Từ 18 ngày qua dân chúng, những người trẻ, đã ngày đêm tụ họp ở trung tâm thủ đô Cairo bên Ai cập, ở quảng trường Tahrir, trương cao những biểu ngữ và hô to những đòi hỏi Tổng thống Mubarak phải từ chức, cải tổ hệ thống chính trị ở Ai cập theo chiều hướng dân chủ tự do.

18 ngày đêm người dân xứ này đã kiên trì cố thủ trong những lều trại cắm ở chung quanh quảng trường Tahir, nhất định không lùi bước trước đe dọa của cảnh sát chìm nổi đàn áp gây chia rẽ mất an ninh trật tự.

Ngày hôm qua, 10.02.2011, Tổng Thống Mubarak đã đọc bài diễn văn dài hứa hẹn cải tổ chính trị, bầu cử tự do, chính ông không ra ứng cử vào tháng chín tới, trao quyền theo phương thức vừa de facto vừa de juri cho Phó tổng thống Suleiman điều hành chính phủ, nhưng Ông không nhượng bộ từ chức. Dân chúng biểu tình càng giận dữ hơn nhất định không chấp nhận những điều Tổng Thống Mubarak đưa ra. Họ nhất quyết tháo cởi giầy đưa lên chỉ vào hình Tổng Thống, cử chỉ này đối với người theo Hồi Giáo là sự nhục mạ khinh bỉ, đòi Ông phải từ chức ngay tức khắc.

Hôm nay ngày 11.02.2011 lúc 16.00 giờ bên Ai Cập, Phó Tổng Thống Suleiman, đọc bài diễn văn loan báo: Tổng Thống Mubark từ chức tức khắc, trao quyền lại cho Hội đồng quân sự điều khiển quốc gia đất nước.

Khi tin này loan ra, toàn thể dân chúng Ai cập ở quảng trường Tahrir reo mừng chiến thắng thành công.

Khắp nơi rên khắp thế giới các chính phủ ở Mỹ cũng như ở Âu châu, ở Nga, ở khối Ả Rập đều chào mừng bước tiến này.

Tổng thống từ chức Mubarak và gia đình đã đáp máy bay trực thăng rời bỏ thủ đô Cairo đến vùng Scham al Scheim bờ biển Đỏ cư ngụ.

Từ những ngày qua quân đội với xe tăng được điều động canh giữ những cơ sở trọng yếu của chính phủ trong thủ đô Cairo, nhằm ngăn cản không cho đoàn người biểu tình vào xâm chiếm phá hoại. Quân đội giữ vị thế trung lập vừa bảo vệ dân chúng biểu tình, vừa bảo vệ chính phủ. Có lẽ vì thế cả chính phủ lẫn dân chúng đều tin tưởng nơi quân đội.

Từ ngày 14.10.1981 sau khi Tổng Thống Ai Cập Sadats bị ám sát, Tướng Mubarak được trao quyền hành điều hành nền chính trị vừa là Tổng Thống vừa là Thủ tướng nước Ai Cập tới tháng hai 2011 theo luật tình trạng khẩn trương do Ông ban hành trong nước. Ba mươi năm làm Tổng Thống cai trị Ai Cập theo phương thức chính trị độc tài dưới nhãn vỏ dân chủ.

Ông xây dựng quyền lực chính trị cai trị dựa vào quân đội, vào phát triển kinh tế đặc ân cho những ai trung thành với mình. Ông cho những đảng đối lập được hoạt động trong Quốc Hội do dân bầu, nhưng chính phủ của Ông kiểm soát gắt gao. Ông tìm mọi cách đè bẹp đảng đối lập Hồi Giáo không cho họ cơ hội hoạt động phát triển. Suốt 30 năm cầm quyền của Mubarak người ta đã gọi là một triều đại Pharao Mubarak của Ai Cập.

Về kinh tế, nhất là ngành du lịch phát triển thành công thu hút khách ngoại quốc vào Ai Cập rất đáng kể, và cũng là nguồn thu nhập ngoại tệ to lớn cho kinh tế Ai Cập rất dồi dào.

Ngày nay, khi nói đến Ai cập người ta liên tưởng tới nền văn minh cổ xưa của nhân loại với những Kim Tự Tháp khổng lồ trong sa mạc, những triều đại Pharao bên bờ sông Nil, đến Kênh đào Suez, đến vùng núi Sinai, nơi theo Kinh Thánh Thiên Chúa đã hiện ra trao 10 điều răn cho thánh tiên tri Maisen, đến biển Đỏ ngăn giữa hai nước Ai cập và Israel, đến một xã hội có nhiều nền văn hóa khác nhau cả về tín ngưỡng, tuy Hồi Giáo chiếm đa số, nhưng Giáo Hội Chính Thống giáo hệ phái Cốp ở Ai cập cũng chiếm gần 10% dân số và là một Giáo Hội Kytô giáo có lâu đời hơn cả Công giáo Roma.

Về chính trị, dưới thời Tổng thống Mubarak là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong vùng Trung đông. Ai cập là nước duy nhất trong vùng Trung Đông Hồi Giáo ký kết khế ước hòa bình với Israel. Chính Tổng Thống Mubarak đã đóng vai trung gian giữa Israel và Phong trào giái phóng Palästina của người Palestin đi đến thỏa hiệp công nhận nhau.

Người ta cho rằng Tổng thống Mubarak là người có nhiều công lao xây dựng nước Ai Cập tân tiến như ngày hôm nay cùng là bảo đảm cho một nền chính trị ôn hòa trong vùng Trung Đông nơi có nhiều tranh chấp cực đoan, nền kinh tế trong nước phát triển. Nhưng 30 năm cầm quyền với phương thức tình trạng thiết quân luật khẩn trương nhất là về chính trị đã tạo nên những bất mãn trong lòng dân chúng trong một thời đại tự do dân chủ được cổ võ nêu cao khắp nơi trên thế giới.

Rồi 30 năm trị vì cầm quyền liên tục là thời gian qúa dài, người trị vì hầu như cố thủ bám vào quyền hành không còn muốn cái mới, đang khi thế hệ người trẻ luôn mong muốn có đổi mới về chính trị, kinh tế và nhất là về đào tạo giáo dục thời đại ngày hôm nay cáng ngày càng có nhiều tiến bộ thay đổi.

Nên như tưc nước vỡ bờ, dân chúng đến một lúc nào đó, nhất là những người trẻ chịu không nổi, họ đã đứng lên tràn ra đường phố dương cao cánh tay, giơ cao biểu ngữ đòi tự do dân chủ, đòi cải tổ hệ thống chính trị, mong giúp cho đời sống đổi mới vươn lên.

Và họ đã thành công, Thủ tướng Merkel của nước Đức đã đánh gía những gì xảy ra ngày hôm nay ở Ai Cập là ngày vui mừng thành công của một cuộc cách mạng.

Nhiều người còn so sánh sự thành công ở Ai Cập với cuộc cách mạng biến đổi của nước Đức năm 1989, thời điểm chế độ Cộng sản nước Đông Đức sụp đổ không tốn một viên đạn một giọt máu nào đổ ra.

Tiến trình thay đổi cải tổ chính trị ở Ai Cập đang bắt đầu. Tiến trình này đòi hỏi thời gian cùng nhiều cố gắng dấn thân của mọi người dân, nhất là vai trò trung gian của quân đội để tránh không bị rơi vào tình trạng bị quân đội, bị nhóm cực đoan chế tiếm quyền.

Chúng ta cùng chúc mừng và cầu mong một tương lai tốt đẹp cho đất nước Ai Cập và hy vọng cuộc cách mạng hoa nhài, bông bưởi sẽ thổi sang quê hương VN yêu dấu. Nguyện cầu cho Dân Tộc VN mau sớm được hưởng một mùa Xuân Thanh Bình và Dân Chủ Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo được thực sự tôn trọng.

Đức Quốc ngày 11.02.2011