Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “TICKET TO OBLIVION?”, nghĩa là “Phải chăng là tấm vé đến sự lãng quên?”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đơn giản hóa các nghi thức xung quanh việc tấn phong các tân Hồng Y, những vị trước đó đã được thông báo rằng các ngài đã được chọn để tập trung tại Rome; ở đó, khoảng một ngày trước Công Nghị Hồng Y nơi các ngài sẽ được “tuyên bố” và trao chiếc mũ đỏ, các ngài sẽ nhận được thứ được gọi là biglietto, nghĩa là một tấm vé. Được một quan thị vệ của Đức Giáo Hoàng chuyển đến bất cứ nơi nào mà vị Hồng Y sắp có mặt trong Thành phố vĩnh cửu, biglietto, theo đúng nghĩa đen, là “tấm vé” chính thức thông báo việc đề cử giáo sĩ vào Hồng Y đoàn và cho phép người cầm tấm vé tham dự công nghị sắp diễn ra. Đó là một buổi lễ hấp dẫn và thường là dịp tổ chức bữa tiệc đầu tiên trong số nhiều bữa tiệc mừng tân Hồng Y. Nhưng trước khi lễ kỷ niệm bắt đầu, người nhận biglietto phải đưa ra một bài phát biểu.

“Bài phát biểu biglietto” nổi tiếng nhất trong lịch sử diễn ra vào một ngày tháng Năm cách đây 145 năm. Đoạn đáng nhớ nhất của nó vẫn còn nói với Giáo hội ngày nay.

John Henry Newman là một trong những người cải đạo nổi tiếng nhất và là nhân vật gây tranh cãi nhất của Công Giáo vào giữa thế kỷ 19. Hành trình đức tin cá nhân của ngài đã đưa ngài từ chủ nghĩa hoài nghi của tuổi trẻ đến Anh giáo Phúc âm mạnh mẽ, rồi từ học giả của Đại học Oriel và mục sư của Nhà thờ Đại học Đức Mẹ Đồng Trinh đến vai trò lãnh đạo Phong trào Oxford cải cách Anh giáo. Nghiên cứu sâu sắc và chuyên sâu về các Giáo phụ của Giáo hội ở thiên niên kỷ thứ nhất cuối cùng đã thuyết phục ngài rằng Giáo hội Anh – về thực tế lịch sử, niềm tin thần học và mối quan hệ với quyền lực nhà nước – là một giáo phái Tin Lành khác. Vì vậy, Newman đã hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, điều này khiến ngài mất đi vị trí ở Oxford và mang lại cho ngài không ít rắc rối - từ những người Anh giáo coi ngài như kẻ phản bội và những người Công Giáo nghi ngờ về sự tinh tế trong thần học của ngài.

Newman, một tâm hồn nhạy cảm cũng như một bộ óc thông minh, đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ điều mà Dorothy Day từng mô tả là “nỗi cô đơn kéo dài” của người cải đạo. Nỗi đau khổ đó đã được giảm bớt đáng kể khi Đức Giáo Hoàng Lêô 13, trong những hành động đầu tiên trong triều đại giáo hoàng cải cách vĩ đại của mình, đã công bố ý định phong Newman làm Hồng Y và cho phép người đàn ông hiện đã lớn tuổi này tiếp tục sống ở Nhà nguyện Birmingham thay vì ở Rôma, nơi lúc đó là địa điểm quy định dành cho các Hồng Y không phải là giám mục giáo phận.

Vì vậy, Newman đã tới Rôma và vào ngày 12 tháng 5 năm 1879, đã có bài phát biểu quan trọng của mình, trong đó ông mô tả bản thân bằng những thuật ngữ sau:

Trong nhiều năm dài, tôi đã phạm nhiều sai lầm... nhưng điều tôi tin tưởng rằng tôi có thể khẳng định qua tất cả những gì tôi đã viết là điều này—khi chúng ta có ý định trung thực, không có mục đích riêng tư, có đức vâng lời, sẵn lòng để được sửa chữa, sợ sai lầm, mong muốn phục vụ Giáo hội Thánh thiện, và, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đạt được mức độ thành công khá lớn.

Và, tôi vui mừng nói điều này, khi nhớ lại một gian truân cam go tôi đã gặp phải ngay từ lần đầu tiên tôi đứng lên phản đối não trạng coi đạo nào cũng như đạo nào. Trong ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm, tôi đã hết sức chống lại tinh thần tự do trong tôn giáo. Chưa bao giờ Giáo Hội Thánh Thiện cần những nhà vô địch chống lại nó nhiều hơn bây giờ...

Chủ nghĩa tự do trong tôn giáo là học thuyết cho rằng không có chân lý tích cực nào trong tôn giáo, nhưng tín ngưỡng này cũng tốt như tín ngưỡng khác.... đạo nào cũng như đạo nào. Nó mâu thuẫn với bất kỳ sự công nhận nào về tôn giáo. Nó dạy rằng tất cả đều phải được khoan dung, vì tất cả đều là vấn đề quan điểm. Tôn giáo được mặc khải không phải là một chân lý, mà là một tình cảm và là một sở thích; không phải là sự thật khách quan, không phải phép lạ; và mỗi cá nhân có quyền nói ra những điều mình thích.

Khi Giáo hội chờ đợi Instrumentum Laboris hay “tài liệu làm việc” cho Thượng hội đồng 2024 vào tháng 10, chúng ta hãy hy vọng rằng những người soạn thảo văn bản đó có thể nhận ra rằng điều mà Newman gọi là “tai hại lớn” vẫn còn tồn tại giữa chúng ta ngày nay.

Nhà thần học người Đức Friedrich Schleiermacher vào đầu thế kỷ 19 đã khởi xướng cho trào lưu giản lược đức tin tôn giáo thành vấn đề tình cảm, chứ không còn là một niềm tin có thể biện hộ được bằng lý trí. Trào lưu ấy có lẽ là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự suy tàn của các giáo phái Tin Lành cấp tiến. Các Hội thánh bị giản lược thành các cuộc họp kín nhỏ của tín đồ tôn giáo với mối ràng buộc mỏng manh nhất với Kitô giáo Truyền thống Vĩ đại.

Chưa hết, dù đã nhận thấy điều đó, có những người Công Giáo vẫn tiếp tục đề xuất đi theo con đường quen thuộc đó để vào một tình trạng hoàn toàn không liên quan đến niềm tin Kitô, mà chung cuộc là một Giáo hội bị lãng quên.

Khi các Hồng Y trong ban lãnh đạo cao nhất của Thượng Hội đồng 2024 nói về sự mong mỏi của họ đối với một “Giáo hội cầu vồng” hoặc tuyên bố các vấn đề đạo đức đã được thiết định vẫn còn để mở ngỏ, thì có những lý do để lo ngại: thực sự, rất đáng quan ngại, bởi vì sự khôn ngoan và tính tiên tri trong “bài phát biểu lớn” của Newman đang bị bỏ qua. Và những người có mắt để nhìn, đã thấy điều đó dẫn đến đâu.


Source:First Things