1. Người gọi đóng giả là cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine nói chuyện với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Benjamin Cardin đã nhận được cuộc gọi Zoom từ một người lạ mặt tự xưng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, tờ New York Times đưa tin vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, trích dẫn một lá thư từ cơ quan an ninh Thượng viện và các nguồn tin không được tiết lộ.
Văn phòng của thượng nghị sĩ đã nhận được email từ một người đóng giả Kuleba vào ngày 19 tháng 9 yêu cầu liên lạc với ông qua cuộc gọi Zoom. Trong cuộc gọi video, người đó trông và nói chuyện giống như cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine.
Thượng nghị sĩ trở nên nghi ngờ khi người đóng giả Kuleba bắt đầu có hành vi bất thường, đặt “những câu hỏi mang tính chính trị liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới” và xin ý kiến về các vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm như vụ phóng hỏa tiễn tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Thượng nghị sĩ đã kết thúc cuộc trò chuyện và thông báo cho Bộ Ngoại giao, cơ quan này xác nhận rằng người tự giới thiệu mình là Kuleba là kẻ mạo danh đã sử dụng công nghệ “deepfake”.
Công nghệ video Deepfake sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video với những người hư cấu trông và nói giống như người thật. Công nghệ này cũng đã được sử dụng để mạo danh những người của công chúng, chẳng hạn như vào năm 2022, khi một video được cho là cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Ukraine đầu hàng khi Nga bắt đầu tấn công vào ngày 24 Tháng Hai, 2022. Nó đã được lưu hành trên các phương tiện truyền thông xã hội một thời gian trước khi bị vạch trần.
Mặc dù email an ninh của Thượng viện không nêu rõ Cardin có liên quan hay không, nhưng hai quan chức Thượng viện nắm rõ vấn đề này đã xác nhận điều này với Tờ New York Times.
Cardin, một đảng viên Dân chủ đến từ Maryland và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng đã xác nhận trong một tuyên bố vào ngày 25 tháng 9 rằng “kẻ xấu” đã cố tình liên lạc với ông bằng cách mạo danh một “cá nhân quen biết”. Cardin không nói rõ “cá nhân quen biết” đó là Kuleba.
Các quan chức tình báo đã cảnh báo rằng các tác nhân nước ngoài như Nga, Iran và Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả “deepfake”, để củng cố nỗ lực can thiệp bầu cử của họ, trong đó Nga tạo ra nhiều nội dung nhất, Tờ New York Times đưa tin, trích dẫn từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.
[Kyiv Independent: 'Deepfake' caller posing as Ukraine's ex-foreign minister talks to US Senator]
2. ISW cho biết các kho đạn dược bừa bãi của Nga là 'điểm yếu đáng kể'
Sau các cuộc tấn công của Ukraine vào ba kho đạn của Nga, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ đã nói rằng chúng là “điểm yếu đáng kể” trong một báo cáo gần đây.
Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, ba kho quân sự của Nga ở phía tây và tây nam nước Nga—kho Oktyabrsky và Toropets ở vùng Tver, và kho Tikhoretsk ở Krasnodar Krai—là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào ngày 18 và 20 tháng 9.
“Việc quân đội Nga tiếp tục sử dụng các cơ sở hậu cần quy mô lớn là một lỗ hổng đáng kể mà Ukraine có thể khai thác nếu các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine”, ISW viết trong báo cáo hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.
ISW cho biết Nga không nỗ lực nhiều để che giấu vị trí các kho đạn dược của họ, vì một blogger quân sự người Nga được cho là đã phàn nàn về cách Google Maps và Yandex hiển thị vị trí của các cơ sở này, và các công ty vũ trụ tư nhân cung cấp những bức ảnh mới nhất về các đối tượng quân sự của Nga.
“ISW tiếp tục đánh giá rằng các quốc gia phương Tây có thể làm suy yếu khả năng tận dụng vật liệu hàng loạt của Nga ở quy mô lớn bằng cách loại bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng hỏa lực chính xác ở Nga và bằng cách buộc bộ chỉ huy Nga phải phân chia các kho đạn thành các cơ sở nhỏ hơn và kém hiệu quả hơn, một số trong số đó sẽ xa Ukraine hơn”.
Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa không chỉ phá hủy các địa điểm mà còn phá hủy đạn dược mà Nga cất giữ và phương pháp vận chuyển mà người Nga có thể đã sử dụng để di chuyển vật liệu. Các cuộc tấn công cũng gây ra hỏa hoạn trên quy mô lớn khắp các khu vực, dẫn đến thương tích và phải di tản cư dân gần đó.
Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã phá hủy hỏa tiễn và hệ thống phòng không của Bắc Hàn được lưu trữ tại kho đạn dược của Nga, cũng như các tòa nhà lưu trữ, toa xe lửa có khả năng được lực lượng Nga sử dụng để vận chuyển vật liệu đến các kho khác và rất nhiều thứ mà ISW tin là các ống phóng hỏa tiễn.
ISW lưu ý rằng vì những hình ảnh mô tả “sự bố trí chen chúc của vật liệu”, điều này làm nổi bật tình trạng thiếu an ninh hoạt động gần các kho quân sự và chỉ ra thêm rằng những hạn chế của phương Tây đối với khả năng Ukraine bắn vũ khí do phương Tây cung cấp vào Nga đã cho phép Mạc Tư Khoa có sự linh hoạt để bỏ qua việc bảo vệ các khu vực quanh các kho bãi.
ISW cũng lưu ý rằng “tính linh hoạt này đã mang lại cho Nga khả năng tối ưu hóa các cơ sở hậu cần lớn để tập hợp một số lượng lớn khí tài chiến tranh đến Ukraine”.
[Newsweek: Russia's Haphazard Ammunition Depots Are 'Considerable Vulnerability': ISW]
3. Đức chấp thuận thêm 447 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine
Theo tuyên bố ngày 25 tháng 9, Hạ viện Đức (Bundestag) đã chấp thuận đề xuất của chính phủ Đức về việc tăng gần 400 triệu euro, hay 447 triệu đô la, tiền tài trợ cho hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Bundestag công bố quyết định tăng viện trợ tài chính sau cuộc họp theo Hiệp ước Ukraine, một khuôn khổ an ninh được 32 quốc gia đồng minh ký kết tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm 2024.
Cuộc họp được tổ chức vào ngày 25 tháng 9 bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Tuyên bố cho biết, khoản hỗ trợ tài chính bổ sung này sẽ cho phép mua thêm các hệ thống phòng không, xe tăng, máy bay điều khiển từ xa, đạn dược và phụ tùng thay thế, “tăng cường hiệu quả sức mạnh cho Quân đội Ukraine trong việc bảo vệ đất nước”.
Berlin cũng tuyên bố sẽ sớm cung cấp thêm 170 triệu euro, hay 190 triệu đô la, để giúp khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nơi thường xuyên bị Nga tấn công.
Ban đầu là một đối tác do dự, Đức đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Hoa Kỳ kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Berlin sẽ cung cấp cho Kyiv khoảng 8 tỷ euro, hay 8,8 tỷ đô la, trong năm nay, nhưng khoản viện trợ này được cho là sẽ bị cắt giảm một nửa — xuống còn 4 tỷ euro, hay 4,4 tỷ đô la, — vào năm 2025.
Berlin đã hy vọng rằng khoản thiếu hụt viện trợ sẽ được bù đắp bằng cách Ukraine nhận được 50 tỷ đô la lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga. Tuy nhiên, Hung Gia Lợi đã gây ra sự chậm trễ trong việc Hoa Kỳ tham gia thủ tục vào chương trình tài sản.
Ngoài những lo ngại về ngân sách, các đảng “phản chiến” của Đức phản đối viện trợ cho Ukraine ở cả cánh hữu và cánh tả đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử khu vực vào ngày 1 tháng 9, gây ra những phức tạp chính trị cho cam kết hỗ trợ Ukraine của Đức.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), tính đến tháng 6 năm 2024, Đức đã phân bổ 14,7 tỷ euro, hay 16,4 tỷ đô la, để hỗ trợ cho Ukraine kể từ năm 2022.
[Kyiv Independent: Germany approves additional $447 million for military aid to Ukraine]
4. Putin đã vẽ lại ranh giới đỏ hạt nhân của mình. NATO sẽ phản ứng thế nào?
Các chuyên gia nói với Newsweek rằng tuyên bố của Vladimir Putin rằng Mạc Tư Khoa có thể mở rộng các quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân có thể đã vạch lại ranh giới đỏ trong mối đe dọa hạt nhân của ông, nhưng cũng có thể chỉ là lời nói suông.
Ngay sau cuộc xâm lược toàn diện, tên trùm mafia Vladimir Putin, theo cách gọi của Ngoại trưởng Anh tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trước đó đã tuyên bố rằng các quốc gia can thiệp vào Ukraine sẽ phải đối mặt với hậu quả “chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử” và đặt lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng báo động đặc biệt.
Những người tuyên truyền cho Điện Cẩm Linh nhắc đến việc ném hỏa tiễn vào các thủ đô phương Tây, nhưng tuần này tờ The Washington Post đưa tin các nhà ngoại giao Nga nhận ra rằng các mối đe dọa hạt nhân do Điện Cẩm Linh khuếch đại “không làm ai sợ”.
Khi Hoa Kỳ và Anh quốc đang tiến dần đến việc cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga, hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Putin đã tăng cường trò tống tiền hạt nhân của mình bằng những thay đổi đối với “học thuyết hạt nhân” không rõ ràng của Mạc Tư Khoa, có thể bao gồm cả việc ứng phó với một vụ phóng hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa ồ ạt qua biên giới quốc gia.
Trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp của Hội đồng An ninh Nga, Putin cho biết một cuộc tấn công gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của Nga có thể được thực hiện bởi một cường quốc phi hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân.
Không có quốc gia nào được nhắc đến, nhưng bối cảnh thì rõ ràng, vì cuộc chiến mà ông bắt đầu đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng hỏa tiễn của Mỹ, Anh và Pháp tại Ukraine nhằm vào các mục tiêu ở Nga.
Tuy nhiên, Gustav Gressel, thành viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu, cho biết bình luận của Putin không báo hiệu bất kỳ thay đổi nào đối với lập trường hạt nhân của Nga. “Đó chỉ là lời nói suông”, ông nói với Newsweek. “Nếu họ có ý đó, tất cả chúng ta đã có một cuộc leo thang hạt nhân từ lâu lắm rồi”.
Ông lưu ý rằng theo luật pháp Nga, năm khu vực của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã sáp nhập đã được coi là một phần của Nga và do đó bất kỳ hoạt động phòng thủ nào của Ukraine vào các khu vực này đều sẽ bị coi là một cuộc tấn công được phương Tây hỗ trợ.
“Vì vậy, về mặt kỹ thuật, thậm chí không có cơ hội nào để xem xét điều vô lý này,” Gressel nói.
Ông nhấn mạnh rằng “Học thuyết hạt nhân chính thức của Nga rất linh hoạt trong quá khứ. Hầu như bất cứ thứ gì cũng có thể bị bẻ cong. Cho nên nếu Putin muốn tấn công, ông ta đã tấn công rồi.”
“Trên thực tế, việc Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, chỉ phụ thuộc vào các tính toán rủi ro”, Gressel nói thêm. Điều này bao gồm việc liệu một cuộc tấn công hạt nhân có khiến tình hình của Nga tốt hơn hay tệ hơn không.
Trong một bài báo cho Trung tâm Nghiên cứu An ninh Stockholm được công bố vào tháng 6, Gressel viết rằng cuộc thảo luận về “lằn ranh đỏ” của Putin, chỉ nhằm mục đích răn đe, chỉ là trò tống tiền hạt nhân rẻ tiền.
Nỗi sợ leo thang đã có ảnh hưởng không đáng có đến quá trình ra quyết định chính trị của phương Tây, chẳng hạn như về các vấn đề cung cấp vũ khí. “Sự phô trương hạt nhân mới của Nga là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của phương Tây”, Gressel nói. “Họ dường như nghĩ rằng những lời đe dọa phản công của Tổng thống Biden trong trường hợp Nga tung ra vũ khí hạt nhân là không đáng tin cậy”.
Nếu NATO “sập bẫy này, chúng ta sẽ gặp rắc rối thực sự”, Gressel nói thêm. “Điều chúng ta cần làm bây giờ là giơ ngón tay giữa to tướng thẳng vào mặt Điện Cẩm Linh - dưới mọi sắc thái, kích cỡ và hình thức”.
[Newsweek: Putin Has Redrawn His Nuclear Red Line. How Will NATO Respond?]
5. Bừng bừng nổi giận. Putin mở đường cho Nga phóng vũ khí hạt nhân khi ông xé bỏ luật lệ chiến tranh vài ngày sau đoạn video rùng rợn về cảnh Luân Đôn bị san phẳng
Nhà độc tài NGA Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa lạnh người về việc tấn công hạt nhân vài ngày sau một cuộc mô phỏng đáng sợ cho thấy Luân Đôn bị tấn công hạt nhân.
Nhà lãnh đạo điên rồ này đã gia tăng các mối đe dọa hạt nhân đối với phương Tây, nói với hội đồng an ninh rằng ông cần phải “sửa chữa” học thuyết hạt nhân của Điện Cẩm Linh.
Điều này sẽ cho phép kẻ độc tài triển khai vũ khí hạt nhân nếu Nga hoặc đồng minh quan trọng Belarus bị tấn công bằng hỏa tiễn thông thường.
Nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh cho biết Mạc Tư Khoa sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.
Ông cho biết: “Hành động xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, đều được coi là hành động tấn công chung vào Liên bang Nga”.
Điện Cẩm Linh cho biết những thay đổi do Putin vạch ra nên được coi là tín hiệu gửi tới phương Tây rằng sẽ có hậu quả nếu các cường quốc phương Tây tham gia vào các cuộc tấn công vào Nga.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ đưa ra quyết định về việc có nên công bố các tài liệu hạt nhân cập nhật hay không, đồng thời nói thêm rằng các điều chỉnh đối với tài liệu về khả năng răn đe hạt nhân của nhà nước đang được xây dựng.
Trước đây, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép nước này tiến hành tấn công hạt nhân sau khi bị đối phương có vũ khí hạt nhân tấn công trực tiếp.
Cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến gặp Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc để thúc đẩy việc cho phép bắn hỏa tiễn tầm xa do Mỹ sản xuất vào Nga.
Putin và các quan chức cao cấp khác của Điện Cẩm Linh thường xuyên đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vì sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine kể từ khi nước này xâm lược vào năm 2022.
Những lời đe dọa này xuất hiện vài ngày sau khi một chương trình mô phỏng đáng sợ cho thấy một quả cầu lửa trên bầu trời Westminster được chia sẻ trên truyền hình Nga.
Đoạn clip được chia sẻ bởi một kênh truyền hình tuyên truyền ủng hộ Putin và có vẻ như là động thái mới nhất nhằm đe dọa Anh không được cấp phép cho Ukraine bắn hỏa tiễn Storm Shadow vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Vụ nổ xảy ra trên bầu trời Westminster, cho thấy quả cầu lửa bốc hơi khỏi trung tâm Luân Đôn trong một đoạn video hoạt hình ghê rợn.
Các tòa nhà bị phá hủy và một đám mây hình nấm bốc cao lên bầu trời phía trên thủ đô.
Cung điện Buckingham, The City, The Shard và một số địa điểm nghệ thuật và văn hóa vĩ đại nhất thế giới đã bị phá hủy.
Khi vụ nổ lan rộng, đoạn clip có nhịp đếm ước tính số người sẽ chết vì quyết định điên rồ của Putin.
Cuối cùng, khoảng 850.000 người sẽ bị bốc hơi và hai triệu người sẽ bị thương vì quả bom 750 kiloton.
Đoạn video phát trên kênh Telegram của mạng lưới Tsargrad bắt đầu bằng lời đe dọa: “Hãy tưởng tượng một lúc rằng điều không thể tưởng tượng được sẽ xảy ra.”
Lời bình luận cảnh báo người xem: “Khi phát nổ, một quả cầu lửa nóng như mặt trời sẽ nhanh chóng nở ra, đạt bán kính 950 mét.
“Những người trong bán kính đó thậm chí sẽ không cảm thấy gì vì tốc độ truyền xung thần kinh chậm hơn.
“Trong phạm vi 5 km, hay 3 dặm, tính từ tâm chấn, bán kính vụ nổ: Thành phố Luân Đôn, thị trấn Camden, Kensington, Brixton, những khu vực này sẽ bị tàn phá nặng nề nhất.”
Thông tin này xuất hiện khi Thủ tướng Keir Starmer đang cân nhắc liệu có nên cho phép hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất được bắn qua biên giới hay không.
[The Sun: FIRE & FURY Putin opens door for Russia to launch NUKES as he rips up war rulebook days after chilling video of London being razed]
6. Tổng thống Biden sẽ triệu tập cuộc họp cấp lãnh đạo Ramstein vào tháng 10
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Đức vào tháng 10 “để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga”, ông cho biết như trên hôm 26 tháng 9.
Thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiếp tục chuyến thăm Hoa Kỳ, nơi ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ cho “kế hoạch chiến thắng” mà ông vừa công bố gần đây.
Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine là nhóm do Hoa Kỳ đứng đầu bao gồm hơn 50 quốc gia, bao gồm tất cả 32 thành viên NATO, họp tại Căn cứ không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức. Cuộc họp Ramstein gần đây nhất vào ngày 6 tháng 9 là cuộc họp thứ 24 của nhóm kể từ khi thành lập vào tháng 4 năm 2022.
Trong cuộc họp có sự tham dự trực tiếp của Zelenskiy, Ukraine đã nhận được những cam kết viện trợ quân sự mới từ các đồng minh, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức và Canada.
Kyiv đã được hứa hẹn ít nhất một hệ thống phòng không, cùng với hỏa tiễn, xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh và các loại đạn dược khác. Các loại vũ khí tầm xa được thèm muốn như ATACMS bổ sung hoặc Storm Shadow không có trong danh sách, cũng như chưa có thay đổi về hạn chế sử dụng chúng.
Ukraine đang hy vọng nhận được sự cho phép sử dụng hai hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp mà nước này đã có để tấn công các mục tiêu quân sự như phi trường nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo các báo cáo, Anh đã quyết định cấp phép cho Ukraine sử dụng Storm Shadows để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga nhưng muốn có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
[Kyiv Independent: Biden to convene Ramstein leader-level meeting in October]
7. Báo cáo độc quyền: Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp phụ tùng vũ khí cho Nga
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp phụ tùng vũ khí cho Nga trong bối cảnh Vladimir Putin xâm lược Ukraine.
Trương Quân (Zhang Jun, 张军), Đại Sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nói với các phóng viên báo chí rằng phần lớn các thành phần vũ khí do nước ngoài sản xuất mà Nga sử dụng đều có nguồn gốc từ Hoa Kỳ hoặc từ các đồng minh phương Tây.
Diễn biến này xảy ra sau khi Ukraine tuyên bố rằng hơn một nửa số phụ tùng do nước ngoài sản xuất trong vũ khí của Nga mà nước này tìm thấy đều đến từ Trung Quốc hay thông qua Trung Quốc.
Trương Quân cho rằng những tuyên bố đó là sai sự thật.
“Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, điều này đã nhận được sự công nhận rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.”
“Hoạt động thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga là cởi mở và minh bạch, phù hợp với các quy tắc của WTO và nguyên tắc thị trường, và không nhắm vào bên thứ ba.
“Tôi đã nhận thấy dữ liệu cho thấy hơn 60% các thành phần vũ khí và các mặt hàng sử dụng kép mà Nga nhập khẩu đến từ các nước phương Tây như Hoa Kỳ. Bản thân Tổng thống Zelenskiy cũng đã đề cập đến điều này trong bài phát biểu của mình”, ông nói.
Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn nhiều lần phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào và nói rằng nước này không liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, Reuters đưa tin rằng cố vấn tổng thống Ukraine Vladyslav Vlasiuk đã nói vào hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín: “Nếu bạn lấy tất cả các loại vũ khí thông thường và tính các thành phần do nước ngoài sản xuất, khoảng 60 phần trăm sẽ đến từ Trung Quốc. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận dài với một số nhà sản xuất về vấn đề này. Tôi cho rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vấn đề lớn nhất”.
Vlasiuk cho biết các thành phần chính được sử dụng trong hệ thống giám sát, máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn cũng đến từ Hoa Kỳ, Hòa Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ và các quốc gia phương Tây khác.
Bất chấp tuyên bố trung lập của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine, vẫn có nhiều cáo buộc cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Điện Cẩm Linh.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, Trung Quốc đã cung cấp động cơ hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa cũng như máy công cụ cho hỏa tiễn đạn đạo cho Nga.
Đầu tháng này, có báo cáo về sự gia tăng hoạt động của Nga và Trung Quốc gần Alaska.
Thống đốc Alaska Mike Dunleavy cho biết trong một tuyên bố vào ngày 17 tháng 9: “Một lần nữa quân đội của chúng ta phải phản ứng với các hoạt động của đối phương quốc gia. Các cuộc xâm nhập của Nga và Trung Quốc vào các khu vực của Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska đã trở nên ngày càng thường xuyên hơn.”
Sari Arho Havrén, Nghiên cứu viên liên kết của RUSI, nói với Newsweek rằng cả Nga và Trung Quốc đều đã nỗ lực hết sức để “che giấu mức độ hợp tác và phối hợp sâu sắc”.
“Những tuyên bố này phù hợp với thông tin tình báo mà Hoa Kỳ đã cung cấp và gần đây Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã tóm tắt với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu và NATO về sự hỗ trợ quân sự 'rất đáng kể' mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, để đổi lấy việc Nga cung cấp các công nghệ mà trước đây họ không muốn chia sẻ).
“Không có tỷ lệ phần trăm nào được đưa ra, nhưng cá nhân tôi không thấy những tuyên bố này có gì đáng ngạc nhiên, vì cả hai bên đều đã nỗ lực hết sức để bảo vệ và che giấu mức độ hợp tác và phối hợp sâu sắc.”
[Newsweek: Exclusive: China Accuses U.S. of Supplying Russia With Weapon Components]
8. Điện Cẩm Linh nói rằng sự thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga là một 'cảnh báo' đối với phương Tây
Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga nhằm mục đích ngăn chặn các đồng minh phương Tây của Ukraine ủng hộ các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Phát ngôn nhân Dmitry Peskov mô tả những sửa đổi được trùm mafia Vladimir Putin tiết lộ vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, là một “tín hiệu cảnh báo” cho các quốc gia đang cân nhắc tham gia vào một cuộc tấn công chống lại Nga.
Trong thông điệp nghiêm khắc gửi tới phương Tây, Putin tuyên bố hôm thứ Năm rằng bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga, được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, sẽ bị coi là hành động xâm lược chung.
Mối đe dọa, được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân được cập nhật, nhằm mục đích ngăn cản các quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga, về cơ bản là hạ thấp ngưỡng có thể xảy ra xung đột hạt nhân.
Putin không nói rõ liệu có đáp trả bằng vũ khí hạt nhân sau một cuộc tấn công như vậy hay không trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia được triệu tập để thảo luận về việc sửa đổi học thuyết.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân nếu phải đối mặt với một cuộc tấn công thông thường đe dọa đến chủ quyền của mình - một định nghĩa cố tình mơ hồ cho phép các diễn giải tùy tiện.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, Điện Cẩm Linh đang muốn làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv.
Ukraine liên tục tấn công vào lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa để trả đũa các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang tích cực tìm kiếm sự cho phép từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác để sử dụng vũ khí tầm xa hơn để tấn công sâu hơn vào Nga.
Putin cho biết học thuyết sửa đổi nêu rõ các điều kiện cụ thể hơn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các kịch bản liên quan đến các cuộc tấn công trên không quy mô lớn.
Ngôn ngữ mới của ông ám chỉ khả năng đáp trả bằng hạt nhân đối với bất kỳ cuộc tấn công trên không nào, phản ánh sự mơ hồ về mặt chiến lược được thiết kế để ngăn chặn phương Tây tạo điều kiện cho năng lực tầm xa của Ukraine.
Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2022, Putin và các quan chức Điện Cẩm Linh khác thường xuyên viện dẫn mối đe dọa về vũ lực hạt nhân để ngăn cản sự ủng hộ ngày càng tăng của phương Tây dành cho Ukraine.
Đầu tháng này, Putin đã cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Các nhà chức trách Nga cho biết hôm thứ Năm rằng Kyiv đã bắn máy bay điều khiển từ xa vào các khu vực của Nga giáp với Ukraine—mặc dù điều này chưa được Ukraine xác nhận.
Ngược lại, Nga tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Chính quyền Kyiv cho biết các mảnh vỡ từ một máy bay điều khiển từ xa bị chặn đã làm hỏng đường ống dẫn khí đốt trong một tòa nhà dân cư vào đêm thứ Tư.
[Newsweek: Russia's Nuclear Doctrine Change a 'Warning' to the West: Kremlin]
9. Thủ tướng Ukraine cho biết 3 cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công trong đêm do Nga không kích
Sáng Thứ Sáu, 27 Tháng Chín, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga đã nhắm vào ba cơ sở truyền tải năng lượng của Ukraine.
“Nhưng bọn khủng bố Nga đã không đạt được mục tiêu của chúng — hệ thống năng lượng của Ukraine đang hoạt động ở chế độ cân bằng, không có kế hoạch cắt điện nào được đưa ra”, ông nói thêm trong bài đăng trên Telegram.
Shmyhal cho biết một trong những cơ sở bị tấn công nằm ở Tỉnh Mykolaiv ở miền nam Ukraine, nhưng không nêu rõ địa điểm của hai cơ sở còn lại.
Lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ 66 trong số 78 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed và bốn hỏa tiễn hành trình Kh-59/69 do Nga phóng vào đêm qua.
Báo cáo cho biết thêm rằng có thêm tám máy bay điều khiển từ xa “bị mất” ở một số khu vực và một máy bay khác “đã trở về Nga”.
Sáng ngày 26 tháng 9, lực lượng Nga cũng đã phóng ba hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 25 tháng 9 trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York rằng Nga đã tiến hành chín cuộc tấn công phối hợp nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ tháng 3 đến tháng 8, tấn công các cơ sở tại 20 tỉnh.
“Đây là cách Putin đang chuẩn bị cho mùa đông — với hy vọng sẽ hành hạ hàng triệu, hàng triệu người dân Ukraine… Những gia đình bình thường — phụ nữ, trẻ em… Những thị trấn bình thường, những làng mạc bình thường,” Zelenskiy nói.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, gọi tắt là IEA, tình trạng thiếu điện ở Ukraine có thể lên tới 6 gigawatt vào mùa đông năm nay do các cuộc tấn công, tức là khoảng một phần ba nhu cầu điện cao điểm dự kiến.
Mùa hè năm nay, tình trạng thiếu điện lên tới 2,5 GW khi Kyiv đã phải trải qua tình trạng mất điện kéo dài.
Zelenskiy phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 24 tháng 9 rằng Nga đang chuẩn bị tấn công vào ba nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.
Có ba nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát — nhà máy Rivne và Khmelnytskyi ở phía tây đất nước, và nhà máy Pivdennoukrainsk ở phía nam. Các cuộc tấn công thường xuyên của Nga đã đe dọa sự an toàn của họ bằng cách cắt nguồn điện cho các đơn vị.
Theo Bộ Năng lượng, điện hạt nhân hiện chiếm tới 60% lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, đã bị Nga xâm lược kể từ tháng 3 năm 2022.
[Kyiv Independent: 3 energy infrastructure facilities struck in overnight Russian strikes, Ukrainian PM says]
10. Hỏa tiễn Nga tấn công Kyiv trong 5 giờ, đánh vào lưới điện của Ukraine
Các cuộc không kích của Nga đã tấn công Kyiv trong suốt 5 giờ, làm cạn kiệt lưới điện của thủ đô Ukraine.
Theo Cục Khẩn cấp Ukraine, lực lượng phòng không của Kyiv đã chiến đấu với nhiều hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa trong năm giờ, tuy nhiên cuộc tấn công kéo dài này chỉ khiến hai người bị thương.
Thiệt hại trong thành phố bao gồm một trường mẫu giáo, một đường ống dẫn khí và khoảng 20 phương tiện khác cũng bị đâm trúng.
Trong một diễn biến leo thang rộng hơn, lực lượng Nga đã bắn ba hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh Kinzhal về phía Starokostiantyniv, một thành phố ở vùng Khmelnytskyi, Tây Ukraine, theo lực lượng không quân Ukraine.
Thông tin chi tiết về mục tiêu tấn công vẫn được giữ bí mật, ám chỉ rằng hỏa tiễn có thể nhắm vào một cơ sở năng lượng hoặc quân sự nhạy cảm.
Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vẫn là mục tiêu chính trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa và máy bay điều khiển từ xa của Nga, vốn là một đặc điểm thường trực trong chiến lược chiến tranh của Điện Cẩm Linh kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.
Chiến lược của Nga thường tập trung vào việc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm lưới điện, hệ thống nước và trung tâm giao thông.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng những cuộc tấn công này đã làm tê liệt gần 70% công suất phát điện của Ukraine.
Đầu tháng này, Liên Hiệp Quốc dự đoán tình trạng mất điện và mất ổn định năng lượng có thể đẩy thêm 500.000 người rời khỏi đất nước, vì nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa đông khắc nghiệt.
Khi thời tiết lạnh giá bắt đầu tràn về Ukaine, sự tàn phá đe dọa làm trầm trọng thêm phẩm chất cuộc sống vốn đã suy giảm của hàng triệu người trên khắp đất nước, với tình trạng mất điện đã được báo cáo.
Hệ thống phòng không của Ukraine đang chịu nhiều áp lực—lực lượng Nga ngày càng dựa vào máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là khi lực lượng bộ binh thông thường của nước này phải đối mặt với nhiều thách thức và tổn thất trong chiến tranh.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, để tập hợp thêm sự ủng hộ, bao gồm cả việc cung cấp các khả năng phòng không tiên tiến, vốn đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc làm giảm tác động của các cuộc tấn công trên không của Nga.
Làn sóng tấn công của Nga trong tuần này đã lan rộng khắp nhiều khu vực của Ukraine.
Tại khu vực Ivano-Frankivsk ở phía tây đất nước, các cơ sở năng lượng đã bị tấn công, gây ra tình trạng mất điện ở một số khu vực của thủ đô, thống đốc khu vực Svitlana Onyshchuk cho biết.
Xa hơn về phía nam, tại khu vực Mykolaiv, các cuộc không kích của Nga cũng nhắm vào lưới điện, mặc dù không có thông tin chi tiết ngay lập tức về mức độ thiệt hại.
Lực lượng không quân Ukraine tuyên bố lực lượng Nga đã phóng sáu hỏa tiễn và 78 máy bay điều khiển từ xa Shahed do Iran sản xuất trong đêm từ thứ Tư đến thứ Năm.
Bất chấp quy mô lớn của cuộc tấn công, hệ thống phòng thủ của Ukraine đã có thể đánh chặn bốn hỏa tiễn và phá hủy 66 máy bay điều khiển từ xa, giảm thiểu thiệt hại tiềm tàng.
Tuy nhiên, hậu quả của các cuộc tấn công vẫn tiếp tục gây ra thương vong và tàn phá trên khắp cả nước.
Ở khu vực phía nam Odesa, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã giết chết một phụ nữ 62 tuổi, và thống đốc địa phương Oleh Kiper xác nhận thiệt hại về nhà cửa và xe cộ.
Trong khi đó, tại thành phố Zaporizhzhia, ít nhất 10 người bị thương, trong đó có một trẻ em 14 tuổi, thống đốc khu vực Ivan Fedorov đưa tin.
Những hình ảnh được Fedorov chia sẻ cho thấy những cửa sổ bị vỡ và những ngôi nhà bị rải đầy mảnh đạn từ cuộc không kích.
Các dịch vụ khẩn cấp đã di tản 18 cư dân và xác nhận thiệt hại tại ít nhất 12 tòa nhà.
Xa hơn về phía bắc tại khu vực Sumy, các chuyên gia về vũ khí đã vô hiệu hóa một quả bom lượn nặng 500 kg, không phát nổ gần một cây cầu bắc qua sông Psel, ngăn chặn được thảm họa tiềm tàng.
Trong bối cảnh Kyiv và các thành phố khác liên tục bị đe dọa, nhu cầu tăng cường phòng không vẫn là cấp thiết, như các cuộc đàm phán giữa Zelenskiy với các nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả Tổng thống Biden, đã nhấn mạnh.
Đối với Ukraine, việc ngăn chặn thêm thiệt hại cho lưới điện có thể rất quan trọng để tồn tại trong mùa đông này.
[Newsweek: Russian Missiles Strike Kyiv for 5 Hours Hitting Ukraine's Power Grid]