chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?” (1 Cor 1:10-13).

Không chỉ chia rẽ, Kitô hữu còn sống buông thả về xác thịt với những trường hợp dâm ô, loạn luân, và còn kiện tụng nhau ở toà án đời. Đây là một gương xấu khi những người ngoại nhìn vào cộng đoàn Kitô hữu (1 Cor 5-6). Một số khác ăn thịt cúng hay ăn những thức ăn đã dâng cúng ngẫu tượng gây hiểu lầm cho nhiều tân tòng (1 Cor 8 và 9). Một số thiếu kính trọng khi đến với Bàn Tiệc của Chúa (tức Thánh Lễ), coi thường và thiếu chuẩn bị phụng vụ, hay biến Thánh Lễ trở thành một dịp ăn uống no say mà quên những người nghèo đói khác (1 Cor 11). Một số tự hào với những đặc sủng được thần khí Thiên Chúa ban cho, như ơn nói tiên tri, ơn chữa lành, ơn nói tiếng lạ, ơn giải thích tiếng lạ v.v…, để vênh vang cá nhân hơn là dùng để làm lợi cho giáo hội (1 Cor 12-13).

Tất cả những điều này hợp với lời Phaolô tâm sự trong thư thứ hai Corintô: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!29 Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cor 11:28-29).

Thứ hai là với những Kitô hữu gốc Do thái đòi hỏi dân ngoại giữ luật Môisê. Trong thư gởi Galata, Phaolô nhắc đến một nhóm Kitô hữu đến từ Judea (Cvtd 15:1), hay những người thuộc nhóm Giacôbê đến từ Jerusalem (Cvtd 15:12) muốn áp dụng luật Môisê cho mọi người. Nhóm lên tiếng mạnh mẽ nhất có lẽ là những Kitô hữu gốc Pharisiêu, vì họ cũng có mặt đế lên tiếng trong dịp đại hội Jerusalem: “Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê.” (Cvtd 15:5-6). Chính nhóm người này cũng đã vu oan là Phaolô chối bỏ luật Môisê, dẫn đến việc Phaolô bị bắt ở Jerusalem (Cvtd 21:21).

Thứ ba là những tín hữu Do Thái giáo. Họ vừa tìm cách bảo vệ không để cho người Do Thái bỏ Do thái giáo theo Chúa Giêsu, họ cũng áp bức những Kitô hữu gốc Do Thái bằng cách đuổi những người này ra khỏi Hội Đường, không cho phép thờ phượng chung với họ nữa.

Ngay sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi hàng trăm người nghe lời Phêrô giảng và tin vào Chúa Giêsu, khi Phêrô và Gioan chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, thì các nhà lãnh đạo Do Thái giáo (gồm các Kinh Sư, Kỳ Mục, Thượng Tế) đã họp bàn để bách hại giáo hội (dĩ nhiên lúc đó Phaolô cũng là một cộng tác viên của Do Thái giáo) (Cvtd 2-4). Kết qủa là Stephanô bị ném đá chết (Cvtđ 7:55-60). Sách Cvtd kể: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.” (Cvtd 8:1).

Thứ tư là nhóm người Roma làm chủ về chính trị. Họ không dính dáng vào những xét xử liên quan đến tôn giáo, nhưng nếu có bất an về chính trị, họ trừng trị ngay. Khi nghe Phaolô gây rối loạn ở Jerusalem với những tín hữu Do Thái giáo, viên đội trưởng Roma đã bắt giam Ngài (Cvtd 22:24), rồi giải Ngài về Ceasarea cho tổng trấn Felix (Cvtd 23:23-35). Hết thời Felix, tổng trấn mới lên thay là Festus cũng xét xử Phaolô. Vì Phaolô dùng quyền công dân Roma để kháng cáo lên hoàng đế Ceasar, nên Festus chuyển giao Phaolô về Roma.

Tóm lại, ngoài những đau khổ về thể lý, Phaolô còn chịu đựng những bách hại về tinh thần đến từ nhiều nhóm, trong giáo hội cũng như ngoài giáo hội.

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 23: Theo lịch sử, Phaolô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhất khoảng sau năm 45. Vậy từ khi trở lại ở Damascus (khoảng năm 36) đến sau năm 45, thánh Phaolô làm gì? ở đâu?

Học hỏi thánh Phaolô, ta không dễ dàng bỏ qua thời gian “biệt âm vô tín” khá dài trong hơn mười năm trời, sau khi thánh nhân trở lại trên đường Damascus. Chúng ta không có tài liệu nào nói chính xác thánh nhân làm gì, ở đâu trong thời gian này, dù có nhắc đến những địa danh Syria, Arập, Judea và Celicia là những nơi thánh nhân đi qua.

Khác với những chi tiết kể lại trong ba hành trình truyền giáo, những gì thánh Phaolô làm trong thời gian này không được kể lại cách mạch lạc có thứ tự thời gian, mà thường thiếu rõ ràng, và đòi hỏi các nhà chuyên môn phải dàn dựng bối cảnh.

Qua những yếu tố góp nhặt trong Công Vụ Tông Đồ và trong các thư thánh Phaolô viết, các nhà kinh thánh có thể cắt nghiã phần nào những hoạt động của thánh Phaolô trong thời gian “âm thầm” này.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể những sinh hoạt của Phaolô gần như liên tục, nghĩa là, ngay sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô trong các hội đường (Cvtd 9:8-20).

Nhưng khi đọc thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô tự thuật là sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Ngài: “cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày” (Gal 1:17-18). Và bẳng đi một thời gian dài, Ngài lên lại Jerusalem: “Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa” (Gal 2:1).

Lí do nào khiến thánh Phaolô không đi rao giảng tin mừng đến những vùng xa xôi ngay sau sự kiện Damascus, mà đợi thời gian dài như vậy? Một vài yếu tố ảnh hưởng đến sự kiện này.

Thứ nhất về mặt lịch sử, thời đó dưới quyền quan Caligula (khoảng năm 37-40) có những khủng hoảng về chính trị và kinh tế trong những thành phố lớn vùng Địa Trung Hải. Rồi cuộc xung đột căng thẳng, gần dẫn đến nội chiến, giữa người Hi Lạp và Do Thái trong vùng Alexandria bấy giờ. Những điều này có thể làm hạn chế việc đi lại của Phaolô khiến Phaolô ở lại Cilicia một thời gian dài.

Thứ hai là trong suốt hơn mười năm này, Phaolô vẫn đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Đối tượng Phaolô nhắm có thể là những người được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”, một danh từ dùng để chỉ những người dân ngoại (Hi Lạp) tin vào những giá trị luân lý của Do Thái giáo và tham dự những buổi thờ phượng trong Hội Đường, nhưng họ không chịu cắt bì và không giữ hết các luật của Môisê.

Thánh Phaolô kể: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một” (2 Cor 11:24). Đây là bằng chứng Phaolô tìm đến rao giảng trong các Hội Đường, có thể nhằm vào những người “kính sợ Thiên Chúa”, và bị trừng phạt theo luật Do Thái (Đệ Nhị Luật 25:3). Người ta đoán lý do thánh Phaolô bị đánh đòn vì dám rao giảng Đức Giêsu là đấng Messiah trong các hội đường (xem 1 Cor 1:23).

Thứ ba là khi Phaolô lên Jerusalem lần thứ hai, sau mười bốn năm, Ngài đi với Barnabas và đem theo Titô để trình bày với các tông đồ về vấn đề các người ngoại gia nhập Kitô giáo (Gal 2:1). Phaolô nói: “Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại” (Gal 2:2). Điều này chứng minh Phaolô đã đi rao giảng tin mừng trong những năm này, và số người ngoại tin theo Chúa Giêsu đông đến nổi Ngài cần lên Jerusalem để tranh luận cho quyền lợi của họ, và hy vọng tìm ra câu trả lời.

Tóm lại, từ sau ngày gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus, Phaolô có thể ở ẩn chừng ba năm trong vùng Arập rồi về Damascus (Gal 1:17). Sau đó Ngài rao giảng tin mừng, trước hết cho người “kính sợ Thiên Chúa” (dân ngoại tin theo Do Thái giáo), trong các Hội Đường. Sau này Ngài rao giảng cho dân ngoại, mà cao điểm là ba hành trình truyền giáo.

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 24: Nguyên nhân nào khiến Phaolô bị bắt và đưa đến cái chết?

Phaolô đi truyền giáo khắp “đông-tây-nam-bắc” trong hơn mưới năm (được kể trong ba hành trình truyền giáo), dù gặp nhiều khó khăn nhưng không bị bắt và hăm doạ giết.

Vào khoảng đầu năm 58, Phaolô cùng các bạn đồng hành đến thăm Giacôbê, người anh em của Chúa Giêsu, là thủ lãnh của cộng đoàn Jerusalem lúc bấy giờ, và thăm các trưởng lão (Cvtd 21:18). Giacôbê nhận ra rằng sự hiện diện cúa Phaolô ở Jerusalem có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối với những người Do thái cực đoan (Cvtd 21:21), vì nhiều lí do: (a) vì đây là trung tâm thờ phượng của Do Thái giáo nên họ rất nghiêm khắc khi cho phép người không theo Do Thái giáo vào đền thờ; (b) vì nhiều người Do thái đang thù ghét Kitô hữu dám tuyên xưng Ông Giêsu là Đấng Messiah; (c) vì sợ lòng nhiệt tình của Phaolô sẽ khiến thánh nhân rao giảng Đức Giêsu làm người Do Thái nổi giận, (d) và vì sợ những Kitô hữu gốc Do Thái ở Jerusalem không có cảm tình với Phaolô vì họ nghe đồn rằng Phaolô kêu gọi Kitô hữu gốc Do Thái bỏ lề luật Môisê (Cvtd 21:21). Đây là điều oan ức cho Phaolô vì ông không hề dạy như thế.

Giacôbê hiểu được hoàn cảnh Phaolô và những hiểu lẩm đang có giữa Phaolô và cộng đoàn Kitô hữu Jerusalem, vì thế Giacôbê khuyên Phaolô là hãy chứng minh cho những người khác biết ông là người vẫn giữ luật Môisê (Cvtd 21:17-25).

Nhân dịp lễ Tuyên Khấn Nadia, tức nghi thức mà nhiều tín hữu Do Thái muốn khấn hứa, dâng mình cho Thiên Chúa (lễ được nhắc đến trong sách Dân Số 6:1-24), Giacôbê khuyên Phaolô dẫn bốn người của cộng đoàn Jerusalem vào dự lễ tuyên khấn. Giacôbê cũng xin Phaolô trả những chi phí cho buổi tuyên hứa như cắt tóc, hay dâng của lễ là chiên con v.v… như một cử chỉ thân thiện đối với họ. Mục đích là cho những người khác thấy rằng Phaolô vẫn giữ luật Môisê như những người Do Thái khác (Cvtd 21:22-24).

Phaolô chấp nhận đề nghị này. Khi 7 ngày nghi lễ sắp hết, một số người bắt gặp Phaolô trong khu vực Đền Thờ. Họ tố cáo Phaolô là tuyên truyền phá hoại luật Môisê, và làm ô uế Đền Thờ vì đem người Hi Lạp (dân ngoại) vào khu vực cấm. Họ tìm cách bắt Phaolô, kéo Ngài ra khỏi thành để giết. Phaolô được một vị chỉ huy cơ đội Roma coi thành Antonia cứu thoát (Cvtd 21:32). Sách Công Vụ Tông Đồ kể: “Cả thành phố sôi động và dân đổ xô đến. Họ túm lấy ông Phao-lô, lôi ra khỏi Đền Thờ; lập tức người ta đóng các cửa Đền Thờ lại. Họ còn đang tìm cách giết ông, thì có tin báo lên cho vị chỉ huy cơ đội: "Cả Giê-ru-sa-lem náo động! " Lập tức, ông ta huy động một số binh sĩ và đại đội trưởng, và xông vào đám đông. Vừa thấy vị chỉ huy và binh sĩ, thì họ thôi không đánh ông Phao-lô nữa." (Cvtd 21:30-32).

Nhờ có quốc tịch Roma, Phaolô được lính Roma bảo vệ khỏi bị người Do Thái giết (Cvtd 22:25-26). Nhưng để biết người Do Thái tố cáo Phaolô tội gì, hôm sau quan lính Roma điệu Phaolô đến trước Thượng Hội Đồng (một toà án tôn giáo của Do Thái) để bị xét xử (Cvtd 22:30). Các Thượng Tế, Kỳ Lão họp nhau và âm mưu giết cho được Phaolô (Cvtd 23:12-15).

Nhờ đứa cháu trai mật báo kế hoạch của Thượng Hội Đồng, quan Roma sợ người Do Thái giết Phaolô nên tìm cách chuyển Phaolô đến quan Tổng Trấn Judea lúc đó là Antonius Felix, đang ở Ceasarea Maritima (23:16-33).

Tổng Trấn Felix biết nhiều về tình hình Kitô giáo và sự đối nghịch giữa Kitô giáo và Do Thái lúc bấy giờ (Cvtd 24:22), vì ông làm Tổng Trấn vùng đó khoảng năm 52-60. Sau khi nghe Thượng Tế và Kỳ Lão Do Thái cáo buộc Phaolô với nhiều tội danh “chuyên gây bạo loạn giữa mọi người Do-thái trong thiên hạ, và là đầu sỏ phái Na-da-rét. Y còn mưu toan xúc phạm đến Đền Thờ” (Cvtd. 24:5-6; bảng cáo trạng tựa như họ lên án Chúa Giêsu, xem Lk 23:1-3), Tổng Trấn Felix không thấy có bằng chứng kết án nên hoãn vụ án, và giam lỏng Phaolô (Cvtd 24:23). Felix cũng hi vọng là Phaolô sẽ hối lộ cho mình (Cvtd 24:26), nên giam giữ Ngài hai năm (khoảng năm 58-60).

Khi quan Tổng Trấn mới là Porcius Festus nhận chức (khoảng năm 60), ông lại đem Phaolô ra xét xử (Cvtd 25:1-12). Phaolô lấy lí do là công dân Roma nên kháng cáo lên Ceasar. Vì thế cuộc xét xử phải được đưa về Roma (Cvtd 25:11).

Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.

Bài 25: Chuyến đi cuối cùng của Phaolô về Roma thế nào? Và Phaolô chết ra sao?

Sau khi Festus nhậm chức Tổng Trấn, ông gặp các Thượng Tế và người Do Thái ở Jerusalem, họ xin đem Phaolô về xử ở Jerusalem với âm mưu giết Ngài (Cvtd 25:1-2). Festus lấy lý do là sẽ xuống kinh lý vùng Caesarae nên sẽ xử Phaolô dưới đó (Cvtd 25:4). Khi đem Phaolô ra xử, Phaolô đòi kháng cáo lên hoàng đế Ceasarae (Cvtd 25:11).

Được lính Roma áp giải (và có thể Luca cũng đi theo), Phaolô cùng với vài tù nhân khác lên tàu đi từ Caesarea Maritima đến Sidon, qua vùng Cyprus để đến Myra ở vùng Lycia. Vào khoảng cuối mùa thu năm 60 (Cvtd 27:9), Phaolô rời Myra trên tàu Alexandria để về Roma nhưng gặp thời tiết xấu. Tuyến đường đi dẫn đến Cnidus (ở miền nam vùng biển Tiểu Á), rồi xuôi nam đến đảo Crete (Cvtd 27:7-8). Tàu muốn đến cảng Phoenix, nhưng gió chướng đông bắc thổi đưa tàu ngược về Anriatic tới Malta, và cuối cùng tàu bị đắm tại Malta (Cvtd 28:1).

Sau khi ở lại Malta một mùa đông (chừng 3 tháng), Phaolô và đoàn người đi tàu về Syracuse ở Sicily, rồi đến Rhegium, và cuối cùng đến Puteoli (ngày nay gần Naples, Ý). Từ đó Phaolô được giải đi bằng được bộ qua Appii Forum và Tres Tabernae (Cvtd 28:15). Phaolô đến Roma khoảng đầu năm 61, và bị quản chế trong nhà chừng hai năm (khoảng 61-63). Việc quản chế (chứ không phải bị giam trong ngục) đã cho phép Phaolô tiếp xúc được với những người Do thái ở Roma và giảng dạy cho họ tin mừng tại tư gia (Cvtd 28:17-28).

Sách Công Vụ Tông Đồ kết thúc: “Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.” (Cvtd 28:30-31).

Sách không kể về cái chết của Phaolô, và các nhà kinh thánh cũng không nghĩ là Phaolô chết ngay sau hai năm bị quản thúc (tức khoảng năm 63). Sách cũng không nói là sau 2 năm đó Phaolô làm gì.

Theo những tài liệu khác, các nhà kinh thánh dàn dựng một thời khoá biểu cho những năm sau cùng của Phaolô như sau:

Với những người tin Phaolô là tác giả của thư 1 và 2 Timôthê, và thư gởi Titô, họ cho rằng thánh Phaolô viết thư cho Titô, 1 và 2 Timôthê sau khi bị quản chế ở Roma. Họ còn cho rằng Phaolô sau đó trở lại Miền Đông một lần nữa (thăm vùng Ephêsô, Macedonia, và Hi Lạp), và có thể đã cắt đặt Titô làm lãnh đạo cộng đoàn Cretê, và Timôthê làm lãnh đạo cộng đoàn Ephêsô.

Trong thư 2 Timothê có nói đến những ngày Phaolô gần chết (2 Tim 4:6-18). Thư cũng ngụ ý Phaolô bị bắt ở Troas (2 Tim 4:13) và giải về lại Roma (2 Tim 1:17), và có thể thư này được viết trong tù Roma dưới thời Nero (khoảng cuối 63, đầu 64).

Một số khác không tin như trên. Họ cho là những thư này không phải chính Phaolô viết, mà có thể các môn đệ Ngài viết. Vì thế những dữ kiện lịch sử không đáng tin cậy.

Ngoài những thư trên, truyền thống giáo hội còn biết về cuối đời Phaolô dựa vào tài liệu của giáo hoàng Clement I (khoảng sau năm 90) và giám mục Eusebius (cuối thể kỷ 3). Đặc biệt Eusebius là người kể lại việc Phaolô bị bắt đưa về Roma lần thứ hai, và bi giết dưới thời hoàng đế Nero. Vì cuộc bách hại Kitô hữu của Nero kéo dài từ năm 64 cho đến khi Nero chết (tháng 6 năm 68), nên khó biết chính xác Phaolô bị giết vào thời điểm nào. Đa số các nhà chuyên môn dựa theo lời kể của Eusebius và đoán là Phaolô chịu tử đạo khoảng năm 67, không lâu trước khi Nero chết.

Thánh Phaolô được chôn tại Via Ostiensis, gần đền thờ Phaolô Ngoại thành ngày nay. Năm 258, khi Valerian ra lệnh bách hại Kitô hữu và những ngôi mộ Kitô hữu bị đập phá và làm ô uế, xác thánh Phaolô được đưa về chôn tại Ad Catacumbas trên Via Appian. Sau này người ta cải táng về nơi hoàng đế Constantine dựng cho Ngài một đền thờ, ngày nay gọi là đền thờ Phaolô Ngoại Thành.

Lễ mừng kính thánh Phaolô Trở Lại là ngày 25 tháng 1.

Lễ mừng kính thánh Phaolô Tông Đồ (cùng với Phêrô) là ngày 29 tháng 6.