Từ Tân Cương tới Biển Đông
(Bài của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy gửi tới BBC từ Paris, Pháp)

Nhìn lại lịch sử Trung Quốc, các vụ bất ổn ở vùng biên giới thường có tác động liên đới lên chính sách chung của chính quyền trung ương nhưng bạo động của người Uighur tháng này liệu có ảnh hưởng đối với chính sách của Bắc Kinh trên Biển Đông?

Lần đầu tiên, sau 60 năm thành lập nhà nước Trung Quốc cộng sản, đã xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Uighur và người Hán với những thiệt hại lớn: hơn 160 người bị thiệt mạng, 1000 người khác bị thương, gần 1500 người bị bắt, 270 xe đủ loại bị đốt, hơn 200 cửa hàng và 20 căn nhà bị phá hủy tại Urumqi (Địch Hóa), thủ phủ tỉnh Tân Cương.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền tuần đầu tháng 7/2009 đã lan sang các thành phố khác như Kashgar, thành phố lớn thứ hai của Tân Cương nằm sát cạnh biên giới Pakistan, và hai thị trấn khác là Yili và Aksu, được coi là các cổng nối quan trọng dọc theo Con Đường Tơ Lụa dẫn tới Địa Trung Hải.

Nguyên nhân chính của các cuộc xuống đường biểu tình tại Urumqi là đòi chính quyền Trung Quốc điều tra về việc hai người Hồi Tân Cương bị chết và gần 120 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với người Hán vào hạ tuần tháng 6 vừa qua trong nhà máy sản xuất đồ chơi tại thành phố Thiều Quan thuộc tỉnh Quảng Đông, cách Tân Cương cả ngàn cây số về phía đông-nam.

Đây là những cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý và yêu cầu chính quyền trung ương tôn trọng quyền sinh tồn bình đẳng của các sắc tộc thiểu số với sắc tộc đa số (Hán).

Nguyên nhân trực tiếp là vì chính quyền địa phương không tiếp đón và đối thoại với các nhóm người Hồi Tân Cương để giải quyết vấn đề trong hòa bình lại đưa công an và cảnh sát đến đàn áp... và máu đã gọi máu.

Cho đến nay không ai biết trong số hơn 160 người bị thiệt mạng và 1000 người bị thương, bao nhiêu là người Uighur, bao nhiêu là người Hán.

Hình ảnh những cảnh sát chống biểu tình được trang bị đầy đủ và hàng ngàn người Hán cầm gậy cầm xẻng ngang nhiên đi giữa đường phố Urumqi hò hét đòi trừng trị những người Uighur xuống đường trước đó và hình ảnh những phụ nữ Uighur yếu đuối khóc lóc trước ống kính truyền hình cho thấy có sự thiên vị đối với người Hán và sự phân đối xử đối với người Uighur.

Lý do văn hóa và lịch sử

Nhưng nguyên nhân sâu xa và lâu dài của các cuộc nổi dậy này là người Uighur không muốn trở thành thiểu số và tiếp tục bị phân biệt đối xử trên chính quê hương của họ.

Dù từ hơn một thập niên vừa qua, chính quyền trung ương đã đầu tư rất nhiều vào các dự án phát triển khu tự trị Tân Cương, nhưng sự phát triển này đã không được phân phát đồng đều: mức sống của người Uighur không nhờ đó được nâng cao hơn trong khi giai cấp thống trị người Hán ngày càng giàu có.

Tân Cương là một khu tự trị nằm ở vùng biên giới phía tây-bắc Trung Quốc, đã thành lập từ thời nhà Thanh dành riêng cho sắc tộc Hồi giáo Uighur. Khu này có một diện tích rộng trên 1,6 triệu km2 (lớn nhất trong số các tỉnh và khu tự trị khác tại Trung Quốc), nhưng với một dân số nhỏ: khoảng 20 triệu người, trong đó 45% là người Uighur, 40% là người Hán, 5% còn lại là các sắc tộc thiểu số khác.

Về chủng tộc, Uighur, tên Hán là Duy Ngô Nhĩ, thuộc nhóm sắc tộc Hán Tạng nhưng có mối liên hệ tinh thần và văn hóa gần gũi với các sắc dân Trung Á hơn là người Hán, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ. Tôn giáo chính của họ Hồi giáo Ả Rập (sunni), chính vì thế họ còn được gọi là người Hồi Tân Cương.

Chênh lệch giàu nghèo giữa người Hán và người Uighur ngày càng thách thức và không cần che giấu: các cấp lãnh đạo chính quyền, chủ nhân các nhà máy, công xưởng, nhà hàng, khách sạn đều là người Hán; phần lớn nhân viên và công nhân phục dịch là người Uighur.

Khi phản đối, Bắc Kinh liền tìm mọi cớ để gán ghép người Hồi Tân Cương là đòi ly khai và khủng bố để lấy cớ đàn áp. Chính sách phân biệt đối xử này đã khiến người Uighur ngày càng xa lánh người Hán, đôi khi thù địch.

Sống cạnh những cộng đồng Hồi giáo tại Trung Á, cộng đồng người Hồi Tân Cương đang được tổ chức khủng bố như Al Qaeda và Hồi giáo quá khích chú ý, họ sẵn sàng tuyển dụng và huấn luyện những phần tử cực đoan Uighur để gây bạo động trong vùng.

Hơn 20 người Uighur bị quân đội Hoa Kỳ bắt tại Afghanistan và giam giữ tại Guantanamo từ 2001 chứng minh điều này.

Nguy cơ bạo loạn và tách rời Trung Quốc đang đe dọa vùng đất này nếu chính quyền trung ương không tìm ra một chính sách dân tộc hài hòa và đúng đắn.

Tác động đến chính sách biển?

Nhưng cho dù có thế nào, không nên nhầm lẫn cho rằng những cuộc xuống đường chống đối chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ chiếm hết thì giờ của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, những cuộc chống đối này không quan trọng, chính quyền trung ương sẽ giải quyết vấn đề này trong êm thắm vì đây không phải là một bất ngờ.

Ưu tư chính của Bắc Kinh hiện nay là làm sao phô trương sức mạnh của mình trên Biển Đông như một siêu cường quân sự, trong mục đích hù dọa những quốc gia yếu kém trong vùng để chiếm hữu tài nguyên và làm chủ con đường vận chuyển chiến lược trên biển Nam Hải.

Những cuộc xuống đường chống đối của cộng đồng người Uighur này sẽ không làm giảm áp lực của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông.

Thật ra những cuộc nổi dậy của người Hồi thiểu số Tân Cương không phải mới đây, chúng đã có từ thời lập quốc của người Hán.

Những Vạn lý Trường thành ngăn chặn sự xâm nhập hay tấn công của các sắc tộc thiểu số (gọi chung là rợ Hung Nô) phía tây-bắc vào trung tâm Trung Hoa đã được dựng lên trong suốt một ngàn năm trước bởi các triều đại Hán tộc.

Vì sinh sống trên một vùng đất khô cằn, thiếu tài nguyên, lãnh thổ của các sắc tộc thiểu số phía Tây Bắc dần dần lọt vào tay người Hán vốn đông đảo và hùng mạnh hơn.

Để duy trì sự ổn định, các chính quyền Trung Hoa đã dành cho những sắc tộc này một quyền tự trị khá rộng rãi. Nhưng từ thập niên 1990 trở lại đây, nhu cầu truy tìm lợi nhuận bằng mọi giá đã khiến một số tay phiêu lưu người Hán tiến sâu vào các vùng tự trị này tìm cơ hội làm giàu.

Ước muốn này phù hợp với chủ trương Hán hóa những vùng đất xa xôi như Tân Cương, Tứ Xuyên và Tây Tạng của của chính quyền trung ương Bắc Kinh: cho đến đầu thập niên 1990 người Hán chiếm 6% dân số Tân Cương, hiện nay là 40%.

Chính sách này đã xảy ra với người Tây Tạng, nay đang được áp dụng với người Uighur và trong tương lai với người Choang.

Theo dự trù, đến cuối năm 2010 không còn vùng đất nào tại Trung Quốc mà người Hán không chiếm đa số.

Bắc Kinh đang thực hiện giấc mơ Đại Hán mà các triều đại trước đó chưa làm được.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu các sắc tộc thiểu số Việt Nam và Trung Quốc.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/07/090708_uighur_china_history.shtml)