tội nhân thường bị treo trần truồng ; ghê sợ vị tội nhân bị những đinh nhọn xuyên qua tay chân đau đớn, và bị căng thây giữa trời cho đến khi kiệt sức và ngộp thở mà chết. Bởi đó thập giá còn được gọi là cây thập ác là vì vậy. Và vì nhục nhã, ghê sợ, nên người Rôma chỉ áp dụng hình phạt này cho người nô lệ, chứ họ không áp dụng cho công dân của mình.( )

Nếu trong đời thường, thập giá là biểu tượng của ô nhục, thất bại, đớn hèn…thì sau biến cố trên đồi Gon-gô-tha với cái chết tũi nhục của Chúa Giêsu người Na-da-rét, thập giá đã trở nên Thánh Giá, sự đau khổ không còn là bất hạnh và sự chết đã mở đường về phía của sự sống.

Chính để làm bật nổi nội dung giáo lý nền tảng đó, mà Phụng Vụ hôm nay luôn luôn chọn bài Tường thuật của Thánh Gioan về sự Thương khó của Chúa. Bởi vì chính trong bài tường thuật độc đáo của ngài, cuộc Thương khó của Chúa Giêsu không mang dấu vết của ảm đạm, buồn đau, mà “như tiến trình khải hoàn của Đức Giêsu về với Chúa Cha. Đức Giêsu biết Người sắp từ bỏ cõi đời : Người biết cái chết nào đang đợi Người và Người thản nhiên bước tới : "Mạng sống Ta không ai lấy được, nhưng chính Ta tự ý ban tặng " ( )( 10,8).

Để nêu bật ý nghĩa nầy, chúng ta có thể thấy thánh Gioan đem vào trong Tin Mừng của ngài những chi tiết mang dấu chỉ và ý nghĩa thần học về cuộc hiển thắng của Chúa Ktô thật rõ nét :

- Thần tính của Chúa Giêsu được biểu hiện ngay khi quân dữ tới bắt Ngài : khi Ngài vừa nói : “chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.

- Cuộc dấn thân đi vào cuộc khổ nạn chính là thực thi thánh ý Chúa Cha : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống”.

- Đức Giêsu bị đóng đinh với tư cách là Vua. Philatô nhận ra điều đó khi xét xử Người (19,13) và tấm bảng tréo trên thập giá : công bố điều đó bằng nhiều thứ tiếng (19,19-20)

- Gioan không tách biệt cái chết với niềm phấn khởi. Việc treo Đức Giêsu trên thập giá cũng là cuộc : Người ngự lên trong vinh quang Thiên Chúa để từ đó Người ban Thánh Thần cho nhân loại (19,30). Thánh giá trở thành ngai tòa vinh quang, từ đó Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội.

- Ý nghĩa cái chết của Đức Kitô chính là hoàn tất lời tiên báo nơi “chiên vượt qua” của Do Thái Giáo. Người là chiên vượt qua của Giao ước mới. Hơn nữa, Người là Thiên Chúa bị đâm thâu như Zacharia đã báo trước (12,l0 và tiếp theo). Đức Giêsu là Đền Thờ đích thực trong đó Thiên Chúa ngự trị, Đền thờ mà Êdêkien (47,1-12) đã nhìn thấy từ bên phải vọt ra dòng nước tượng trưng cho Thánh Linh. Trong Giáo Hội, Nước và Máu biểu tượng cho hai bí tích Rửa tội và Mình Thánh Chúa...

Như thế, chúng ta có thể khẳng định như một lời tuyên xưng : Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của thập giá ; hay nói cách khác, chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, ý nghĩa và gương mặt đích thực của thập giá phản ảnh qua những thực tại nhân sinh như khổ đau, hoạn nạn, ưu sầu, bất hạnh… mới tìm được tiêu đích và điểm tựa cuối cùng, như cách minh họa của câu chuyện sau đây trong bài giảng của lm. Giuse Nguyễn Thanh Long :

Chuyện kể rằng một thanh niên nọ có tên là Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời: “Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân trước tượng thần Batđa, vị đạo sĩ giới thiệu: “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới”. Anh chàng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. trước vị thần thứ hai, vị đạo sĩ giới thiệu: “Đây là nữ thần Sophia có bí quyết giúp con người tránh được mọi đau khổ”. Nhưng Inđira cũng lắc đầu và xin đạo sĩ đi sang phòng khác. Cuối cùng hai người tới trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi: “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập giá như thế?”. Đây là vị thần của những người Kitô giáo. Indira tỏ vẻ hài lòng và muốn được làm môn đệ. Vị đạo sĩ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao hai vị thần kia, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả? Tại sao anh lại muốn làm đồ đệ của vị thần chết nhục nhã trên cây thập tự như thế?” Indira giải thích: “Hứa cất đi sự đau khổ trên trần gian là lời hứa suông vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ được. Còn dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, hơn nữa người ta cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô giáo chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hoà sẽ trổ sinh trên thế giới. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đầng chịu đóng đinh trên cây thập tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài”.( )

Và phải chăng, khởi đi từ thập giá của Chúa Ki-tô mà chúng ta đã thấy sáng lên giữa đời thường những chứng từ của niềm tin yêu và hy vọng :

- Đó chính là sự chắt chiu từng nghĩa cử yêu thương nhỏ nhặt, là chắp nhặt từng hy sinh mỗi ngày của các người cha, người mẹ tảo tần vất vả nuôi dạy con cái trong chính đạo, của các đôi vợ chồng để trung thành làm chứng cho tính thiêng thánh và bất khả phân ly của Nhiệm tích Hôn phối.

- Đó chính là sự anh hùng can đảm của biết bao bạn trẻ sẵn sàng chịu đói, chịu khổ, chịu bao nhiêu thiệt thòi để giữ tiết hạnh, liêm chính và phẩm giá cao cả của con cái Thiên Chúa, của những người công dân Nước Trời, trong một xã hội đầy dẫy gương mù gương xấu và những cơn cám dỗ hưởng thụ, phóng túng, đồi truỵ.

- Đó chính là sự chịu đựng từng ngày những cơn bệnh hiểm nghèo ngoài thân xác, những vết thương cay đắng trong tâm hồn của biết bao anh chị em, của biết bao gia đình, sự chịu đựng đầy can đảm và đón nhận trong hoan vui vì được kết hợp với chính cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Độ và chấp nhận hy sinh vì lòng yêu mến và chu toàn thánh ý Chúa.

- Đó chính là sự quảng đại để thứ tha cho dù phải bị khinh miệt hay gánh chịu mọi thua lỗ ; là chấp nhận những bản án bất công và trù dập chỉ vì dám đứng lên bênh vực công lý và lẽ phải…

- Đó chính là những trái tim dâng hiến quảng đại và những đôi tay phục vụ của biết bao tu sĩ nam nữ, của các linh mục, Giám Mục, những con người chấp nhận bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô để phục vụ Thiên Chúa và lo cho phần rỗi của anh chị em mình.

- Đó chính là những bước chân nhiệt thành trung tín với thánh lễ, với những giờ dạy giáo lý, với những công việc phụng vụ trong những ngày mưa lạnh giá rét hay trong những ngày tất bật ngược xui giữa đời thường… của bao anh chị em chức việc, giáo lý viên, ca đoàn, hội viên Legio Mariae…

Vâng, kể từ cây Thánh Giá của Chúa Giêsu được dựng lên trên đồi Canvê, thì khắp nơi, mọi thời, đã có biết bao nhiêu con người can đảm chọn lựa những thánh giá cho riêng cuộc đời mình, một sự chọn lựa đã trở nên con đường tối hảo để nên thánh, để được ơn cứu rỗi, như sự khẳng định của thánh nữ Rôsa Lima : "Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời", hay như qui tắc nền tảng trong linh đạo của ĐGM Lambert de la Motte khi sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam : "Chúa Giêsu-Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta".

Ước gì từ hôm nay, Thánh Giá Chúa Ki-tô sẽ đi vào cuộc sống chúng ta như một "bảng chỉ đường" thân thương, để trên mọi chặng đường gian nan khốn khó, chúng ta luôn mĩm cười đón nhận. Amen.