1. Tân Giám mục Giám hạt tòng nhân cựu Anh giáo ở Anh sẽ truyền chức cho bốn linh mục

Ngày 20 tháng Bảy tới đây, Đức tân Giám mục David Wallar, Bề trên Giám hạt tòng nhân Đức Bà Walsingham, bên Anh Quốc, sẽ truyền chức linh mục cho bốn tiến chức, từ Anh giáo trở lại Công Giáo, trong đó có một cựu Giám mục Anh giáo có gia đình.

Đức Cha David Wallar mới được Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, người Á Căn Đình, truyền chức giám mục, vào ngày 22 tháng Sáu vừa qua.

Đây là lần đầu tiên vị Bản quyền của Giám hạt này được bổ nhiệm làm giám mục. Trước đây, vị Bản quyền là Đức ông Keith Newton, người có gia đình, đã cai quản Giám hạt, sau khi được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thành lập năm 2011 để đón nhận các tín hữu cựu Anh giáo gia nhập Công Giáo, và họ vẫn được giữ truyền thống phụng vụ của Anh giáo. Trong thời gian qua, đã có một số cựu giám mục Anh giáo gia nhập Công Giáo nhưng họ chỉ được chịu chức linh mục trong Công Giáo, theo Tông hiến của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Vị cựu giám mục Anh giáo sắp thụ phong linh mục là Richard Pain, năm nay 68 tuổi (1956), thụ phong mục sư năm 1986, làm chánh sở một giáo xứ tại Monmouth, có gia đình và ba người con, rồi làm giám mục giáo phận này từ năm 2013 đến 2019, sau đó xin về hưu vì lý do sức khỏe. Năm ngoái, Đức Giám Mục Richard Pain là vị giám mục Anh giáo đầu tiên thuộc miền Wales xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo, thuộc Giám hạt Đức Bà Walsingham.

Trong những năm qua, đã có bốn giám mục cựu Anh giáo xin trở lại Công Giáo, được thụ phong linh mục, nhưng không thể chịu chức giám mục.

2. Phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức tiếp tục đối thoại với Tòa Thánh

Tòa Thánh yêu cầu thay đổi dự thảo về Hội đồng Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, và đừng để Hội đồng này, gồm đại diện giám mục và giáo dân, chiếm vị trí ở trên hoặc đồng hàng với Hội đồng Giám mục trong việc cai quản Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Ngoài ra, các quyết định của Hội đồng này phải được Tòa Thánh duyệt xét và phê chuẩn (Recognitio).

Trên đây là quyết định đáng để ý nhất, trong cuộc đối thoại vòng ba, hôm thứ Sáu, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican, giữa phái đoàn của Hội đồng Giám mục Đức và các vị Hồng Y lãnh đạo tại Tòa Thánh. Cuộc đối thoại này diễn ra sau hai lần gặp gỡ trước đây, vào ngày 26 tháng Bảy năm ngoái và ngày 22 tháng Ba năm nay, về vấn đề Tiến trình Công nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức, trong đó có những nghị quyết trái ngược với đạo lý và giáo luật đã được thông qua.

Các cuộc gặp gỡ đối thoại lần này đã được thỏa thuận, sau cuộc hành hương viếng mộ hai thánh tông đồ và gặp Tòa Thánh, theo quy định của giáo luật hồi tháng Mười Một năm 2022.

Phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức do Đức Cha Chủ tịch Georg Bätzing làm trưởng đoàn và gồm có các giám mục: Phó Chủ tịch, Chủ tịch các Ủy ban Giám mục Đức về Phụng vụ, Ơn thiên triệu, Mục vụ, Giáo hội hoàn vũ và Giáo lý đức tin, cùng với bà Tổng thư ký Hội đồng Giám mục.

Về phía Tòa Thánh, có Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bốn Hồng Y Bộ trưởng Giáo lý đức tin, Bộ Giám mục, Hiệp nhất Kitô, Phụng vụ, và Đức Tổng Giám Mục Bộ trưởng Bộ giáo luật.

Phía các giám mục Đức

Sau cuộc trao đổi ngày 26 tháng Bảy năm ngoái, mặc dù có thư cảnh giác của Tòa Thánh, vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức vẫn tiến hành việc thực thi nghị quyết của Tiến trình Công nghị, cụ thể là dự định bỏ phiếu trong Đại hội mùa xuân, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng Hai vừa rồi, tại thành phố Augsburg, nam Đức, về quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị. Ủy ban này gồm hai mươi bảy đại biểu của Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, gọi tắt là ZDK, và trên nguyên tắc gồm hai mươi bảy giám mục của hai mươi bảy giáo phận tại Đức, cùng với hai mươi người, do Tiến trình Công nghị bầu lên. Ủy ban có nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội đồng Công nghị, một cơ quan có tính cách trường kỳ, gồm cả giám mục và giáo dân cùng cai quản và điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức, bắt đầu từ năm 2026 tới đây. Đây là điều trái ngược với cơ cấu bí tích và cả đạo lý của Giáo hội.

Phản ứng của Tòa Thánh

Theo ủy nhiệm và sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh đã viết thư khẩn cấp, vào ngày 16 Hai vừa qua, yêu cầu các giám mục Đức ngưng việc bỏ phiếu quy chế và đừng đặt Tòa Thánh trước tình trạng “sự đã rồi”. Việc làm như thế cũng làm thương tổn con đường đối thoại mà hai bên đã thỏa thuận.

Trong cuộc họp ngày 22 tháng Ba sau đó, các giám mục Đức và Tòa Thánh đã đồng ý với nhau thiết lập một cơ quan tư vấn cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức để phối hợp chặt chẽ hơn việc đối thoại trong tương lai. Sẽ có những cuộc trao đổi thường xuyên hơn giữa các đại diện của Hội đồng Giám mục Đức và Tòa Thánh, về hoạt động tiếp theo của Tiến trình Công nghị và Ủy ban Tiến trình Công nghị. Các giám mục Đức hứa rằng hoạt động này nhắm phát triển những hình thức cụ thể về tính đồng hành trong Giáo hội tại Đức, sao cho phù hợp với Giáo hội học của Công đồng chung Vatican II, những đòi hỏi của Giáo luật và kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Các giám mục Đức sẽ đệ trình “những hình thức đồng hành” này cho Tòa Thánh để phê chuẩn.

Với lập trường trên đây, trong thực tế các giám mục Đức cam kết không kiến tạo những cơ cấu lãnh đạo mới cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức, trái với Tòa Thánh.

Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức, truyền đi ngày 27 tháng Sáu vừa qua, cho rằng cuộc gặp gỡ lần này của các giám mục Đức với Tòa Thánh diễn ra dưới sức ép cần cải tổ Giáo hội: trước khi bắt đầu Tiến trình Công nghị ở Đức, mỗi năm có khoảng hai trăm ngàn tín hữu Công Giáo Đức rời bỏ Giáo hội, nhưng năm 2022, con số này lên tới hai trăm hai mươi ngàn người và năm 2023 vừa qua, con số này là gần bốn trăm lẻ ba ngàn người.

Thông cáo chung sau cuộc họp

Thông cáo chung công bố chiều ngày 28 tháng Sáu vừa qua, sau một ngày họp cho biết, hai bên đã bàn về các vấn đề giáo luật liên quan đến Hội đồng Tiến trình Công nghị.

Tòa Thánh đã yêu cầu thay đổi một số khía cạnh của Hội đồng Công nghị: bắt đầu từ danh xưng của Hội đồng này (Synodal Rat), xét vì cơ quan này không ở trên hoặc ngang hàng với Hội đồng Giám mục. Ngoài ra, Tòa Thánh yêu cầu Ủy ban Tiến trình Công nghị (comitato sinodale, Synodale Ausschus) hãy làm việc với các cơ quan thẩm quyền của Tòa Thánh và dự thảo mà Ủy ban này đưa ra, phải được Tòa Thánh duyệt xét và phê chuẩn.

Sau cùng, hai bên đã quyết định sẽ tái nhóm sau Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm nay.

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức báo động vì đã có khoảng 403.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội

Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, báo động vì trong năm qua, 2023, khoảng 403.000 tín hữu Công Giáo đã làm đơn xin rời bỏ Giáo hội và ngài kêu gọi cấp thiết tiến hành công cuộc cải tổ.

Hôm 27 tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức công bố thống kê cho biết con số trên đây, tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái. Con số này thấp hơn năm trước đó. Năm 2022, có gần 523.000 người Công Giáo rời bỏ Giáo hội, một con số kỷ lục trong lịch sử Giáo hội tại nước này. Nếu tính cả con số những tín hữu qua đời, và gia nhập Giáo hội, thì trong năm qua, Giáo Hội Công Giáo Đức suy giảm gần 592.000 tín hữu, và tổng số tín hữu Công Giáo tại nước này là 20 triệu 345.000 tín hữu. Nếu tính từ năm 2019, là năm bắt đầu Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, thì đã có một triệu 800.000 tín hữu xin ra khỏi Giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo Đức trong năm ngoái, có 11.702 linh mục, tức là giảm 285 linh mục so với năm 2022 trước đó. Trong năm ngoái, có 38 tân linh mục, gồm 34 linh mục triều và 4 linh mục dòng. Tỷ lệ giáo dân tham dự các buổi lễ ở nhà thờ có phần gia tăng so với năm trước đó, tức là 6,2%, so với 5,7%.

Về phía Tin lành: năm ngoái có 380.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội, và số người qua đời là 340.000 người. Tỷ lệ Tin lành xin ra khỏi Giáo hội năm ngoái tăng gần 2% so với năm 2022. Như vậy, tính đến cuối năm ngoái, tại Đức, có 18 triệu 600.000 tín hữu thuộc 20 Giáo hội tiểu bang.

Đứng trước những con số của Giáo Hội Công Giáo, Đức Cha Georg Bätzing báo động và nói rằng: “Những dữ kiện đó cho thấy Giáo hội lâm vào trong một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Tuy nhiên, cam chịu, co cụm hoặc lo lắng không phải là câu trả lời cho tình trạng đó. Dù trở nên nhỏ bé hơn, Giáo hội vẫn có sứ mạng loan báo Tin mừng, loan báo Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo và giải thoát. Giáo hội cần cấp thiết cải tổ để phục hồi sự tin tưởng của các tín hữu nơi khả năng thay đổi của Giáo hội. Nguyên các cuộc cải tổ mà thôi, vẫn không đủ đề loại bỏ tình trạng khủng hoảng của Giáo hội, nhưng những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn, nếu Giáo hội không cải tổ. Vì thế, cần cấp thiết thay đổi. Các nghiên cứu cho thấy rằng dân ở Đức trước sau vẫn đặt nhiều mong đợi nơi Giáo hội, trong lãnh vực xã hội hoặc giáo dục. Chúng ta phải để ý đến những mong đợi và để ý đến các lãnh vực, khi chúng ta tự hỏi đâu là những ưu tiên chúng ta cần thực hiện, một khi các tài nguyên trở nên ít ỏi hơn”.

Đức Cha Bätzing cổ võ nghiên cứu những lãnh vực tương lai, đưa Giáo hội đến gần hơn cuộc sống cụ thể của con người và các gia đình.