1. Bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Hà Nội

Hôm Thứ Bẩy, 26 Tháng Mười, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Công Viện, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Hà Nội, làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Hà Nội.

Tiểu sử Linh mục Giuse Vũ Công Viện

- Sinh ngày: 23 Tháng Hai/1973

- Quê quán: Thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; thuộc giáo xứ Tân Độ, tổng giáo phận Hà Nội.

- 2000 - 2007: Tu học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Ngày 31 Tháng Năm/2007: Lãnh chức Phó tế

- Ngày 20 Tháng Mười Hai/2007: Thụ phong linh mục qua nghi thức đặt tay của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

- 2008 - 2010: Linh mục Phó xứ An Lộc, thường trực tại Bình Cách

- 2010 - 2014: Du học tại Philippines và Canada

- 2014: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Giáo luật tại Saint Paul University, Ottawa, Canada

- Từ năm 2014 đến nay: Linh mục Đại diện Tư pháp

- Từ năm 2014 đến năm 2018: Linh mục Phó văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

- 2015 - 2021: Linh mục Chính xứ Nam Dư

- 2021 - 2022: Linh mục Chính xứ Kẻ Sét

- 2021 - 2022: Phó Tổng Thư ký và thành viên Ban Soạn thảo Công nghị tổng giáo phận Hà Nội

- Từ năm 2022 đến nay: Giám học Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Từ ngày 16/01/2024: Phó Chánh Văn phòng tiếp nhận trình báo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của tổng giáo phận Hà Nội.

- Ngày 26 tháng 10 năm 2024: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Hà Nội.

2. Thêm một giám mục Trung Quốc được truyền chức theo hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc

Thêm một giám mục Trung Quốc được thụ phong theo hiệp định ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Đó là Đức Cha Matthêu Chân Tuyết Bân (Zhen Xuebin), Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, công bố ngày 25 tháng Mười cho biết lễ truyền chức đã diễn ra lúc 9 giờ ban sáng cùng ngày, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Độ và Đức tân Giám mục đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngày 28 tháng Tám trước đó, nhưng nay Phòng Báo chí Tòa Thánh mới thông báo, một ngày sau khi có tin hiệp định tạm thời giữa hai bên về việc bổ nhiệm giám mục được gia hạn thêm bốn năm nữa.

Đức tân giám mục Chân Tuyết Bân năm nay 54 tuổi, sinh quán tại Trường Trị (Changzhi) tỉnh Thiểm Tây, theo học triết và thần học tại Đại chủng viện Bắc Kinh và sau đó học bổ túc cho đến năm 1997, tại Đại học thánh Gioan, ở Mỹ và đậu Cao học thần học về Thần học phụng vụ, trước khi về nước để thụ phong linh mục. Rồi sau đó làm Phó giám đốc Đại chủng viện Bắc Kinh cho đến năm 2007. Cha cũng làm mục vụ tại một số giáo xứ, và cũng từ năm 2007, làm Chưởng ấn Tòa giám mục Bắc Kinh.

Với nhiệm vụ mới, Đức Cha Matthêu Bân phụ giúp và sẽ kế nhiệm Đức Cha Giuse Lý Sơn, 59 tuổi, Giám mục chính tòa tại thủ đô Bắc Kinh từ 14 năm nay, hay 2007.

Theo hãng tin Asia News, việc chọn một giám mục Phó cho Giáo phận Bắc kinh là một sự kiện đáng kể, nếu ta để ý rằng Đức Cha Lý Sơn được bổ nhiệm trước khi có hiệp định năm 2018 giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, những hồi đó ngài được Tòa Thánh phê chuẩn. Đức Cha Lý Sơn tuy mới 59 tuổi, nhưng có vấn đề về sức khỏe và vì nhiều trách nhiệm khác trong tư cách là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc.

Nhận định về tình hình Giáo Hội tại Trung Quốc, Tiến Sĩ George Weigel cho biết có “một nỗ lực tàn bạo” nhằm áp đặt “Hán hóa” các cộng đồng tôn giáo, đưa họ vào sự phù hợp với “Tư tưởng Tập Cận Bình” - ám chỉ chủ tịch Trung Quốc.

Khi bàn về 2 Giám Mục Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị, ông cho biết:

“Chế độ Trung Quốc đã bổ nhiệm Giám mục Chiêm Tư Lộc vào giáo phận Mân Đông vào năm 2000. Giám mục này đã bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận việc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội. Sau đó, ông đã được hòa giải với Giáo Hội vào năm 2018. Tuy nhiên, một năm sau đó đã công khai tuyên thệ “sẽ quyết tâm thực hiện việc Hán hóa tôn giáo” và “tiếp tục theo đuổi con đường phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa”, Weigel viết về một trong những người tham dự Thượng hội đồng.

Ông cũng chỉ ra rằng đại diện khác từ Trung Quốc là phó chủ tịch Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Weigel viết: “Giám mục Dương Vĩnh Cường là phó chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một công cụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, được thành lập năm 1957 để chia rẽ Giáo Hội Công Giáo. Vatican chưa bao giờ công nhận nhóm này là một cơ quan Công Giáo hợp pháp. Trong một lá thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cho biết mục đích của nhóm này ‘không phù hợp với giáo lý Công Giáo’. Vị trí của Giám mục Dương trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước càng làm sâu sắc thêm hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội do chế độ kiểm soát ở Trung Quốc và Giáo Hội thầm lặng đang bị bao vây, vốn vẫn trung thành với Rôma ngay cả khi các giáo sĩ và giáo dân của họ bị bỏ tù hoặc bị tử đạo”.

3. Đức Hồng Y Müller nhắc nhở việc tuân giữ đức tin chân chính

Liên quan đến thẩm quyền và thánh chức trong Giáo hội, trong bài thuyết trình, nhân cuộc hành hương Roma, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng Mười này của các giám mục, linh mục và giáo dân theo tinh thần tự sắc “Summorum Pontificum”, Các Giáo hoàng Roma, do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI ban hành, ngày 07 tháng Bảy năm 2007, nới rộng việc cho phép cử hành thánh lễ theo sách lễ tiền Công đồng chung Vatican II, Đức Hồng Y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhắc nhở rằng: Các giám mục sẽ phản bội sứ mạng Chúa trao nếu không rao giảng đức tin Công Giáo chân chính, phản bội bằng cách tương đối hóa đạo lý và không giữ vững đức tin chân chính.

Đức Hồng Y nói: “Chúng ta không được chiều theo cám dỗ này là: nếu bạn muốn đi đến với con người ngày nay và được mọi người yêu mến, thì hãy làm như Philatô, gạt chân lý sang một bên, và như vậy, bạn sẽ tránh bị bách hại, bị đau khổ, thánh giá và cái chết! Nói theo kiểu thế gian, quyền bính chính trị, các cơ quan truyền thông và tài chánh là những điều chắc chắn, trong khi sự thật thì kéo theo chống đối, và những lời hứa đau khổ với Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh!”

Trong chiều hướng này, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh hai sai lầm trầm trọng:

1. Thứ nhất khi một vị Giáo hoàng, với quyền tông đồ tối cao (plenitudo apostolica) dám thay đổi cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và quyền Chúa ban (ius divinum) cho Giáo hội, ví dụ ủy quyền tài phán của mình cho các giáo dân.

2. Sai lầm thứ hai là dạy rằng Chúa Thánh Thần có thể linh hứng cho Đức Giáo Hoàng một đạo lý hoàn toàn mới mẻ mà các tín hữu phải chấp nhận một cách mù quáng, dù rằng đạo lý mới ấy trái ngược rõ ràng với giáo huấn của Kinh thánh, với Tông truyền và với các tuyên định tín lý trước đó của các vị Giáo hoàng và các Công đồng chung.

4. Đức Giáo Hoàng thương tiếc một linh mục Công Giáo bị sát hại ở Mexico

Trong bài huấn dụ ngắn sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ Cha Marcelo Pérez, một linh mục vừa bị sát hại tại khu vực Chiapas, Mexico, nơi xảy ra nhiều vụ bạo lực.

Đức Giáo Hoàng gọi vị linh mục bị sát hại là “một người hầu nhiệt thành của Phúc âm và là dân trung thành của Chúa” và cho biết ngài cùng giáo phận địa phương San Cristóbal de las Casas, Mexico, thương tiếc sự mất mát của ông.

“Nguyện sự hy sinh của ngài, giống như những linh mục khác bị giết vì lòng trung thành với chức thánh, trở thành hạt giống cho hòa bình và đời sống Kitô hữu,” Đức Phanxicô nói.

Cha Pérez bị bắn chết vào ngày 20 tháng 10 sau khi cử hành Thánh lễ. Được giáo phận mô tả là một “Tông đồ không biết mệt mỏi của hòa bình”, vụ sát hại Cha Pérez xảy ra trong bối cảnh ngài đang nỗ lực bảo vệ cộng đồng địa phương khỏi bạo lực và bất công.

Công việc của ngài đã gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng; Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, gọi tắt là IACHR đã ban hành các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ Cha Pérez kể từ năm 2015 do “mối nguy hiểm liên tục đến tính mạng và sự an toàn cá nhân của ngài” vì “công việc bảo vệ nhân quyền của ngài”.

Vụ giết Cha Pérez đánh dấu vụ mới nhất trong một mô hình bạo lực đáng lo ngại chống lại giáo sĩ ở Mexico. Theo Trung tâm đa phương tiện Công Giáo, 36 linh mục Công Giáo đã bị giết ở Mexico kể từ năm 2013


Source:Catholic News Agency