Họ Đạo CÁI BÔNG

I. HÌNH THÀNH ( SỬ LIỆU)

Tài liệu này được dịch từ MONOGRPHIE DE CÁI BÔNG,

DISTRICT DE BẾN TRE từ trang 120 – 129,

Lưu trử trong văn khố Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn.

Lưu ý: Phần chú thích là của người dịch.

I. Nguồn Gốc:

Ai cũng biết rằng phần đất của tỉnh Bến Tre hiện nay, khi xưa là xứ của người Miên, dù vậy chúng ta không biết rõ lúc nào, người Annam¬¬¬¬¬¬¬¬(*1) đã đến lập nghiệp. Họ đến đây không phải từ đám đông cùng một lúc, và họ cũng phải lấn chiếm đất đai của người Miên, y như họ vẫn làm ở tỉnh Trà Vinh, là… Người Miên từ từ nhường đất đai của mình cho người Annam. Không ai đoán được cuộc xâm lăng hoà bình này (*2) chừng nào sẽ kết thúc.

Ở Bến Tre hiện nay, vài nguồn tin "tôi" (*3) được biết: Vào cuối thế kỷ 18, người Miên còn ở trong vùng này; nhưng cũng chắc chắn rằng: lúc đó người Annam đã định cư thành làng mạc tại đây.

Trong khi tò mò tìm hiểu về tổ tiên của cụ Phan Thanh Giản (1796 - 1868), quan đầu tỉnh cuối cùng của Vĩnh Long, tôi được biết từ chính miệng người cháu của cụ Phan, sinh tại Bảo Thạnh (cụ Phan được chôn cất tại đây). Ông nội cậu là người đi di dân từ Annam tới. Thân phụ của cụ sinh lối năm 1775. Ông nội đã lập nghiệp ở đây (Bảo Thạnh) từ vài năm trước khi sinh ra thân phụ của cụ.

Năm 1776 là năm Tây Sơn chiếm Đồng Nai; dù sao, giặc Tây Sơn cũng không cản được bước tiến di dân của người Annam về miền đất Miên này. Đức Cha d’Adran đã mở trường học tại Cần Thơ vào thời này; vài năm sau, Nguyễn Ánh đã đến lánh nạn tại đây.

Chính trong thời kỳ loạn lạc này, sớm hay trễ hơn một chút (có thể khoảng cách không lớn lắm) phải kể đến Ba người Công giáo đầu tiên đến đây lập nghiệp. con cháu ba người này, ngày nay (từ 1905 trở đi) chiếm một phần tư số người công giáo họ đạo Cái Bông. Đó là lối 1780, dưới triều giám mục Pigneau de Béhaine, Giám mục d’Adran Giám mục Tông Toà Cochinchina.

(*1). Nước Annam: tên nước Việt Nam trước và trong thời Tây Sơn, ranh giới phía nam còn quá mập mờ, có thể từ Đồng Nai trở ra, hoặc ít ra Miền Tây vẫn còn thuộc về người Miên.

(*2). Xâm lăng hoà bình: người Việt đến sống cạnh người Miên trong thôn sóc của họ; vì người Việt cần cù hơn nên họ có tiền hơn; từ từ học dùng tiền của mua lại đất của người Miên, và cho chính người Miên mướn lại. Người Miên thấy lần hồi không sánh bằng người Việt, tự ý ra đi sinh sống nơi khác.

(*3). Tôi: Tư liệu này không có tên tác giả, cũng không ghi năm tháng; ở số “5, các linh mục cai quản họ Cái Bông” chỉ đi đến “ Cha Phêrô Khánh 1905, không có ghi năm ngài rời bỏ Cái Bông; trên cơ cở đó, ta phỏng đoán “tôi” chính là Ngài, là tác giả tập chuyên khảo này.

Như thế, đạo công giáo đã châm gốc rễ tại Cái Bông nhờ những người Công giáo di dân từ xứ Annam, theo như lời kể của con cháu họ, chắc chắn từ Miền Trung, vì người di dân đã đến đây qua rất nhiều giai đoạn.

***

II. Những người Công giáo đầu tiên tại Cái Bông:

Ông Vách Trưng – Ông Trương Chức – ông Trương Thoại.

Những người Công giáo đầu tiên này, xem ra không có họ hàng với nhau, “vì họ” của họ khác nhau, như ông Võ Trưng và ông Trương Chức (*4).

Những người đạo dòng của Cái Bông hiện nay (lối 1905) là con cháu năm đời của Ba người Công giáo đầu tiên này. Sau đây là một vài ví dụ:

Ông. Biện Việc Quờn, hiện nay 42 tuổi, con cháu của Ông Vách Trưng bên ngoại, con của bà sáu Tâm (Bà Sáu Tâm là con thứ ba của Bà Sương; Bà Sương con thứ ba của Bà Sư; Bà Sư là con thứ tư của Ông Vách Trưng).

Ông Câu Học đứng đầu họ đạo hiện nay là con cháu của Ông Trương Chức: con Ô. Trùm Hổ, cháu nội của Ô Trùm Trị, cháu sơ của Ông Trùm Trương Chức.

Ô. Biện Trung, lối 40 tuổi, con cháu của ông Trương Văn Hội. Bà Trung là con Ô Xoài, cháu nội Ô Lộc, cháu cố Ô. Biện Điều, cháu sơ B.Sài; B.Sài là con Ô, Trương Thoại.

Trong Ba người Công giáo đầu tiện này, chỉ có Ông Vách Trưng là có con cháu đông nhất. Người ta gọi Ông Vách là “Ô. Vách”(*5), điều đó cho thấy Ô không sinh ra ở tại Cái Bông, mà là ở Annam; nếu không phải thế, người ta đã không gọi Ô là Ô Vách (đây có thể là một chức quan nhỏ, tại vùng Cochinchina)

Ô. Vách Trưng có bốn con – Ô Chức có năm con – Ô Thoại có hai con.

Năm 1835, cuộc bách đạo bùng nổ; tại Cái Bông đã có 46 gia đình Công Giáo lập nghiệp tại đây, đó là nguồn gốc họ đạo Cái Bông, được sinh ra trong thời giặc Tây Sơn…

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, một nhà thờ đã được dựng nên trong khu vực nhà thờ hiện nay. Khu vực đất nhà thờ Cái Bông, là đất do Ô. Vị dâng; Ô. Này là rể của Ô. Vách Trưng và là chồng của bà Sư, là ông nội của bà Nguyệt, bà này hiện còn sống 77 tuổi. Họ đạo đã có đất thánh (*6), nơi chôn cất hầu hết tổ tiên người công giáo tại Cái Bông. Ông Vách Trưng được chôn cất trong đất nhà thờ, phía sau trường học hiện nay. Ông Vị chôn cất trong phần đất, sau này ông biện Quả sẽ dâng cho nhà thờ. Ông biện Quả là chồng của bà Nguyệt, bà này là cháu nội của ông Vị. Ông Chức cũng được chôn cất tại đất thánh của họ đạo.

Các Linh mục thừa sai cai quản họ đạo Cái Bông trước chiến tranh (Tây Sơn-Nguyễn Ánh) là Á thánh Marchand Du (cố Du), cha Gagelin (cố Kính). Đức Cha Cuénot Thể (cố Trí) đến đây từ Tất Ba Hut, Đầu Nước (Cù lao Giêng). Sau này gần cuối cuộc bách hại, Thánh Lựu và Thánh Minh (Cha Phan) đã đến thăm họ Cái Bông.

(*4) và (*5): Trong “Tông chi Ba vị sáng lập họ Cái Bông”, Cha Bên. Trương Thành Thắng cháu nội Ô.câu Học, có ghi: Ô. Vách Trưng họ Võ: Võ Vách Trưng. Theo lời kể của ông câu Học kể cho con cháu nghe: Ô Vách Trưng là quan Một (Vách, Dách đọc theo âm Tàu), của Nguyễn Ánh. Ô. Trương Chức và Trương Thoại là lính dưới quyền Ô. Vách Trưng.

(*6). Đất thánh họ đạo Cái Bông, cách nhà thờ 400m, về phía nam, cạnh Chùa Phật của Làng: còn vài đất thánh phụ mới sau này, theo như ở đây nói, Đất thánh đầu tiên của họ đạo trên đất nhà thờ sau Trưòng học, trên phần đất của ông Năm Hưng và Ông Mười Út, hiện nay đã lạng và mất dấu tích.

***

III. Thời kỳ cấm cách:

Trong thời kỳ ly loạn này, người ta biết rất ít về Cái Bông, nhà thờ đầu tiên đã biến mất. Bấy giờ, người công giáo hội họp nhau trong nhà ông Đội Lý, cháu nội Ô. Vách Trưng. Ô. Đội Lý là người cương quyết. Sau này ông bị bắt vì đạo ở Chà Và hay Rạch Rập (Lọp) và chết rủ tù tại Vĩnh Long. Được táng tại Mặc Bắc

(Theo đặc San của Họ đạo Mặc Bắc ghi: Ông Đội Lý bị bắt tại nhà riêng của Ông ở tại Mặc Bắc, do hai tên bếp Nhẫn và xã Hiệp tố cáo). Nhà Ông Đội Lý ở Cái Bông rất gần nhà thờ. hiện nay, Ô,Biện Giáo đang ở phần đất đó. Trong thời kỳ khó khăn này, các Thừa Sai, linh mục ngoại quốc rất ít ghé thăm Cái Bông. Người có đạo muốn lãnh Bí tích phải đi đến Cái Nhum, Cái Mơn, Chà Và. Nhiều người đã không trở về nữa; họ định cư luôn tại đó. Trong thời gian này Cái Bông không làm được gì khá hơn là lo âu sợ hãi. Như trên đã nói, Ô. Đội Lý đã bị bắt vì đạo, một người Công giáo khác cũng đã bị bắt trong khi đi đến Chà Và; đó là Ô Trương Văn Trị, cháu nội ông Trương Chức, cháu nội ông Trị là ông Câu Học đã kể cho nghe rằng: Ông nội của ông đã bị bắt vì đạo, vì quá sợ khổ hình nên ông đã “phạm ảnh”, đó cũng là tự nhiện thôi, nhưng không phải là tinh thần công giáo. Tuy nhiên về sau này, ông là Trùm họ đạo Cái Bông.

***

IV. Người Công Giáo.

Như trên tôi đã nói vào 1835, khởi đầu cuộc cấm cách, Cái Bông chỉ có lối 45 gia đình; năm 1856, có 72 người Công Giáo theo báo cáo của Cha Phêrô Lựu (nay là Thánh Phêrô Lựu, Linh mục); năm 1864 cha Gornot ghi nhận nơi này chỉ có 105 giáo dân, và 1865 có 160 người. Cái Bông đã không phát triển nhiều về sỉ số, nhiều người là con cháu của Ba vị sáng lập họ Cái Bông, đã đi định cư nơi khác. Một số đã trở về vào dịp tốt; hầu hết thì không. Như vậy ở cù Lao Giêng có con cháu ông Chức; ở Bãi Xan, Mặc Bắc có nhiều con cháu Ô. Thoại; con cháu Ô Vách Trưng, mỗi nơi một ít khắp trong các vùng: Giồng Miễu, Chà Và, Láng Sắc, Gồng Rùm, Cái Mơn, Mặc Bắc, Sóc Trăng, Cái Nhum, Bến Tre, Bình Đại, Bông Bót, Rạch Lọp, Bãi Xan.

***

V. Các Linh Mục Cai Quản Họ Đạo:

Cha Gernot (1864-ầy7) ngài thấy Cái Bông có 105 giáo dân. Trong bản báo cáo của ngài có ghi; những người công giáo này đã được Đấng Chân Phứơc Marchand Du rửa tội. Vào năm 1865, cha còn ghi 160 người. Năm 1866 cha Colombert rửa tội tại Cái Bông 36 tân tòng. Năm 1867, Cái Bông có 193 người công giáo.

Cha Phaolô Tuyết (1867-1875) vào thời này, cha Gernot ở quá xa, hoặc quá bận rộn, không thể tự mình lo cho Cái Bông được nữa, ngài đã giao cho cha Phaolô Tuyết tiếp tục. Trước khi Cha Phaolô Tuyết đến đã có thầy Phêrô Dư (sau này là Cha P.Dư) và thầy Phaolô Dưỡng (sau này là Cha P.Dưỡng) đã ở đây phụ giúp giáo lý. Hai thầy đã lo dạy giáo lý cho 6 dự tòng, được rửa tội năm 1866 do cha Phaolô Colombert. Cha Phêrô Tuyết đã dựng lại nhà thờ trên nển cũ, tại họ đạo theo kiểu họ lớn, thành lập chức sở mục vụ, trong đó có hai ông trùm và các biện bỏ: đó là những thầy giảng trong thời đó:

Ông Trùm Gọ, cha bà Nguyệt và là chồng của Bà Sương, bà này là cháu của Ô Vách Trưng.

Ông Trùm Trí, con Ô Cả Dương (Cả Dưởng?) và là cháu ngoại của Ô Vách Trưng.

Ô Câu Kỳ (Tổng việt Kỳ) và ông câu Quyển là em của trùm Tứ, con ông Cả Dương.

Hiện nay không còn sổ sách ghi lại công việc của cha P.Tuyết. Cha Tôma Sâm còn nhớ lại một số việc: ngài quả quyết trong vòng 7 hay 8 năm, cha P.Tuyết đã rửa tội được 1500 người thoạt nghe qua, con số này nghe hơi lớn nhưng xét cho kỷ, người ta biết rằng cha P. Tuyết đã rửa tội cho tân tòng ở An Thuỷ, họ đạo cạnh biển biển, phía Đông Ba Tri; nơi khác nữa như Giồng Bà Trung, Ba Tri, Bình Thành, Cái Sơn, Châu Thới, không kể đến việc rửa tội ở Cái Bông và Giồng Giá; con số kể trên xem ra qua đúng.

Đó là thời kỳ trở lại quá đông, một viên chức đứng đầu vùng này, người Đại diện cho nhà nước, như người ta thường gọi, để trong coi hàng Tổng tại đây, nơi con cháu của cụ Phan Thanh Giảng dựng cờ khởi nghĩa, hai sau này là trận chiến cực đoan, đó là Ô Tổng Việt (tục danh là Kỳ). Ông Tổng Việt là con Ô Cả Dưỡng (trong tông chi…sđđ: Cả Dương), cháu ngoại Ô Vách Trưng, và là em ruột Ô Trùm Tứ. Chức vị này (Thị sự cai Tổng) được dành cho một người Công giáo (Ô. Tổng Việt), vì đó mà có nhiều người muốn theo đạo. Theo họ nghĩ, làm thế để được ông lớn và cả nước Pháp bảo vệ… Tiếc thay, cha P. Tuyết đã không sẵn sàng chuẩn bị cho con số đông người nhập đạo như thế. Chỉ có ông biện giúp cha trong việc dạy giáo lý, và họ cũng không được học hỏi cho đầy đủ, sau đó số người theo đạo mới này đã sớm nhận ra rằng nước Pháp ít quan tâm, hay chẳng hề quan tâm về việc xin giữ đạo của họ. Đối với nước Pháp, ngoại giáo cũng ngang hàng với Kitô Giáo thôi. Điều này hẳn đã biết từ lâu rồi. Vì nhiều hoạt động bị thất bại, ông Tổng bị cách chức. Giận dữ, ông và cả gia đình đã bỏ đạo. Dù vậy vài giờ trước khi chết, ông cũng đã cho gọi cha sở đến; nhưng ngài đi vắng và lâu sau mới trở về. Những người hiện diện cho biết Ô. Tổng đã tỏ ra dấu bề ngoài ăn năn thống hối trước khi chết. Ông cũng được an táng trong đất thánh của họ đạo. Một số con cháu ngày nay vẫn còn sống bên lương.

Như thế, phong trào xin giữ đạo không phải là điều đáng mơ ước. ở An Thuỷ cũng thế, Bình Thành, Châu Thới cũng vậy. Hiển nhiên, không phải chắc chắn rằng những người tân tòng này điều bỏ đạo hết, một số vẫn giữ, định cư và hình thành những họ đạo lớn nơi khác; không nên nghĩ rằng các họ đạo đó gồm những người thuần tuý sinh sống tại chỗ.

Tôi đã gặp ở Bến Tre một gia đình xưa ở An Thuỷ. Gia đình thầy Sơn khi xưa ở Châu Thới, đã sang lập nghiệp ở Chà Và. Những người công giáo đầu tiên đã được Cha P. Tuyết rửa tội, họ vẫn bám trụ tại Cái Sơn. Cha P.Tuyết rời Cái Bông 1875 và Cha Fougerouse đến thay thế.

Cha Fougerouse: (1875-1879) Vừa đến Cái Bông, cha đã nghĩ ngay đến việc xây lại nhà thờ bằng gạch. Đây là công trình to lớn, vì khi đó họ đạo không có nguồn thu nhập nào. Người có đạo ở đây cũng rất nghèo, vì đất đai không đem lại lợi tức bao nhiêu. Cha Fougerouse đã đóng góp nhiều, nên công việc xây dựng nhà thờ mới được khởi sự. Tường vách đã được xong, tạm thời mái đựơc lợp lá, vì cha sở đã cạn kiệt tiền bạc. Sau đó, ngài không đủ thời gian để hoàn thành ngôi nhà thờ. Cha phó Cái Bông là Cha Auguste Abonnel, chỉ ở Cái Bông độ vài tháng; ngài thường ở Giồng Giá và Cái Sơn nhiều hơn. Tại Cái Sơn, cha rửa tội cho 13 người và ngày 15-06-1789, cha Bonnel đã dâng 100$ (piastres) giúp vào việc xây dựng nhà thờ Cái Bông.

Cha Fougerouse đã mở một Trường học ở Cái Bông và giao phó việc trong coi cho các Dì Mến Thánh Giá Cái Mơn. Từ lúc đó trở đi, trường học vẫn luôn hoạt động, cha đã rửa tội cho 100 người và chứng hôn cho 21 đôi. Cha Fougerouse và cha Abonnel rời Cái Bông một lượt vào năm 1879. Sau đó, cha Sidot đến thay thế cũng trong năm này.

Cha sidot: (1879-1889) vào thời cha Sidot, việc xây dựng nhà thờ đã hoàn thành gần như nhà thờ hiện nay (ND: trong năm 1905-1922). Chính quyền đã cho phép đào một con kinh nhỏ sau nhà thờ, giúp cho việc cấy cày những thửa ruộng nhà chung.Nhà thờ sắm được một cái chuông nặng 200kg;

Phân nữa tiền do ông Chánh Nguyễn Văn Hương dâng, phân nữa là của họ đạo. Trong thời cha Sidot, có một vụ kiện thưa ra chính quuyền đòi đất, số đất dâng cho nhà chung thời Cha P.Tuyết và Cha Fougerouse. Toà án Sài Gòn đã định đoạt quyền trên phần đất này là của nhà thờ Cái Bông.

Các chức sở thời này có các ông: Trùm Trị (cháu nội Ô Chức). Câu Dương, câu Hổ, câu Tấn. Cha Sidot có cha phó ngụ tại Giồng Giá là cha Tôma Sâm. Cha Sidot rửa tội tại Cái Bông được 210 người.

Cha Tôma Sâm: (1889-1898) từ địa vị cha phó của cha Sidot, ngụ tại Giồng Giá, cha Tôma Sâm trở thành người kế vị cha Sidot ở Cái Bông, dưới sự giám sát của cha Frison (Hoàng), đang ở tại Cái Mơn. Năm 1894, mặt tiền nhà thờ có nguy cơ sụp đổ, đã đươc cha Tôma Sâm thay thế bằng một tháp chuông. Năm 1895; xây lại trường học như hiện nay, cha Tôma Sâm cũng như cha Sidot ở trong “nhà vuôn” rất nhỏ ở phía sau nhà thờ. Cha Tôma Sâm rửa tội tại Cái Bông là 232 người.

Cha P. Trình:(1898-1901) từ vài năm nay, Ô Biện Quả chồng bà Nguyệt đã bán nửa giá, mảnh đất sát cạnh nhà thờ. Chính trên đất này, người ta xây nhà xứ. Lúc này mái nhà thờ cũng được sửa lại, cung thánh cũng được nới rộng ra. Cha sở tuyên chiến với người rối, trễ nãi, cờ bạc. Việc này không phải là không có kết quả.

Cha Gioan Việc: (1901-1905) trận bão năm Thìn (1904) đã không làm thiệt hại cơ sở vật chất. Thiệt hại quan trọng là lúa cất trong kho.

Cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh: (1905- ) (*7) là cha sở Cái Bông (từ năm 1905-1922). Ngài hiện còn đang coi sóc họ đạo này. Năm 1910, Cái Bông đếm được 655 người công giáo.

***

VI. Họ Cái Bông Ngày Hôm Nay:

1/ Người Công giáo Cái Bông sống bằng nghề làm ruộng, đại đa số nông dân đã bắt đầu nghề này còn rất trẻ, vì thế, việc học hỏi giáo lý rất chậm và văn hoá cũng kém phát triển. Họ là những người nông dân mộc mạc. Về mặt đạo, đa số họ giữ hết mọi luật lệ nhưng những việc tôn kính do lòng đạo đức thì họ rất chậm phát triển. Như giữ thứ sáu đầu tháng hiện nay chỉ mới khởi sự thôi. Tôi hy vọng tương lai sẽ khá hơn. Sắc lệnh mới của Giáo Hoàng Piô X cho phép các trẻ em được rước lễ thường xuyên, tôi nghĩ giáo dân sẽ quen dần và thực hiện đều đặn hơn. Cho đến hôm nay, tại Cái Bông, nhiều trẻ em đã lớn tuổi rồi mà cha mẹ vẫn không cho đến trường, buộc lòng phải để chúng nó lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể trễ hơn. Thánh lễ hằng ngày chỉ có ít người lớn và một số học sinh.

2/ Trường Học: (8) Tại Cái Bông, có hai trường học: một dành cho nam, một dành cho nữ, cả hai trường điều do các Dì Mến Thánh Giá Cái Mơn điều khiển. Số học sinh năm nay là 75. Không ít trẻ em, vài ba tháng trong năm phải đi giữ trâu. Trong vòng hai, ba năm, giáo dân buộc phải cùng nhau góp lại một số vốn, để lấy lãi làm chi phí hằng năm cho hai trường học nói trên. Công việc có kết quả. vốn đã có và được gởi nơi chắc chắn. số lãi vừa đủ để cho các Dì mua cặp, sách vỡ và mọi chi phí linh tinh. Đây là việc tốt, và phụ huynh học sinh không mấy bận quan tâm cho tương lai con em mình nữa.

3/ Hội Hài Đồng: Trong vùng này, dân cư rất đông. Ý thức vệ sinh sức khoẻ còn sơ đẳng; nguồn nước khan hiếm trong mùa khô, tỉ lệ tử vong nơi trẻ em rất lớn. Hằng năm hai Dì Mến Thánh Giá ở Cái Bông đã điều trị cho khoảng 40 em.

4/ Tài Sản Của họ Đạo: Họ Đạo Cái Bông có nhiều nguồn lợi kinh tế, thu nhập từ ruộng đất. số đất này là đất bỏ hoang. Các điền chủ đã dâng lại cho nhà thờ vì không thu hoa lợi để có tiền nộp thuế. Sau đó, số đất này lần hồi được canh tác và trở thành đất tốt.

5/ Hy Vọng Cho Tương Lai: Vài năm gần đây người công giáo tăng dần tuy không nhiều. một số giáo dân lâu nay đã bỏ Cái Bông để đi làm ăn nơi khác, mà không gặp may, họ đành trở về Cái Bông, công việc đồng án tuy cực nhọc, nhưng có lợi. Rủi thay, người bản xứ thì vô tư và lo ăn chơi. việc tăng số dân vẫn tiếp tục. Vì ruộng cho người lương thuê còn nhiều. và lại dần dà người mướn đến cảnh nghèo khổ, và đã khởi sự bằng nghề nông hiển nhiên thường bị thất bại.

(7) Tư liệu này có thể được xem là chính Cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh viết đang khi ngài đang là cha sở Cái Bông, và khi ghi đến thời gian của ngài, không thấy ghi năm ngài rời khỏi Cái Bông.

(8) Trường học này đã được Cha Luca Nguyễn Văn Sách xây lại vào năm 1932. Năm 1972, cha Gioan kim Nguyễn Văn Quang xây lại lần nữa và tồn tại đến hôm nay (2000) chỉ có ngôi nhà Dì nằm chính giữa là còn nguyên trạng công trình Cha Luca Sách để lại mà thôi.

II.VÀI NÉT VỀ HỌ ĐẠO CÁI BÔNG

1. Nguồn gốc:

Họ đạo Cái Bông ở về hướng Tây bắc thị trấn Ba Tri, cách thị trấn trên 7 km. Đây là họ đạo khá lâu đời, trên 200 năm lịch sử; một trong bốn họ đạo đông người công giáo nhất của tỉnh: Cái Mơn – Cái Nhum – Bến Tre và Cái Bông. Hiện nay Cái Bông có tới hơn 4000 giáo dân.

Những người công giáo đầu tiên của Cái Bông.

A. Về truyền khẩu:

Chúng tôi được theo ông cả Học, (ông nội của cha Bênêđitô Trương Thành Thắng) và cả Cha Bên. Thắng và một số ông bà lớn tuổi kể lại: “Ba người công giáo đầu tiên có công sáng lập họ đạo công giáo Cái Bông là các Ô. Võ Vách Trưng – Ô. Trương Chức và ông Trương Thoại. Họ từ miền Trung (nước Annam) vào đây, là lính của Nguyễn Ánh, đã từng vào sinh ra tử với ông. Dù vậy, ba ông này và ít tùy tùng đã bỏ trốn không theo Nguyễn Ánh nữa; lý do, họ sợ sau này khi lên ngôi, ông cũng tiêu diệt người công giáo; thực tâm, Nguyễn Ánh không mấy thiện cảm với đạo Tây này, dù ông rất biết ơn sự giúp đỡ của ĐGM. Bá lộc…” (GH công giáo ở VN của Lm BĐS)

Truyền khẩu kể rằng: “Trong một lần Nguyễn Ánh bị đánh bại, chạy trốn và ít tùy tùng tìm đường ra biển, đang trên vùng đất Bến Tre ngày nay; vì bị đuổi nà quá, họ phải chạy vào rạch Sơn Đốc. Cùng đường, họ phải chạy ra biển. Trên đoạn đường này, Ba vị đã bỏ trốn, lên đất liền lập nghiệp…” Cũng được kể rằng: “Sau lần này, Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) chạy sang Xiêm xin cầu viện. Đó là truyền khẩu…

B. Về tư liệu lịch sử: Ta có 3 lần Nguyễn Vương trực chiến với Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Lần đầu: Tháng 4/1782: Nguyễn Huệ đem quân vào đánh Gia Định lần thứ 3, đang ở trong tay Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh). Tuy nhiên đây là lần thứ 1, Nguyễn Vương trực chiến với Tây Sơn; Ông bị thua, phải chạy ra Phú Quốc.

Lần thứ 2: Tháng 3/1783, Tây Sơn lại kéo quân vào Gia Định lần thứ 4, quyết tâm tiêu diệt Nguyễn Vương cho bằng được. Nguyễn Vương chống không nổi ở cửa biển Cần Giờ, đã tháo chạy về Ba Giồng cùng 5, 6 tùy tùng và 100 lính. Sau đó, bị đuổi nà quá, phải chạy ra Phú Quốc, rồi chạy ra Côn Đảo, bị bao vây tại đây, may nhờ một trận bảo mà thoát hiểm. Sau đó, Nguyễn Ánh chạy qua Xiêm cầu cứu…

Lần thứ 3: Đầu năm 1785, Tây Sơn lại kéo quân vào lần thứ 5, vì nghe có viện binh Xiêm giúp Nguyễn Vương. Nguyễn Huệ đã đánh bại Nguyễn Vương tại Rạch Rầm, Xoài Mút. (Trận này, Xiêm lại viện cho Nguyễn Vương 20.000 quân, 500 chiếc chiếc thuyền, và hai vị tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương). Bị đại bại, chỉ còn lại vài ngàn quân, Nguyễn Vương và họ chạy theo đường bộ mà về Xiêm.

Như vậy, ba vị sáng lập họ Cái Bông, chỉ có thể đặt chân lên đất này vào năm 1783; vì có thể giữa năm đó, họ bỏ Nguyễn Vương mà chạy trốn, và cũng giữa năm năm này, Nguyễn Vương lang thang các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, rồi chạy qua Xiêm cầu viện.

Giả thiết này khả dĩ hợp lý hơn cả; vì ngoài tư liệu lịch sử ra, chúng tôi còn ba tư liệu khác khá vững chắc, đó là: Monographie de Cái Bông, có thể do Lm Phêrô Nguyễn Phước Khánh (?) ghi lại, hiện lưu trữ lại tòa TGM Sài Gòn – Tông chi ba vị sáng lập họ đạo Cái Bông, của Lm Bênêđitô Trương Thành Thắng – lịch sử GHCG tại VN, của Lm Bùi Đức Sinh. Trong Monographie de Cái Bông có ghi: “…có thể vào năm 1780, sớm hay trễ hơn một chút, những người công giáo đầu tiên đã đặt chân lên Cái Bông…”

2. Các ngôi nhà thờ:

Nhà thờ đầu tiên: (1802-1833) được xây dựng sau khi Gia Long lên ngôi (1802). Nhà thờ bằng gì? Chúng tôi không được rõ. Trước đó có nhà nguyện chưa, cũng không rõ nốt. Theo Monographie de Cái Bông, trong thời gian đó: “…một nhà thờ đã được dựng lên”. Sau đó, trong khoảng 1833-1863: đó là thời cấm cách; nhà thờ bình địa. Giáo dân tụ họp âm thầm tại nhà Ô. Đội Lý, để đọc kinh hoặc lãnh các Bí Tích; nền nhà Ô. Đội Lý, hiện nay con cháu Ô. Biện Giáo đang ở.

Nhà thờ thứ 2: được cha Phaolô Tuyết (1867-1875), là cha phó của cha Gernot, cha sở Cái Mơn, dựng lại sau thời cấm cách (sau 1863); bằng vật liệu gì, cũng không rõ; có thể chỉ là nhà thờ tạm, nhỏ thôi.

Nhà thờ thứ 3: được cha Fougerouse (1875-1879) cho dựng lên. Công trình to lớn, vì cha bỏ công bỏ của vào đây khá nhiều. Tường vách đã xây xong, nhưng mái lộp lá, vì đã cạn tiền bạc. Cha phó, A. Abonnel dâng cho việc xây dựng nhà thờ 100$. Cha sở và cha phó ra đi năm 1879, nhà thờ vẫn chưa hoàn thành. Cha Sidot đến kết thúc việc xây dựng. Ô. Chánh Nguyễn Văn Hương dâng ½ số tiền để mua quả chuông nặng gần 200 kg. Số còn lại là họ đạo. Chuông này vẫn còn đang sử dụng.

Nhà thờ thứ 4: do cha Luca guyễn Văn Sách xây dựng năm (1930-1932). Công trình này lớn hơn nhiều so với nhà thờ củ. Kinh phí là 45$. Tháp chuông chỉ cao 32m; vì đã cắt bớt 4m vì thiếu tiền.

Năm 1996, cha Gioakim Quang đã cho sơn phết lại trong ngoài nhà thờ trừ tháp chuông. Năm 1998, tô sửa, gia cố quét vôi lại toàn bộ tháp chuông; kinh phí do tòa Giáo Mục tài trợ và của một số ân nhân. Năm 2001, có sửa lại phần cung thánh với nền mới và bàn thờ cẩm thạch trắng.

Từ sau thời cha Luca Sách trở đi cho đến hôm nay, cung thánh đã nhiều lần đã được sữa đổi cho phù hợp với lễ nghi phụng vụ mới, nhà là sau CĐ Vatican II.

3. Truy nguyên địa danh “Cái Bông”:

Thực ra, ta không biết đích xác xuất xứ Địa danh Cái Bông. Theo lời cha Bên. Thắng, chữ “Cái Bông” là từ đọc trại từ tiếng Miên, vì thực ra từ “Cái Bông”, chỉ còn sử dụng tại ba điểm: nhà thờ Cái Bông – chợ Cái Bông (ngả tư trước kia vào nhà thờ Cái Bông) – và Vàm Cái Bông, trên sông Hàm Luông, nguồn nước đổ vào con rạch Giồng Quéo, chảy vào tận chợ Cái Bông. Một lẻ khác, Miền Tây Nam Bộ trước 1700, còn thuộc chủ quyền người Miên, nên địa danh xuất phát từ ngôn ngữ Môn-Khmer, điều này không phải là sai. Chính sử VN xác định cho ta rõ điều đó; hơn nữa trước 1700, dấu chân người VN hầu như chưa có, nhất là vùng sâu, nông thôn…

Theo Lm Bên. Trương thành Thắng, chữ “ Cái Bông” phát xuất từ tiếng được phát âm trại ra từ ngôn ngữ Môn-Khmer. “CÁI” đọc từ âm “KH” đọc từ “BÂN”. KH-BÂN = CÁI BÔNG = Có nghĩa Cái Bến. Như Cái Mơn, đọc từ: KH-MÂN= CÁI MƠN= có nghĩa là Con Ong. Âm “KH”: đọc nhẹ và hơi lẹ. Nhưng địa danh có chữ “CÁI” đứng đầu, rất có thể nguyên gốc phát từ âm “KH” trong ngôn ngữ MÔN-KHMER.

Như sau, KH-BÂN= CÁI BẾN= đọc trại dần CẢ BÂN= CẢ BÔNG= CÁI BÔNG.

Ngoài ra còn một số địa danh khác phát xuất từ tiếng Miên nữa; đó là TRÀ VINH – TRÀ CÚ – TRÀ KHA – TRÀ LồNG. ÂM “TRÀ”, có thể từ âm “TA” trong Môn-Khmer. Như vậy, phải đọc: TA VINH – TA CÚ – TA KHA – TA LỒNG, có nghĩa: ÔNG VINH – ÔNG CÚ – ÔNG KHA – ÔNG LỒNG. Âm “TA”: đọc nhẹ và hơi lẹ. Địa danh có âm Trà và Cái, cũng như GIỒNG, dứng đầu, có rất nhiều trong số địa danh ở Miền Tây Nam Bộ.

Có người cho rằng địa danh Cái Bông, phát xuất từ tên một ông Hương Cả trong làng có tên “CẢ BỔN” xa xưa, dược kính trọng và với thời gian, người ta đã đọc trại ra thành “CẢ BÔNG, CÁI BÔNG…”Điều này nghe cũng hợp lý, nhưng thực ra chúng không tìm thấy cơ sở nào đáng thuyết phục cả.

4. Đất rộng nhà chung, trường học, đất thánh.

Họ Cái Bông hiện nay nằm trên địa bàn hai xã: An Phú Trung và An Ngãi Trung. Đây là vùng ruộng lúa trù phú, 93% là nông dân lam lủ. Trước 1975, nhà chung có 42 mẫu đất rọc (giồng cát), 120 mẫu ruộng sân cát, ngã tư, dòng MTG Chợ Quán có một số đất ruộng gọi là “Pilet”, do ông Tây Pilet khi về Tây, đã nhượng lại cho hội Thừa Sai Ba Lê; sau thuộc quyền dòng MTG Chợ Quán. Số đất này, nhà thờ Bến Tre thu tô giùm. Nguồn gốc đất này, do ông Tổng Việt (biệt danh là Kỳ),đã dâng cho quan đầu tỉnh có tên là Pilet, nhờ đó ông được nhận là con nuôi, và được chức Thị sự Cai Tổng.

Đất ruộng nhà chung ở đây có nhiều, vì lúc đầu thời cha Sidot, đó là những mảnh đất hoang hóa, không canh tác được, lại phải đóng thuế không kham, nên địa chủ dâng hoặc bán rẻ lại cho nhà chung. Lâu dần sau này, chúng mới trở thành đất thuộc.

Từ trước những năm 1905, Cái Bông đã có trường tư thục công giáo: một dành cho nam, một dành cho nữ. Công việc này được giao cho các dì MTG Cái Mơn. Đến thời cha Luca Sách, trường này được xây lại kiên cố năm 1932, trong khu vực riêng bên kia lộ trước nhà thờ…Trường này năm 1973, đã được cha Gioakim Quang xây lại. Chỉ có nhà dì là còn giữ nguyên trạng. Vào thời cha Phêrô Khánh, đã có nhà mô côi tại đây, cũng do các Dì Cái Mơn đảm trách.

Họ đạo có một khoảng đất thánh nhỏ, đầu tiên, trên đất nhà thờ; nằm phía sau trường học của họ đạo. Tại đây, an táng các ông tổ của họ đạo như Ô. Võ Vách Trưng và ông Trương Thoại. Còn ông Trương Chức thì được an táng ở cù Lao Giêng. Đó là căn cứ vào Monogrphie de Cái Bông kể lại. Đất thánh thứ hai, như ta thấy hiện nay, tọa lạc giáp ranh với Chùa Phật ấp 3, về mạn Tây Nam của nhà thờ Cái Bông. Nơi đây hôm nay, đã chôn chật nít rồi…Còn vài đất thánh nho nhỏ nữa…

5. Các linh mục cai quản họ Cái Bông.

Thánh Marchand (Du), thánh Phêrô Lựu, Cha Gagelin, Đức cha Cuénot Thể và Thánh Philipphê Minh có đến Cái Bông để ban Bí Tích. Đây là một họ lẻ của Cái Mơn, vì vào năm 1864, Cái Bông chỉ có 105 giáo dân mà thôi theo báo cáo cùa cha Gernot.

i. Cha Gernot (1864 – 1867), cha sở Cái Mơn kiêm Cái Bông.

Cha Phaolô Tuyết (1867 – 1875), cha phó của cha Gernot ở tại Cái Bông.

ii. Cha Fougerouse (1875 – 1879), cha phó là cha Auguste Abonnel thường ở Giồng Giá – Cái Sơn.

iii. Cha Sidot (1879 – 1889) cha phó là cha Tôma Sâm ở Giồng Giá – Cái Sơn.

iv. Cha Tôma Sâm (1889 – 1898) cha sở.

v. Cha P. Trình (1898 – 1901) cha sở.

vi. Cha Gioan Việc (1901 – 1905) cha sở.

vii. Cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh (1905 – 1922)

viii. Cha Phêrô Nguyễn Linh Nhạn (1922 – 1930)

ix. Cha Luca Nguyễn Văn Sách (1930 – 1956) có nhiều cha phó.

x. Cha Felix Lê Văn Trình (1956 – 1961)

xi. Cha Antôn Bùi Thanh Long (1961 – 1963)

xii. Cha Gioakim Nguyễn Văn Quang (1964 - ) các cha phó:

Cha Matthêu Huỳnh Huân Nhi

Cha Giacôbê Nguyễn Công Lành

Cha Gioakim Dương Văn Ngoan

Cha Phaolô Trương Tấn Lực (1989 – 2002)

Cha Phaolô Lê Thanh Dũng (2002 - )

Giacôbê Nguyễn Huỳnh Tươi (2006…)

6. Các linh mục sinh quán tại Cái Bông.

Cha Gioan Mta Hưởng (1899 – 1960)

Cha Gbta Lê Văn Gấm (1911 – 1946)

Cha Bên. Trương Th. Thắng (1912 – 1987)

Cha Đôm. Lê Minh Tỏ (1916 – 1985)

Hiện còn sống:

Cha Gbta Huỳnh Cao Thượng – sinh (1942, Lm 1970)

Cha Phaolô Trương Tấn Lực – sinh (1947, Lm 1989)

Cha Đaminh Bùi Văn Đằng – sinh (1948, Lm 1989)

Cha Albertô Trần Văn Sang – sinh (1958, Lm 1992)

Cha Phêrô Nguyễn Thanh Liêm – sinh (1948, Lm 1993)

Viết đôi dòng này, chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự góp ý sáng suốt của những bậc cao kiến, chân thành cám ơn trước.

Tài liệu tham khảo:

Tông chi ba vị sáng lập họ đạo Cái Bông, của Lm Trương Thành Thắng in ronéo.

Monographie de Cái Bông, district de Bến Tre, bản dịch năm 2000.

Giáo hội công giáo Việt Nam, của LmBùi Đức Sinh, quyển I và II, năm 1998.

Việt Nam sử lược, của Trần Trọng Kim…

Nam Bộ xưa và nay, bài của Nguyễn Đình Đầu trang 187, NXB TPHCM, năm 1998.

Các triều đại Việt Nam, của Huỳnh Dư và Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên năm 1995.

Lịch sử Việt Nam của Tôn nữ Quỳnh Trân, NXB trẻ, năm 1998.

Công giáo Đành trong thời ĐGM Pigneau, lm Trương bá Cần, TS Đại Kết 1992.


Lm. Phaolô Trương Tấn Lực