1. Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Thánh Stanislaus cho hòa bình ở Ukraine và Israel?

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư đã kêu gọi sự chuyển cầu của Thánh Stanislaus, vị thánh bảo trợ của Ba Lan, cho hòa bình ở Ukraine và Israel.

Phát biểu với những người hành hương Ba Lan tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay các bạn cử hành lễ trọng kính Thánh Stanislaus, giám mục tử đạo, quan thầy của quê hương các bạn”.

“Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết về ngài rằng từ trên trời cao, ngài đã chia sẻ những đau khổ và hy vọng của quốc gia anh chị em, duy trì sự sống còn của quốc gia này, đặc biệt là trong Thế chiến thứ hai”.

Đức Phanxicô cầu nguyện để nhờ sự chuyển cầu của Thánh Stanislaus chúng ta “có được, ngay cả ngày nay, món quà hòa bình ở Âu Châu và trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Ukraine và Trung Đông”.

Ba Lan có liên quan gì đến những cuộc chiến này?

Điều này xảy ra khi các cuộc chiến ở Ukraine và Israel tiếp tục kéo dài và hiện chưa có hồi kết. Với cả hai cuộc chiến tranh đang hoành hành ở những khu vực đông dân cư, dân thường, bao gồm cả trẻ em, đã phải gánh chịu hậu quả của các vụ đánh bom, tấn công bằng máy bay không người lái và nạn đói.

Trong khi đó, người dân Ba Lan đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine cũng như giúp đỡ thức ăn, quần áo và nơi ở cho gần 20 triệu người tị nạn Ukraine đã vượt qua biên giới Ba Lan kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Đức Phanxicô trước đây đã ca ngợi Ba Lan là một tấm gương bác ái trước những thảm kịch vì những nỗ lực của họ nhằm giúp đỡ người dân Ukraine.

“Anh chị em là những người đầu tiên ủng hộ Ukraine, mở cửa biên giới, trái tim và cánh cửa nhà anh chị em cho những người Ukraine chạy trốn chiến tranh”, Đức Thánh Cha nói với những người hành hương Ba Lan trong buổi tiếp kiến năm 2022. “anh chị em đang quảng đại cung cấp cho họ mọi thứ họ cần để sống có phẩm giá, bất chấp tình hình bi thảm hiện tại. Tôi vô cùng biết ơn anh chị em và chúc phúc cho anh chị em!”

Tại sao lại là Thánh Stanislaus?

Ba Lan, một quốc gia nổi tiếng với lòng nhiệt thành tôn giáo (85% theo Công Giáo Rôma), có lòng sùng kính sâu sắc đối với Thánh Stanislaus.

Thánh Stanislaus có tên đầy đủ là Stanislaus Szczepanowski, chào đời gần Krakow vào năm 1030. Sau khi cha mẹ qua đời, Stanislaus đã bố thí tài sản của mình cho người nghèo và trở thành linh mục.

Là một linh mục và sau đó là giám mục của Krakow, Stanislaus được biết đến như một nhà thuyết giáo mạnh mẽ chống lại sự vô đạo đức ở mọi tầng lớp trong xã hội. Ngài là người sớm truyền bá đức tin ở Ba Lan, khuyến khích Vua Ba Lan Boleslaus thành lập thêm tu viện trên khắp đất nước.

Cuối cùng, ngài phải gánh chịu cơn thịnh nộ của Vua Boleslaus vì đã lên tiếng chống lại sự vô đạo đức tình dục và sự tàn ác đối với người dân của nhà vua. Tức giận, nhà vua được cho là đã đích thân giết Stanislaus, đánh gục ngài khi ngài đang cử hành Thánh lễ. Stanislaus được tuyên bố là vị tử đạo và được phong thánh vào năm 1253, trở thành người Ba Lan gốc bản địa đầu tiên được phong thánh.

Trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla lúc bấy giờ đã đảm nhận “Tòa nhà Stanislaus” với tư cách là nhà lãnh đạo Tổng Giáo phận Krakow. Thánh Gioan Phaolô II thường ca ngợi Thánh Stanislaus và ca ngợi ngài là “nhà vô địch của tự do đích thực” và là vị thánh cho “thời kỳ hỗn loạn”.

Đức Gioan Phaolô II nói: “Có một mối liên kết thiêng liêng sâu sắc giữa hình ảnh vị quan thầy bảo trợ vĩ đại này của Ba Lan và vô số các vị thánh và chân phước, những người đã đóng góp to lớn vào sự tốt lành và thánh thiện trong lịch sử quê hương chúng ta”.

Trong một lá thư gửi người dân Tổng Giáo phận Krakow nhân kỷ niệm 750 năm phong thánh cho Thánh Stanislaus, Đức Gioan Phaolô II nói: “Vào buổi bình minh của lịch sử chúng ta, Thiên Chúa, Cha của các dân tộc và các quốc gia, đã cho chúng ta thấy qua vị thánh bảo trợ này rằng trật tự luân lý, tôn trọng luật Chúa và các quyền công bằng của mỗi người là điều kiện cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của mọi xã hội.”

Ngày nay, Thánh Stanislaus tiếp tục là nguồn cảm hứng cho lòng dũng cảm trong việc theo đuổi nhân quyền và phục vụ Thiên Chúa. Nơi chôn cất của ngài, trong Vương cung thánh đường Saint Stanislaus và Saint Wenceslaus ở Krakow, là một địa điểm hành hương nổi tiếng và là biểu tượng của bản sắc Ba Lan.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhận định rằng việc Nga tái cung hiến các nhà thờ Công Giáo cho Chính thống là một 'sự phạm thánh'

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã tố cáo việc Nga chiếm giữ một nhà thờ Công Giáo ở vùng Kherson của Ukraine, gọi việc tái cung hiến nhà thờ này cho Giáo hội Chính thống Nga là một “sự phạm thánh”.

Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nằm ở làng Oleksandrivka trong vùng Kherson bị tạm chiếm, đã bị chiếm và gia nhập vào Giáo Hội Chính thống Nga trong Tuần Thánh theo lịch Giuliô, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết trong bài giảng ngày 9 tháng 5 tại Nhà thờ Phục Sinh ở Kyiv.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng những hình ảnh của nhà thờ bị tịch thu – tôn vinh vai trò của tổng lãnh thiên thần với tư cách là người lãnh đạo thiên binh – gợi lên “những lời của tiên tri Ê-li, người đã kêu lên Chúa rằng: “bàn thờ bị phá huỷ, các ngôn sứ của Ngài bị sát hại bằng gươm. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng” (1 Vua 19:14).

Việc xây dựng nhà thờ bắt đầu vào năm 2017, khoảng 11 năm sau khi giáo xứ Chính thống giáo trước đây chính thức được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine.

Vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch thường xuyên của Nga nhằm đàn áp Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, gọi tắt là UGCC, cùng với Công Giáo nói chung và các tôn giáo khác, tại các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine.

Vào tháng 12 năm 2022, Yevgeny Balitsky, tên phản bội, được Putin bổ nhiệm làm thống đốc vùng Zaporizhzhia bị tạm chiếm, đã cấm UGCC, Hội Hiệp sĩ Columbus và Caritas, tổ chức nhân đạo chính thức của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, tố cáo tất cả họ là đặc vụ của tình báo phương Tây.

Viện Tự do Tôn giáo, gọi tắt là IRF, có trụ sở tại Kyiv báo cáo ngày 23 tháng 3 rằng kể từ đầu năm, các chiến binh Nga tự xưng là “Cossacks” đã chiếm giữ các nhà thờ UGCC và tài sản lân cận ở khu vực Donetsk của Ukraine, đồng thời cấm “các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine vào các nhà thờ để cầu nguyện và thờ phượng.”

IRF cho biết các quan chức xâm lược của Nga ở Donetsk cho đến nay vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu khôi phục quyền tiếp cận, khiến người Công Giáo Đông Phương “bị tước đi cơ hội đến thăm nhà thờ của họ và thực hiện các nghi lễ thiêng liêng”.

IRF lưu ý rằng các linh mục từng phục vụ các nhà thờ bị niêm phong “đã bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”.

Theo một nhà hoạt động nhân quyền, ở phía nam vùng Donetsk của Ukraine, hai linh mục Công Giáo Đông Phương người Ukraine đã bị bắt giữ tại nhà thờ của các ngài ở Berdiansk vào tháng 11 năm 2022. Các nhà thờ này đã được chuyển giao bất hợp pháp sang Chính thống Nga.

Theo Yevhen Zakharov thuộc Nhóm Bảo vệ Nhân quyền Kharkiv, Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Ivan Levitsky có thể đang bị giam trong một nhà tù điều tra ở vùng Rostov của Nga.

Cha Bohdan Geleta, người bạn Dòng Chúa Cứu Thế của Cha Levitsky, người đã phục vụ cùng cha tại Nhà thờ Giáng Sinh Mẹ Chí Thánh ở Berdiansk, được cho là bị giam giữ trong một nhà tù điều tra riêng biệt ở Crimea bị Nga tạm chiếm. Cha Geleta được biết là mắc bệnh tiểu đường cấp tính.

Ngay sau khi Cha Levitsky và Cha Geleta bị bắt, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, cho biết ngài đã nhận được “tin buồn rằng các linh mục của chúng tôi đang bị tra tấn không thương tiếc”. Đức Tổng Giám Mục đã liên tục kháng cáo để trả tự do cho các ngài.

Cả hai linh mục đã từ chối rời xa giáo dân của mình sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022.

Hai báo cáo chung của Viện New Lines và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg đã xác định cuộc xâm lược của Nga cấu thành tội diệt chủng, trong đó Ukraine báo cáo hơn 131.325 tội ác chiến tranh do Nga gây ra ở Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

Chuyên gia lịch sử Nga Mark Elliott thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết trong hai năm qua, các lực lượng Nga “đã chịu trách nhiệm gây thiệt hại hoặc phá hủy ít nhất 660 nhà thờ và các công trình tôn giáo khác, trong đó có ít nhất 206 nhà thờ của người Tin lành”.

“Tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Nga hiện đang lan rộng sang Ukraine”, Đức Tổng Giám Mục Borys A. Gudziak thuộc Tổng giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết trong buổi thuyết trình của CSIS.

Ngài cho biết: “Ở Nga, các tổ chức tôn giáo có thể hoạt động nếu họ ủng hộ Putin và chính phủ”. “Tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, những ai không tích cực ủng hộ chế độ xâm lược sẽ bị tiêu diệt.”


Source:National Catholic Register

3. Vị linh mục cải đạo sang Công Giáo từ Do Thái Giáo hô hào chống chủ nghĩa bài Do Thái và bảo vệ quyền của người Palestine

Trong bài “Chủ nghĩa bài Do Thái và Palestine”, một bài tiểu luận dài trên tờ báo Vatican, Cha David Neuhaus, Dòng Tên đã truy tìm lịch sử của chủ nghĩa bài Do Thái và lập luận rằng chủ nghĩa bài Do Thái đã là một “thảm họa đối với người Palestine”.

Vị linh mục, một người cải đạo từ Do Thái giáo và là cựu đại diện cho những người Công Giáo nói tiếng Do Thái tại Tòa Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, lập luận rằng chủ nghĩa bài Do Thái đã góp phần vào phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái

Giống như biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã thường được gọi là Shoah, đã định nghĩa ý thức về bản sắc của người Do Thái, Nakba, hay sự buộc người Palestine phải rời bỏ nhà cửa của họ, là một thời điểm quyết định trong bản sắc của người Palestine.

“Trong khi chiến thắng của quân Đồng minh và sự tiêu diệt chính phủ Đức Quốc xã đã chấm dứt Shoah, thì Nakba vẫn chưa kết thúc và cuộc sống của người Palestine vẫn tiếp tục dưới cái bóng của nó: lưu vong, bị xâm lược và phân biệt đối xử.”

Than thở về cả “chủ nghĩa cực đoan theo chủ nghĩa Do Thái chống Ả Rập và chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan của người Ả Rập”, Cha Neuhaus viết rằng “những người đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, những người bảo vệ quyền của người Palestine và những người thúc đẩy tầm nhìn về một xã hội dựa trên Israel/Palestine” về công lý, hòa bình, tự do và bình đẳng phải là đồng minh trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn chứ không phải là đối phương của nhau.”


Source:osservatoreromano.va