Bản tin của tờ New York Times ngày 2 tháng 5 cho biết: tung tích người đưa thư tin cậy đã dẫn tới cái chết cho trùm khủng bố Bin Laden. Các điệp viên của Mỹ đã tốn nhiều năm mới tìm ra tung tích người đưa thư này khi anh ta xuất hiện tại một tòa nhà có tường vây kín tại một khu vực ở phía Bắc thủ đô Pakistan 35 dặm. Toà nhà này rộng lớn và được bảo vệ kỹ đến độ các điệp viên Mỹ kết luận rằng nó được xây cất cho một nhân vật quan trọng hơn một người đưa thư. Câu chuyện sau đó là 8 tháng hoạt động tình báo liên tục dẫn tới đỉnh cao là cuộc tấn kích bằng trực thăng, kết liễu cuộc đời tên trùm khủng bố khét tiếng. Các viên chức Mỹ cho hay: Bin Laden bị bắn vào đầu sau khi kháng cự lại lực lượng tấn kích và một trong các con trai của hắn cũng bị sát hại.

Gần một thập niên nay, giới quân sự và tình báo Mỹ từng săn đuổi bóng ma Bin Laden khắp Pakistan và Afghanistan, có lúc đã sắp bắt được hắn nhưng rồi lại để mất hắn ở trận đánh tại Tora Bora, vùng núi non phía Đông Afghanistan. Như các giới chức của chính phủ Obama cho hay: sự khai thông thực sự chỉ xẩy ra khi họ nhận ra tên và địa điểm của người đưa thư thân tín của Bin Laden, người mà tên lãnh tụ Al Quaeda dựa vào để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Các tù nhân tại Vịnh Guantánamo, Cuba, từng cung cấp tên giả của người đưa thư này cho các viên thẩm vấn Mỹ và cho hay hắn là người thân tín của Khalid Shaikh Mohammed, người thú nhận đã đạo diễn cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Các viên chức tình bào Mỹ đêm Chúa Nhật vừa qua cho hay họ biết tên thật của người đưa thư này cách nay 4 năm nhưng họ cần 2 năm mới biết được vùng anh ta hoạt động. Tuy thế, mãi đến tháng 8 năm ngoái họ mới tìm ra tung tích của anh ta tại khu nhà vây kín tại Abbottabad, một thành phố cỡ trung cách bắc thủ đô Islamabad một giờ lái xe. Các nhà phân tích của C.I.A. phải mất thêm mấy tuần lễ nữa để khảo sát các tấm không ảnh cũng như các báo cáo tình báo để xác định xem ai thực sự sống trong khu nhà đó, và một viên chức cao cấp của chính phủ cho hay đến tháng 9, C.I.A. mới xác định được rằng có thể có khả năng cao là Bin Laden cư ngụ tại đó.

Không phải là một cái hang trong núi như nhiều người trước đó vẫn nghĩ là nơi Bin Laden ẩn náu. Trái lại, hắn cư ngụ trong một lâu đài lộng lẫy tại bên ngoài trung tâm thành phố, tọa lạc trên đỉnh đồi, được bảo vệ bằng một bức tường bêtông cốt sắt cao 12 feet bên trên có kẽm gai. Khu nhà này trị giá khoảng 1 triệu dollars, nhưng lại không có điện thoại cũng như internet. Cư dân của nó quan tâm tới an ninh đến nỗi đốt luôn rác chứ không dám để nó ngoài đường cho nhân viên dọn rác thu lượm như các nhà bên cạnh.

Các viên chức Mỹ cho hay khu nhà này được xây năm 2005, thiết kế vì mục đích chuyên biệt để Bin Laden ẩn náu... Đến tháng 3 vừa qua, Tổng Thống Obama mới kết luận rằng tin tình báo là vững chắc, đủ để khởi đầu đặt kế hoạch cho một cuộc hành quân tìm bắt lãnh tụ Al Quaeda. Ngày 14, ông tổ chức buổi họp an ninh thứ nhất trong số 5 buổi trong vòng 6 tuần để duyệt đi duyệt lại các kế hoạch hành quân. Các cuộc họp này, chi có mặt các phụ tá an ninh thân tín nhất của Tổng Thống, diễn ra trong lúc các viên chức Tòa Bạch Ốc khác đang cố gắng tránh việc chính phủ đóng sở làm vì thiếu ngân sách. Đến thứ sáu vừa qua, ông Obama cho tổ chức cuộc họp sau cùng. 8 giờ 20 sáng hôm đó, Obama họp với Thomas Donilon, cố vấn an ninh quốc gia; John O. Brennan, cố vấn chống khủng bố; và các phụ tá cao cấp khác tại Phòng Ngoại Giao ở Bạch Ốc. Cuối buổi sáng đó, Tổng Thống lên đường đi Alabama để chứng kiến các thiệt hại của trận cuồng phong tuần trước. Nhưng trước khi đi, ông ký chấp thuận kế hoạch sau cùng cho phép các nhân viên tình báo xâm nhập khu nhà mà chính phủ Mỹ tin là nơi Bin Laden cư ngụ. Dù đã ký bản kế hoạch đó, ông Obama vẫn không cho chính phủ Pakistan hay biết gì về cuộc hành quân. Một viên chức cao cấp của chính phủ cho hay: "chúng tôi không chia sẻ tin tình báo của chúng tôi về khu nhà đó cho bất cứ nước nào, kể cả Pakistan".

Không ai ngạc nhiên về việc đó. Vì dù người Pakistan luôn luôn nằng nặc cho rằng Bin Laden không sống trên lãnh thổ của họ, thì nước Mỹ cũng chưa bao giờ thực sự tin họ. Các bản tin ngoại giao Mỹ trong những năm gần đây thường cho thấy người Mỹ thường xuyên làm áp lực để người Pakistan giúp tìm ra Bin Laden.

Được hỏi về tung tích của tên đầu xỏ Al Quaeda nhân có phái đoàn quốc hội Mỹ thăm Islamabad hồi tháng 9 năm 2009, bộ trường nội vụ Pakistan là Rehman Malik, trả lời rằng ông ta "không nắm được gì" nhưng rồi nói thêm ông ta không tin Bin Laden có mặt tại khu vực. Bin Laden từng gửi gia đình hắn qua Iran để đánh lạc hướng là hắn có thể sống ở đó, ông Malik cho hay như vậy. Cũng có thể hắn ẩn mình ở Saudi Arabia hay Yemen, mà cũng có thể là đã chết, ông ta nói thêm như vậy, theo một bản tin gửi đi từ Tòa Đại Sứ Mỹ mà Wikileaks đã nắm được.

Sự ngờ vực lẫn nhau càng trở nên tệ hơn vào mấy tháng qua, nhất là sau khi Raymond Davis, một nhân viên của C.I.A., bắn chết 2 người trong một con phố đông người tại Lahore vào tháng Giêng.

Hôm Chúa Nhật, một toán nhỏ gồm nhân viên quân sự và tình báo Mỹ đã nhẩy khỏi trực thăng tấn công thẳng vào khu nhà kiên cố. Các viên chức Mỹ không cho biết nhiều chi tiết về cuộc tấn kích này, chỉ cho hay là trận đánh diễn ra ngay sau khi các cảm tử quân tới nơi và sau khi Bin Laden cố gắng "chống cự lực lượng tấn kích". Khi việc bắn nhau chấm dứt, thì Bin Laden và 3 người đàn ông nằm chết tại chỗ. Một phụ nữ, mà viên chức Mỹ cho rằng đã được dùng làm bia đỡ đạn, cũng đã bị giết.

Người Mỹ lượm xác Bin Laden và đem lên một trong các trực thăng, rồi lực lượng tấn kích vội vàng rời địa điểm. Các viên chức chính phủ Mỹ cho biết: một trong các trực thăng bị rớt trong sứ vụ này do trục trặc kỹ thuật nhưng không một người Mỹ nào bị thương.

Lúc 3 giờ 50 chiều Chúa Nhật, Tổng Thống Obama nhận được tin đã xác nhận rõ về Bin Laden, sau một loạt thử nghiệm DNA. Xác Bin Laden được đưa về Afghanistan, xứ sở mà hắn tiến hành cuộc chiến đấu nổi tiếng chống lại quân đội Xôviết trong thập niên 1980. Từ đó, theo lời các viên chức Mỹ, xác hắn đã được thủy táng ngoài khơi.