LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

SUY GẪM THÁNG 10

Thưa qúi vị,

Ở một buổi hội thảo về nữ quyền, nhiều chị em làm mưa gió sấm xét trên diễn đàn, như thể trút hết giận dữ ra lời nói. Các thính giả mày râu cúi đầu yên lặng nghe. Bỗng dưng một nữ diễn giả hỏi lớn: “Nếu không có đàn bà, đàn ông bây giờ ở đâu?” Người thanh niên ngồi hàng ghế cuối giơ tay trả lời: “Thưa bà chị, trong vườn địa đàng, ăn đủ mọi thứ hoa trái ngoại trừ qủa táo”. Hội trường phá lên cười. Câu trả lời thông minh và chính xác. Nếu không do Evà dụ dỗ, Ađam đâu có ăn trái cấm và bị đuổi ra khỏi vườn? Tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng hơn câu nói bông đùa. Vai trò phụ nữ ra sao trong nhiệm cục cứu độ, nhất là của Đức trinh nữ Maria? Hôm nay tháng 10 chúng ta suy nghĩ về đề tài này để nhận ra sự thật kẻo kỳ thị chị em.

Trước hết, xin nghe ý kiến của Thánh Phaolô: “Không phải Adam bị dụ dỗ, nhưng người đàn bà đã phạm tội khi bị dụ dỗ” (1Cor 2,14). Nghĩa là tội đầu tiên loài người phạm là do Evà. Nhưng nơi khác ông lại viết: “Vì người đàn ông duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết, sự chết lan tràn tới mọi người, vì mọi ngươì đều đã phạm tội.” (Rm 5,12). Như vậy thánh nhân muốn nói gì? Evà không làm hư hoại nhân loại sao mà chỉ có một mình Ađam gây ô nhiễm?. Đối với não trạng quen suy nghĩ nhị nguyên của phương tây thì vấn đề khó hiểu thật. Thuyết nhị nguyên bảo rằng thế giới có hai thái cực đối lập nhau: đen trắng, sáng tối, lành dữ, tốt xấu… chúng đi thành cặp. Nhưng phương đông suy nghĩ khác. Đồng ý đen trắng, sáng tối nhưng chúng thuộc về một chủ thể gọi là nhất nguyên. Mỗi sự vật đều có âm dương, trên dưới, phải trái, không tách rời nhau. Thí dụ: đồng tiền có mặt phải mặt trái. Phiến lá có mặt trên mặt dưới. Nhân lọai có đàn ông, đàn bà. Thánh Phaolô là người A đông, suy nghĩ theo kiểu Á đông. Vậy Đàn ông giữ vai trò chủ động, đàn bà thụ động. Yếu tố gây ô nhiễm cho nhân loại phải là chủ động tức Ađam. Ong gây độc hại cho mọi ngươì, kể cả Evà, do tôị lỗi của mình. Vì thế sau này thánh nhân quả quyết Chuá Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữu Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Đức Kitô (1Tm 2,5). Ông gọi Chúa Giêsu là Ađam mới. Do đó nhiều nhà thần học suy diễn ra và gọi Đức Mẹ là Evà mới. Nhờ vậy nhân loại được phục hồi vị trí làm con Thiên Chúa, tức được cứu chuộc khỏi lỗi lầm xưa, do công của Ađam mới, Chúa Giêsu Kitô.

Hàng nhiều thế kỷ Đức Maria được tôn sùng, mến yêu và noi gương vì vai trò của Ngài trong chương trình cứu độ. Nếu khong có lời xin vâng của Đức mẹ, loài người vẫn còn ngụp lặn trong tội lỗi, làm tôi mọi cho thế gian, xác thịt và satan. Nhưng không phải mọi tín hữu đều đồng ý như vậy. Các anh em tin lành chẳng hạn. Họ bài bác kịch liệt lòng tôn sùng đức mẹ, cho đấy là sai lầm của công giáo Rôma, làm giảm bớt tầm quan trọng của Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta trả lời vài nghi nan chung quanh vấn đề, dưới hình thức hỏi đáp.

I. Lợi ích của lòng sùng kính Đức Maria và các thánh là gì?

Thưa: Công đồng Vatican II trả lời trong hiến chế “Ánh sáng muôn dân” số 5, như sau:

Noi gương cuộc sống Đức Mẹ và các thánh (1Cor 11,1).

Hưởng nhờ ơn hiệp thông với các Ngài: Tín điều các thánh cùng thông công. (Eph 3,15).

Xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho mình và thân nhân (2 Macabe 15,12).

Như vậy lòng sùng kính Đức Mẹ mang lại cho tín hữu những trợ giúp to lớn không thể bỏ qua. Những ai thực hiện lòng sùng kính chắc chắn không thể đi trệch con đường thánh thiện mà Thiên Chúa muốn cho mỗi người.

II. Tại sao cầu xin cùng Đức Mẹ và các thánh trong khi chỉ Thiên Chúa mới ban ơn?

Thưa: Nói một cách chính xác, thì chúng ta chỉ cầu xin cùng Thiên Chúa mà thôi. Nhưng chúng ta cầu xin cùng với các thiên thần các thánh cho những nhu cầu của mình, nghĩa là kêu xin các ngài cầu thay nguyện giúp. Tuy nhiên theo nghĩa rộng rãi ngươì ta có thể nói cầu nguyện cùng Đức Mẹ và các thánh, trong ý nghiã xin các Ngài cầu bầu trước mặt Thiên Chúa cho chúng ta. Kinh kính mừng nói: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Chúng ta xin Đức Mẹ bầu cử cho mình trước Thiên nhan Chúa. Chẳng lẽ hai linh hồn bạn hưũ không thể giúp đỡ nhau được ư? Lời cầu nguyện của Đức Mẹ và các thánh chăc chắn hiệu nghiệm hơn. Vì các ngài đẹp lòng Thiên Chúa nhờ đời sống thánh thiện.

III. Trong Tin Mừng Chúa nói: “hãy đến cùng ta” vì Ngài là Đấng trung gian duy nhất tại sao lại đến cùng Đức Maria và các thánh như trung gian khác nữa?

Thưa: Đúng vậy Kinh thánh khẳng định Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chuá và loài người. Thánh Phaolô trong thơ Timôtê nói rằng: “Thật vậy chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và lòai người là Đức Giêsu Kitô” (1 Tm 2,9) Ngoài ra còn nhiều đoạn Kinh thánh khác xác nhận như vậy: Cv 4,12; Dt 7,35. nhưng ý nghĩa trung gian trong các đoạn văn này là trung gian ơn cứu chuộc (Mediator redemptionis). Đức Mẹ và các thánh không ở trong nghĩa ấy. Các ngài là trung gian cầu thay nguyện giúp, hai ý nghĩa khác nhau. Thông thường mọi người đều có thể làm trung gian cho nhau theo ý nghĩa thứ hai. Tuy nhiên sự cầu bầu của Đức Mẹ rất có thế lực trước ngai toà Thiên Chúa. Nên chúng ta kêu xin Ngài làm trung gian cho mình.

IV. Tin mừng nói Chúa Giêsu truyền bắt chước Ngài: “Hãy học cùng ta” và chẳng nơi nào nói hãy bắt chước Đức Mẹ. Tại sao ngươì ta bày đặt ra chuyện ấy?

Thưa: Lòng sùng kính, bắt chước Đức Maria là một trong ba lợi ích mà công đồng Vatican II nêu ra trong số 51 của hiến chế “Anh sáng muôn dân”. Chẳng ai có thể làm thày trước khi làm học trò. Chúng ta học hỏi nơi Đức Mẹ các nhân đức của Ngài mà bắt chước. Đức Mẹ được Thiên Chúa Cứu chuộc đầu tiên, là môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu, là phụ nữ theo chân Chúa đúng nghĩa nhất, là vầng trăng phản ánh mặt trời trung thực nhất lại không thể làm gương cho chúng ta ư? Lòng sùng kính Đức Maria và bắt chước các nhân đức của Ngài, thực tế lôi kéo chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn, đó là sự thật đã được chứng minh qua dòng lịch sử của hội Thánh. Ngoài ra, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, hội thánh và từng cá nhân được những ơn trợ giúp đặc biệt như chuyện ông Môsê cầu nguyện cho dân Isael. Thánh vịnh 106,23 kể: Chúa tính chuyện tiêu diệt họ, nếu ngươì Chúa chọn là Môsê không đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Ngài, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân.” Đức Mẹ còn mạnh thế hơn Môsê nhiều.

Ngược với thái độ bài bác, việc sùng kính Đức Maria thay vì làm trệch hướng qui chiếu về Thiên Chúa, lại dẫn đưa người ta tiến gần Ba Ngôi hơn. Bởi vì Đức Mẹ là gương sáng tuyệt hảo về lòng yêu mến Chúa. Đức Mẹ hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc loài người, mặc dù phải chịu đựng những hy sinh to lớn nhất, mặc dù phải từ bỏ kế hoạch tương lai của mình và thánh Giuse, mặc dù phải hy sinh người con duy nhất dấu yêu kiểu như Abraham hiến tế Isaac, cho nên Đức Mẹ là tín hữu đầu tiên được ơn cứu chuộc, là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúng ta không được phép chạy đến học hỏi nơi Ngài hay sao? Chính thánh Phaolô đã khuyến khích tín hữu noi gương ông nhiều lần thí dụ 1 Corintô 11,1: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.” Ngoài ra còn các đoạn sau: 1Tx 1,6; Phil 3,17; 1Cor 4,16; 2Tx 37. mà chẳng thấy ai phản đối là sai Kinh thánh. Dĩ nhiên, có những lòng sùng kính cực đoan, gây gương mù. Công đồng Vat II đã đề cập tới (xem Lumen Gentium số 67). Nhưng xét chung thì việc sùng kính là tốt, đáng khuyến khích vì mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng thiết thực. Địa phương nào siêng năng đọc kinh mân côi kính Đức Mẹ, địa phương ấy có lòng đạo đức sốt sắng, giảm bớt nhiều tệ nạn xã hội.

V. Nhưng lòng sùng kính này cần thiết lắm không? Vì nhiều tín hữu không thực hành mà vẫn sống tốt?

Thưa: Câu hỏi nghe hợp lý. Nhưng sự thực lạc đề. Tương tự như chúng ta nói: Rước lễ cần thiết lắm không, khi ngươì ta có thể lãnh ơn bằng các phương thế khác? Cần thiết tuyệt đối tức không điều kiện tiên quyết thì đúng là không cần. Nhưng nếu nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thì rất cần. Không có lòng sùng kính này, người ta chẳng thể đẹp lòng Thiên Chúa, vì thiếu sót trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã thiết lập kế hoạch cứu độ gồm luôn vai trò quan trọng của Đức Maria, thì việc sùng kính Đức Mẹ là cần thiết. Kinh thánh thường nói tới vai trò của Đức Mẹ, thí dụ trong biến cố truyền tin, đám cưới Cana, dưới chân thập gía, trong nhà tiệc ly ngày lễ ngũ tuần … Có cần thiết lắm không khi thiên thần ca tụng Đức Mẹ là đấng đầy ơn phúc? Và Đức Mẹ cảm tạ Thiên Chúa vì” Từ nay muôn thế hệ sẽ gọi tôi diễm phúc?” Trả lời những câu hỏi ấy chúng ta nhận ra lòng sùng kính Đức Maria quả là quan trọng.

VI. Liệu sự cực đoan về lòng sùng kính Đức Mẹ có dẫn đến sai lầm thần học?

Thưa: Có thể lắm, nếu người ta không vâng theo chỉ dẫn của công đồng Vat II trong hiến chế “Anh sáng muôn dân” (số 67). Có hai thái cực cần phải tránh. Thái cực thứ nhất là phóng đại quá đáng vai trò của Đức Mẹ trong kế hoạch của Thiên Chúa như thể Ngài không lệ thuộc vào ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu. Trong khi chính Ngài xác định ngược lại: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. (Lc 1,47). Thái cực thứ hai, đơn giản hóa chức vị Đức Mẹ như thể Ngài là nhân vật Thánh kinh thông thường như mọi ơn gọi ngôn sứ khác. Phải thành thật thú nhận nhiều tín hữu rơi vào một trong hai thái cực này. Thí dụ, có những linh hồn sùng kính Đức Mẹ như một nữ thần, quyền phép độc lập, không cần ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu, họ gần như quên Chúa Giêsu trong lòng sùng kính của mình. Thái độ cực đoan khác không tiếc lời đả kích điạ vị đặc biệt của Dức Maria trong Hội Thánh, thí dụ đả kích Mẹ trọn đời đồng trinh, vô nhiễm nguyên tội v.v..

VII. Kinh thánh nói: Mọi người đều phạm tội (Rm 3,23) gồm luôn cả Đức Maria. Vậy thì làm thế nào tin vào tín điều Vô nhiễm nguyên tội? Chính Đức Mẹ cũng hát: Vì Thiên Chúa, đấng cứu độ tôi (Lc 1,47). Liệu chúng ta có nói ngược với Đức Mẹ không?

Thưa: Câu hỏi khá tế nhị và gây nhiều tranh luận lâu dài. Xin miễn bàn lại ở đây. Chỉ xin xác nhận lời kinh thánh trên là đúng. Chính Đức mẹ tuyên bố Thiên Chúa đã cứu độ Ngài. Tuy nhiên tín điều vô nhiễm nguyên tội được hiểu theo ý nghĩa khác: Đức Mẹ được cưú chuộc ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng bà thánh Anna nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô. Nghĩa là có tính cách phòng ngừa. Thần học gia dòng Phanxicô Duns Scotus ở thế kỷ 13 đã đưa ra ý kiến ấy. Ông nói: Người ta chữa bệnh bằng hai cách: khi đã nhiễm bệnh thì chữa bằng thuốc men. Nhưng khi chưa mắc bệnh thì chữa bằng phòng ngừa. Cả hai cách đều hiệu quả như nhau. Thực tế các bệnh viện tân thời thường hô hào “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trường hợp vô nhiễm của Đức Maria tương tự như vậy. Vì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã được Thiên Chúa phòng ngừa khỏi ô nhơ của Ađam và Evà. Những ai dùng thẻ tín dụng để tiêu dùng có thể dễ dàng hiểu ra tín điều này. Chúng ta dùng thẻ để mua sắm hàng hóa, rồi trả tiền sau. Người ta kêu tín dụng là như thế. Đức Mẹ được khỏi tội nhờ tín dụng “Của công nghiệp Chúa Giêsu sau này”. Không có chi khó hiểu, Đức Giáo Hoàng Pio IX tuyên bố tín điều ngày 8.12.1854. thì ngày 11.2.1884 Đức Mẹ xác nhận ở Lộ Đức, Pháp quốc với thánh nữ Bernadette Soubirous: “Ta là Đấng đầu thai tinh tuyền”, tiếng pháp là Je suis l’immaculée conception. Suy nghĩ sâu hơn thì việc cứu chuộc này của Chúa Giêsu hoàn hảo hơn cả vì cứu chuộc khỏi phạm tội chứ không nguyên khỏi tội mà thôi. Thi sĩ Wordsworth viết: “Đức Maria là niềm kiêu hãnh duy nhất của loài người sa ngã. Ông có lý.

VIII. Liệu Kinh thánh nói chi về tín điều này?

Thưa: Theo nghiã trực tiếp thì không có đoạn Kinh thánh nào đề cập đến vấn đề. Nhưng gián tiếp thì có nhiều. Ngoài ra còn truyền thống lâu đời, có thể tính lên đến năm 150 công nguyên, tức chỉ ít lâu sau cái chết của Thánh Gioan tông đồ. Chính xác thì thánh Ephrem đã đề cập đến phẩm chất vô tội của Đức Mẹ năm 370. Công đồng Vat II nhắc nhở tuy truyền thống không ở trên Kinh thánh, nhưng giúp đỡ giải nghĩa lời Chúa cho chính xác. (2 Tm 3,14).

Gián tiếp chúng ta phải kể đến Sáng thế ký 3,15: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và người nữ. Người dòng dõi sẽ đạp dập đầu ngươi.”: truyền thống công giáo giải thích người dòng dõi này là Chúa Giêsu Kitô. Vậy người nữ phải là Đức Maria. Mối thù truyền kiếp được giải quyết nhờ Chúa Giêsu đạp dập đầu con rắn, cho nên Đức Maria phải là kẻ thắng trận ngay từ nguyên thủy nhờ con mình. Vì thế tội lỗi chẳng bao giờ xâm nhập linh hồn và thân xác Mẹ. Nếu xâm nhập làm sao Mẹ có khả năng sinh ra Đấng vô tội? Làm sao dòng giống của Mẹ không ô nhiễm? Mẹ là dụng cụ tinh tuyền của Đấng cứu chuộc hiển thánh. Do đó Mẹ vô tội từ lúc đầu thai, không giây phút nào ở dưới quyền cai trị của Satan. Sau này thiên thần Gabiel kính chào Mẹ bằng tên “đầy ơn phúc”, chẳng thiếu ơn nào, kể cả ơn vô tội.

Thánh vịnh 18,24 nói: “Trước mặt Chúa tôi là kẻ vẹn toàn, và tránh xa tội lỗi, Chúa ban thưởng cho tôi, bởi tôi sống ngay lành.” Ai xứng đáng với câu thánh vịnh này, nếu không phải Đức Maria, Đấng vô tội? Sự vô tội của Đức Mẹ hoàn toàn do quyền năng Thiên Chuá như thánh vịnh 51,12 “Lạy Chúa Trời xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên trung thủy.” Sách nhã ca viết: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, toàn thân nàng chẳng một chút vết nhơ.” (4,7). Đọc câu văn này người ta liền liên tưởng đến Đức Maria, vì không ai xứng đáng hơn Mẹ, bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần. Thứ hai nữa người ta mới nghĩ về Hội thánh, theo giáo lý của tông đồ Phaolô (Eph 5,27). Ngoài ra còn nhiều câu Kinh thánh khác, gián tiếp nói đến phẩm chất tinh khôi của Mẹ, trích ra sợ quá dài, sinh luộm thuộm.

IX. Làm sao ngươì công giáo lại tin Đức Maria hồn xác lên trời. Kinh thánh chẳng nói chi đến chuyện đó.

Thưa: Nếu chấp nhận học thuyết vô nhiễm nguyên tội, thì cũng dễ chấp nhận tín điều hồn xác lên trời. Vì chỉ là hệ luận tất yếu. Đã hoàn toàn vô tội thì làm sao còn bị án phạt mục rữa? Tuy nhiên có những trí khôn không nghĩ như thế, cho nên vẫn còn nghi ngờ. Mặc dầu Kinh thánh không mặc khải chi về tín điều này. Nhưng cũng không chống lại. Kinh thánh nhắc 5 lần đến sự kiện lên trời của hai ông Enốc và Elia. Họ lên trời cả hồn lẫn xác. Xin xem St 5,24; Sir 44,16 và 49,16; Dt 11,5, Juđita 14. truyền thống đức tin có thể dõi lên đến năm 400 sau công nguyên. Nhưng mãi tới năm 1950 đức Pio XII, mới công bố thành tín điều, buộc mọi tín hữu phải tin. Tức sau 1600 năm suy nghĩ, tranh luận và cầu nguyện. Người ta tự hỏi tại sao hai tiên tri Enốc và Elia được cất lên trời khi hoàn thành sứ vụ, Đức Maria, đấng đầy ơn phúc lại không? Ngày thứ 6 chiụ nạn các linh hồn ở Giêrusalem đã sống lại và lên trời cùng Chúa Giêsu, tại sao Đức Mẹ lại chịu rữa nát? (Mt 27,52). Cho nên chối bỏ sự kiện Đức Mẹ lên trời là điều vô lý. Nhưng nhiều người vẫn ương ngạch duy trì quan điểm của mình. Phải chăng trí khôn họ có phần lệch lạc?

Hơn nữa, thánh Phaolô nhiều lần đề cập đến vấn đề lên trời tinh thần do ơn thánh. Thí dụ Ephêsô 2,5-6: “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giêsu Kitô trên cõi trời”. Về phần Đức Mẹ thân xác đã được Chúa Thánh Thần rợp bóng, đầy ơn phúc, cưu mang Con Một Thiên Chúa hằng sống thì lẽ đương nhiên được lên trời cả hồn và xác sau khi hoàn thành sứ mệnh. Điều đó thật xứng hợp với chức vị của Ngài, giống như Chúa Giêsu lên trời sau khi chịu khổ nạn.

X. Chắc chắn Đức Mẹ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, tại sao lại gọi Ngài là Mẹ Thiên Chúa như thể Ngài hiện hữu trước Thiên Chuá và hạ sinh Thiên Chúa?

Thưa: Câu hỏi khá hóc búa. Thực tế danh hiệu Mẹ Thiên Chúa gặp rất nhiều chống đối, thậm chí gây nên chia rẽ trầm trọng trong Giáo hội. Đó là bè rối Nestorio còn tồn tại mãi tối hôm nay. Nhưng lại là vấn đề căn bản về Đức Mẹ. Công đồng Ephêsô năm 431 đã bỏ ra rất nhiều công sức để suy nghĩ, tranh luận và cầu nguyện. Cuối cùng chấp nhận tước hiệu Mẹ Chúa Trời của Đức Maria, tiếng Hylạp gọi là Theotokos, là hệ luận tất yếu của học thuyết Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.

Để tránh ngộ nhận chúng ta không đơn giản gọi Đức Mẹ là Theotokos một cách vô điều kiện. Nhưng phải luôn qui chiếu về Chúa Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Ngài sinh ra Chúa Giêsu, điều này rõ ràng. Nhưng Chúa Giêsu đồng thời là Thiên Chúa và là người thật, cho nên gọi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa không có chi nghịch lý. Ngài sinh ra Chúa Giêsu hai bản tính, nhưng chỉ có một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa. Cho nên Ngài là Mẹ theo nghĩa thông thường của các bà mẹ. Nhưng con của Ngài là ngôi vị Thiên Chúa. Do đó Ngài là Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa đó. Điều đáng lưu ý là người ta không làm mẹ theo bản tính, nhưng ngôi vị. Thí dụ mẹ bạn sinh ra bạn nhưng bạn là tổng thống, do đó người ta gọi bà là mẹ tổng thống. Gọi như thế theo ngôi vị chứ không theo bản tính. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa theo ngôi vị, chứ không theo bản tính thần linh. Làm sao loài người làm mẹ bản tính Thiên Chúa được? Phân biệt như vậy thì vấn đề dễ hiểu!

Chức vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria là nguồn gốc mọi ơn khác. Từ chức vị này mà ngài được Chúa ban cho muôn vàn hồng ân cao cả, như ơn vô nhiễm, ơn trọn đời đồng trinh, ơn hồn xác lên trời, tức đầy đủ mọi ơn như lời thiên sứ Gabriel: Kính chào bà đầy ơn phúc. Tất cả đều bắt nguồn từ chức vụ làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Trong Kinh thánh có nhiều câu văn xem ra nói ngược, nhưng sự thực thì không phải. Thí dụ thánh Phêrô tố cáo quyền bính đền thờ: “Anh em đã giết Đấng dựng nên sự sống” (Cv 3,15). Làm thế nào giết được Đấng tác thành sự sống? Nhưng ai cũng hiểu thánh nhân ám chỉ Chúa Giêsu, và câu văn không có chi nghịch lý. Trong Ga 5,18 tác giả viết: “Như thế là Ngài tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” Nhưng nơi khác ông viết :”Thày đi về cùng Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thày (Ga 14,28). Chúng ta phải hiểu bối cảnh của câu văn mới có thể quán triệt nội dung. Chúa Giêsu tuy ngang hàng với Thiên Chúa Cha, nhưng đã trút bỏ vinh quang, xuống thế mặc lấy xác phàm để cứu chuộc nhân loại. Chúa Cha cao trọng hơn Ngài ở ý nghĩa ấy. Hơn nữa, trong vườn cây dầu thánh Luca mô tả Chúa Giêsu bồi hồi sao xuyến đến nỗi mồ hôi nhỏ xuống như những giọt máu (Lc 22,44). Làm sao một Thiên Chúa quyền uy, hùng mạnh mà sợ hãi đến cỡ đó? Cho nên danh xưng Mẹ Thiên Chúa không phải là một từ trái nghĩa. Chúng ta chỉ cần thấu triệt căn bản của Kitô học.

Giám Mục Nestorio lầm lẫn ở chỗ chủ trương Chúa Giêsu có hai Ngôi vị: Thiên Chúa và phàm nhân, nên không thể chấp nhận danh xưng Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ đồng ý Mẹ Đức Giêsu thôi. Ông bị kết án rối đạo năm 431 tại công đồng Ephêsô. Nhưng bè rối còn tồn tại mãi tới hôm nay. Kinh thánh không có chữ “một ngôi vị”, nhưng ám chỉ thì nhiều. Chẳng hạn Chúa Giêsu tuyên bố Ngài có trước ông Abraham: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, tôi hằng hữu.” (Ga 8,58). Người nói và ngôi vị hằng hữu là một.”Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Chúa Giêsu hoàn toàn là loài người (Dt 2,14) đồng thời hoàn toàn là Thiên Chúa (1 Ga 5,20). Thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Philipphê viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế… chết trên cây thập tự… “ (2,5). Rõ ràng một ngôi vị nhưng hai bản tính: vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng chết trên cây thập tự. Bản tính Thiên Chúa không thể chết, Ngài chết theo bản tính loài người. Nhưng hành động thì thuộc về một ngôi vị. Cho nên chúng ta yên tâm gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

XI. Vậy sao còn gọi Ngài là Mẹ Giáo Hội? Qúa đà lắm không?

Thưa: Mẹ Giáo Hội tức Mẹ của mọi tín hữu, hay mẹ của dân Thiên Chúa. Kể ra thì cũng khó nghe. Giáo hội đâu có phải là một ngôi vị duy nhất. Nhưng gồm hàng nhiều triệu ngôi vị. Đức Mẹ đâu đủ sức làm Mẹ ngần ấy ngôi vị? Nhưng xét theo khía cạnh khác, thì Ngài quả thật làm mẹ hết thảy mọi tín hữu, trong nghĩa là mẹ thiêng liêng, là mẫu gương thánh thiện cho mọi linh hồn khao khát Thiên Chúa. Mẹ bầu cử ơn thánh cho hết mọi người. Xin nhớ trước khi tắt thở Chúa Giêsu trao Mẹ ngài cho ông thánh Gioan lo phần hiếu thảo. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thánh Gioan đại diện cho toàn thể loài người. Đức Giêsu trao mẹ Ngài cho toàn thể nhân loại: Này là mẹ con. Này là con bà. Từ ấy loài người nhận Đức Maria làm mẹ mình. Nhưng đó chỉ là cách suy diễn loài người còn Kinh thánh nói gì?

Thánh Phaolô trong thơ Roma viết: Chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (12,5). Thơ gởi giáo đoàn Côrintô viết: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1Cr 12,12) Ngoài ra trong Tông đồ công vụ Chúa Giêsu khiển trách Saulô: sao ngươi bách hại ta? “Lúc ấy Saulô đâu có bách hại Chúa Giêsu? Ông chỉ tìm bắt bớ các tín hữu của Ngài (9,4) Chúa Giêsu đồng hóa Ngài với Hội Thánh. Sau này người ta gọi Hội thánh là Thân mình màu nhiệm Chúa Kitô. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô thì cũng là Mẹ Hội Thánh. Điều này không có chi nghịch lý. Ngươì ta gọi tổng thống Washington của nước Mỹ là cha già tổ quốc và mẹ ông là hiền mẫu quốc gia nào thấy ai phản đối đâu? Ngược lại đồng tình hết thảy. Vậy mà đối với Đức Mẹ, họ lại tỏ thái độ không bằng lòng, thiệt bất công! Cho nên chúng ta cứ can đảm cầu xin: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.”

XII. Chẳng ai sinh con mà còn đồng trinh, vậy tại sao người công giáo Roma gọi đức Maria là Mẹ đồng trinh. Có ngược đời lắm không?

Thưa: Lại một câu hỏi “kỹ thuật” nữa. Kỹ thuật bởi vì cần kiến thức chuyên môn về thánh mẫu học mới có thể hiễu vấn đề. Người đứng bên ngoài luồng tư tưởng không thể biết. Làm mẹ, sinh hạ con cái mà còn nguyên vẹn khiết trinh, xưa nay chưa từng ai dám qủa quyết. Vậy mà người công giáo ương ngạnh nói như vậy hàng bao nhiêu thế kỷ nay? Chẳng hiểu “Khoa học” ở chỗ nào? Vì khoa học luôn chứng minh ngược lại, kể cả lúc này ngươì ta nhân bản vô tính thành công.

Để dễ nắm bắt hơn chúng ta chia câu trả lời thành hai phần. 1/ Đức Mẹ đồng trinh trước khi sinh Chúa Giêsu. 2/ Trọn đời đồng trinh sau khi sinh Chúa Giêsu.

1. Trước khi sinh hạ Chúa Giêsu, Đức Mẹ hoàn toàn là cô gái trong trắng. Điều này Kinh thánh nói đến nhiều và rõ ràng. Thí dụ Phúc Am thánh Luca ghi: “Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một làng miền Galilea, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (1,25). Chính Đức Mẹ cũng xác nhận: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào? Vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. (C 34). Thiên sứ Gabriel giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng tôí cao rợp bóng trên Bà” (C 35). Phúc Am thánh Matthêu ký thuật: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô, bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, ông Giuse, chồng bà, là ngươì công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (1,18). Tiếp theo thánh nhân trích lời Cựu ước: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, Nghĩa là Thiên - Chúa - ở - cùng - chúng ta.” Như vậy không thể viện lý do nào nói Đức Mẹ trước khi sinh con không phải là gái đồng trinh. Các tác giả tin lành cũng không chối bỏ sự thật ấy.

2. Sau khi sinh Chúa Giêsu: Đến đây thì có sự chia rẽ trầm trọng. Các anh em tin lành nhất mực không chấp nhận sự kiện. Bởi lẽ trong Kinh thánh nhiều lần nhắc đến “Anh em Chúa Giêsu” thí dụ Mathêu 12,46 : “Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đến đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người, có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thày, có mẹ và anh em Thày đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thày.” Chúa Giêsu có anh em thì làm thế nào Đức Mẹ còn đồng trinh suốt đời? Thánh Phaolô cũng đã có lần nói đến anh em Chúa Giêsu: “Tôi đã không gặp một vị tông đồ nào khác, ngoài ông Giacôbê, người anh em Chúa” (Gl 1,19).

Nhưng nếu tra cứu kỹ Tân ước thì các anh em của Chúa không phải là ruột thịt. Họ có cha mẹ khác, cho nên chỉ là anh em họ mà thôi. Thí dụ Mt kể tới 4 anh em của Chúa là: Giacobê, Joseph, Simon và Juda (13,55). Nhưng mẹ của họ không phải là đức Maria: “Trong số đó có bà Maria Macđala, Maria mẹ các ông Giacôbê và Joseph, và bà mẹ các con ông Dêbêđê”. (27,56) Thực ra đối với người phương tây từ “anh em” hiểu là anh ruột, còn anh em họ thì ta dùng danh từ khác: cousin, relative, kin… Nghĩa phương đông rộng rãi hơn. Có khi chẳng liên hệ gì cả cũng gọi là anh em chị em. Kinh thánh dùng theo nghĩa này. Thí dụ thánh Phêrô nói với 120 tín hữu có mặt để bầu bổ túc một tông đồ thay thế Giuđa. Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh thánh phải ứng nghiệm …”(Cv 1,15). Thánh Phaolô cũng dùng từ anh em để chỉ các cộng sự viên của ông. Thí dụ: I cor 15,6; Rm 8,29; 1Cor 5,11… xin lưu ý thánh Marcô mỗi khi nói tới anh em Chúa Giêsu thì Ngài phân biệt rõ ràng Chúa là con Đức Maria: “ Ông ta không phải là con bác thợ mộc, con bà Maria sao?” (6,3). Sau đó mới liệt kê Simon, Juda, Giacôbe, Giuse… như các anh em họ vậy. Vấn đề không lầm lẫn được đối với người Á đông. Nhưng với văn hóa tây phương thì có chút khó khăn. Nhưng không phải gặp khó khăn là chối bỏ chân lý?

Ngoài ra, nếu nhìn sát thực tế cuộc đời Chúa Giêsu như Phúc âm kể thì không thể chấp nhận Chúa Giêsu còn anh em nào khác. Thứ nhất chúng ta vừa nói: Nếu Chúa còn anh em ruột thì tại sao khi sắp chết lại phải trao mẹ cho thánh Gioan chăm nom? Ngài trao như vậy là vì thương Đức Mẹ không nơi nương tựa. Nếu còn anh em khác thì hẳn Ngài chẳng phải làm việc đó. Thứ hai, lúc 12 tuổi Chúa lên đền thờ với hai cha mẹ là thánh Giuse và Đức Maria, rồi lạc ba ngày hai ông bà mới tìm thấy. Thử hỏi nếu Đức Maria còn em bé thì đi làm sao được? Phải ở nhà coi sóc các con nhỏ chớ. Thói thường là như vậy. Đàng này hai ông bà đi cả mấy tuần lể mới về, con nhỏ để cho ai? Cho nên chứng cớ hoàn cảnh không cho phép chúng ta suy diễn Chúa Giêsu còn các em nhỏ nữa. Ngài chỉ có một mình.

Thoạt nhìn học thuyết Đức Mẹ trọn đời đồng trinh không mấy quan trọng. Nhưng thực tế nó chứng minh Đức Maria giữ vai trò duy nhất trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Đức Mẹ dấn thân toàn diện cho chương trình cứu độ. Cung lòng đã cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể không thể được sử dụng vào việc khác. Làm sao gọi được là thượng uyển khép kín (Ez. 44,3), là đền thờ Chúa Thánh Thần khi còn chung đụng trần thế? Làm sao các nhọc nhằn của bổn phận làm mẹ còn có thể chia sớt cho ai ngoài Chúa Giêsu để trọn vẹn ơn gọi làm Mẹ Thiên Chúa? Cho nên trong lịch sử chỉ một mình Đức Maria đứng làm tiêu biểu dấn thân của loài người: đồng trinh, hôn nhân và làm cha mẹ. Đức Mẹ thể hiện tổng hợp ba sứ mệnh cao cả ấy trong bản thân mình ở mức độ hoàn hảo. Thực hiện một sứ mệnh đã là khó khăn. Cả ba một lúc khó biết bao. Do đó sứ thần Gabriel chào kính Ngài là đầy đủ mọi ơn phúc, để làm tròn sứ mệnh, và Ngài đã thi hành trọn hảo nhờ hai tiếng “xin vâng”. Liệu chúng ta noi gương Đức Mẹ? Hẳn mọi người phải cầu xin Ngài trợ giúp, xin nhắc lại lời thi sĩ Wordsworth: “Đức Maria là niềm kiêu hãnh duy nhất của nhân loại sa ngã”. Đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, thực ra, là một vinh hiển lớn cho loài người.

XIII. Nếu vậy, tại sao thánh Marcô, Gioan, Phaolô chẳng đề cập chi đến vấn đề này?

Thưa: Hai thánh sử Marcô và Gioan không kể lại thởi niên thiếu của Chúa Giêsu nên không có cơ hội nói đến Đức Mẹ và sự sinh nở đồng trinh. Thánh Marcô bắt đầu Phúc âm lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan tiền hô ở bờ sông Giođan, tức là lúc Chúa đã phỏng 30 tuổi, bắt đầu cuộc đời công khai. Mục tiêu viết sách của Marcô là minh chứng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia: Chúng ta hãy nghe ông nói: “Khởi đầu tin mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1,1). Thánh Gioan chứng minh Chúa Giêsu là Ngôi Lời cuả Đức Chúa Trời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (1,1) và ông đi luôn vào lời chứng của Gioan Tẩy Giả: “Và đây là lời chứng của ông Gioan” (1,19). Cả hai Phúc âm khởi sự lúc Chúa Giêsu ra giảng đạo công khai, bỏ qua thời thơ ấu ẩn dật.

Còn Phao lô lại càng không có cơ hội đề cập đến Đức Mẹ nhiều. Ông chỉ viết các thơ, giải quyết khó khăn trong các giáo đòan, chứ đâu có viết Phúc Am kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu?. Một lần duy nhất ông đề cập đến Đức Mẹ là: “Đức Giêsu Con một người đàn bà.” Ngài chú trọng đến khía cạnh Đức Giêsu là Con Đức Chúa Cha nhiều hơn, nên không chú ý lắm đến quan hệ trần thế của Chúa. Hơn nữa 14 thơ của thánh nhân đâu phải là tổng hợp đầy đủ giáo lý của Hội Thánh?

XIV. Tại sao nhiều thần học gia công giáo đưa ra lý thuyết Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc? Phải chăng học thuyết này phi Thánh kinh?

Thưa: Học thuyết chưa phải là tín điều, nên không buộc tin. Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm học hởi, suy tư và cầu nguyện vì đã có nhiều học thuyết nay trở thành tín điều. Như học thuyết vô nhiễm nguyên tội, học thuyết hồn xác lên trời. Chúa Thánh Linh dần dần hướng dẫn Hội thánh vào sự thật tòan vẹn (Ga 16,13) ngõ hầu chúng ta được hưởng nhờ nhiều ơn ích thiêng liêng. Bởi lẽ sự thật có tính chất giải phóng trí khôn khỏi tối tăm (Ga 17,17). Trong Kinh thánh có nhiều đọan văn khuyên nhủ tín hữu cộng tác vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu. Thí dụ (Cl 1,24): Thánh Phao lô viết: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể người là Hội thánh.” Nghĩa là thánh nhân chia sẻ đau khổ với Đức Kitô qua gian nan thử thách của mình. Một ý nghĩa nào đó cũng có thể nói “đồng công” với Đức Kitô. Đức cố Hồng y Fulton J.Sheen cũng hay áp dụng như vậy nơi các tín hữu đang chịu đau khổ, nhưng ngài dùng chữ r thường (redeemers) chứ không phải chứ R hoa chỉ Chúa Giêsu. Thơ 1 Phêrô cũng viết: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (4,13). Ngòai ra còn vô số các câu Kinh thánh khác có tư tưởng tương tự như Cv 14,22; 2Cor 1,5; 4-10; PL 1,20; 2Tm 2,10; Kh 6,10.

Do đó, người ta không được phép nói về Đức Mẹ cách đặc biệt hơn sao? Người đã chịu đắng cay tột độ khi đứng gần bên thánh giá con mình hấp hối chết? Đúng như cụ già Simeon đã tiên báo “Lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà? (Lc 2,35). Gọi Đức Mẹ là nữ vương các anh hùng tử đạo, kể không ngoa.

Đồng ý Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất như Kinh thánh nói: “Ngòai Người ra, không ai mang lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân lọai, mà chúng ta phải nhờ vào danh đó để được cứu độ” (Cv 4,12). Nhưng Đức Mẹ có thể được danh hiệu đồng công “loại suy” hay tương tự, trong ý nghĩa Đức Mẹ đồng ý cộng tác vào nhiệm cục cứu độ qua tiếng xin vâng. Và sẵn lòng gánh chịu mọi hậu qủa của cử chỉ ấy. Chúng ta biết rõ hậu qủa rất khốc liệt biết bao, hơn bất cứ lòai thọ tạo nào. Nhờ đó Ngài cầu bầu cho nhân loại đắc lực trước tòa Thiên Chúa. Nếu thánh Phaolô can đảm và hăng say đi truyền giáo ngõ hầu “Chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần” thì Đức Mẹ lại không vui lòng thông ban ơn cứu chuộc của con ngài cho các linh hồn hay sao? Ngài giống như người múc cháo từ thiện. Ông chủ nồi cháo là Chúa Giêsu nhưng người phân phát là Đức Mẹ và kẻ được thụ hưởng cao lương mĩ vị ấy là nhân loại, còn chi xứng hợp hơn?

Tóm lại lòng sùng kính Đức Maria có cơ sở Thánh kinh và là điều cần thiết trong đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu. Nhưng nhiều người không chấp nhận, nói là làm phân tán tâm hồn thờ phượng Chúa Giêsu. Sự thực ngược lại, thay vì phân tán thì lòng sùng kính Đức Maria tăng cường tình cảm yêu mến Chúa. Tín hữu noi gương Mẹ trong sinh họat đạo đức của mình. Công đồng Vat II xác nhận sự thật đó trong “Anh sáng muôn dân” số 62. Họ rất hạnh phúc khi có Mẹ chở che và làm những cuộc hành hương vĩ đại đến những điểm hẹn của Mẹ như Lộ Đức, Loretto, Lavang, Trà Kiệu, Tà Pao. Có người được khỏi bệnh phần xác, nhưng đa phần nhiều ơn ích thiêng liêng: Vứt bỏ thói xấu, ăn năn trở lại, xưng tội rước lễ sốt sắng. Nói chung lòng sùng kính Đức Maria mang lại cho các linh hồn hiểu biết và khôn ngoan thiêng liêng (Cl 1,9). Chúng ta nên cổ võ lòng sùng kính này, nhất là tháng 10, lần hạt mân côi và tháng 5 dương lịch dâng hoa. Những thói quen tốt lành giúp các tín hữu bền vững trong đức tin và hạnh phúc trong sinh họat thường ngày. Nhờ đó con cái được giáo dục tốt hơn. Đó là điều Hội thánh hằng mong ước, nhất là trong năm sống Kinh thánh này.