Các giám mục Đức và các viên chức Vatican đã gặp nhau vào ngày 28 tháng 6 trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày về dự án “Con đường đồng nghị” gây tranh cãi của quốc gia.
Cuối cùng, họ đã đưa ra một tuyên bố. Và như Luke Coppen viết:

“Với chưa đầy 500 chữ được lựa chọn cẩn thận, tuyên bố chung gợi ý rằng sáng kiến trong cuộc chiến kéo dài 5 năm về con đường đồng nghị đã thay đổi – có lẽ là dứt khoát – theo hướng có lợi cho Rome”.

Vậy tài liệu đã nói gì? Tin tốt. Luke đã giải thích từng chữ trong ngôn ngữ của Vatican để cho bạn biết chính xác những gì đang xảy ra giữa người Đức và Vatican.



Tối thứ Sáu tuần trước, văn phòng báo chí Tòa thánh đã đưa ra một tuyên bố bằng ngôn ngữ Vatican được soạn thảo tinh xảo - một ngôn ngữ có số lượng người nói thông thạo gần bằng tiếng Klingon.

Thông cáo ngày 28 tháng 6 đã tóm tắt một cuộc họp mặt kéo dài một ngày của các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức và các viên chức cấp cao của Vatican để thảo luận về dự án “con đường đồng nghị” gây tranh cãi của Đức.

Với chưa đầy 500 chữ được lựa chọn cẩn thận, tuyên bố chung gợi ý rằng sáng kiến trong cuộc chiến kéo dài 5 năm về con đường đồng nghị đã thay đổi – có lẽ mang tính quyết định – theo hướng có lợi cho Rome.

Tài liệu này chỉ có sẵn bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Nhưng vì những mối quan tâm lớn xung quanh con đường đồng nghị, nó đáng được đọc kỹ.

Đội hình xuất phát

Hãy bắt đầu ở phần cuối của tuyên bố, với đoạn thứ tám và đoạn cuối cùng.

Đây là phần thẳng thừng nhất vì nó chỉ nêu rõ ai đã tham gia các cuộc đàm phán, cuộc thảo luận thứ ba trong một loạt các cuộc thảo luận cấp cao sau chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rome vào tháng 11 năm 2022.

Đội hình như sau:

Về phía Vatican:

• Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandéz, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin
• Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo.
• Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican.
• Đức Hồng Y Robert Prevost, Bộ trưởng Bộ Giám mục.
• Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự.
• Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp.

Về phía Đức:

• Đức Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức.
• Đức Giám Mục Stephan Ackermann, chủ tịch ủy ban phụng vụ của các giám mục.
• Đức Giám Mục Bertram Meier, chủ tịch ủy ban Giáo hội thế giới của các giám mục.
• Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck, chủ tịch ủy ban giáo lý của các giám mục.
• Beate Gilles, tổng thư ký hội đồng giám mục.
• Matthias Kopp, phát ngôn viên hội đồng giám mục.

Không khinh thường đội ngũ Đức, điều đáng chú ý là Vatican đã đưa nhóm A của mình đến đàm phán.

Quay trở lại phần đầu của tuyên bố, chúng ta đọc rằng cuộc họp ngày 28 tháng 6 đã diễn ra theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô và tiếp nối cuộc họp gần đây nhất vào ngày 22 tháng 3.

Tuyên bố nhắc nhở chúng ta rằng vào tháng 3, cả hai bên đã đồng ý rằng mục tiêu của các cuộc đàm phán là “phát triển các hình thức cụ thể của tính đồng nghị trong Giáo hội ở Đức phù hợp với giáo hội học của Công đồng Vatican II, các yêu cầu của giáo luật và các kết quả của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị”.

Thông cáo báo chí tháng 3 cho biết kết quả sẽ được đệ trình lên Tòa thánh để phê duyệt. Cụm từ tương tự được lặp lại ở đây, nhưng với “recognitio” trong ngoặc sau “phê duyệt”, nhấn mạnh rằng các giám mục Đức phải chính thức đệ trình các kế hoạch bằng văn bản cho Vatican xem xét.

Giống như hồi tháng 3, bầu không khí của cuộc họp tháng 6 được mô tả là “tích cực” và “mang tính xây dựng”. Nhưng nó cũng thêm tính từ “cởi mở”. Bạn hãy tự hiểu lấy.

Phá cấu trúc 'hội đồng đồng nghị'

Sau đó, chúng ta đụng tới một trong những đoạn văn dày đặc hơn, trong đó lưu ý rằng các giám mục đã trình bày kết quả của cuộc họp gần đây nhất của “ủy ban đồng nghị” của Đức.

Ủy ban đồng nghị là một cơ quan gồm các giám mục và giáo dân nhằm mở đường cho việc thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực với quyền lực rộng lớn đối với Giáo hội địa phương.

Ủy ban đồng nghị được mô tả trong ngoặc trong tuyên bố là “một ủy ban làm việc tạm thời”. Trong khi cơ quan này luôn được coi là tạm thời và nhường chỗ cho hội đồng đồng nghị vào năm 2026, cách diễn đạt dường như đã giảm thiểu tầm quan trọng của nó. Đó có thể là do Vatican vẫn còn nghi ngờ về tính hợp pháp của ủy ban, vì 4 trong số 27 giám mục giáo phận của Đức đang tẩy chay ủy ban này.

Tuyên bố nói rằng sau phần tóm tắt của cuộc họp ủy ban đồng nghị, “các nền tảng thần học và khả năng tổ chức pháp lý của một cơ quan đồng nghị quốc gia đã được thảo luận”. Lưu ý rằng cơ quan đồng nghị quốc gia trong tương lai không được gọi là “hội đồng đồng nghị”.

Chúng ta sẽ hiểu tại sao nếu chúng ta bỏ qua một đoạn văn. Chúng ta đọc rằng các viên chức Vatican muốn tên của cơ quan được thay đổi và có những dè dặt về “các khía cạnh khác nhau của đề xuất hiện có đối với một cơ quan đồng nghị quốc gia tương lai như vậy”.

“Liên quan tới vị thế của cơ quan này, có sự đồng ý rằng nó không ở trên hoặc ngang bằng với hội đồng giám mục”, tuyên bố cho biết.

Đây được cho là phần quan trọng nhất của tuyên bố. Để hiểu lý do tại sao, chúng ta cần nhớ lại rằng nghị quyết kêu gọi thành lập hội đồng đồng nghị đã mô tả nó như một “cơ quan cố vấn và ra quyết định” quốc gia.

Theo tài liệu đó, cơ quan này, bao gồm các giám mục và giáo dân, sẽ “đưa ra các quyết định cơ bản có ý nghĩa cấp giáo phận về kế hoạch mục vụ, các quan điểm tương lai của Giáo hội cũng như các vấn đề tài chính và ngân sách của Giáo hội vốn không được quyết định ở cấp giáo phận”.

Tuyên bố ngày 28 tháng 6 nói rõ rằng các viên chức Vatican – những người sẽ quyết định liệu kế hoạch có được công nhận hay không – phản đối cả tên lẫn quyền hạn được đề xuất của hội đồng đồng nghị.

Tuyên bố cho biết thêm rằng cả hai bên đều đồng ý rằng cơ quan đồng nghị quốc gia không nên “ở trên hoặc ngang bằng với hội đồng giám mục”.

Điều đó có nghĩa là gì? Nhà phê bình con đường đồng nghị Martin Brüske nói rằng, nói một cách hợp lý, “điều gì không cao hơn cũng không ngang bằng thì không gì khác hơn là phụ thuộc”.

Nếu cơ quan tương lai phụ thuộc hội đồng giám mục, thì nó sẽ hoàn toàn khác với hội đồng đồng nghị bao quát do Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), vốn đồng bảo trợ cho con đường đồng nghị cùng với các giám mục Đức, dự kiến.

Peter Winnemöller, một nhà phê bình khác về con đường đồng nghị, viết: “Hội đồng đồng nghị không được gọi như vậy và nó không được cấu trúc như vậy và nó không được có khả năng thực hiện những gì đã được hoạch định. Nói một cách đơn giản: nó sẽ không bao giờ hiện hữu.”

Thông cáo lưu ý rằng một trong ba ủy ban của ủy ban đồng nghị sẽ tập trung vào “các vấn đề về tính đồng nghị và cơ cấu của một cơ quan đồng nghị”.

Tuyên bố cho biết: “Để chuẩn bị một bản dự thảo cho cơ quan này, ủy ban [Đức] sẽ liên hệ chặt chẽ với một ủy ban tương ứng bao gồm đại diện của các cơ quan liên quan”.

Điều này cho thấy rằng Vatican quyết tâm tham gia ngay cả vào việc soạn thảo kế hoạch chi tiết mới cho một cơ quan đồng nghị quốc gia. Đây có thể là một nỗ lực nhằm phá vỡ phương thức hoạt động thành công trước đây của những người tổ chức con đường đồng nghị, đó là tạo ra “các sự kiện trên thực tế” trước khi Rome có thể phản ứng và sau đó bác bỏ bất cứ phản đối nào vì cho rằng thiếu thông tin hoặc không liên quan.

Một ‘cái tát vào mặt’?

Sau khi giải quyết cuộc tranh luận về hội đồng đồng nghị, thông cáo đưa ra một tuyên bố khá kích thích nhưng có phần khó hiểu.

“Vấn đề về thành phần tương lai của phái đoàn Đức tham gia vào cuộc đối thoại giữa các đại diện của Giáo triều Rôma và Hội đồng Giám mục Đức cũng đã được thảo luận,” thông cáo viết.

Peter Winnemöller giải thích đây là “cú tát vào mặt vang dội nhất mọi thời đại” đối với Hội đồng Giám mục Đức. Ông gợi ý cách dịch trực tiếp hơn sẽ là: “Chúng tôi không muốn nói chuyện với những người bạn mang theo bên mình. Hãy mang những người khác đi cùng.”

Trong khi đó, Martin Brüske coi nó ám chỉ việc bốn giám mục tẩy chay ủy ban thượng hội đồng. Ông viết: “Nếu ủy ban thực sự không gì khác hơn là một ‘ủy ban làm việc tạm thời’, thì không có cách nào hiểu được tại sao các giám mục hoài nghi về công cụ này lại bị loại khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai”.

“Ngược lại: họ đại diện cho một tiếng nói quan trọng trong một quá trình mở mà cuối cùng giờ đây có thể được lắng nghe lại.”

Có một khả thể khác: Câu nói có thể đề cập đến yêu cầu kiên trì của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức muốn được tham gia vào các cuộc đàm phán ở Rome, vì đây là nhà đồng tài trợ cho con đường đồng nghị và ủy ban đồng nghị. Có lẽ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức cuối cùng sẽ có một đại diện trên bàn đàm phán.

Hết cuộc nói chuyện này qua cuộc nói chuyện khác

Tuyên bố kết thúc với những gì có vẻ như là một chút về việc quản gia.

“Sau khi kết thúc Thượng Hội đồng về tính đồng nghị [vào tháng 10], các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thảo luận về các chủ đề sâu hơn có tính chất nhân học, giáo hội học và phụng vụ,” tuyên bố viết.

Điều này cho thấy Vatican không vội vàng nối lại các cuộc thảo luận. Thay vì lên lịch một cuộc họp ngay sau kỳ nghỉ hè, cuộc họp tiếp theo có thể diễn ra vào cuối mùa thu.

Khó có khả thể bất cứ sự bất đồng nào về “bản chất nhân chủng học, giáo hội học và phụng vụ” sẽ được giải quyết trong một ngày. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi một cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra sau cuộc họp đó, rồi cuộc họp khác, rồi cuộc họp khác sau đó.

Do đó, đề xuất về hội đồng đồng nghị có thể đang đi vào điều mà các nhà biên kịch Hollywood gọi là “địa ngục phát triển” - một giai đoạn chuẩn bị mệt mỏi và không có thời hạn giải quyết rõ ràng.

Những người đề xuất hội đồng đồng nghị đặt mục tiêu vào năm 2026. Nghị quyết của con đường đồng nghị nhấn mạnh rằng cơ quan này phải hoạt động “muộn nhất là vào tháng 3 năm 2026”.
Nhưng hiện tại rõ ràng là điều này phải được sự chấp thuận của Rome. Và Rome có thể đang có ý định nhắc nhở những người tổ chức con đường đồng nghị rằng họ nghĩ không phải tính bằng năm mà là hàng thế kỷ.