Dư luận xôn xao chuyện tiền lương ở SCIC

SCIC là tổng công ty nhà nước

Kiểm toán nhà nước Việt Nam vừa phát hiện lương tháng của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lên tới trên 78 triệu đồng (4.500 đôla Mỹ).

Báo cáo của kiểm toán cho hay thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế, năm 2008 lên tới 78,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Thí dụ, lương cựu Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá, người hiện là Tổng giám đốc SCIC là 942 triệu đồng/năm (trên 52.000 đôla Mỹ).

Lý do là vì trong cách tính lương, hệ số lương của SCIC cao đột biến so với các công ty, tập đoàn nhà nước. Số lao động của tổng công ty này cũng thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Quỹ tiền lương của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC được duyệt là hơn 1,473 tỷ đồng; nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và tổng giám đốc là trên 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1,169 tỷ đồng.

Một điều khiến dư luận xôn xao nhất là việc ban lãnh đạo của SCIC bao gồm nhiều quan chức đương quyền.

Chủ tịch HĐQT (gồm bảy vị) là Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Ba ủy viên HĐQT khác là các thứ trưởng Công thương, Kế hoạch-Đầu tư và Tài chính.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung cổ phần của Nhà nước vào một mối để quản lý và điều phối cho hiệu quả.

Tầm nhìn của SCIC đăng tải trên website của tổng công ty này là: "Trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ Việt Nam thông qua việc đem lại giá trị tối đa và sự tăng trưởng bền vững cho các khoản đầu tư".

Tính minh bạch

SCIC có hai chức năng chính là quản lý và đầu tư vốn của Nhà nước; và nguồn vốn duy nhất của tổng công ty này là số cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Một số chuyên gia đánh giá SCIC hướng tới mô hình tập đoàn Temasek của Singapore, về cơ bản là một dạng quỹ đầu tư lớn.

Tuy nhiên SCIC là công ty nhà nước, và phát hiện về tiền lương tại đây đã làm nảy sinh nhiều câu hỏi về tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của công ty này.

Được biết, kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo HĐQT, Ban Tổng giám đốc SCIC kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc xây dựng đơn giá tiền lương, quyết toán và phân phối tiền lương.

Điều này chắc chắn không thể diễn ra nếu có cơ chế công khai minh bạch tiền lương, thưởng, chi tiêu của các lãnh đạo công ty, tập đoàn nhà nước, trong đó có SCIC.

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh

Đài BBC đã nói chuyện với tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội về đề tài này:

BBC: Một trong các lý do chúng tôi được biết SCIC đã viện dẫn để xin hệ số lương cao bất thường là do đặc thù công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Liệu biện giải đó có chấp nhận được không, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: SCIC là một thử nghiệm nhằm giải quyết tình trạng chủ sở hữu nhà nước bị phân tán ra các bộ, ngành và các cấp địa phương chịu trách nhiệm bổ nhiệm nhân sự còn Bộ Tài Chính thì lo quản lý tài sản. Mô hình đó có rất nhiều sơ hở và kém hiệu quả, phân tán vốn nhà nước.

Sau khi nghiên cứu và tử nghiệm nhiều mô hình, Việt Nam đã thành lập SCIC theo mô hình Temasek của Singapore với tham vọng sẽ giải quyết được mâu thuẫn trên.

SCIC tự đặt ra sứ mệnh trở thành nhà quản lý và đầu tư chuyên nghiệp có tầm cỡ quốc tế và dấy lên nhiều kỳ vọng.

Việc SCIC tự đưa ra các lý do để biện minh cho lương cao thì doanh nghiệp nào cũng đưa ra được với những lý do tương tự.

Sau khi bị phát hiện, đồng loạt lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn nhà nước được hưởng lương khoảng 10-15 triệu/ tháng đã ngỡ ngàng và bất bình về mức lương quá cao, nay lại bị lạm chi lên đến 78 triệu VND/tháng.

Các tổng công ty, tập đoàn đều đưa ra các dẫn chứng họ quản lý hàng chục ngàn lao động, tỷ suất lợi nhuận cao, tính chất kinh tế - kỹ thuật phức tạp hơn SCIC nhiều.

Việc ấn định lương cho lãnh đạo SCIC này hẳn không thể thực hiện được nếu như không có sự đồng ý của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước đối với SCIC và chuyên quản về tài chính các doanh nghiệp nhà nước.

Song, ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính lại đồng thời là Chủ tich HĐQT của SCIC, dẫn đến xung đột lợi ích giữa công (quản lý nhà nước) và tư (lương cho bản thân mình và các cộng sự trong SCIC).

Điều này chắc chắn không thể diễn ra nếu có cơ chế công khai minh bạch tiền lương, thưởng, chi tiêu của các lãnh đạo công ty, tập đoàn nhà nước, trong đó có SCIC.

Sai phạm này cho thấy cơ chế giám sát của Ban Giám Sát, Hội Đồng Quản trị v.v. ở các doanh nghiệp nhà nước cần được hoàn thiện vì chưa có vụ việc nào được tự nội bộ phát hiện mà chỉ được phát hiện nhờ có kiểm toán, thanh tra hay tố cáo từ nội bộ ra bên ngoài.

BBC: Một số thành viên SCIC, kể cả trong HĐQT, nhận hai lương cùng một lúc. Chuyện này có hay xảy ra tại Việt Nam, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Việc nhận hai lương hay một lương chính thức và thù lao chức vụ ở các nơi khác đang diễn ra. Vì vậy việc điều tiết thu nhập phải do thuế thu nhập cá nhân đảm trách để bảo đảm công bằng xã hội.

BBC: SCIC được nhiều người cho là có thể phát triển thành công ty quản lý vốn một cách hiệu quả theo mô hình Temasek ở Singapore. Ông đã đi Singapore nghiên cứu và thuyết trình nhiều lần, xin ông nhận xét về mô hình này.

TS Lê Đăng Doanh: Temasek là một công ty chuyên nghiệp, có tinh công khai minh bạch cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế được thừa nhận rộng rãi.

Temasek định kỳ được kiểm toán độc lập, công bố công khai.

Temasek có rất nhiều nhân viên quốc tế các cấp khác nhau, kể cả chuyên viên Việt Nam.

Tôi đã đến thuyết trình ở Temasek và có ấn tượng tốt về tính chuyên nghiệp của họ.

Vậy mà trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, Temasek đã mất đến 30% tài sản do đầu tư vào các định chế tài chính quốc tế, chủ yếu là Mỹ, bị phá sản, dẫn đến việc bà Ho Ching, Chủ tịch Temasek, phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long phải từ chức.

Mới đây, bà Ho Ching được tái bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Temasek. Điều đó cho thấy tính phức tạp và khó dự báo của hoạt động đầu tư tài chính.

So với Temasek thì SCIC không công khai minh bạch, không được kiểm toán độc lập định kỳ và cũng không công bố kết quả kiểm toán. SCIC hoạt động như một thể chế đóng kín, ngay cán bộ Việt Nam ở cơ quan khác cũng không dễ tiếp cận thông tin.

Trong điều khiển học có một định luật là: Trong một hệ thống đóng kín, entropie -thước đo cho sự hỗn loạn- sẽ liên tục tăng lên.

Đó là lý do mọi hệ thống khỏe mạnh, muốn tăng trưởng và thích nghi được với môi trường phải hội nhập, trao đổi thông tin, tiếp nhận nhân sự bên ngoài, phải công khai minh bạch. Tôi rất hy vọng, vì lợi ích của đất nước Chính phủ sẽ chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của SCIC sau vụ việc này.