1. Đức Thánh Cha nhóm Công nghị về việc phong thánh

Lúc 9 giờ sáng, ngày 01 tháng Bảy năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhóm Công nghị các Hồng Y và giám mục về việc tôn phong hiển thánh cho mười lăm vị chân phước.

Công nghị bắt đầu với Kinh Giờ Ba và là một buổi thông báo chính thức và long trọng quyết định phong thánh, đồng thời Đức Thánh Cha thông báo ngày cử hành thánh lễ tôn phong mười bốn vị lên bậc hiển thánh, vào Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười năm nay, trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ngoại trừ lễ phong thánh cho chân phước Carlo Acutis sẽ được cử hành vào một ngày khác sẽ được xác định sau.

Trước đó, Bộ Phong thánh cho biết các vị đã được Đức Thánh Cha chấp thuận việc công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ hoặc ý kiến thuận của Hội đồng các Hồng Y, giám mục thành viên Bộ Phong thánh.

Nữ chân phước Elena Guerra người Ý, sáng lập Dòng các hiến sĩ Chúa Thánh Linh, và nữ chân phước Marie-Léoni Paradis người Canada, sáng lập Dòng Tiểu Muội Thánh Gia hồi năm 1880.

Ngày 23 tháng Năm, Bộ Phong thánh cho biết có thêm:

Chân phước linh mục Giuseppe Allamano, sáng lập Dòng thừa sai Đức Mẹ an ủi, người Ý, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.

Tiếp đến là mười một vị tử đạo, gồm tám tu sĩ Dòng Phanxicô và ba anh em Massabki giáo dân, thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite, bị sát hại hồi năm 1860 tại Damasco, Syria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo. Đứng đầu danh sách là cha Emanuele Ruiz, người Tây Ban Nha, tiếp đến là sáu tu sĩ Phanxicô đồng hương và một vị người Áo. Họ sống tại khu phố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và sức ép của các cường quốc Âu châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của ông hoàng Metternich của Áo, chia miền núi Liban thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut, năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.

Trong đêm mùng 09 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1870, tám tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Thực vậy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả mười một người tị nạn.

Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong chân phước năm 1926, và lễ kính các vị được ấn định vào ngày 10 tháng Bảy, tại nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco, nơi vẫn còn giữ di hài của các vị.

Đức Thánh Cha phê chuẩn việc bỏ phiếu thuận của Hội đồng các Hồng Y và giám mục thành viên Bộ Phong thánh, về việc phong hiển thánh cho cha Emmanuele Ruiz và mười vị tử đạo tại Damasco.

Cuộc tử đạo này cũng là một chứng tá về tinh thần đại kết của các vị tử đạo thuộc các cộng đoàn Kitô nghi lễ khác nhau, vốn bị chia rẽ vì nhiều lý do lịch sử, nhưng cùng hiệp thông với nhau trong việc làm chứng tá đến độ đổ máu đào vì cùng niềm tin nơi Chúa Kitô.

Sau cùng là chân phước thiếu niên Carlo Acutis, người Ý, qua đời tại Monza, bắc Ý, năm 2006, lúc mới 15 tuổi và được chính Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước cách đây gần bốn năm, ngày 10 tháng Mười năm 2020.

Trong Công nghị, có ba Hồng Y đẳng phó tế được thăng lên đẳng linh mục, đó là Đức Hồng Y James Michael Harvey, người Mỹ, hiện là Hồng Y Giám quản Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Tiếp đến là Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, nguyên là Tổng thư ký Bộ Giám mục, rồi làm Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Sau cùng là Đức Hồng Y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của vị giám mục mới 63 tuổi ở Peru, người cho phép xưng tội qua điện thoại

Hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Giám Mục Reinhold Nann, khỏi chức vụ Giám Mục Caravelí, Peru, một chức vụ mà ngài đã giữ từ năm 2017.

“Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức khỏi trách nhiệm mục vụ của Giáo phận Caravelí, Peru, do Đức Cha Reinhold Nann trình bày,” Vatican tuyên bố ngắn gọn, mà không nêu rõ lý do từ chức, mặc dù, vị Giám Mục còn gần 12 năm mới tới độ tuổi nghỉ huy được quy định trong Bộ Giáo luật, là 75 tuổi.

Đức Giám Mục Nann, là người Đức, cũng là chủ tịch Caritas Peru giai đoạn 2022-2025. Trong năm 2024 này, ngài là vị giám mục thứ hai ở Peru từ chức trước khi bước sang tuổi 75. Vào tháng 4, Đức Giám Mục José Antonio Eguren, người cho đến lúc đó là Tổng Giám mục Piura và Tumbes, cũng làm điều tương tự.

Hôm thứ Hai, giáo phận đã công bố một tuyên bố của Đức Giám Mục Nann. Đầu tiên, ngài cho biết, cho đến khi người kế nhiệm ngài được bầu, Đức Giám Mục Ricardo Rodríguez, Giám Mục Phụ Tá của Lima, đã được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa; và sẽ chính thức nhận Tòa Giám Mục Caravelí vào Chúa Nhật, ngày 21 tháng 7.

Đức Giám Mục Nann nhắc lại một số công việc được thực hiện trong những năm này, chẳng hạn như đã chủ trì Caritas Peru và “việc thực hiện dần dần kế hoạch đổi mới mục vụ, tái thực hiện việc dạy giáo lý trong gia đình, thành lập Caritas giáo xứ, tình liên đới linh mục, thành lập hai trung tâm lắng nghe, thực hiện các quy trình phòng ngừa ở mỗi giáo xứ, phong chức ba linh mục, tái cơ cấu hành chính của Tòa Giám Mục và các tổ chức khác.”

“Theo thời gian, những hoạt động này và một số nỗi thất vọng đã khiến tôi căng thẳng và cao huyết áp. Kể từ thời Covid, sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi ngày càng suy yếu và tôi cảm thấy mình không còn sức lực như trước nữa”, Đức Giám Mục giải thích.

“Sau khi kiểm tra, các bác sĩ khuyên tôi nên dành thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Vì vậy, tôi quyết định từ chức Giám mục Caravelí và xin nghỉ phép. Tôi sẽ điều trị và hồi phục ở Đức với sự hỗ trợ tinh thần của mẹ và các anh trai tôi”, ngài nói.

Đức Cha Reinaldo Nann cảm ơn mọi người và cầu xin sự tha thứ vì “sự thiếu kiên nhẫn và những lỗi lầm khác mà tôi đã phạm phải”, đồng thời khuyến khích mọi người chào đón “với vòng tay và trái tim rộng mở, Đức Giám quản Tông tòa, Ricardo Rodríguez”.

Vị giám mục về hưu sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn vào ngày 14 tháng 7.

Đức Cha Reinaldo Nann sinh ngày 25 tháng 8 năm 1960 tại Freiburg, bên Đức. Ngài học triết học và thần học tại Đại học Albert-Ludwig.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 31 tháng 5 năm 1987.

Ngài đã sống ở Peru trong hai thời kỳ khác nhau. Lần đầu tiên trong tư cách là một linh mục truyền giáo fidei donum hay Hồng Ân Đức Tin tại giáo phận Carabayllo từ năm 1992 đến năm 1996; và sau đó ngài trở về nước vào năm 2002 một lần nữa với tư cách là linh mục fidei donum cho Tổng giáo phận Trujillo.

Linh mục Fidei Donum là gì? Thưa: Danh xưng này phát sinh từ thông điệp Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) của Đức Giáo Hoàng Piô 12 ban hành năm 1957, trong đó, Ngài kêu gọi các giáo phận hãy gửi các thành phần dân Chúa đi truyền giáo: linh mục, tu sĩ và ngay cả giáo dân.

Những giáo phận, dù đang thiếu linh mục, cũng nên trao đổi linh mục truyền giáo với giáo phận khác, và gọi những linh mục đi truyền giáo đó là linh mục Fidei donum.

Linh mục vẫn thuộc về giáo phận gốc của mình, nhưng dấn thân đi truyền giáo tùy theo những điều kiện thỏa thuận giữa hai giáo phận.

Có thể chỉ đi truyền giáo trong một thời gian, rồi thay đổi cho người khác.

Dòng tu hay giáo dân đi truyền giáo, cũng dùng danh xưng Fidei donum.

Hai giáo phận cùng đang thiếu nhân sự, cũng nên trao đổi với nhau nhằm gây ý thức về tinh thần và trách nhiệm truyền giáo.

Trong số những công việc khác, ngài đã giữ các chức vụ sau: cha sở giáo xứ của các nhà thờ Freiburg, St. Anthony ở Mannheim-Rheinau và St. Margarethen ở Waldkirch; linh mục giáo xứ St. Conrad ở Los Olivos, Peru; giám đốc đền Thánh Jerome thuộc Tổng giáo phận Trujillo; Điều phối viên Phong trào Schoenstatt của Tổng Giáo phận Trujillo.

Trước khi được bổ nhiệm làm giám mục vào năm 2017, ngài là linh mục giáo xứ San Antonio de Padua trong Miền Giám Quản Tông Tòa San José del Amazonas, ở Peru.

Giám mục Reinaldo Nann đã gây chú ý vào tháng 3 năm 2020 khi ngài cho phép xưng tội qua điện thoại, một quyết định sau đó ngài phải hủy bỏ khi Vatican ban hành hai tài liệu nhắc nhở rằng các bí tích phải được cử hành trực tiếp.

Một thời gian sau, một cuộc điều tra của ACI Prensa được công bố vào tháng 8 cùng năm đó cho thấy rằng giáo phận Caravelí đã chấp nhận cho nhập tịch một linh mục bị điều tra về lạm dụng tình dục trong giáo phận Huamachuco, mặc dù thực tế là Đức Cha Nann, là “thành viên của ủy ban giám mục bảo vệ trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy rằng vị linh mục bị hàm oan.


Source:ACIPrensa

3. Tìm Hiểu Cuộc Đời Của Chân Phước Carlo Acutis Sắp Được Tôn Phong Hiển Thánh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Anh Carlo Acutis đã được tuyên phong Chân phước vào thứ Bảy ngày 10 tháng 10 năm 2020 tại Assisi, tức là 14 năm sau khi anh qua đời vì bệnh bạch cầu cấp tính năm 2006 và được Giáo hội mừng lễ lần đầu tiên ngày 12 tháng 10, 2021.

Lúc 9 giờ sáng, ngày 01 tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhóm Công nghị các Hồng Y và giám mục về việc tôn phong hiển thánh cho mười lăm vị chân phước. Ngài đã quyết định Tôn Phong Hiển Thánh cho anh Carlo Acutis, thường được báo chí gọi là Chân Phước mặc quần Jean.

Nhân dịp này, Kim Thúy xin giới thiệu với quý vị và anh chị em bài viết sau của Cha Roger Landry với nhan đề “Tìm Hiểu Cuộc Đời Của Chân Phước Carlo Acutis Sắp Được Tôn Phong Hiển Thánh”

Cha Roger J. Landry là một linh mục trong Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Ngài nguyên là linh mục của Giáo phận Fall River, Massachusetts, và từng là cha chính xứ của Giáo xứ St. Bernadette ở Fall River, Massachusetts, và trước đó là chính xứ St. Anthony Padua ở New Bedford, Massachusetts.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Đại học Harvard, ngài đã theo đuổi con đường tiến đến chức tư tế ở Maryland, Toronto và Rôma. Sau khi được Đức Cha Sean O'Malley, OFM Cap (nay là Hồng Y) truyền chức linh mục tại Giáo phận Fall River vào ngày 26 tháng 6 năm 1999, ngài trở lại Rôma để hoàn thành chương trình sau đại học về Thần học luân lý và đạo đức sinh học tại Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II.

Cha Landry cũng là một nhà văn. Ngài viết cho nhiều tờ báo Công Giáo, bao gồm National Catholic Register và The Anchor, là tờ báo hàng tuần của Giáo phận Fall River, mà ngài là chủ nhiệm kiêm chủ bút từ năm 2005 đến 2012. Một trong những cuốn sách nổi tiếng của ngài là cuốn “Plan of Life: Habits to Help You Grow Closer to God” – “Kế hoạch cho cuộc sống: Những thói quen giúp bạn đến gần Chúa hơn”

Carlo Acutis được tuyên phong Chân phước vào thứ Bảy ngày 10 tháng 10 [năm 2020] tại Assisi, tức là 14 năm sau khi anh qua đời vì bệnh bạch cầu cấp tính năm 2006 và được Giáo hội mừng lễ lần đầu tiên ngày 12.10.2021.

Thời gian từ lúc anh Carlo bước vào đời sống vĩnh hằng cho đến khi được tôn kính trên bàn thờ chỉ ngắn ngủi gần bằng 15 năm dương thế của anh. Tuy nhiên, trong quãng đời ngắn ngủi đó, Carlo không chỉ cảm nghiệm “[sự] sống dồi dào” (Ga 10,10) mà Đức Kitô đã mang đến thế gian, mà anh còn trở nên một người thầy cho cha mẹ, bạn bè, người nghèo và bây giờ là toàn thể Giáo hội.

Có lẽ, anh đã là người nổi tiếng nhất khi qua đời lúc 15 tuổi. Tuy lễ phong chân phước cho Cha Piô Năm Dấu, Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y John Henry Newman lớn hơn đoàn người tham dự lễ phong chân phước ở Assisi do hạn chế vì đại dịch, nhưng không có vị thánh nào vừa nhắc đến lại có được 15 ngày chuẩn bị và tôn kính, hay một đêm canh thức cầu nguyện như anh Carlo. Những vị thánh kia đều khá nổi tiếng khi còn sống, trong khi ít ai ở ngoài vùng Milan và Assisi biết đến Carlo.

Nhưng ngày nay, chỉ 29 năm sau ngày anh chào đời, Chân phước Carlo có lẽ được rất nhiều người biết đến, hơn cả những vị thánh vĩ đại kia vào lúc các ngài 29 tuổi. Và đây chỉ là khởi đầu của Chân phước Carlo. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành ba đoạn trong Tông huấn năm 2019 về người trẻ Christus Vivit để viết về anh Carlo và ngày nay đã có hàng ngàn bài báo và hàng trăm trang web kể về cuộc đời của Carlo.

Khi lần đầu tìm hiểu về Carlo, tôi đã ấn tượng về lòng khao khát Chúa từ nhỏ của anh: Carlo lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày từ khi còn nhỏ; rước lễ lần đầu sớm hơn một năm và sau đó tham dự Thánh lễ hàng ngày; chăm sóc người vô gia cư mỗi đêm; thường xuyên đi đến Assisi; yêu mến các thánh; đã học máy tính để thiết kế các trang web nhằm lan tỏa tình yêu của anh đối với Thánh Thể và Đức Maria cũng như nói về các thiên thần và bốn vấn đề sau hết của con người. Thành thật mà nói, tôi đã hình dung rằng anh phải xuất thân từ một gia đình giống như gia đình của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu chẳng hạn.

Thay vào đó, anh Carlo xuất thân từ một gia đình rất lơ là với việc đạo, như người mẹ Antonia hay nói của anh đã khiêm tốn cho biết trong các buổi phỏng vấn. Cho đến khi sinh Carlo, bà Antonia chỉ đến nhà thờ ba lần trong đời là ngày rửa tội, thêm sức và kết hôn. Nhờ những câu hỏi và lòng nhiệt thành của Carlo cuối cùng người mẹ đã sống đức tin nghiêm chỉnh hơn, và bà Antonia chỉ là một trong số nhiều người đã hoán cải đời sống. Trong khi đó, ông bà của Carlo sống đức tin và anh thì theo học các trường Công Giáo, nên có vẻ như khá chắc chắn rằng Chúa đã tác động đến Chân phước Carlo giống như Ngài đã làm với vị ngôn sứ trẻ Samuel.

Một số điều làm tôi ấn tượng về cuộc đời của Carlo.

Anh đã ý thức cao về ý nghĩa cuộc sống và tìm cách để sống tốt. Anh tuyên bố: “chương trình sống của tôi là luôn luôn kết hiệp với Chúa Giêsu”. Trái ngược với chủ nghĩa ái kỷ đương thời, Carlo nói rằng hạnh phúc đến từ việc luôn “hướng nhìn về Chúa” và bất hạnh xuất phát từ việc hướng sự chú ý vào bản thân. “Không phải tôi, mà là Chúa” là câu tâm niệm của Carlo. Anh nói “Hãy tìm Chúa và bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời”.

Anh sống với một sự khẩn trương nhất định. Carlo nói: “Mỗi phút trôi qua là mất đi mỗi phút để nên giống Chúa”, và anh khao khát trở nên giống Chúa. Anh chất vấn “Có thể thắng một ngàn trận chiến thì có ích gì nếu bạn không thể chiến thắng những đam mê hư hỏng của chính mình? Trận chiến thực sự là chiến đấu với chính mình”. Ngay trước khi chết, anh đã nói, “Sống lâu chưa hẳn là điều tốt [bởi vì] người ta có thể sống rất lâu nhưng lại sống tệ”. Anh khiêm tốn thú nhận: “Tôi hạnh phúc khi chết vì tôi đã không sống một phút giây nào làm những điều mất lòng Chúa”.

Chân phước Carlo có một tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Anh đã sống cả đời yêu mến Thánh Thể, gọi Thánh Thể là “xa lộ lên thiên đàng của tôi”. Anh tham dự Thánh lễ hàng ngày từ khi lên 7 và dành thời gian mỗi ngày để chầu Thánh Thể. Anh tin rằng “càng rước lễ chúng ta sẽ càng nên giống Chúa Giêsu”.

Anh có lòng thán phục Thánh Thể, quá say mê các phép lạ Thánh Thể qua các thế kỷ đến nỗi anh đã cố gắng phiêu lưu đi thăm và ghi lại các phép lạ Thánh Thể để người khác cũng có thể thán phục như anh. Đối với Carlo thật là vô nghĩa khi có rất đông người đến xem các trận bóng và các buổi nhạc rock nhưng không có mấy người đến trước nhà tạm, nơi Thiên Chúa hiện diện và sống giữa chúng ta.

Anh rất yêu mến Đức Maria. Carlo nói: “Đức Trinh Nữ Maria là người nữ duy nhất trong đời tôi”, và gọi Kinh Mân Côi đọc hàng ngày là “chiếc thang ngắn nhất để lên thiên đàng” và là “vũ khí lợi hại nhất” sau Thánh Thể “để chiến đấu với ma quỷ”. Giống như loạt hình ảnh 136 phép lạ Thánh Thể đầy nguồn cảm hứng do Carlo thực hiện đã được triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới sau này, anh cũng đã lên ý tưởng cho loạt ảnh 156 lần Đức Mẹ hiện ra, mà bà mẹ đã hoàn thành sau khi anh qua đời.

Anh yêu mến Giáo hội và các thánh. Carlo nói: “Chỉ trích Giáo hội có nghĩa là chỉ trích chính chúng ta bởi vì Giáo hội là người phân phát kho tàng ơn cứu rỗi cho chúng ta”. Chúng ta nhận định về Giáo hội theo những người đã sống theo giáo huấn Giáo hội, chứ không theo những người chối bỏ Giáo hội. Đó là lý do tại sao Carlo đến gần các thánh, như thánh Phanxicô Assisi và nhiều vị thánh trẻ vĩ đại khác như Tarcisius, Aloysius, Đaminh Saviô, Bernadette, và Francisco và Jacinta Marto.

Anh đã có một lòng bác ái hăng say. Carlo bênh vực những bạn cùng lớp bị bắt nạt, mời đến nhà những đứa trẻ đau khổ vì cha mẹ ly hôn hoặc vì các vấn đề gia đình, kèm các bạn cùng lớp đang gặp khó khăn với bài tập về nhà hoặc các vấn đề máy tính, kiên nhẫn giải cứu bạn bè đang thử ma túy hoặc nghiện phim ảnh khiêu dâm, dành thời gian giúp đỡ người già trong công việc, “săn” rác trong công viên hoặc trên bãi biển để làm đẹp thế giới, mang đồ ăn thức uống nóng cho người vô gia cư và dùng tiền túi của mình để mua túi ngủ hoặc quần áo ấm cho họ. Anh nói “Cuộc sống là một món quà bởi vì chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta có thể gia tăng mức độ yêu thương của mình”.

Lòng bác ái vĩ đại nhất của anh là cố gắng chia sẻ đức tin. Từ năm 11 tuổi, anh đã dạy giáo lý và tìm cách thôi thúc những bạn trẻ hơn mình chọn lựa cố gắng sống thánh thiện. Để làm cho đức tin cụ thể, Carlo lập một “Bộ kit nên thánh” cho các bạn bao gồm chín bước mà chính anh đã thực hành: yêu Chúa hết lòng; mỗi ngày cố gắng đi lễ và rước lễ, lần chuỗi Mân Côi, đọc một đoạn Kinh thánh và viếng Chúa Giêsu trong nhà tạm mỗi ngày; đi xưng tội mỗi tuần một lần; giúp đỡ người khác thường xuyên nhất có thể; và cậy dựa vào thiên thần bản mệnh như người bạn tốt nhất.

Anh lôi kéo mọi người đến với đức tin bằng gương sáng và tình bạn hơn là bằng lời nói. Mẹ anh nói: “sống gần người giống như Carlo đồng nghĩa với việc không có một đức tin trung lập”. Lòng nhiệt thành đã khiến anh sử dụng kỹ năng máy tính để nỗ lực thiết kế các trang web không chỉ về Thánh Thể và các lần hiện ra của Đức Maria mà còn loạt 170 hình ảnh về những điều sau cùng của con người và loạt 131 hình ảnh về thiên thần và ma quỷ trong cuộc đời các thánh.

Bất kể những điều tốt đẹp trên đây, lòng tôn kính Carlo gặp những nguy hiểm đang phát triển nhanh chóng. Giống như Chân phước Pier Giorgio Frassati, Carlo có thể khốn đốn vì hình vẽ hí họa thời nay tuy có ý nghĩa nhưng lại hời hợt. Một số bức hí họa giản lược Frassati từ một “con người của Tám mối phúc thật” và của lòng bác ái anh hùng thành một “gã thánh thiện” thích leo núi và hút ống điếu. Tương tự, một số bức hí họa cơ bản đề cao Chân phước Carlo như một game thủ PlayStation, một người mê truyện tranh, một tài năng máy tính mặc quần jean và giày sneaker. Khi cố gắng làm cho sự thánh thiện trở nên “ngầu”, các bức hí họa đã trần tục hóa sự thánh thiện bằng việc chú ý vào những gì phụ thuộc hơn là chính yếu.

Tuy nhiên, giống như Thánh Phanxicô yêu quý của anh, Chân phước Carlo là một “người tạo ảnh hưởng cho Chúa” không phải bởi tính trần thế đời này mà bởi tính cách triệt để bình thường của anh về đời sau. Câu nói châm biếm nổi tiếng nhất của Carlo là “Mọi người đều sinh ra là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết như những bản sao”, và không may là một số người đang cố gắng biến anh thành nhạt nhẽo, không có chiều sâu, hiển nhiên nghĩ rằng chiều sâu trong bản gốc là hình ảnh Thiên Chúa của Carlo sẽ đẩy người trẻ ra thay vì thu hút họ nhiều hơn.

Tuy nhiên, thế giới và Giáo hội cần điều chân thật.