1. Cập nhật Chiến tranh Ukraine: Quân đội cho biết Phà qua biển, 4 tàu tuần tra bị tấn công Crimea

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: Russian ferry crossing, 4 patrol boats struck in Crimea, military says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết thuyền điều khiển từ xa Magura 5V của hải quân Ukraine đã đánh chìm 2 tàu tuần tra, và làm hư hại thêm 2 tàu tuần tra khác của Nga ở Crimea trong cuộc tấn công qua đêm ngày 30 Tháng Năm.

Tất cả bốn chiếc thuyền đều thuộc lớp KS-701 Tunets, nghĩa là “Cá ngừ”.

Đại Úy Andriy Yusov cho biết: “Quân xâm lược Nga đã sử dụng những con tàu này trong công tác hậu cần và tuần tra vùng biển gần bán đảo bị tạm chiếm”.

Ông cho biết đơn vị Nhóm 13 của Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine đã tấn công một ụ tàu bằng thuyền điều khiển từ xa của hải quân ở Vịnh Vuzka, nằm ở thị trấn Chornomorske trên bờ biển phía tây Crimea.

Để ngăn chặn cuộc tấn công, lực lượng Nga đã điều động máy bay của họ 32 lần, bao gồm các máy bay phản lực Su-27/30/35 và MiG-29, máy bay Be-12 và An-26, trực thăng Ka-27/29 và Mi-8.

Quân đội Nga cũng được cho là đã đáp trả bằng hỏa lực hỗn loạn từ vũ khí nhỏ và pháo 30 ly.

Trước đó cùng ngày, chính quyền Nga tuyên bố rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine đã làm hư hại hai chiếc phà vận tải ở thành phố cảng Kerch ở phía đông Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 8 hỏa tiễn tầm xa được phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp và 8 máy bay điều khiển từ xa trong đêm.

Thuyền điều khiển từ xa Magura đã phá hủy tàu tuần tra Sergey Kotov của Nga vào ngày 5 Tháng Ba và tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov vào ngày 14 Tháng Hai.

2. Vụ tấn công lớn của quân Ukraine vào bán đảo Crimea làm Putin giận dữ và lo sợ

Sáng Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, nhà độc tài Vladimir Putin đã có cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga sau cuộc tấn công dữ dội của quân Ukraine vào bán đảo Crimea. Bốn chiến hạm của Nga đã bị tấn công trong đó 2 chiếc được tin là đã bị đánh chìm và 2 chiếc khác bị hư hại nặng. Hai chiếc phà qua eo biển Kerch cũng bị hư hại đến mức có lẽ không thể phục hồi. Putin lộ vẻ nóng giận nhưng các chuyên gia về body language cho rằng ông ta lộ ra vẻ sợ hãi trước các diễn biến mới nhất.

Các videos lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy các thuyền điều khiển từ xa lao trên mặt nước ở Vịnh Uzkaya, phía tây Crimea đã né tránh thành công đạn bắn ra như mưa từ trực thăng Nga khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công gần cầu Kerch yêu quý của Putin.

Đoạn phim TUYỆT VỜI cho thấy các thuyền điều khiển từ xa trên biển của Ukraine đã tránh được hỏa lực của Nga trong một trận chớp nhoáng qua đêm ở Crimea bị tạm chiếm hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm.

Trong khi đó, đồng thời với cuộc tấn công bằng thuyền điều khiển từ xa, lực lượng của Kyiv cũng đã phóng hỏa tiễn về phía Cầu Kerch yêu quý của Putin - được cho là đã gây ra khoảng 20 vụ nổ.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các thuyền điều khiển từ xa Magura V5 đã đánh chìm ngay trong loạt tấn công đầu tiên hai chiến hạm lớp KS-701 Tunets tốc độ cao của Nga - bất chấp cuộc phản công công dữ dội của quân Nga.

Trong đợt tấn công thứ hai, 2 chiến hạm khác tương tự đã bị tấn công và bị hư hại nặng.

Các tàu cá ngừ được lực lượng Nga sử dụng để tuần tra cũng như vận chuyển hậu cần và đổ bộ binh lính.

Ở phía bên kia Crimea ở Kerch, Ukraine đã tấn công thành công hai chiếc phà - cả hai đều được sử dụng trong cuộc chiến bất hợp pháp của Putin để cung cấp cho Crimea từ Nga.

Đại Úy Yusov cho biết: “Trong cố gắng vô hiệu hóa các cuộc tấn công của thuyền điều khiển từ xa, quân xâm lược Nga ở Crimea đã điều động máy bay quân sự 32 lần.”

Nỗ lực thất bại của họ bao gồm nhiều chiến đấu cơ, máy bay trực thăng và pháo 30 ly.

Ông nói: “Không có gì ngăn cản lực lượng đặc biệt của GUR hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.”

“ Kết quả của cuộc tấn công là hai tàu Nga đã bị phá hủy - theo dữ liệu sơ bộ, đó là tàu vận tải và đổ bộ tốc độ cao KS-701. Hai chiếc khác tương tự bị hư hại nặng, thiệt hại đang được làm rõ”

Nga buộc phải thừa nhận bị tấn công ở Kerch vào ngày Thứ Năm, 30 Tháng Năm - tuyên bố đã bắn hạ 8 hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Người bạn thân của Putin trong vùng - Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, cho biết toàn bộ tuyến phà ở Kerch đã bị đình chỉ sau vụ tấn công.

Cây cầu Crimea trị giá 3 tỷ bảng Anh đã bị đóng cửa không cho giao thông qua lại và hệ thống phòng không trong khu vực đã được kích hoạt.

Các kênh Telegram địa phương đưa tin người dân Kerch đã nghe thấy tới 20 vụ nổ.

Những đòn tấn công chiến thuật của Kyiv ở bán đảo bị sáp nhập từ lâu đã là điểm sỉ nhục đối với Putin - người lần đầu tiên xâm chiếm Crimea vào năm 2014.

Nhà chức trách Nga cho biết “các phương tiện giao thông trên cầu Crimea tạm thời bị phong tỏa” vào khoảng 7h30 sáng Thứ Năm, 30 Tháng Năm, theo giờ địa phương.

“Họ sử dụng cây cầu - và những chiếc phà - để vận chuyển trang thiết bị quân sự cho quân đội Nga ở miền nam Ukraine,” Yusov nói.

Hỏa tiễn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, được trang bị đầu đạn nặng 500 pound và có thể tiếp cận mục tiêu cách xa 290 dặm chỉ trong 5 phút, nhanh gấp ba lần tốc độ của Storm Shadows do Anh cung cấp.

Các chuyên gia Nga lo ngại cuộc tấn công dữ dội này là khởi đầu cho nỗ lực dự kiến của Kyiv nhằm cho nổ tung cây cầu vốn đã bị hư hại hai lần trước đó trong chiến tranh.

Cơ quan truyền thông Suspilne Krym dẫn lời một người dân cho biết: “Thành phố bây giờ rất ồn ào.

“Chúng tôi nghe thấy 20 hoặc nhiều hơn những tiếng nổ có cường độ tương đương nhau. Các cửa sổ trong nhà rung chuyển.”

Có người lại nói: “Cây cầu còn nguyên vẹn hay không? Nó ồn ào đến mức khiến mọi người nghi ngờ.”

Cả hai khu vực Kerch và Krasnodar - ở hai đầu đoạn đường vượt biển dài 12 dặm - đều đặt lực lượng phòng không của họ trong tình trạng báo động cao.

RBC-Ukraine cho biết hai chiếc thuyền được “quân xâm lược Nga” sử dụng đã bị chìm trong giờ đầu tiên của cuộc tấn công được Nga dùng để bảo vệ cây cầu.

3. Bộ Tổng tham mưu xác nhận Ukraine tấn công phà qua biển của Nga ở Crimea bằng ATACMS

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine hits Russian ferry crossing with ATACMS in Crimea, General Staff says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, tuyên bố vào chiều Thứ Năm, 30 Tháng Năm, rằng quân Ukraine chủ ý tấn công vào cầu Kerch, các hệ thống phòng không Nga đã đánh chặn và các mảnh vỡ từ hỏa tiễn đã làm hư hại hai chiếc phà của Nga.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, bác bỏ ý kiến này và cho rằng quân Ukraine chủ ý tấn công bến phà qua biển này chứ không phải cầu Kerch.

“Quân đội Ukraine đã tấn công bến phà Kerch của Nga ở vùng Crimea bị tạm chiếm vào đêm ngày 30 tháng 5,” ông nói.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng xác nhận rằng bến phà đã bị tấn công bằng hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.

Quân đội cho biết Mạc Tư Khoa “tích cực sử dụng” tuyến phà để tiếp tế cho quân đội Nga trên bán đảo bị tạm chiếm và bảo vệ bán đảo này bằng các hệ thống phòng không Pantsir, Tor và Triumph của Nga.

Hai chiếc phà “bị hư hại đáng kể”, ông cho biết và chia sẻ những bức ảnh cho thấy dấu vết hư hại. Một trong những chiếc phà bị mắc kẹt và được cho là đã “chặn hoạt động của toàn bộ tuyến đường Kerch”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Nhờ hoạt động chiến đấu thành công của các bệ phóng hỏa tiễn Ukraine, hậu cần quân sự của quân xâm lược trên bán đảo đã bị suy yếu đáng kể”.

Nga sử dụng cây cầu và phà qua eo biển Kerch để vận chuyển quân nhu cho lực lượng xâm lược của Nga ở Crimea và miền nam Ukraine.

Ukraine đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây cầu vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023.

Ukraine đã liên tục tấn công hạm đội Hắc Hải của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, bao gồm vụ đánh chìm tàu tuần dương chủ lực Moskva vào tháng 4 năm 2022 và một cuộc tấn công hỏa tiễn tàn khốc vào trụ sở của hạm đội ở Crimea bị tạm chiếm khiến hơn 30 sĩ quan thiệt mạng.

4. Washington, Berlin báo hiệu khả năng thay đổi chính sách, mở đường cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Washington, Berlin signal potential policy change, paving way for permission for Ukraine to strike Russian territory”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Tờ Bild của Đức đưa tin hôm 28 Tháng Năm rằng không nên nghĩ rằng Ukraine chưa từng phóng hỏa tiễn tấn công quân Nga, ngay trên đất Nga. Ukraine “ít nhất một lần” đã sử dụng hỏa tiễn đất đối không Patriot để tấn công quân Nga đang tập trung trên lãnh thổ Nga để chuẩn bị tấn công vào miền Bắc Ukraine. Theo tờ Bild, Nga đã cố ý dấu kín chuyện này để tránh gây hoảng loạn quân tình. Nhưng, Berlin và Washington được tường trình đã đe dọa đình chỉ chuyển giao hỏa tiễn phòng không cho Kyiv.

Tuy nhiên, giờ đây, Mỹ và Đức đang báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng đối với chính sách lâu nay của họ là không cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ và Đức cung cấp, theo các tuyên bố gần đây và hai bài báo đăng trên Politico ngày 29 Tháng Năm.

Mỹ và Đức là những nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine. Cả hai nước đều nhiều lần tuyên bố Ukraine không nên dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại điều này sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này hôm 29 Tháng Năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ đã “thích nghi và điều chỉnh khi cần thiết” ở mọi bước đi của cuộc chiến, “vì vậy đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm trong tương lai”.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Moldova Maia Sandu ở Chisinau, Blinken nói rằng những điều chỉnh đã được thực hiện “vì tính chất của chiến trường đã thay đổi, vì địa điểm” và vì “các phương tiện mà Nga đang sử dụng đã thay đổi”.

Politico đưa tin rằng theo các quan chức chính quyền Tổng thống Biden, “chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra” và Blinken đang mô tả xu hướng chung là Mỹ ủng hộ Ukraine trong việc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, chủ đề này vẫn đang được “xem xét” ở Washington, Politico cho biết, dẫn lời một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này.

Những lời kêu gọi Ukraine cho phép tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây đã gia tăng sau khi Nga phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, với 30.000 quân được cho là đã tham gia vào chiến dịch này.

Kyiv cho biết họ không thể tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới do những hạn chế về cách sử dụng vũ khí của phương Tây.

Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố vào ngày 27 tháng 5 ủng hộ việc chấm dứt các hạn chế cấm Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nói rằng Ukraine nên được phép tấn công các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga, nơi Mạc Tư Khoa thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn chống lại Ukraine.

Scholz cho biết tại cuộc họp báo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp “trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Chỉ vài ngày trước đó, ông nói rằng Đức đã đưa ra các quy định rõ ràng cho Ukraine cấm sử dụng vũ khí của Đức trên đất Nga và ông không thấy có lý do gì để thay đổi.

Theo Politico, Scholz hiện “ủng hộ việc cho phép sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga”, trích dẫn tuyên bố của phát ngôn nhân văn phòng Thủ tướng Đức, Steffen Hebestreit.

Trước đây, Berlin và Washington được tường trình đã đe dọa đình chỉ chuyển giao hỏa tiễn phòng không cho Kyiv sau khi nước này “ít nhất một lần” sử dụng hỏa tiễn đất đối không Patriot trên lãnh thổ Nga, tờ báo Bild của Đức đưa tin hôm 28 Tháng Năm mà không tiết lộ nguồn tin.

5. Nga tăng thuế đối với các công ty và cá nhân giàu có để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến chống Ukraine

Bộ Tài chính Nga đã đề xuất tăng thuế đáng kể đối với các tập đoàn và cá nhân giàu có để tạo ra khoảng 2,6 ngàn tỷ rúp mỗi năm nhằm giải quyết thâm hụt tài chính trong cuộc xâm lược toàn diện ở Ukraine.

Động thái này nhằm mục đích tài trợ thêm cho cuộc chiến, vốn đã tiêu tốn của Nga hơn 211 tỷ Mỹ Kim.

Những thay đổi về thuế, dự kiến được thực hiện vào năm 2025, sẽ huy động được khoảng 29 tỷ Mỹ Kim hàng năm và tác động đến khoảng 2 triệu người.

Các trường hợp ngoại lệ sẽ được áp dụng cho binh lính và các gia đình có nhiều con sẽ được hoàn lại tiền.

Thuế suất doanh nghiệp sẽ tăng từ 20% lên 25%, đóng góp thêm 18 tỷ Mỹ Kim vào ngân sách vào năm 2025 và 125,3 tỷ Mỹ Kim vào năm 2030.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 11/2023 cho rằng nền kinh tế Nga “có nguy cơ quá nóng” do chi tiêu quân sự tăng, thị trường lao động thiếu hụt và lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn mạnh mẽ hơn dự kiến, mặc dù nước này ngày càng phụ thuộc vào ít đối tác thương mại hơn so với trước cuộc xâm lược toàn diện.

6. Crimea rung chuyển vì ‘những vụ nổ’ sau khi có báo cáo về cuộc tấn công ATACMS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Rocked by 'Explosions' After Reported ATACMS Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương, một số vụ nổ đã được nghe thấy ở phía đông Crimea hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm, khi Nga cho biết họ đã bắn hạ một số hỏa tiễn được phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do phương Tây cung cấp.

Các kênh Telegram địa phương đưa tin về một loạt vụ nổ ở thành phố Kerch phía đông Crimea trong khoảng thời gian từ khuya thứ Tư đến sáng thứ Năm. Cơ quan truyền thông độc lập của Nga Astra đưa tin rằng có khoảng 20 vụ nổ có thể nghe thấy trong thành phố, dẫn lời người dân địa phương.

Kerch nằm ở phía đông của Bán đảo Crimea do Nga sáp nhập, nơi Mạc Tư Khoa đã kiểm soát trong một thập niên nhưng Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại. Ukraine thường xuyên tấn công vào các địa điểm ở Crimea và trước đó đã tấn công vào Cầu eo biển Kerch nối bán đảo với đất liền Nga.

Còn được gọi là Cầu Crimea, đây là tuyến đường bộ và hỏa xa kết nối quan trọng để Mạc Tư Khoa duy trì nguồn cung cấp cho bán đảo và cho các lực lượng của nước này đang chiến đấu ở lục địa phía nam Ukraine. Đây là tuyến đường bộ trực tiếp duy nhất giữa Nga và Crimea. Phần phía bắc và phía đông của Crimea, bao gồm cả Kerch, nhìn ra Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 8 hỏa tiễn ATACMS trên Biển Azov trong đêm, cũng như 8 máy bay điều khiển từ xa trên Hắc Hải gần Crimea. Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga cho rằng thực tế là không một hỏa tiễn nào bị đánh bại.

Nikolai Lukashenko, Bộ trưởng Giao thông vận tải Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết hai chiếc phà đã bị hư hại nặng nề do các mảnh hỏa tiễn khi lực lượng phòng thủ Nga ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng giao thông ở Kerch trong đêm. Ông cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội và được truyền thông nhà nước Nga đăng tải rằng không có thương vong. Theo báo cáo địa phương, cầu Kerch đã bị đóng lại vì các đánh giá ban đầu là quân Ukraine đang tấn công vào chính cây cầu.

Cây cầu Crimea dài 19km được Putin khánh thành vào năm 2018. Kể từ khi bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cây cầu đã bị tấn công và sửa chữa nhiều lần. Đối với Ukraine, việc phá hủy cây cầu không chỉ có giá trị chiến lược mà còn có ý nghĩa biểu tượng.

Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo cơ quan an ninh SBU của Ukraine, trước đây đã nói: “Cây cầu sẽ bị phá hủy”.

Kyiv đã tấn công vào cây cầu bằng cách sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong nước và các quan chức Nga đã cáo buộc Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp để nhắm vào cầu Chonhar, nối Crimea với đất liền Ukraine.

Các hỏa tiễn tầm xa, như Storm Shadow do Anh cung cấp, SCALP do Pháp tài trợ và ATACMS do Mỹ cung cấp, cho phép Kyiv tấn công các tài sản quan trọng của Nga vượt xa chiến tuyến hiện tại ở lục địa Ukraine.

Các cuộc tấn công của Kyiv trên bán đảo rộng lớn hơn là một trong những phần thành công nhất trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine, nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga có trụ sở một phần tại thành phố Sevastopol phía tây nam và các căn cứ quân sự khác của Nga ở Crimea.

7. Đại sứ Mỹ nói rằng tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh NATO có 'ngôn ngữ mới' về tư cách thành viên của Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của NATO tại Washington sẽ có nội dung mới liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết trong cuộc họp báo tại Praha vào ngày 29 tháng 5, Radio Free Europe đưa tin.

Kyiv đã không nhận được lời mời như mong muốn cũng như thời hạn chắc chắn để gia nhập liên minh trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 tại Vilnius, mặc dù NATO đã thực hiện các bước khác nhằm thắt chặt sự hợp tác.

Giới chức Ukraine bày tỏ hy vọng cuộc gặp ở Washington dự kiến diễn ra từ ngày 9-11 Tháng Bẩy sẽ mang đến tín hiệu rõ ràng hơn.

Julianne cho biết Ukraine khó có thể nhận được lời mời trở thành thành viên tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của liên minh, đồng tình với tuyên bố của các quan chức khác. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng công việc hỗ trợ thêm cho Kyiv trên đường gia nhập NATO vẫn đang được tiến hành.

“Tuyên bố của NATO sẽ không giống hệt như tuyên bố mà chúng tôi đã có năm ngoái. Chúng ta phải đồng ý về điều này. Liên minh có một số ý tưởng rất quan trọng và hữu ích, một số đề xuất thú vị”, Julianne nói.

Theo đại sứ, một trong những ý tưởng đang được thảo luận là việc bổ nhiệm một đại diện NATO tới Ukraine để giám sát các nỗ lực hỗ trợ nước này.

“Chúng tôi đang tìm cách xác định và cung cấp thêm nguồn lực cho những người bạn của chúng tôi ở Ukraine… Điều này sẽ gửi một thông điệp bền vững tới Mạc Tư Khoa rằng không ai trong chúng tôi rời bỏ và các đồng minh NATO sẵn sàng thực hiện cam kết lâu dài với những người bạn của chúng tôi ở Ukraine, “ Julianne nói thêm.

Nhận xét của cô được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng Kyiv sẽ không tiến xa hơn nữa tới việc trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay do lo ngại rằng liên minh này có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hồi tháng 4 rằng sự kiện sắp tới có thể “tập trung cao độ” vào việc tạo ra lộ trình để Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai.

Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký của liên minh, nói rằng lời mời của NATO tới Ukraine “sẽ là một quyết định gây tranh cãi và ít nhất là một quyết định chưa từng có”.

Tuy nhiên, Rasmussen cho rằng bước đi này có thể đóng vai trò là “công cụ” để chấm dứt chiến tranh với Nga.

8. Lời đe dọa của bạo chúa. Vladimir Putin dọa chiến tranh tổng lực nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga

Tờ The Sun cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “TYRANT'S THREAT Vladimir Putin threatens all-out war if Ukraine uses Western weapons to hit Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

VLADIMIR Putin đe dọa chiến tranh tổng lực nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga.

Tên bạo chúa đã chỉ ra nước Anh và cảnh báo “các quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc” nên cẩn thận.

Nga sử dụng vũ khí của Iran, Bắc Hàn và Trung Quốc để tấn công Ukraine. Nhưng, bạo chúa Vladimir Putin cho biết việc Kyiv đáp trả bằng hỏa tiễn từ các đồng minh có nguy cơ gây ra “xung đột toàn cầu”.

Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine cả vũ khí sát thương và không sát thương.

Putin cho biết: “Sự leo thang liên tục có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các thành viên NATO, đặc biệt là ở Âu Châu, nên cẩn thận với những gì họ đang chơi”.

Khi được hỏi liệu Ukraine có bị cấm sử dụng vũ khí của chúng ta chống lại Nga hay không, Ngoại trưởng Cameron nói: “Chúng tôi không muốn thảo luận về bất kỳ cảnh báo nào từ phía Nga. Nhưng, Ukraine hoàn toàn có quyền tấn công lại Nga”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh cho phép sử dụng vũ khí của họ trên đất Nga.

Quân đội Điện Cẩm Linh đang tấn công Kharkiv dường như miễn nhiễm với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của các bệ phóng Himars của Mỹ, với tầm bắn 70 dặm.

9. Ukraine, và các đồng minh NATO kêu gọi Tổng thống Joe Biden từ bỏ ranh giới đỏ 'Thế chiến III'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine, NATO Allies Urge Joe Biden to Drop 'World War III' Red Line”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các đồng minh NATO đang có động lực cho phép Ukraine bắn vũ khí phương Tây vào các mục tiêu quân sự bên trong biên giới Nga, một bước đi mà Tòa Bạch Ốc kiên quyết phản đối vì lo ngại cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với nước láng giềng sẽ mở rộng thành một cuộc đụng độ trực tiếp với các đồng minh phương Tây.

Cuộc tấn công xuyên biên giới mới của Nga vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine đã khiến Kyiv quay cuồng, với các lực lượng phòng thủ không thể sử dụng vũ khí tiên tiến của NATO để nhắm vào các tuyến tiếp tế quan trọng hỗ trợ cuộc tấn công đang diễn ra.

Ngoại trưởng Antony Blinken được tường trình nằm trong số những người thúc đẩy tổng thống nới lỏng các hạn chế đối với Ukraine mà trong hơn hai năm đã giới hạn việc sử dụng vũ khí phương Tây trong lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với tờ New York Times tuần trước rằng những hạn chế đã mang lại cho Mạc Tư Khoa một “lợi thế to lớn”.

“Chúng tôi có vũ khí, nhưng chúng tôi không thể sử dụng chúng để chống lại Nga cho đến khi họ vượt qua biên giới”, Yehor Cherniev – một thành viên quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia – nói với Newsweek.

Cherniev nói thêm: “Chúng tôi đã có thông tin trước cuộc tấn công mới nhất của Nga gần Kharkiv, về việc họ tập hợp quân đội, về trang bị của họ, nhưng chúng tôi không thể làm gì được”.

“Chúng tôi không thể tấn công và đó là lý do tại sao chúng tôi không thể ngăn chặn cuộc tấn công này. Đó là lý do tại sao chúng ta mất một số làng mạc, một số vùng lãnh thổ, mất cả binh lính và dân thường. Chuyện này thật vớ vẩn.”

Ukraine đang nhận được sự chấp thuận từ các quốc gia NATO khác để sử dụng vũ khí được cung cấp của họ chống lại các mục tiêu bên trong Nga. Các quốc gia bao gồm Anh, Estonia, Latvia, Lithuania, Tây Ban Nha, Phần Lan và Ba Lan đã bày tỏ sự ủng hộ để Kyiv tấn công các mục tiêu của Nga ở bất cứ nơi nào họ chọn.

Hôm thứ Hai, 27 Tháng Năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mở màn cho việc giật sập các hạn chế mà một số nước phương Tây áp đặt lên Ukraine. Ông tin rằng “đã đến lúc xem xét một số hạn chế này” và mô tả tình thế hiện nay như việc trói một tay người Ukraine sau lưng họ. Lập luận và các ví dụ do Tổng thư ký NATO đưa ra đặt các chính trị gia chống lại việc Ukraine tấn công vào Nga bằng vũ khí phương Tây vào nguy cơ bị người dân coi là các chính trị gia ngớ ngẩn, và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai chính trị của họ.

Chỉ một ngày sau đó, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell đã nói rằng một số quốc gia Âu Châu đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế. “Các sự kiện đang thay đổi và con người cũng đang thay đổi,” ông nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đi đầu trong các quốc gia NATO từ lâu đang thúc đẩy hành động quyết đoán hơn ở Ukraine, cũng cho biết hôm thứ Ba rằng liên minh phải cho phép Kyiv “vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi hỏa tiễn được bắn đi, chứ không phải các mục tiêu dân sự hoặc quân sự khác. Chúng ta sẽ không leo thang căng thẳng khi làm điều này.”

Phát biểu cùng ông, Thủ tướng Đức Scholz có đặc điểm thận trọng hơn, cũng đồng ý, và nói thêm rằng bất kỳ việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây nào “phải luôn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

Tổng thống Biden đã phản đối rộng rãi bất kỳ sự leo thang nào có thể được cảm nhận ở Ukraine, chính quyền của ông ngăn cản các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga, thẳng thừng từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ bên trong biên giới Nga và bác bỏ khả năng NATO đưa bộ binh vào Ukraine.

“Chúng tôi sẽ không tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga ở Ukraine,” tổng thống nói ngay sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào mùa xuân năm 2022. “Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga là Thế chiến thứ ba. Và có điều gì đó chúng ta phải cố gắng ngăn chặn.”

Nhưng có dấu hiệu bất hòa trong chính quyền. Blinken và Bộ Ngoại giao của ông được cho là đang thúc đẩy việc nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ám chỉ về một sự thay đổi trong chính sách liên quan đến việc bắn hạ máy bay Nga hoạt động trên lãnh thổ Nga, trong tháng này nói rằng “động lực trên không hơi khác một chút”.

Trong khi sự hỗ trợ của Âu Châu đang tăng lên, Cherniev, người cũng là trưởng phái đoàn thường trực của Ukraine tại Hội đồng Nghị viện NATO, nói: “Chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng hơn là phải được sự cho phép của Mỹ”

“Tôi biết vấn đề này đang được thảo luận, nhưng chúng tôi vẫn chưa có quyết định,” ông nói thêm. “Tôi thực sự hy vọng rằng quyết định này sẽ được đưa ra càng sớm càng tốt và đó sẽ là một dấu hiệu cho các quốc gia khác”.

Hôm thứ Hai, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia đồng minh dỡ bỏ “một số hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do các đồng minh NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu hợp pháp ở Nga”.

Oleksandr Merezhko, một thành viên quốc hội và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan này, nói với Newsweek rằng ông “chắc chắn” rằng quyết định của Mỹ đã được đưa ra. “Đánh giá theo tuyên bố của Blinken, Mỹ không công khai khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine trên lãnh thổ Nga, nhưng đồng thời, sẽ không cấm các cuộc tấn công như vậy.”

Khi được yêu cầu cập nhật quan điểm của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao đã đề cập đến Newsweek trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, trong đó phát ngôn nhân Matthew Miller nói: “Chính sách của chúng tôi là không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài biên giới Ukraine. Nhưng nếu bạn nhìn vào phạm vi rộng lớn trong chính sách của chúng tôi, chúng tôi đã nói rõ rằng Ukraine không có người ủng hộ nào lớn hơn Hoa Kỳ.”

Tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư, 29 Tháng Năm, Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với các phóng viên rằng chính sách của Mỹ “vẫn giữ nguyên; không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.”

Điện Cẩm Linh đã tìm cách tận dụng những lo ngại của phương Tây về sự hiện diện sâu hơn ở Ukraine. Nhà độc tài Vladimir Putin nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Sự leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”. “Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở Âu Châu, tính đến sự ngang bằng của chúng ta trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược, Hoa Kỳ sẽ hành xử thế nào?”

Các đồng minh NATO đang tranh luận gay gắt về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và củng cố Kyiv khi nước này đang suy yếu trước cuộc tấn công đa hướng của Nga, kết hợp với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa liên tục trên toàn quốc.

Việc dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí, triển khai quân NATO không tham chiến trong nước và sử dụng hệ thống phòng không của đồng minh ở các quốc gia sườn phía đông để bảo vệ các khu vực của Ukraine đều đã được đề xuất. Tổng tư lệnh Ukraine, Oleksandr Syrskyi, tuần này đã ký một sắc lệnh cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp được phép sử dụng các căn cứ của Ukraine.

“Chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào về việc này từ bất kỳ quốc gia nào.” Cherniev nói về sự hiện diện của NATO trên mặt đất. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi cách mà quân đội phương Tây có thể tham gia vào việc bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi.”

Các lựa chọn được đưa ra bao gồm bố trí quân đội NATO dọc biên giới Ukraine với Belarus để ngăn chặn bất kỳ cuộc tái xâm lược nào từ phía bắc, cũng như thực hiện vai trò bảo vệ tương tự dọc theo khu vực Transnistria của Moldova liên kết với Nga trên biên giới phía tây nam Ukraine.

“Chúng tôi không nói về các cuộc đụng độ trực tiếp với người Nga ở Donbas hay Kharkiv”.

Nỗ lực của liên minh nhằm giành lại “sự thống trị leo thang” từ Mạc Tư Khoa diễn ra trong bối cảnh dòng viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã bị khựng lại một thời gian và lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Nghị viện Âu Châu trong năm nay sẽ làm gián đoạn thêm sự ủng hộ của NATO dành cho Kyiv.

Giống như tất cả các can thiệp lớn của phương Tây, tốc độ của các cuộc thảo luận hiện tại đôi khi có vẻ chậm chạp.

Cherniev nói: “Lần nào chúng tôi cũng nhận được những gì mình yêu cầu, nhưng sau sáu tháng, tám tháng, chín tháng, một năm thuyết phục. “Và nó khiến chúng tôi phải trả giá bằng mạng sống của mình, mạng sống của những người lính giàu kinh nghiệm nhất, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và thường dân của chúng tôi.”

Ông nói thêm: “Lãng phí thời gian này, chúng ta cho Nga thời gian chuẩn bị và việc đẩy họ ra khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm trở nên khó khăn hơn”. “Chúng tôi đã mất quân trong những tháng này khi phải chờ đợi những loại vũ khí khác nhau. Bây giờ cũng là tình huống tương tự.”