ĐÃ CÓ MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG NHƯ THẾ

Giáo lý viên Tuy Hòa thăm Tết vùng sâu - Xuân Nhâm Thìn 2012

Đến hẹn lại lên. Hôm nay giáo lý viên giáo xứ Tuy Hòa có dịp được du xuân trong tâm tình thăm viếng và chúc tết những người già cả neo đơn, bệnh tật khó khăn. Nơi chúng tôi đến là một giáo xứ nhỏ thuộc miền núi, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 70km về hướng Tây Bắc với tên gọi Đa Lộc.

Có lẽ là năm truyền giáo nên chúng tôi được cha sở Tôma Nguyễn Công Binh đưa đến thăm những người già lương giáo trong vùng, nhiều hơn một nửa số người Công giáo.

Họ biết ngài với cái tên gọi thân thương “ông cha nhà thờ”. Họ mừng rỡ vì được cha ghé thăm, họ quí mến vì được cha giúp đỡ. Có người níu chặt cánh tay cha không muốn rời ra, có người rơi nước mắt vì quá cảm động. Vốn người miền quê thật thà chất phát chỉ biết cầu chúc cho ông cha “luôn mạnh khỏe để con được nhờ”, chúc cho ông cha “có sức khỏe để chăm sóc con từ đầu đến chân”, chúc cho ông cha “sống lâu trăm tuổi để giúp đỡ con”, chúc cho ông cha “sống mãi mãi để con cháu nhờ”, chúc cho ông cha “mạnh dõi để lo cho giáo dân chúng con” chúc cho ông cha “luôn làm việc lành và tránh việc dữ”… Nghĩ sao nói vậy “lòng có đầy miệng mới nói ra”, không văn hoa bóng bẩy như những câu chúc sáo mòn có sẵn :

“Đa lộc, đa tài, đa phú quý

Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm.”


Hoặc:

“Tân niên, tân phúc, tân tri kỷ

Vạn lộc, vạn tài, vạn công danh.”


Qua lời chào hỏi tâm sự, chúng tôi mới biết được sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu đồng loại của cha sở Đa Lộc dành cho họ, khi đau bệnh cũng như khi khỏe mạnh đều có sự hiện diện của cha để nâng đỡ, ủi an. Nhìn thái độ cung kính của họ khi gặp được cha, có thể đoán được họ xem cha như vị thánh sống, vị cứu tinh.

Nhiều người già không có may mắn được nhìn thấy ánh sáng nhưng chỉ cần nghe được giọng cười hóm hỉnh của cha liền biết ngay “ông cha nhà thờ” đến.

Trong cuộc viếng thăm này, chúng tôi được tiếp xúc với cụ bà Matta, người đã sống sót vì bị kẹt trên cành cây xoài một ngày một đêm khi cơn lũ ập về năm 2009. Bà đã trên 80, tai không còn nghe được, hiện đang sống một mình.

Có đến tận nơi mới chứng kiến tận mắt công việc mục vụ của cha sở ở đây. Đối với cha Tôma gặp gỡ giúp đỡ những người già yếu là đã gặp được Chúa. Chợt nhớ đến bài hát của Nhạc sĩ Phạm Quang nên lẩm nhẩm suốt đoạn đường đi :

“Hằng ngày con gặp được Chúa trong những anh em, trong những tha nhân cùng con đồng hành. Hằng ngày con gặp được Chúa trên các nẻo đường ông bà mến thương, em bé đến trường.

Hằng ngày con gặp được Chúa con thấy vui hơn, con thấy vui hơn đời không lạc loài. Hằng ngày con tìm gặp Chúa chia sớt ngọt bùi san sẻ áo cơm sưởi ấm lòng người.

Lời Ngài con vẫn nhớ luôn, ai yêu anh em là chính yêu Ngài. Lời Ngài con đâu dám quên, yêu Ngài là yêu anh em”.

Cám ơn cha sở Đa Lộc và anh chị em giáo lý viên cũng như ban hành giáo đã tiếp đón nồng hậu trong hai ngày xuân, tạo điều kiện cho chúng tôi có được giờ phút thăm viếng, được giao lưu, được dã ngoại và được nhận đầy ắp tình người.

Hy vọng trong năm truyền giáo này, giáo xứ Đa Lộc ngày càng triển nở, ngày càng có nhiều người tìm về với Chúa.

Chia tay nhau và chúng tôi tiếp tục hành trình ngày thứ 3 đến với một giáo xứ nằm ở vị trí đầu tiên của giáo hạt Phú Yên – Gò Duối.

Nơi đây, số người già yếu chỉ bằng 1/5 ở Đa Lộc. Đại diện cho những người già, cha Phêrô Nguyễn Xuân Hòa đã có lời cám ơn. Xem ra cái vui của cha lớn hơn cái vui của những người già cả khi gặp chúng tôi. Cha vui vì vẫn còn có người biết thông cảm, biết chia sẻ, biết đồng hành… đó là một động lực để tiếp thêm sức mạnh cho các linh mục trong việc mở mang nước Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm nhiều tấm lòng quảng đại, nhiều trái tim yêu thương để những người nghèo khổ tìm thấy được niềm vui mùa xuân.

.