Lời nói nầy biện minh cho giá trị cứu độ của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo có giá trị ngang bằng với Đạo Chúa Kitô. Ở nước ta, có người nói : đạo nào cũng giống như đạo nào, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành nên các tôn giáo có giá trị ngang nhau.

Dạy như vậy là trái nghịch với Đức Tin Công giáo vì mạc khải và Giáo lý Công giáo dạy ý muốn cứu độ và phổ quát của Một Thiên Chúa Ba Ngôi phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, do Ba Ngôi thực hiện là tự hiến mình để cứu độ trong chính mầu nhiệm sáng tạo (ban sự hiện hữu) và Ba Ngôi tự hiến mình để cứu chuộc trong mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài được đặt làm nguyên nhân cứu độ cho toàn thế giới (xem Thông điệp Dominum et Vivificantem số 11,12 và 2), là Đấng trung gian (mesites) hữu nhất vô nhị giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,5 ; xem Dt 8,6 ; 9,15 ; 12,24).

Thánh Kinh Cựu Ước của người Hy bá không có từ ngữ tương đương với vị trung gian (mesites trong Hy lạp) để chỉ những vị trọng tài hay môi giới. Trái lại, những tôn giáo cổ xưa theo đa thần đặt những vị trung gian là những thần phụ thuộc giữa các thần linh tối cao và loài người.

Lý do là Cựu Ước bảo vệ tính siêu việt vô cùng của Thiên Chúa nên không đặt vai trò trung gian. Ông Gióp thưa với Thiên Chúa : “Không hề có trung gian (mesitès) giữa con và Thiên Chúa” (Gb 9,33, bản dịch LXX). Thầy cả Hêli nói các con của mình : “Nếu có kẻ mắc tội với Thiên Chúa Giavê thì ai có thể sẽ bàu chữa cho ? (1Sm 2,25). Nhưng cũng để bảo vệ tính siêu việt của Thiên Chúa, Cựu Ước sử dụng cách nói như trung gian : Lời của Giavê (2Sm 7,4), Nhan Giavê (1Sm 13,12) Vinh quang Giavê (Xh 16,10), . Quả thật những từ ngữ nầy thuộc các phẩm tính của Thiên Chúa. Sau thời lưu đày, một ít bản văn Kinh Thánh dùng từ ngữ “thiên thần” làm trung gian. Thay vì Thiên Chúa trực tiếp nói, làm, người ta nói thiên thần, thần sứ của Giavê (Stk 22,11 ; Xh 3,2 ; Tph 2,1 ; Stk 21,17 ; 31,11 ; Xh 14,19) (ở đây, thần sứ của Giavê không chỉ thị một hữu thể nào khác với Giavê).

Và Cựu Ước đã dùng trung gian theo nghĩa rộng trong suốt lịch sử dân Israen :

Abraham : Thiên Chúa kêu gọi ông làm tổ phụ Israen. Nhờ ông mà con cháu ông là Israen được chúc phúc và đất đai Israen được chúc phúc. Cũng nhờ ông mà mọi dân tộc trên mặt đất được chúc phúc (Stk 12,3). Ông đã can thiệp cho vua ngoại giáo Abimêlec (Stk 20,7.17...), và thành Sodoma (Stk 18, 22-32).

Môisen : được Thiên Chúa kêu gọi, giao trọng trách đi giải thoát dân Israen khỏi Ai cập, giúp dân ký Giao ước với Thiên Chúa, công bố lề luật và việc phụng tự. Ông xuất hiện như vị lập pháp, hành pháp và tư pháp để hướng dẫn dân sống theo luật pháp của Thiên Chúa. Ông còn là người bầu cử cho dân trước mặt Chúa (Xh 32, 11-12, 31-34). Tân Ước đã gọi ông là vị trung gian, dĩ nhiên theo nghĩa rộng (xem Galata 3,19) so với Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian hữu nhất vô nhị (1 Timôtê 2,5).

Sau này, các nhiệm vụ của Môisen đảm nhận được phân chia cho nhiều người khác nhau :

- Chức tư tế do chi tộc Lêvi được Thiên Chúa tuyển chọn để lo việc tế tự và phục vụ Lề luật.

- Thẩm phán (Quan án) do Thần khí làm cho họ chỗi dậy, lãnh đạo chi tộc (Tph 2,16 ; 6,34) bảo vệ dân khỏi dân ngoại hà hiếp.

Tiếp theo các thẩm phán là vua. Vua là Đấng được xức dầu, là Messia của Thiên Chúa, được Thiên Chúa xem như là con (2 Sm 7,14 ; Tv 2,7), và được Thiên Chúa tuyển chọn vì lợi ích giống nòi (1 Sm chương 9,10,16), đôi khi ông cũng hành sự như vị tư tế (2 Sm 6, 17-18). Dân xem vua như “Thiên thần của Thiên Chúa” (2 Sm 14,17). Vì Thiên Chúa của dân Israen cũng là Thiên Chúa của vũ trụ, của mọi dân mọi nước, một số ngôn sứ đã nhận ra được ý định của Thiên Chúa trong một số hoạt động của các vua dân ngoại : Nabuchodonosor (Gr 27,6), Cyrus (Is 41, 2-5 ; 44,28 ; 45, 1-6).

- Ngôn sứ, Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của người nào đó mà Thiên Chúa tuyển chọn là “ngôn sứ” (Amos 7, 14-15), giao sứ mệnh. Ông phải chuyển lời của Thiên Chúa đến tai dân chúng, vua chúa quan quyền : tội của nhà vua, của dân, hình phạt sẽ giáng xuống nếu không trở lại với Thiên Chúa, những đòi buộc của Thiên Chúa, lời hứa cho những ai trung thành và viễn tượng rất tốt đẹp mà Thiên Chúa khôi phục lại từ đống đổ nát, điêu tàn. Ngôn sứ cũng ý thức vai trò của mình là cầu bàu cho dân trước mặt Chúa (xem I Sm 7, 7-12 ; 12, 19-23 ; Amos 7, 1-6 ; Giêrêmia 15,11; 18,20 ; 42,2... Êzikiel 9,8 : 11,13).

- Tôi tớ Thiên Chúa : đây là một nhân vật “huyền bí” được Thiên Chúa kêu gọi để phán xét thiên hạ (Is 42,1), để quy tụ dân Israen đang tản mát khắp nơi tụ họp lại (Ez 34, 15-16), là ánh sáng muôn dân (Is 42,6 ; 49, 5-6) và là giao ước của dân tộc (Is 42,6 ; 49,8) để thiết lập một dân mới gồm dân Israen và các dân, các nước. Công việc của Ngài như một sứ ngôn (giảng và cầu bàu), nhưng vượt trội mọi ngôn sứ vì Ngài cứu chuộc muôn dân bằng chính “đau khổ của mình” (Is 52,14 ; 53,12). Khi dâng hiến chính mình làm hy lễ xá tội (Is 53,10). Tôi tớ Thiên Chúa đóng vai trò một trung gian tư tế. Trong Daniel 7,13 và 18 Tôi tớ Thiên Chúa được mô tả là “Con Người”, đại diện cho “dân tộc thánh”, bị những thế lực ngoại giáo áp bức, và nhờ Thiên Chúa phán xét, Ngài được Thiên Chúa tôn vinh. Ngài sẽ thống trị chư dân (Dn 7,14 và 27) và bảo trì triều đại của Thiên Chúa trên thế giới.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu Kitô thiết lập Giao ước mới (Lc 22,20) thay thế Giao ước cũ (xem Gr 31, 31-33). Ngài hoàn tất mọi lời các ngôn sứ và mới có thể thấy rõ các trung gian trong Cựu Ước đều quy tụ lại nơi Ngài là Vị Trung Gian cứu độ hữu nhất vô nhị.

Tân Ước đã quả quyết hết sức cụ thể và rõ ràng : Đức Giêsu Kitô là vị trung gian hữu nhất vô nhị giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5 ; Dt 8,6 ; 9,15 ; 12,24) và phổ quát, bao trùm loài người (CvTđ 4,12).

Là trung gian cứu độ hữu nhất vô nhị vì Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa Ngôi Hai vừa là con người nhân loại. Ngài đứng ở giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng về phía Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cùng với Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, còn về phía loài người, Ngài đứng trong hàng ngũ loài người vì Ngài có bản tính nhân loại, nhưng với chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa (vì nơi Đức Kitô không có chủ thể nhân loại, chỉ có một chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa của thiên tính và nhân tính nên thiên tính hay nhân tính làm là Ngôi Hai Thiên Chúa làm.).

Từ đó ta phải hiểu khi Đức Giêsu Kitô cầu bàu cho nhân loại, kéo nhân loại về với Thiên Chúa, dâng bản thân mình làm lễ vật trên thập giá v.v... vai trò trung gian của Ngài là hữu nhất vô nhị : về phía Thiên Chúa, Ngài nhận lời cầu bàu, nhận lễ vật, ban ơn cứu độ v.v..., về phía nhân loại, Ngài dâng lời cầu bàu, dâng lễ vật v.v... Hai phía đều có Ngài đã đành, nhưng giá trị dâng lời cầu bàu, dâng lễ vật v.v... là giá trị công việc của Thiên Chúa, giá trị vô cùng. Vì thế, không có một thụ tạo nào thay thế được Ngài hoặc bổ túc cho Ngài được. Vai trò trung gian của mọi thụ tạo như tổ phụ Abraham, Môisen, các ngôn sứ, Đức Trinh nữ Maria, các thánh đều là vai trò trung gian phụ thuộc vào Đấng Trung gian hữu nhất vô nhị là Chúa Giêsu Kitô.

Những điều nói trên về vai trò trung gian hữu nhất vô nhị của Chúa Giêsu Kitô dựa trên nền tảng “Ngôi Lời làm người” (Verbum caro factum est, Ga 1,14) và thần học diễn tả mầu nhiệm nầy bằng thuật ngữ : mầu nhiệm Ngôi hiệp (union hypostatique). Ngôi Hai Thiên Chúa linh thiêng vô cùng không thể biến thành vật chất, nhưng Ngôi Hai kết hiệp bền chặt lấy xác phàm nhân loại trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria và Ngôi Hai là cái tôi, là chủ thể của xác phàm đó. Mọi việc nhân tính Chúa Giêsu Kitô làm là Ngôi Hai làm nên chúng có giá trị : Ngôi Hai làm tức là việc của Thiên Chúa làm. Vai trò trung gian của Chúa Giêsu Kitô, xét ra đây là vai trò trung gian của nhân tính, nhưng chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa nên có giá trị là công việc của Thiên Chúa. Cũng do mầu nhiệm Ngôi hiệp, Chúa Giêsu Kitô đứng về hai phía : phía Thiên Chúa và phía nhân loại. Đây là trung gian tuyệt hảo vô cùng, đây là trung gian hoàn hảo tuyệt đối và vô cùng là trung gian hữu nhất vô nhị, không cần một thứ trung gian nào bổ túc. Nói rằng trung gian của Chúa Giêsu Kitô còn thiếu nên cần trung gian khác bổ túc, hoặc nói rằng Trung gian của Chúa Giêsu Kitô không phải hữu nhất vô nhị vì có những trung gian khác cũng có giá trị không thua kém gì v.v... tức là phủ nhận Ngôi Hai Thiên Chúa là chủ thể của nhân tính, phủ nhận mầu nhiệm Ngôi hiệp.

Khẳng định như thế để loại trừ mọi thụ tạo đặt mình ngang hàng với Chúa Giêsu Kitô, nhưng không loại trừ các trung gian khác.

Công đồng Vatican II : Nulla enim creatura cum Verbo incarnato ac Redemptore connumerari unquam potest ; sed..., ita etiam unica mediatio Redemptoris non excludit, sed suscitat variam apud creaturas participatam ex unico fonte cooperationem (Lumen gentium, 62) (Không bao giờ có thể đặt thụ tạo nào với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc, nhưng sự Trung gian duy nhất của Đấng Cứu thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất, Lumen gentium số 62).

Đức Gioan Phaolô II lập lại : “Đức Kitô là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người”. “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người và cũng là người thật tức là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người. Đó là chứng đã được tuyên ra vào thời đã định, mà tôi đã được làm kẻ rao truyền làm tông đồ, - tôi nói thật chứ không nói láo - tôi được đặt làm tấn sĩ cho dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật. (1Tm 2, 5-7 ; xem Dt 4, 14-16). Vì thế, con người chỉ có thể kết hợp với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Vai trò Trung gian của Đức Kitô là duy nhất và phổ quát, không làm trở ngại con đường dẫn đến Thiên Chúa, vì là con đường do chính Thiên Chúa vạch ra, và Đức Kitô cũng ý thức đầy đủ về điều đó”. (Thông điệp Redemptoris missio, số 5). Thật vậy, Đức Kitô đã nói : “Thầy là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Không ai đến được Chúa Cha mà không nhờ Thầy” (Gioan 14, 6).

Dầu là Trung gian hữu nhất vô nhị và phổ quát, Đức Giêsu không loại trừ trung gian khác, trái lại Ngài làm cho trung gian khác có ý nghĩa. Đức Phaolô Gioan II nói tiếp : “Tuy không loại trừ những thứ loại và cấp bậc trung gian khác, nhưng những trung gian này chỉ có thể có ý nghĩa và giá trị do từ trung gian duy nhất của Đức Kitô, và những trung gian đó không thể được coi là song hành hay bổ túc cho trung gian của Đức Kitô” (Redemptoris missio, số 5).