Có tác giả cho rằng không quốc gia nào duy trì được nền tự do của nó giữa khung cảnh chiến tranh liên miên. Khi nói như thế, tác giả này muốn ám chỉ ảnh hưởng xấu xa của quyền lực tuyệt đối gây ra cho các nhà lanh đạo. Từ cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc đã 60 năm cho tới nay, thế giới không còn coi chiến tranh như một phương tiện trong chính sách quốc gia nữa. Chiến lược đã thay đổi qua chiến tranh du kích, không kích, máy bay không người lái và tấn công nhà cửa; tuy nhiên, tất cả những hình thức bạo lực mới này đều có chung sự mơ hồ về luân lý. Quyền lực không bị ai ngăn cản vẫn đang rình rập đâu đó trong bóng tối

Nếu Hoa Kỳ muốn dẫn đầu và mang lại điều được Thánh Augustinô gọi là “sự yên tĩnh của trật tự”, họ cần phải xét lương tâm họ trước nhất. Nước này vốn được cả thế giới kính nể vì đã ra tay cứu giúp các nạn nhân bão lụt và động đất. Nhưng hiện nay, nhất là tại Trung Đông và thế giới kém mở mang, hình ảnh nổi bật của Hoa Kỳ chỉ có tính tiêu cực. Tại sao vậy? Có ba lý do có liên hệ với nhau: sự hiện diện áp đảo về quân sự của Hoa Kỳ, hội chứng máy bay không người lái và cam kết có tính trồi xụt đối với nhân quyền.

Hiện diện quân sự

Hoa Kỳ đang duy trì khoảng 1,000 căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Và khi quân đội Hoa Kỳ “rút” khỏi Afghanistan, ít nhất 10,000 binh sĩ vẫn ở lại đó, cùng với hàng nghìn nhân viên dân sự, để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ về tài nguyên và mở rộng quyền lực của Hoa Kỳ. Việc này sẽ tốn phí hàng tỷ dollars, mà đáng lý ra nên sử dụng vào các mục tiêu trong nước.

Máy bay không người lái

Nhiều căn cứ loại này chứa các máy bay không người lái (drones), là thứ đang được dùng để định nghĩa lại bộ mặt mới cho các cuộc chiến tranh của thế kỷ 21. Máy bay không người lái cũng nới rộng quyền hành pháp tới một mức nguy hiểm. Những robots này giết kẻ thù mà không sợ thiệt hại tới binh sĩ hay nhà thầu Hoa Kỳ, những người nay có thể điều khiển vũ khí từ hàng nghìn dặm cách xa. Nhưng máy bay không người lái cũng che đậy trách nhiệm của những kỹ thuật viên dấu mặt và các luật sư Nhà Trắng đối với các kết quả chết người, và nêu lên nhiều vấn nạn luân lý mà tổng thống khước từ không chịu thảo luận. Sau khi Tổng Thống Obama loan báo Hoa Kỳ đã giết chết Anwar-al-Awlaki, một công dân Mỹ, trong một cuộc tấn công của máy bay không người lái, thư ký báo chí của ông lắp bắp một cách tội nghiệp khi một phóng viên yêu cầu cung cấp bằng chứng biện minh cho lệnh nhắm vào công dân Mỹ ở ngoại quốc. Một tuần lễ sau, một máy bay không người lái khác được tường trình đã giết một công dân Mỹ khác, đó chính là đứa con trai 16 tuổi của Awlaki.

Các phát ngôn viên của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương vốn nhấn mạnh đến sự chính xác của các máy bay không người lái. Ấy thế nhưng vụ đánh vào Awlaki ít nhất đã giết đến 8 người, chứ không phải chỉ là hai người được nêu tên ở trên. Theo Global Research, có trụ sở ở Canada, trong số 44 vụ tấn công của máy bay không người lái tại khu vực bộ lạc ở Pakistan trong 12 tháng qua, chỉ có 4 vụ là đánh trúng mục tiêu. Các máy bay không người lái này đã giết 5 lãnh tụ chủ yếu của al Quaeda và Taliban, nhưng đồng thời làm thiệt mạng hơn 700 thường dân.

Từ ngày 11 tháng 9, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương, hiện do Tướng David Petraeus chỉ huy, đã tự biến đổi từ một cơ quan thu lượm tình báo thành một đơn vị bán quân sự. Nó đã đặt để nhiều nhân viên vào lực lượng cảnh sát New York để giúp xâm nhập vào cộng đồng Hồi Giáo. Và 20% nhân viên cơ hữu của C.I.A. hiện nay đã trở thành “những người chọn mục tiêu” (targeters), với nhiệm vụ lên danh sách những người cơ quan này muốn loại trừ, bằng máy bay không người lái, bằng mìn bẫy hay bằng các phương tiện khác, mà không phải tính sổ như quân đội.

Ngày nay, Không Quân đang huấn luyện nhiều nhân viên điều hành các máy bay không người lái hơn là huấn luyện phi công. Các nhà nghiên cứu Robot đang thiết kế nhiều bảng kiểm soát theo mẫu các trò chơi video để các tân tuyển 19 tuổi từng chơi các trò như “Kill Zone” và “Assassin’s Creed” có thể áp dụng các kỹ năng của họ vào thế giới thực. Các người điều khiển trong tương lai sẽ có thể kiểm soát nhiều máy bay không người lái một lúc, chứ không phải chỉ là một chiếc. Các nhà đặt kế hoạch quân sự hy vọng rằng kỹ thuật học sẽ phát triển ra các máy bay không người lái được thảo chương với khả năng tự quyết định lấy các cuộc tấn kích chết người không cần đến nhân viên điều khiển nữa. Chi phí dự trù cho chương trình này lên tới 94 tỷ dollars trong vòng 10 năm. Đến lúc đó, 50 nước từng đặt mua máy bay không người lái sẽ có khả năng tiêu diệt kẻ thù từ đàng xa. Liệu các nước này có theo gương luân lý của Hoa Kỳ hay không?

Nhân quyền

Hiệp Chúng Quốc phải tự giải thoát mình khỏi não trạng đã có từ 10 năm nay, một não trạng mà ký giả Mark Danner vốn gọi là “trạng thái ngoại lệ”. Ngoại lệ này cho phép người ta làm mờ nhạt sự phân biệt vốn có giữa chính trị và luật pháp. “Đang chiến tranh” vốn dẫn người ta đến việc gạt qua một bên các giới hạn thời chiến và đến các vi phạm nhân quyền. Ngoại lệ ấy đã cho phép Hiệp Chúng Quốc tra tấn, trấn nước (waterboard), ám sát và giam cầm vô thời hạn những người tình nghi là kẻ thù ở Abu Ghraib, tại các nhà tù bí mật ở ngoại quốc và tại Guantánamo.

Việc cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney một mặt khen ngợi Tổng Thống Obama vì đã giết được Awlaki, một mặt chỉ trích ông này không chịu chấp thuận “các kỹ thuật lấy cung cải tiến” của chính phủ Bush-Cheney là một điển hình cho thấy lương tâm quốc gia vẫn còn kẹt trong vũng bùn luân lý. Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ nên nhìn nhận rằng cuộc chiến đấu chống khủng bố lần này là một hành động cảnh sát, chứ không phải là một cuộc chiến tranh.

Theo bài xã luận của tạp chí America, số ngày 31 tháng 10 năm 2011.