Hôm nay trong tiết mục phóng sự từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về việc Việt Nam bị xếp hạng vào danh sách những quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự sau đây: (video insert).

Trong một buổi sáng, tin tức về tờ Business Insider xếp hạng 18 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ và sụp đổ kinh tế, với Việt Nam có trong danh sách 10 nước báo động đỏ, đã lan rộng và xôn xao dân chúng ở Việt Nam. Việt Nam bị xếp vào thứ 9, chỉ đứng trên có Lebanon. Danh sách này do tờ báo kinh doanh Business Insider khảo sát. Theo đó thì những bất ổn chính trị ở Trung Ðông đang làm thay đổi khẩu vị của các nhà đầu tư, buộc họ tăng cường nghiên cứu và mua bảo hiểm tại các quốc gia có mức độ rủi ro lớn. Khảo sát mới nhất này của Business Insider dựa trên dữ liệu lấy từ hãng CMA Datavision và Bloomberg, cho thấy các nước châu Âu vẫn còn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên họ bày tỏ rất ít sự tin tưởng vào việc lãnh đạo các nước Eurozone sẽ tìm ra được giải pháp ổn định tình hình cho khu vực.

Trong khi châu Âu và Trung Ðông đang là tâm điểm chú ý tại thời điểm này, thì một vài nguy cơ vẫn còn hiện hữu ở các quốc gia khác, bao gồm cả các đại gia vùng Nam Mỹ. Các quốc gia trong danh sách này được sắp xếp theo phí tổn bảo đảm cho các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng tức Credit Default Swap hay gọi tắt là CDS. CDS là một dạng chứng khoán phái sinh, tương tự với một hợp đồng bảo hiểm. Khi tham gia vào CDS, người mua CDS trả cho người bán một khoản phí tổn để được bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ tín dụng xảy ra khi một bên thứ ba rơi vào trường hợp vỡ nợ. Thị trường giao dịch CDS dựa trên những package quy chuẩn là 10 triệu mỹ kim cho một hợp đồng. Danh sách của 10 quốc gia nguy cơ này, thứ tự từ 1 đến 10, gồm có Venezuela. Hy Lạp, Argentina, Ireland, Portugal, Ukraina, Dubai, Egypt, Vietnam, Lebanon.

Ðiều thú vị là trong buổi sáng khi tờ báo điện tử VNexpress cho đăng tin tức này, nhưng thay tên của Việt Nam ở vị trí thứ 9 và đổi sang thứ 17, người sử dụng mạng lưới internet ở VN đã nhanh chóng khám phá và chuyền cho nhau bản gốc tin bằng tiếng Anh. Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bản tin này trên VNexpress do công ty tin học FPT đầu tư đã bị gỡ bỏ xuống mà không có một thông báo gì. Tuy nhiên bản copy của bản tin này từ VNexpress sớm lan rộng khắp nơi. Và chỉ cần đơn giản bỏ một từ khóa tìm kiếm vào các trang Bing, Yahoo hay Google, người ta có thể nhận được bản văn này. Theo tin từ nội bộ của VNexpress, Hà Nội đã gọi cho ban biên tập VNexpress và giận dữ nói rằng trang tin tức này đã châm dầu vào lửa, giữa lúc nhà nước VC đang vật lộn với các tình huống vô cùng khó khăn của kinh tế lúc này, Hà Nội đang toát mồ hôi kiểm soát lại nền kinh tế, vốn đang trượt vào con dốc suy sụp chưa biết hồi kết ở đâu.

Mọi tin tức không những liên quan đến chính trị mà kinh tế, xã hội cũng bị kiểm duyệt thô bạo đến mức khó ngờ. Và sự kiện của bản tin nói trên, lại tiếp tục giáng một đòn chí tử vào bộ mặt nhà nước Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. (SBTN)

(Nguồn: SBTN Posted on 12 Mar 2011)