SUBPRIMES, sau nhiều năm phát đạt, đã đem lại những số tiền lời lớn chia cho các ngân hàng hoặc những quỹ đầu tư (Investment Funds) và, qua các định chế này, đến tay các nhà đầu tư và khách hàng ở khắp Âu châu. Từ giữa năm 2007, các ngân hàng và những quỹ đầu tư bắt đầu bị lỗ vốn vì lãi suất subprimes tại Hoa kỳ tăng cao, con nợ không còn khả năng thanh toán. Do đó, từ đầu tháng 08.2007, nhiều ngân hàng và định chế tài chính Âu châu nhận được những báo cáo lỗ vốn về chứng khoán thế chấp subprimes.

I. VÀI SỰ LỖ VỐN LỚN TẠI ÂU CHÂU.

Tin loan truyền ngày 03.08.2007 cho biết: Hãng Bảo Hiểm AAA của công ty Allianz (Đức quốc) bị thiệt mất 2 tỉ mỹ kim vì đầu tư vào US Subprime Mortgage Market. Kế tiếp, ngày 06.08.2007: Hãng Tái Bảo Hiểm AAA, Munich Re (Đức quốc), bị lỗ vốn một tỉ mỹ kim.

Đến ngày 01.11.2007, Crédit Suisse (Thụy sĩ) mất đi một tỉ mỹ kim và UBS (Thụy sĩ) mất vốn tất cả là 13,7 tỉ mỹ kim từ tháng 9 đến 12.12.2007.

Nhiều ngân hàng mất vốn nhưng không nói ra vì muốn giữ thanh danh, nên thanh khoản trở thành khan hiếm, nên các Ngân hàng Trung ương phải can thiệp bằng cách ứng vốn (US Federal Reserve tung ra thị trường tiền tệ 17 tỉ mỹ kim, Ngân hàng Trung ương Âu châu 130 tỉ mỹ kim và Ngân hàng Trung ương Anh quốc đã trợ lực 25 tỉ mỹ kim).

A. THỤY SĨ.

Ngày 12.04.2008, UBS (Union de Banques Suisses kết họp với Société de banques suisses từ 1998), với gần 81.000 nhân viên làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đang quản lý tới hơn 3.100 tỉ francs suisses (gần 3.000 tỉ mỹ kim) của các khách hàng giàu và được coi là ‘thần giữ của’ lớn nhất thế giới, đã cho biết: trong tam cá nguyệt I/2008 bị lỗ kỷ lục 12 tỉ francs suisses (gần 11,9 tỉ mỹ kim).

Tuy nhiên, giới phân tích tài chánh tin rằng: Do hoạt động thận trọng vững chắc và uy tín, nên dù bị mất tới 37,4 tỉ mỹ kim, UBS vẫn còn đứng vững nhờ các khoản dự phòng cho các rủi ro về tín dụng, về thị trường và do những bất trắc về nghiệp vụ. Thêm vào đó, Tập đoàn quản lý và đầu tư vốn quốc gia GIC của Singapore đã đầu tư 11 tỉ bằng mua 9% cổ phần của UBS.

Khi khủng hoảng ngân hàng và tài chánh xảy ra từ 2007, chính phủ liên bang Thụy sĩ đã thảo luận với Ngân hàng Quốc gia Thụy sĩ (Banque Nationale Suisse) để hỗ trợ UBS và Crédit Suisse, không cần tuyên bố khoe khoang. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia Thụy sĩ cũng bán đi 300 tấn vàng dư thừa để làm việc xã hội (giúp người nghèo và thất nghiệp).

Chánh phủ Thụy sĩ bảo đảm cho người tiết kiệm và có hệ thống Ngân hàng tại mỗi Hạt (Banque Cantonale) để bảo đảm 100% số vốn cho những người ký thác tiền tại ngân hàng. Nhờ sự yên lặng đó, các ngân hàng Thụy sĩ tiếp tục thu tiền gửi của khách hàng khắp nơi.

Thụy sĩ là một quốc gia với 7 triệu dân, nhưng trung lập và ảnh hưởng quốc tế. Luật pháp minh bạch. Dân chủ trực tiếp từ dân (chỉ cần có 200.000 chữ ký, chính quyền Hạt phải tổ chức Trưng cầu Dân ý cho Dân bầu phiếu quyết định.

Thêm vào đó, Đồng francs suisses rất có giá trên thị trường tiền tệ thế giới và ngân hàng Thụy sĩ bảo đảm ‘hoàn toàn’ Bí mật ngân hàng (secret bancaire) của khách hàng.

B. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

1. Chúng ta cần phân biệt:

a. Liên hiệp Âu châu (viết tắt: Liên Âu), hiện nay, bao gồm 27 quốc gia thành viên:

- Ngày 25.03.1957, Hiệp ước Rô-ma đã được ký kết giữa 6 quốc gia sáng lập Bỉ, Hòa-lan, Pháp, Ý-đại-lợi, Đức và Lục-xâm-bảo đã ký kết để thành lập Cộng đồng kinh tế Âu châu (Communauté économique européenne, viết tắt C.E.E), còn gọi là Thị trường chung Âu châu (Marché commun européen);
- và 21 quốc gia gia nhập: Anh-quốc, Ái-nhỉ-lan và Đan-mạch (gia nhập ngày 01.01.1973), Hy-lạp (01.01.1981), Bồ-đào-nha và TÂy-ban-nha (01.01.1986), Thụy-điển, Áo-quốc, Phần-lan (01.01.1995). Hung-gia-lợi, Lettonie, Lituanie, Estonie, Ba-lan, Cộng-hòa Tiệp (Slovaquie). Slovénie, Chypre, Cộng-hòa Séc (Tchèque) và Malte (01.05.2004), Bảo-gia-lợi và Lỗ–ma-ni (01.01.2007).

b. Khu vực EURO (Zone Euro)

Không phải tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Âu đều là thành viên sử dụng đồng tiền ‘chung’ EURO. Khu vực Euro chỉ bao gồm 16 quốc gia: Bỉ, Hòa-lan, Pháp, Ý-đại-lợi, Đức, Lục-xâm-bảo, Ái-nhỉ-lan, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Áo-quốc, Phần-lan, (01.01.1999), Hy-lạp (01.01.2001), Slovénie (01.01.2007), Chypre (phần Hy-lạp) và Malte (01.01.2008), Cộng-hòa Tiệp (01.01.2009).

Bên cạnh những quốc gia này, Euro cũng được lưu hành tại các những quốc gia khác:
- Saint-Marin và Tòa Thánh Vatican, do có những thỏa hiệp để có những tiền giấy và kim loại riêng, tương đương giá với đồng lire Ý;
- Monnaco cũng có những thỏa hiệp với Pháp để sử dụng đồng franc Pháp.
Trái lại, Andorre đã dùng franc Pháp và pesata Tây-ban-nha khi euro ra đời, nhưng tạm thời chưa được phát hành những đồng kim loại riêng.

Ba quốc gia thành viên Liên Âu, dù hội đủ các điều kiện, không tham gia đồng tiền chung Euro là:
- Đan-mạch vì cử tri đã trả lời ‘không’ trong cuộc Trưng cầu dân ý tháng 09.2000;
- Thụy-điển từ chối tham gia vì người dân không chấp thuận qua Trưng cầu dân ý tháng 09.2003;
- Anh-quốc vì chánh phủ từ chối sau khi thấy các Thăm dò ý kiến cho thấy dư luận dân Anh chống lại sự gia nhập.

Liên hiệp Âu châu không phải là một liên bang như Hoa kỳ mà là một tập hợp các quốc gia có chủ quyền và có những quyền lợi khác nhau, nhưng không trái với những chỉ đạo (directives) của Liên Âu và Nhóm Euro (Eurogroupe) cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu (BCE, Banque Centrale Européenne, tiếng Pháp, hay ECB, European Central Bank, tiếng Anh). Do đó, để đối phó với những khủng hoảng tài chánh và kinh tế, Liên Âu có những quyết định chung và các quốc gia thành viên có những biện pháp riêng cho nước mình.

2. Vài trường hợp đối phó với khủng hoảng tài chánh.

a. Anh-quốc. Ngày 17.02.2008, lần đầu tiên từ năm 1970, Tổng trưởng Tài chính Anh quốc đã tuyên bố quốc hữu hóa tạm thời ngân hàng Northern Rock, chuyên cấp tín dụng bất động sản, đang bên bờ phá sản vì mất nợ do subprimes từ Hoa kỳ. Nhà Nước chi 26 tỉ bảng Anh (livre sterling, tương đương 35 tỉ euros) với mục đích để bảo đảm các số tiền ký thác tại các ngân hàng này và cử ông Ron Sandler, cựu Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm nổi tiếng Lloyd’s, điều khiển Northern Rock.

Sau đó, ngày 08.10.2008, Anh quốc phải quốc hữu hóa từng phần ngân hàng Bradford & Bingley với số tiền 50 tỉ bảng Anh (65 tỉ euros). Chánh phủ Anh cũng dành ra 52 tỉ bảng Anh (68 tỉ euros) để cấp vốn lưu động cho các ngân hàng Lloyds TSB, HSBC, Royal Bank of Scotland, Standard Chartered, Barclays.

b. Băng đảo (Islande, tiếng Pháp, và Iceland, tiếng Anh), một đảo quốc nhỏ ở Bắc Âu, với 300.000 dân, giàu hàng nhì trong vùng, sau Na-uy, là nước đầu tiên phá sản. Tổng số nợ của người dân Băng đảo tương đương 12 lần Tổng sản lượng nội địa (GDP, tiếng Anh và PIB, tiếng Pháp) của Băng đảo (đúng vậy, phải giàu có, người ta mới cho vay!).

Hai nguyên nhân đã đưa đến tình trạng nầy:

- chánh phủ quốc hữu hai ngân hàng Landsbanki (số 2 của Băng đảo) và Glitnir (số 3) vì thiếu thanh khoản do mất tiền vì subprimes;

- quốc tệ (đồng Króna) bị mất giá 45% đối với mỹ kim, so với trị giá 30 ngày trước đó.

Ngày 06.10.2008, chánh phủ tuyên bố bảo đảm các số tiền ký thác tại các ngân hàng Băng đảo và đang làm thủ tục vay tiền Quỹ Tiền tệ quốùc tế. Cùng lúc, Ngân hàng Quốc gia Băng đảo cho biết Liên bang Nga đồng ý cho Băng đảo vay 4 tỉ euro.

Mới đây, ngày 21.01.2009, những cuộc biểu tình chống khủng hoảng kinh tế kéo dài đưa đến tình trạng thất nghiệp tăng cao, khởi đầu từ bốn ngày trước, tại Reykjavik, đã trở nên bạo động khiến cảnh sát phải sự dụng lựu đạn cay để giải tán.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1949 (đã 40 năm), cảnh sát phải dùng lựu đạn cay để giải tán. Cuộc biểu tình năm 1949 nhằm chống việc Băng Đảo định tham gia Minh ước Bắc đại tây dương (NATO). Do đó, đảo quốc này có thể phải tổ chức bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn bình thường năm 2011.

c. Ngày 09.10.2008, trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 2 (Pháp), ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã ước tính tổng số nợ xấu có thể lên đến khoảng 1.400 tỉ mỹ kim, phân nửa do các ngân hàng tại Hoa kỳ nắm giữ, phần còn lại nằm trong các ngân hàng ở Âu châu và một vài nơi khác (Trung quốc, Nhật bản…). Nhiều ngân hàng và cơ sở tài chính này có nguy cơ bị phá sản vì không còn phương tiện thanh toán, trong lúc chính các ngân hàng không còn tin tưởng lẫn nhau, không cho nhau vay mượn nữa, hoặc phải xin chính phủ cứu trợ. Bởi vậy, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng những biện pháp mà các chính phủ đưa ra vẫn chưa đủ.

d. Trong hai ngày 11 và 12.10.2008, các Tổng trưởng Tài chánh và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương Nhóm G7 (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý-đại-lợi, Canada và Nhật bản) đã tham dự phiên họp tại Bộ Ngân khố Mỹ, ở Washington (Hoa kỳ) và cam kết sẽ có những biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chánh.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa kỳ, ông Henry Paulson, đề ra Hành động Cấp bách và Đặc biệt (Action Urgente et Exceptionnelle) gồm 5 điểm:

1/ Ngăn cản việc phá sản các ngân hàng và cơ quan tín dụng;
2/ Cung cấp phương tiện để các ngân hàng và cơ quan tín dụng có thêm vốn lưu động;
3/ Khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng và cơ quan tín dụng cho các công ty vay vốn;
4/ Bảo đảm an toàn cho những người tiết kiệm gửi tiền vào các ngân hàng;
5) Kiểm soát những khoản nợ nghi ngờ tại các ngân hàng và cơ quan tín dụng.

G7 cũng chấp nhận trong Hành động Cấp bách và Đặc biệt này việc quốc hữu hóa bán phần những ngân hàng và cơ quan tín dụng.

Trong khuôn khổ G7, Hoa kỳ là quốc gia, trong những năm qua, thường xuyên giảng các bài học về kinh tế tự do và việc quản trị điều hành tài chánh tốt. Lần này, Washington khó mà thuyết phục được các đối tác khác nghe theo. Do đó, tâm lý đang căng thẳng trên thị trường hiện nay, một sự bất đồng giữa các thành viên G7 sẽ càng làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.

d. Ngày 04.10.2008, hội nghị thượng đỉnh bốn quốc gia Pháp, Đức, Ý và Anh quốc đã nhóm và thông qua những quyết định nhằm đối phó với khủng hoảng. Nhưng các vị đã không đồng thuận về một kế hoạch chung cho Liên Âu nhằm cứu nguy các ngân hàng, vì Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn bàn đến một kế hoạch như vậy và đề nghị mỗi nước cần đề ra những biện pháp riêng. Chính vì thế mà cuộc họp nói trên đã không thể giúp ngăn chận đà xuống dốc của các thị trường tài chính.

e. Ngày 12.10.2008, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực Euro và Anh-quốc đã họp tại Paris nhằm thảo luận các biện pháp phối hợp để đối phó với khủng hoảng tài chính. Tham dự phiên họp, còn có sự hiện diện của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu, ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ủy ban Âu châu, ông José Manuel Barroso, và Trưởng Eurogroupe, ông Jean-Claude Juncker.

Các lãnh đạo nhóm Eurogroupe đã thỏa thuận Chương trình Cứu giúp các ngân hàng và hỗ trợ vốn lưu động để các ngân hàng có thể cho vay lẫn nhau (tín dụng liên ngân hàng, prêts interbancaires).

Các thành viên tham dự phiên họp đồng ý để các quốc gia trong khu vực đồng Euro củng cố tầm quan trọng số lượng vốn của các ngân hàng Âu châu, đưa một khối lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng, bảo đảm tiền ký thác và các khỏan nợ của những định chế tài chính. Nhưng mỗi nước tự do can thiệp vào từng trường hợp tùy theo nhu cầu, tùy mức cấp bách và theo những qui định riêng của mình, với điều kiện phải cho các đối tác biết trước khi can thiệp. Mỗi quốc gia phải lưu ý không để hành động cứu vớt của mình ở trong nước kéo theo những vụ phá sản của các ngân hàng nước khác.

Còn số phận những ngân hàng có khối lượng họat động lớn tại nhiều nước cũng sẽ được các nước liên quan cùng ấn định. Phản ứng của các quốc gia như vậy sẽ được hài hòa trong phạm vi khu vực Euro, tuy nhiên được điều tiết tùy theo từng nước.

Các lãnh đạo này hứa bỏ chung vào quỹ Chương trình như sau:
- Đức quốc: 480 tỉ Euro;
- Anh quốc: 380 tỉ Euro;
- Pháp quốc: 360 tỉ Euro;
- Hòa-lan: 200 tỉ Euro;
- TÂy-ban-nha: 100 tỉ Euro;
- Ý-đại-lợi: 40 tỉ Euro;
- Bồ-đào-nha: 20 tỉ Euro.

(Còn tiếp)

Hà-Minh Thảo