Theo tin Tòa Thánh, ngày 27 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Promotiezaal của Đại học Công Giáo LeuvenUniversiteit Leuven, để gặp gỡ các giáo sư. Tại đây ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:



Thưa Viện trưởng,
Các Giáo sư đáng kính,
Anh chị em thân mến, xin chào buổi chiều
!

Tôi rất vui khi được ở đây giữa các quý vị. Tôi cảm ơn Viện trưởng về những lời chào mừng trong đó ông đã suy gẫm về truyền thống và nguồn gốc lịch sử của trường Đại học, và về những thách thức chính mà tất cả chúng ta đang phải đối diện ngày nay. Thật vậy, nhiệm vụ đầu tiên của một trường đại học là cung cấp sự đào tạo toàn diện để sinh viên có thể được trang bị các công cụ cần thiết để diễn giải hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai.

Tuy nhiên, việc đào tạo văn hóa không bao giờ là mục đích trong chín nó và các trường đại học không bao giờ nên có nguy cơ trở thành "những nhà thờ chính tòa giữa sa mạc". Theo bản chất của mình, chúng là động lực thúc đẩy các ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và tư duy của con người, và để đối đầu với những thách thức trong xã hội. Nói cách khác, chúng là những nơi sinh sôi. Thật tuyệt khi xem các trường đại học như nơi tạo ra văn hóa và ý tưởng, nhưng trên hết là nơi thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm chân lý, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Theo một cách đặc biệt, các trường đại học Công Giáo như trường của quý vị được kêu gọi “cung cấp sự đóng góp quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, luôn cởi mở với những tình huống và ý tưởng mới” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 3).

Bây giờ tôi muốn gửi lời mời đơn giản đến từng người trong số quý vị: hãy mở rộng ranh giới của kiến thức! Thay vì nhân lên các khái niệm và lý thuyết, hãy biến việc đào tạo học thuật và văn hóa thành một không gian quan trọng vừa hiểu vừa nói về sự sống.

Có một câu chuyện ngắn trong Kinh thánh trong Sách Sử Biên mà tôi muốn chia sẻ với quý vị. Nhân vật chính, Jabez, đã cầu xin Chúa: “Ôi, ước gì Chúa ban phước cho tôi và mở rộng bờ cõi của tôi” (1 Sử biên 4:10). Tên Jabez có nghĩa là “đau đớn”, một cái tên được đặt cho ông vì mẹ ông đã phải chịu đựng rất nhiều trong khi sinh nở. Tuy nhiên, Jabez không muốn khép mình trong nỗi đau của riêng mình, lê bước trong than thở. Thay vào đó, ông cầu xin Chúa “mở rộng ranh giới” cuộc đời mình để ông có thể bước vào một nơi rộng lớn hơn, chào đón hơn và được ban phước hơn. Ngược lại, đó là sự khép lại.

Mở rộng ranh giới và trở thành một không gian mở cho nhân loại và xã hội là sứ mệnh lớn lao của một trường đại học.

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình đang phải đối diện với một tình huống mơ hồ với những ranh giới hạn hẹp. Một mặt, chúng ta đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng sự từ chối tìm kiếm sự thật. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê mãnh liệt trong việc tìm kiếm. Chúng ta thà tìm sự thoải mái và nơi ẩn náu trong suy nghĩ mong manh – bi kịch của suy nghĩ mong manh! – ẩn náu trong sự thật rằng mọi thứ đều bình đẳng, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ đều tương đối. Mặt khác, khi câu hỏi về sự thật nảy sinh trong bối cảnh trường đại học và những nơi khác, chúng ta thường có thể rơi vào cách tiếp cận duy lý, coi là “đúng” chỉ những thứ có thể đo lường, kiểm tra bằng thực nghiệm và chạm vào, như thể sự sống chỉ giới hạn ở những gì vật chất và hữu hình. Trong cả hai trường hợp này, ranh giới đều bị giới hạn.

Đối với loại giới hạn đầu tiên, chúng ta thấy một loại “mệt mỏi về mặt trí tuệ”, khiến chúng ta rơi vào trạng thái bất định liên tục, thiếu mọi đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa là vô ích và thực tế là không thể hiểu được. Thế giới quan này được thể hiện qua một số nhân vật trong các tác phẩm của Franz Kafka, mô tả tình trạng bi thảm và đau khổ của con người vào thế kỷ XIX. Trong một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật trong một trong những câu chuyện của ông, chúng ta thấy lời khẳng định này: “Tôi nghĩ cô ấy không lo lắng về sự thật vì nó quá gây mệt mỏi” (Racconti, Milano 1990, 38). Việc tìm kiếm sự thật thực sự mệt mỏi vì nó buộc chúng ta phải thoát khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, tự đặt câu hỏi cho bản thân. Tuy nhiên, do mệt mỏi về mặt trí tuệ, một cuộc sống hời hợt hấp dẫn chúng ta hơn, một cuộc sống không phải đối diện với những thách thức mới. Tương tự như vậy, cũng có nguy cơ bị thu hút bởi một “đức tin” dễ dàng, không cần nỗ lực và thoải mái, không đặt ra bất cứ câu hỏi nào.

Quay sang loại ranh giới hạn chế thứ hai, ngày nay chúng ta có nguy cơ một lần nữa rơi vào “chủ nghĩa duy lý vô hồn”; bị chi phối bởi một nền văn hóa kỹ trị dẫn chúng ta đến với nó. Khi con người bị coi là vật chất đơn thuần, khi thực tế bị hạn chế trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành luận lý toán học, khi lý trí chỉ đến từ “phòng thí nghiệm”, thì sự ngạc nhiên sẽ mất đi, và khi thiếu nó, người ta không thể suy nghĩ; sự ngạc nhiên là khởi đầu của triết học, là khởi đầu của tư duy. Theo cách này, chúng ta mất đi khả năng ngạc nhiên, điều thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, đào sâu vào sự thật ẩn giấu giải quyết những câu hỏi cơ bản: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích và mục đích cuối cùng của cuộc hành trình này là gì? Romano Guardini tự hỏi: “Tại sao con người, mặc dù đã tiến bộ rất nhiều, vẫn không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết chính mình? Đó là vì con người đã đánh mất chìa khóa để hiểu bản chất của chính mình. Luật chân lý của chúng ta nêu rõ rằng con người chỉ hiểu chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên ngoài chính mình, từ Thiên Chúa, vì chính sự hiện hữu của con người đến từ Người” (Preghiera e verità, Brescia 1973, 56).

Thưa các Giáo sư, thay vì rơi vào tình trạng mệt mỏi về mặt trí tuệ hoặc chủ nghĩa duy lý vô hồn, chúng ta cũng hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin mở rộng biên giới của chúng con!” Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước cho công việc của chúng ta, phục vụ cho một nền văn hóa có khả năng đối diện với những thách thức của ngày nay. Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được như một hồng ân thúc giục chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian cho suy nghĩ và hành động của mình, cho đến khi Người dẫn chúng ta đến với sự trọn vẹn của chân lý (x. Ga 16:13). Chúng ta nhận thức được, như Viện Trưởng đã nói trước đó, rằng “chúng ta vẫn chưa biết mọi thứ”. Đồng thời, chính sự hạn chế này thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, giúp chúng ta duy trì ngọn lửa nghiên cứu và luôn là cánh cửa sổ mở ra thế giới ngày nay.

Về phương diện này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành: Cảm ơn! Cảm ơn, vì thông qua việc mở rộng ranh giới, quý vị đã trở thành môi trường chào đón những người tị nạn buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa tình trạng bất ổn lớn, khó khăn to lớn và thường là đau khổ tột cùng. Cảm ơn quý vị một lần nữa. Chúng ta vừa xem một lời chứng thực bằng video cảm động. Trong khi một số người kêu gọi củng cố biên giới vật lý, quý vị đã mở rộng biên giới như một cộng đồng đại học. Cảm ơn Quý vị. Quý vị đã dang rộng vòng tay chào đón những người chịu nhiều đau khổ, để giúp họ học tập và phát triển. Cảm ơn Quý vị.

Thật vậy, điều chúng ta cần là một nền văn hóa mở rộng ranh giới và tránh "chủ nghĩa bè phái" - và cảm ơn Quý vị vì đã không bè phái - hoặc tự đề cao mình hơn người khác. Một nền văn hóa hòa nhập như "men" tốt trong thế giới của chúng ta, đóng góp vào lợi ích chung của nhân loại. Trách nhiệm này, "niềm hy vọng lớn lao" này được giao phó cho Quý vị!

Một nhà thần học từ đất nước của Quý vị, một sinh viên và giáo sư của trường Đại học này đã tuyên bố rằng, “Chúng ta là bụi cây cháy cho phép Thiên Chúa biểu lộ chính Người” (A. GESCHÉ, Dio per pensare. Il Cristo, Cinisello Balsamo 2003, 276). Hãy giữ ngọn lửa này cháy sáng; hãy mở rộng ranh giới! Xin hãy lo lắng với sự bất ổn của cuộc sống, và hãy là những người tìm kiếm chân lý không ngừng nghỉ, và đừng để sự nhiệt tình của Quý vị suy yếu kẻo Quý vị đầu hàng trước sự trì trệ về mặt trí tuệ, đó là một căn bệnh rất tồi tệ. Hãy là những người chủ động trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng cảm thương và sự quan tâm đến những người yếu đuối nhất khi Quý vị tìm cách vượt qua những thách thức lớn trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị!