Tử vì đạo là một hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa và tha nhân

Castel Gandolfo (AsiaNews) - Tử vì đạo là một "hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa" mà không phải tất cả mọi người đều được mời gọi. Nhưng mọi Kitô hữu được mời gọi để "hằng ngày triển nở trong một tình yêu lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân" nhằm biến đổi thế gian, nơi mà "sự ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân" thắng thế. Đây là điều mà Đức Thánh Cha ban huấn từ trong buổi triều yết chung Thứ Tư 11/08/2010 được tổ chức tại khoảng sân của Dinh Thự mùa Hè Castel Gandolfo.

Lấy cảm hứng từ một số vị tử vì đạo trong phụng vụ của những ngày này - Thánh Lawrence, Thánh Pontian, Thánh Hippolytus, Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, Thánh Edith Stein, Thánh bổn mạng của Âu Châu và Thánh Maximilian Kolbe – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành bài Giáo Lý của mình để nói về tử vì đạo, một "hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa".

Trước tiên, Đức Giáo Hoàng giải thích về "nơi mà việc tử vì đạo được lập nên". Ngài cho hay: "Câu trả lời thật đơn giản: cái chết của Chúa Giêsu, nơi sự hy sinh tột bậc của ngài dành cho tình yêu, chết trên thập giá để chúng ta có thể có được sự sống (x. Ga 10,10). Chúa Kitô là người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia nói đến (x. Is 52,13-15), Đấng tự hiến để cứu độ muôn người (x. Mt 20,28). Ngài thúc giục môn đệ ngài, thúc giục mỗi người chúng ta vác thập giá hàng ngày và thực hiện theo con đường tình yêu tuyệt đối của của Thiên Chúa Cha và nhân loại: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10,38-39). Đó là lý luận hạt lúa nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác và mang lại sự sống (x. Ga 12,24). Chính Chúa Giêsu là hạt lúa đến từ Thiên Chúa, hạt lúa thiêng liêng của cây lúa, đã rơi xuống đất, tự cho mình mục nát, mục nát trong sự chết, và qua đó, mở ra và có thể trổ sinh hoa trái nơi trần thế bao la (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viếng Nhà thờ Lutheran của Rôma ngày 14 tháng Ba năm 2010). Vị tử vì đạo theo Chúa đến cùng, bằng cách chấp nhận một cách tự do để chết cho sự cứu độ thế gian, một thử thách tột bậc của đức tin và tình yêu (x. Lumen Gentium, 42).

Đức Thánh Cha cho hay thêm tử vì đạo và ơn gọi để tử vì đạo không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng là đáp lại sáng kiến và lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng là món quà ơn huệ Chúa, để chúng có thể mang sự sống của mình cho tình yêu của Chúa Kitô và Giáo Hội, và do đó cho thế gian. Nếu chúng ta đọc lại đời sống của các vị tử vì đạo, chúng ta ngạc nhiên bởi sự bình thản và lòng can trường của họ trong đau khổ và sự chết: sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối, nghèo khổ của những người trao phó bản thân cho Chúa và đặt niềm hy vọng của mình vào một mình Ngài (x. 2 Cr 12,09)".

Đức Thánh Cha cho hay thêm tử vì đạo "làm phong phú thêm" và "đề cao" sự tự do của những người đối diện với nó: "vị tử vì đạo là một người tự do tột bậc, thoát khỏi sức mạnh của thế gian; một người tự do là người trong hành động cuối cùng dâng tặng toàn bộ sự sống của mình lên Thiên Chúa, và trong một hành động tột bậc của đức tin, hy vọng và bác ái, từ bỏ chính mình trong tay Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế, hy sinh mạng sống mình để hoàn toàn trở thành một phần của sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá".

Tất nhiên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rõ rằng không phải tất cả mọi người được kêu gọi tử vì đạo, "nhưng không ai trong chúng ta bị loại khỏi lời mời gọi thiêng liêng nên thánh, để sống đời sống Kitô hữu của mình ở mức cao và nghĩa là vác lấy thập giá chính mình mỗi ngày".

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Tất cả mọi người, nhất là trong thời đại của chúng ta, khi chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ dường như thắng thế, phải thực hiện dấn thân trước tiên và căn bản để hằng ngày triển nở trong một tình yêu lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân nhằm biến đổi đời sống chúng ta và vì thế biến đổi thế gian. Nhờ lời cầu bàu của các các thánh và các vị tử vì đạo, chúng ta cầu xin Thiên Chúa làm bừng cháy con tim mình để có khả năng yêu thương như Ngài yêu thương mỗi người chúng ta".

Trong số các giám mục hiện diện tại buổi huấn từ giáo lý có Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục về hưu của Hồng Kông. Vào năm 2008 Đức Thánh Cha đã giao phó cho Đức Hồng y Giuse suy niệm Đường Thánh Giá vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh, khi vị giám mục Trung Quốc nhắc lại nhiều lần sự tử vì đạo và bách hại các Kitô hữu trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc.