1. Đức Tổng Giám Mục Pezzi: Cộng đoàn Công Giáo tại Kursk bình an

Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, cho biết tại thành phố Kursk hiện có một cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé và họ bình an. Trong thành phố không có dấu hiệu gì nhưng cũng có sự lo âu.

Đức Tổng Giám Mục Pezzi, người Ý, tuyên bố như trên với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 11 tháng Tám vừa qua.

Kursk là thành phố có 400.000 dân cư, cách biên giới Ukraine hơn 100 cây số. Cách đây một tuần, Ukraine đã tấn công thành phố này và đây là lần đầu tiên Ukraine tiến quân vào lãnh thổ Nga. Chính phủ Nga đã ra lệnh di tản 76.000 dân cư ra khỏi vùng này, đồng thời cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các vùng Belgorod, Briansk và Kurst, giáp với Ukraine. Lệnh này cho phép các lực lượng an ninh thu hẹp tự do di chuyển và quyền riêng tư của người dân.

Đức Tổng Giám Mục Pezzi cho biết người ta cũng lo ngại vì tại Kursk có trung tâm năng lượng hạt nhân và Nga đã thông báo cho Cơ quan Quốc tế về hạt nhân, về tình trạng của trung tâm. Ngài nói thêm rằng: “Tôi không biết về phương diện tinh thần, sự xâm nhập này của Ukraine vào lãnh thổ Nga có thể thay đổi gì hay không. Tôi nói sự lo âu có phần gia tăng. Đó là sự lo âu của Đức Thánh Cha, vì mọi cuộc xung đột đều tàn phá, xâu xé tâm hồn, các gia đình, và cộng đoàn, các quốc gia. Nó cũng làm thương tổn các mối quan hệ quốc tế, mối tương quan giữa các dân tộc”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Pezzi cũng nhắc đến đề tài Đức Thánh Cha đã chọn cho ngày Hòa bình Thế giới đầu năm tới-2025: “Xin tha nợ chúng con: xin ban hòa bình của Chúa”, đề tài này nhấn mạnh sự tha thứ, một điều rất được Đức Thánh Cha quan tâm. Đức Tổng Giám Mục Pezzi nói: “Có thể tha thứ hay không? Đó cũng là sứ điệp mà từ hai năm rưỡi qua chúng tôi tìm cách theo đuổi. Đó là điều khó khăn. Không thể đòi hỏi tha thứ bằng một sắc lệnh. Và cũng chẳng phải là một giới răn. Nhưng tha thứ là con đường, nếu ta muốn chữa lành các tâm hồn, các gia đình, cộng đoàn, các quốc gia và dân tộc. Nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một nền văn minh dựa trên sự thật và tình thương. Bước tiến mà chúng ta không thể tách biệt chính là tha thứ. Đối với chúng tôi, thật là một hồng ân lớn sứ điệp của Đức Thánh Cha, nhân ngày Hòa bình Thế giới sắp tới”.

2. Các vị lãnh đạo Giáo hội tại Thánh địa kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa và cha Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, Francesco Patton, mời gọi các tín hữu trên thế giới hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa, vùng Trung Đông và thế giới, đặc biệt vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời, ngày 15 tháng Tám tới đây.

Cả hai vị lãnh đạo đều thuộc Dòng Phanxicô. Các tu sĩ của dòng phục vụ và gìn giữ các Nơi Thánh, từ thế kỷ XIII. Dòng cũng đảm trách các công tác mục vụ và xã hội, cũng như giáo dục dành cho dân chúng tại đây.

Tám thế kỷ phục vụ của các tu sĩ Dòng Phanxicô bắt đầu từ thời thánh Phanxicô Assisi viếng thăm Trung Đông, hồi đầu thế kỷ XIII.

Trong sứ điệp, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói với các tín hữu rằng: “Cuộc đối thoại ngày càng khó khăn, chúng ta chỉ còn cách cầu nguyện. Những đau khổ và kinh hoàng dường như ngày càng được nuôi dưỡng bằng oán thù, căm hận và khinh rẻ, chúng chỉ gia tăng bạo lực và càng khó có thể tìm ra được những giải pháp”.

Theo Đức Thượng phụ, “Ngày càng khó tượng tượng được sự kết thúc cuộc xung đột hiện nay, cũng như ngày càng khó tìm được những nhân vật và tổ chức có thể đối thoại với họ, về tương lai và những tương quan hòa bình. Tại Thánh địa, dường như tất cả đang bị đè bẹp vì tình trạng hiện nay, với bao nhiêu bạo lực và thịnh nộ, chúng ta phải nhận thức sự thật như vậy”.

Trong bối cảnh đó, Đức Thượng phụ khẳng định rằng “Những ngày này dường như là quan trọng để lật ngược lại xu hướng của xung đột, và trong đó, đặc biệt có ngày 15 tháng Tám, Lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời”. Đức Thượng phụ mời gọi: trong ngày ấy, trước hoặc sau thánh lễ hay lúc nào thuận tiện, tất cả hãy cầu xin ơn hòa bình, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ”.

Về phần mình, cha bề trên Patton, trong thư mời gọi, cha viết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại rất khó khăn, trong đó việc cầu nguyện cho hòa bình là điều rất quan trọng”.

Trước đó, cha nhắc đến những dấu chỉ hy vọng, như các phe lâm chiến đồng ý mở lại các cuộc thương thảo, vào ngày 15 tháng Tám này để tiến đến một cuộc đình chiến ở Gaza và trả tự do cho các con tin, các tù nhân chính trị.

Xét vì tầm quan trọng của biến cố này, cha Patton mời gọi các tu sĩ Phanxicô dành các buổi cử hành, nhân lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời để đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình. Thư của cha trích dẫn sách Khải Huyền, đoạn 12, nói về người “phụ nữ sắp sinh con” xuất hiện trên trời, và con mãng xà trong hỏa ngục cũng xuất hiện và ra sức chống lại các con của phụ nữ” (Kh 12, 1ss) nhưng mãng xà bị các thiên thần, dưới sự chỉ dẫn của Tổng lãnh thiên thần Micae, đánh bại. Vì thế, thật là điều quan trọng làm sao để ngày ấy trở thành một ngày cầu nguyện thật sốt sắng, kể cả việc sử dụng kinh đã được Đức Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, phê chuẩn.

3. Cuộc phỏng vấn Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. ‘Chúng tôi cầu nguyện tha thiết cho việc hàn gắn ly giáo’

Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô của Constantinople là primus inter pares của các thượng phụ của cộng đồng Chính thống giáo trên toàn thế giới, tuy nhiên, quyền lãnh đạo của ngài đã bị Giáo hội Chính thống giáo Nga và các đồng minh của nó thách thức trong những năm gần đây.

Việc công nhận Giáo hội Chính thống giáo Ukraine như tự chủ, độc lập với Giáo hội Nga, và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mà Thượng phụ Bartholomew là người chỉ trích thẳng thắn, đã chia rẽ các Giáo hội Chính thống giáo xa hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Pillar, Thượng phụ Bartholomew đã nói về những chia rẽ tôn giáo này và cuộc chiến, cũng như tình bạn của ngài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và kế hoạch tìm một ngày chung cho lễ Phục sinh.

Trong nhiều năm, đã có cuộc thảo luận về việc ấn định ngày để người Công Giáo và Chính thống giáo cùng nhau cử hành lễ Phục sinh.

Nhiều người dường như tin rằng chúng ta chưa bao giờ gần đạt được điều đó như vậy. Đức TP có chia sẻ sự lạc quan đó không?

Ngày lễ Phục sinh chung đã là một vấn đề được thảo luận kể từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Công đồng chung đầu tiên được tổ chức tại Nixêa, vào năm 325 CN, đã đặt ra các tiêu chuẩn để tính toán ngày lễ Phục sinh.

Như các bạn đã biết, năm tới đánh dấu kỷ niệm 1700 năm Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội không chia cắt trong thiên niên kỷ đầu tiên. Năm tới, cũng vậy, do một sự trùng hợp may mắn, tất cả các Kitô hữu sẽ cử hành Lễ Phục sinh vào cùng một ngày, ngày 20 tháng 4, như thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Mong muốn tìm một ngày lễ chung vẫn luôn trong trái tim và tâm trí chúng ta. Chúng tôi đã bày tỏ mong muốn tìm một ngày chung như vậy và đã thảo luận điều này với người anh em yêu dấu của chúng ta trong Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được bản chất nghiêm chỉnh và phức tạp của quyết định này sắp được đưa ra.

Chắc chắn rằng câu hỏi này sẽ nằm trong số những câu hỏi khác trong các cuộc thảo luận của Ủy ban Kế hoạch chung mới thành lập giữa các Giáo hội Rôma và Constantinople, nơi đã đảm nhận nhiệm vụ của mình để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Ni-xê-a.

Chúng tôi đồng hành cùng quá trình này với lời cầu nguyện và hy vọng về một thỏa thuận chung cuối cùng và một bước tiến tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng một thỏa thuận như vậy không được tạo ra thêm căng thẳng giữa các Giáo hội của chúng ta và đặc biệt là giữa các Giáo hội Chính thống giáo địa phương khác nhau. Ngược lại, nó sẽ đóng vai trò là bước quyết định trên con đường chung của chúng ta hướng tới sự thống nhất.

Để một thỏa thuận như vậy có thể tiến triển, thì nó sẽ hoạt động như thế nào với cộng đồng Chính thống giáo? Có cần phải bảo đảm sự đồng thuận của mỗi Giáo hội tự chủ không?

Xem xét những chia rẽ hiện đang tồn tại giữa các Giáo hội Chính thống giáo, ngài có nghĩ rằng đây là một khả thể thực sự không?

Chúng tôi không thể nói thêm về vấn đề này ở giai đoạn này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng rằng thông qua đối thoại cởi mở, cầu nguyện và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, có thể tìm ra một giải pháp thúc đẩy sự thống nhất và hiểu biết giữa tất cả các Giáo hội Chính thống giáo.

Ngài đã rất thẳng thắn khi chỉ trích lập trường của Đức Thượng phụ Kirill và Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa liên quan đến việc ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, tôi muốn hỏi ý kiến của ngài về các Giáo hội gần gũi với Mạc Tư Khoa và đã giữ im lặng hoặc công khai ủng hộ điều đó là gì?

Với tư cách là Tòa Thượng phụ Đại kết, ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã lên án rất rõ ràng cuộc chiến ở Ukraine và tuyên bố rằng cuộc xâm lược của Nga vào một quốc gia có chủ quyền không thể được gọi là “cuộc thánh chiến “, mà thực tế là một cuộc chiến “ma quỷ”!

Chúng tôi tin rằng chỉ thông qua đối thoại chân thành và đàm phán hòa bình, chúng ta mới có thể thấy được giải pháp thực sự ở Ukraine. Để đối thoại có được viễn cảnh thực tế, cuộc chiến phải chấm dứt ngay lập tức.

Chúng tôi chắc chắn ủng hộ việc chấm dứt cuộc xâm lược và tấn công của Nga — và ủng hộ thành công của mọi nỗ lực của Ngài Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đặc biệt là liên quan đến “Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình ở Ukraine” quan trọng diễn ra tại Thụy Sĩ vào ngày 15-16 tháng 6 năm 2024, và chúng tôi đã đích thân tham dự, theo lời mời ân cần của Ngài Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chiến tranh không phải là giải pháp và không bao giờ được xem xét, ngay cả khi đó là phương sách cuối cùng. Hành vi con người giết hại lẫn nhau, anh em chống lại anh em, là dấu hiệu ghê tởm và không thể chấp nhận được nhất của trạng thái hủy diệt và suy đồi mà nhân loại, thật không may, vẫn tiếp tục làm con tin. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Chúa chúng ta.

Chúng tôi tin chắc rằng không có người thuận lý nào, không có người thiện chí nào có thể đồng ý với những gì đang xảy ra ngày nay ở Ukraine hoặc ở những nơi khác trên thế giới nơi mà các cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra.

Cuộc chiến này, giống như mọi cuộc chiến tranh và xung đột khác, và bất cứ hành động nào làm suy yếu hòa bình và coi thường phẩm giá của con người, vốn là biểu tượng của chính Chúa - đều là thất bại của nhân loại.

Trong khi trách nhiệm trước mắt có thể thuộc về những người chọn chiến tranh thay vì đối thoại và đổ máu thay vì ngoại giao, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm lên án mạnh mẽ những hành vi và lựa chọn như vậy. Chúng ta phải bảo vệ hòa bình, tự do, tôn trọng nhân quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của mọi quốc gia.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về cuộc chiến ở Ukraine và đề cập đến nỗi thống khổ của người dân Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích ngài, cho rằng ngài không nói hoặc làm đủ để chỉ trích Nga trong cuộc chiến này. Ngài thấy lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng liên quan đến cuộc chiến như thế nào?

Cả Đức Thánh Cha Phanxicô lẫn chúng tôi đều cùng quan điểm về việc lên án cuộc chiến ở Ukraine. Đức Giáo Hoàng cũng rất chỉ trích trong bài phát biểu của mình với Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, thậm chí còn có sự táo bạo hiếm có khi gọi ngài là “một cậu bé giúp lễ của Tổng thống Putin!”

Chúng ta cũng phải khen ngợi ngài vì sự tham gia đích thân của ngài trong việc hồi hương những đứa trẻ bị bắt cóc từ Ukraine về Nga, cũng như vì sự tham gia của Vatican trong “Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình”.

Ngài nổi tiếng là rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như ngài đã từng thân thiết với Đức Giáo Hoàng John Paul II và Bênêđíctô XVI trong quá khứ.

Ngài muốn nêu bật những đặc điểm chính của từng người trong số họ là gì?

Mỗi vị giáo hoàng đều là một người bạn thân thiết và là đối tác trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Đức John Paul II có một sức lôi cuốn phi thường và tâm linh sâu sắc. Đức Bênêđíctô XVI sở hữu một trí tuệ thần học tuyệt vời. Đức Phanxicô là hiện thân của sự khiêm nhường giống Chúa Kitô, sự giản dị và sự quan tâm đến người nghèo và những người bị thiệt thòi.

Cả ba đều hoàn toàn cam kết hàn gắn những chia rẽ giữa các Giáo hội của chúng ta và cùng nhau giải quyết những thách thức to lớn của nhân loại đương thời.

Trong 30 năm nữa, sẽ là 1000 năm kể từ khi xảy ra sự chia rẽ giữa Đông và Tây.

Ngài có tin rằng có thể hàn gắn được sự chia rẽ đó trước khi chúng ta đến ngày đó không?

Chắc chắn, chúng ta cầu nguyện hết lòng để hàn gắn sự chia rẽ năm 1054 giữa Rôma và Constantinople. Việc mở ra cuộc đối thoại về tình yêu giữa hai Giáo hội chị em của chúng ta trở lại những năm 1960 với các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras vào năm 1964 tại Giêrusalem, bao gồm cả việc cùng nhau dỡ bỏ những lời nguyền rủa giữa hai Giáo hội, và tất cả những nỗ lực được thực hiện sau cuộc đối thoại về tình yêu này, đã mở đường cho cuộc đối thoại thần học chính thức bắt đầu vào những năm 1980.

Ủy ban Thần học Hỗn hợp giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Chính thống đã làm việc kể từ đó với sự nghiêm chỉnh và tận tụy và với những kết quả cụ thể đáng chú ý.

Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ mang lại nhiều thành quả và sẽ là một bước tiến cụ thể hướng tới việc hiện thực hóa sự hiệp nhất trọn vẹn của hai Giáo hội, khi Chúa cho phép, để mong muốn của chính Chúa Kitô, rằng chúng ta “có thể là một” (Ga 17:11), có thể được thực hiện.

John Lavenburg, trên tạp chí CruxNow, ngày 13 tháng 8 năm 2024, cho hay: vào thời điểm diễn ra những lời lẽ chính trị gay gắt, khi không ứng cử viên nào của đảng lớn đại diện đầy đủ cho giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề, Đức Hồng Y Joseph Tobin nhắc nhở người Công Giáo về bổn phận của họ là phải tích cực tham gia vào tiến trình chính trị.