Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài huấn dụ nói trước gần 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7-6-2006.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến, với thứ tư hôm nay chúng ta trở lại với giáo lý về Hội Thánh, hay đúng hơn về khuôn mặt của 12 Tông Đồ mà chúng ta đã bắt đầu mùa xuân vừa qua. Khi kể lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của Đức Giêsu với Simon, anh của Anrê, thánh sử Gioan ghi nhận sự kiện đặc biệt này: Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: ”Anh là Simon, con ông Giona, anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô” (Ga 1,42). Đức Giêsu thường không có thói quen đổi tên các môn đệ: trừ tên gọi ”con của sấm sét” nói với các con của ông Giêbêđê trong một hoàn cảnh chính xác (x. Mc 3,17) và sau đó không được dùng nữa, Người đã không bao giờ gán một tên mới nào cho một môn đệ của mình. Trái lại, Người đã làm đối với ông Simon, và tên gọi đó dịch ra tiếng Hy lạp là ”Petros”, sẽ trở lại nhiều lần trong các Phúc Âm và sau cùng thay tên gọi Simon.

Dữ kiện này có tầm quan trọng đặc biệt nếu chúng ta để ý thấy rằng trong Cựu Ước việc đổi tên thường báo trước việc trao phó cho một sứ mệnh (x. St 17,5; 32.28 vv...). Thật vậy, ý của Chúa Kitô muốn ban cho Phêrô một chỗ đặc biệt trong Đoàn Tông Đồ, có nhiều dấu chỉ: tại Capharnaum Người đến trú ngụ ở nhà ông Phêrô (Mc 1,29); khi đám đông vây quanh bên bờ hồ Ghenesaret, giữa hai chiếc thuyền đậu gần bờ, Người chọn thuyền của ông Simon (Lc 5,3); trong những hoàn cảnh đặc biệt Người đem ba môn đệ theo và tên của ông Phêrô luôn đứng đầu nhóm: như trong biến cố cho con gái ông Giairô sống lại (x. Mc 5,37; Lc 8,51), trong biến cố Hiển Dung (x. Mc 9,2; Mt 17,1; Lc 9,28), khi Chúa Giêsu hấp hối tại Vườn Giêtsemani (x. Mc 14,33; Mt 16,37). Rồi khi những người thu thuế Đền Thờ hỏi Phêrô, thì Chúa Giêsu trả thuế cho mình và cho ông thôi (x. Mt 17,24-27); trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu rửa chân cho Phêrô trước tiên (x. Ga 13,6), và Người cũng chỉ cầu nguyện cho ông, để ông không thuyên giảm lòng tin và có thể củng cố các môn đệ khác (x. Lc 22,30-31).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Chính thánh Phêrô cũng ý thức được vị trí đặc biệt của mình: vì người thường hay nhân danh các môn đệ khác để xin Chúa giải thích một dụ ngôn khó hiểu (Mt 15,15), hay ý nghĩa của một điều luật (Mt 18,21), hoặc lời hứa ban thưởng (Mt 19,27). Đặc biệt chính thánh nhân đã giải quyết sự bối rối của một vài trường hợp bằng cách can thiệp nhân danh tất cả mọi người. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu đớn đau vì thái độ của đám đông không hiểu diễn văn về ”bánh sự sống”, nên hỏi các môn đệ: ”Còn các con, các con cũng muốn bỏ đi hay sao?”, thì Phêrô đã đưa ra câu trả lời qủa quyết: ”Lậy Chúa, chúng con sẽ đi đâu? Chúa có lời hằng sống” (x. Ga 6,67-69). Cũng thế Phêrô đã nhân danh Nhóốm Mười Hai cương quyết tuyên xưng lòng tin nơi Chúa Giêsu gần Cesarea Philiphê. Chúa Giêsu hỏi: ”Còn các con, các con nói Thầy là ai?” Phêrô thưa: ”Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16). Đáp lại, Chúa Giêsu đã đưa ra lời tuyên bố long trọng định nghĩa một lần cho luôn mãi vai trò của Phêrô trong Giáo Hội: ”Còn Thầy, Thầy bảo cho con biết: con là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời: dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

Đức Thánh Cha giải thích ba hình ảnh ám tỷ đó như sau: ”Ba hình ảnh ám tỷ, mà Chúa Giêsu dùng, đã rất là rõ ràng: Phêrô đẽ là đá tảng nền móng của tòa nhà Giáo Hội; người sẽ nắm các chìa khóa Nước Trời để đóng hay mở cho những ai xem ra công chính; và sau cùng người sẽ có thể tháo cởi, trong nghĩa thiết định hay cấm đoán những điều người thấy cần cho cuộc sống của Giáo Hội, là của Chúa Kitô và sẽ luôn mãi thuộc về Chúa Kitô. Như thế đã được miêu tả với các hình ảnh linh động hiển nhiên điều mà suy tư sau này sẽ định tính với từ ”quyền tối thượng pháp quyền”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: ”Vị thế ưu đẳng, mà Chúa Giêsu muốn trao ban cho Phêrô, cũng được tìm thấy sau khi Chúa sống lại: Chúa Giêsu đã trao cho các phụ nữ nhiệm vụ báo tin cho Phêrô biết, một cách khác biệt với các Tông Đồ khác (x. Mc 16,7); bà Madalena chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan biết là tảng đá lấp mộ đã được lăn sang một bên (x. Ga 20,2) và Gioan nhường bước cho Phêrô khi cả hai đến trước ngôi mộ trống (x. Ga 20,4-6); thế rồi thánh Phêrô là người đầu tiên trong các Tông Đồ được Chúa Phục sinh hiện ra (x. Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Vai trò này của thánh nhân, được nêu bật một cách cương quyết (x. Ga 20,3-10) ghi dấu sự tiếp nối giữa sự ưu đẳng người đã có trong nhóm tông đồ và sự ưu đẳng mà người sẽ tiếp tục có trong cộng đoàn nảy sinh với các biến cố Phục Sinh, như sách Công Vụ minh chứng (x. 1,15-26; 2,114-40; 4,8-12; 5,1-11.29; 8,14-17; 10; vv...). Thái độ của thánh nhân được coi như định đoạt, đến trở thành trung tâm quan sát và cũng là trung tâm của các chỉ trích (x. Cv 11,1-18; Gla 2,11-14). Trong Công Đồng Chung Giêrusalem thánh Phêrô đã nắm giữ vai trò hướng dẫn (x. Cv 15 và Gl 2,1-20), và chính sự kiện là chứng nhân lòng tin đích thực của người đã khiến thánh Phaolô cũng sẽ thừa nhận nơi người một phẩm giá ”là người thứ nhất” nào đó (x. 1 Cr 15,5; Gl 1,18; 2,7 tt...). Thế rồi sư kiện nhiều văn bản chìa khóa khác nhau đề cập tới thánh Phêrô có thể được dẫn đưa trở lại vào trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, trong đó Chúa Kitô trao phó cho thánh Phêrô chức thừa tác củng cố các anh em mình (x. Lc 22,3tt.). Nó cho thấy Giáo Hội, nảy sinh từ ký ức phục sinh được cử hành trong bí tích Thánh Thể, đã coi sứ vụ trao phó cho Phêrô như là một trong các yếu tố nền tảng của nó”.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ với câu nói buông sau đây: ”Bối cảnh Quyền Tối Thượng của thánh Phêrô trong Bữa Tiệc Ly, khi Chúa thành lập Bí tích Thánh Thể, lễ Vượt Qua của Người, cũng chỉ cho thấy ý nghĩa cuối cùng của Quyền Tối Thượng đó: đối với mọi thời đại, thánh Phêrô phải là người giữ gìn sự hiệp thông với Chúa Kitô, phải là người dẫn đưa tới sự hiệp thông với Chúa Kitô; phải lo lắng để lưới đừng rách và như thế để cho sự hiệp thông đại đồng được kéo dài. Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể ở với Chúa Kitô, là Chúa của tất cả mọi người. Trách nhiệm của Phêrô, như thế, là bảo đảm sự hiệp thông với Chúa Kitô với tình bác ái của Chúa Kitô, bằng cách hướng dẫn sống tình bác ái đó mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện để Quyền Tối Thượng của Phêrô được giao phó cho những con người nghèo nàn, luôn có thể được thi hành trong nghĩa nguyên thủy như Chúa muốn, và như thế ngày càng có thể được thừa nhận bởi các anh em còn chưa hiệp thông trọn vẹn với chúng ta.

Đa số trên gần 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương đến từ các giáo phận Italia và Đức. Trong số các tín hữu Đông Âu có các đoàn hành hương Ba Lan, Ucraine, Croat và Cộng Hòa Slovac. Từ Á châu có các nhóm hành hương Ấn Độ và Nhật Bản. Từ châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương El Salvador, Costa Rica, Perù và Argentina. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói ước chi lời cầu nguyện của họ là một của lễ dâng lên Chúa Kitô để đền bù tội lỗi cho con người, kéo đổ ơn hoán cải xuống trên mọi con tim và hòa bình trên thế giới. Chào các tín hữu Croat ĐTC nhắc nhở cho mọi người biết rằng được tràn đầy

Chúa Thánh Thần tất cả đều được mời gọi trở thành những người loan báo đáng tin cậy cuộc sống mới trong Đức Kitô. Ngài cầu chúc các tín hữu Slovac trở thành các chứng nhân can đảm của lòng tin.

Chào các bạn trẻ ĐTC ước mong họ năng cầu khẩn Chúa Thánh Thần giúp họ là những chứng nhân kiên cường của Chúa. Ngài xin Chúa Thánh Thần an ủi người đau yếu, giúp họ biết chấp nhận mầu nhiệm khổ đau và dâng mọi khổ đau lên cho Chúa để khẩn cầu ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Đức Thánh Cha cũng xin Chúa Thánh Thần giúp các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng gia đình họ trên nền tảng Tin Mừng.(Radio Vatican)