Mặc dù tình yêu mãnh liệt của Thánh Phaolô đối với Chúa Giêsu trở thành động lực mạnh nhất trong đời ngài, nhưng không có nghĩa là Thánh Tông Đồ không còn nhìn đến căn tính Do Thái của mình. Đức Tin Do Thái sâu xa và việc ngài được đào luyện trong giáo huấn và đạo đức của đạo Do Thái không bao giờ rời xa ngài. Kiến thức và tình yêu của ngài đối với Thánh Kinh, niềm xác tín của ngài về Thiên Chúa, về bản tính nhân loại, và việc tạo dựng, lòng yêu mến của ngài đối với Giêrusalem như trung tâm của đời sống tôn giáo của người Do Thái, và trên hết, tình yêu đối với dân của ngài vẫn mạnh mẽ trong Thánh Phaolô.

Như đối với hầu hết các Kitô hữu thời Hội Thánh sơ khai, là những người Do Thái, Thánh Phaolô đã không nghĩ rằng đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là phải từ bỏ đức tin Do Thái của ngài, nhưng là thăng tiến hoàn toàn đức tin ấy. Mặc dù Thánh Phaolô tin rằng Thiên Chúa đã gọi ngài một cách đặc biệt để đem Tin Mừng đến cho Dân Ngoại, và ngay cả khi Thánh Phaolô dũng cảm bảo vệ quyền của Dân Ngoại được hoàn toàn trở thành Kitô hữu mà không phải thực hành đạo Do Thái, tình yêu và lòng kính trọng của Thánh Phaolô đối với đức tin Do Thái vẫn cỏn nguyên vẹn.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về điều này được tìm thấy trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. Thánh Phaolô chưa đến Rôma và cũng không có trách nhiệm trong việc thành lập cộng đồng Kitô hữu ở đó. Trong khi sửa soạn để kéo dài cuộc truyền giáo của ngài đến Rôma và sau đó đến Tây Ban Nha, Thánh Phaolô viết cho các tín hữu tại Rôma bức thư bao quát nhất và phát triển nhất về thần học của ngài. Mục đích của ngài là để giải thích quan điểm của mình về Đức Tin Kitô giáo, nhưng cũng để giữ gìn sự hợp nhất giữa những tín hữu gốc Do Thái và gốc Dân Ngoại, là những thành phần của cộng đoàn căn bản nảy. Trong chương 9 đến 11 Thánh Phaolô đi đến trọng tâm của luận đề. Trong một đoạn cảm động và thẳng thắn, Thánh Phaolô cho thấy tình yêu sâu đậm ngài dành cho dân ngài và sự buồn rầu của ngài vì họ chưa chấp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Tôi nói sự thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối; lương tâm tôi cũng làm chứng cho tôi trong Chúa Thánh Thần, rằng tôi rất đau sót và không ngừng sầu khổ trong tâm hồn. Vì tôi ao ước rằng chính tôi bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Kitô vì anh em của tôi, là bà con của tôi theo huyết thống. Họ là người Israel, và quyền làm dưỡng tử, vinh dự, giao ước, việc ban bố Lề Luật, phụng tự và các lời hứa là của họ; các tổ phụ là của họ, và chính Ðức Kitô, xét theo huyết thống, cũng đồng chủng với họ” (Rom 9:1-5).

Trong Chương sau đó, Thánh Phaolô bàn về mầu nhiệm của sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đề nghị rằng việc trở lại của Dân Ngoại chỉ là mở đầu cho việc gia nhập của chính dân Israel. Cho nên Dân Ngoại không nên tự hào, nhưng phải ý thức rằng đó chỉ là những hành động mở đầu. Một trong những xác tín chính hướng dẫn tư tưởng của Thánh Phaolô là việc cho rằng “hồng ần và ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được” (11:29). Cho nên Thiên Chúa không bao giờ bỏ dân Israel và Giao Ước của Ngài với Dân Ngài vẫn còn có giá trị; chỉ đến ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi bí nhiệm và kết hợp dân Do Thái với Đấng Kitô của họ.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để bàn luận: Giáo huấn của Thánh Phaolô trong Thư Rôma 9 đến 11 đã ảnh hưởng lớn đến thái độ của người Công Giáo đương thời đối với dân Do Thái, và được phản ảnh trong tài liệu tiên phong của Công Đồng Vaticanô II, Nostra Aetate, là tài liệu thôi thúc các Kitô hữu kính trọng thực tại sống động của Do Thái giáo, và từ bỏ những thái độ kỳ thị người Do Thái. Các Đức Thánh Cha gần đây từ Đức Thánh Cha Gioan XXIII cho đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đều đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải đề cao giá trị của gốc Do Thái của Kitô Giáo và kêu gọi chúng ta thành kính đối thoại vớ dân Do Thái tới nay. Tôi đã tỏ ra lòng tôn trọng gốc Do Thái của chúng ta và dân Do Thái chưa?

LM Donald Senior, C.P.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=169

------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.