1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 -Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay

THỨ TƯ 28/2/2024

Giêrêmia 18:18-20

Thánh Vịnh 30(31):5-6, 14-16

Mt 20:17-28

“Anh em có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Mt 20:22

Trong một số trường hợp, Chúa Giêsu nói về chén mà Người phải uống, chiếc chén được Thiên Chúa Cha ban cho Người. Chẳng hạn, trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con; tuy nhiên, xin đừng theo ý con mà theo ý Cha” (Lc 22:42). Và khi Chúa Giêsu bị bắt, khi Phêrô rút gươm chém đứt tai người đầy tớ của vị thượng tế, Chúa Giêsu đã nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, Ta há chẳng uống chén Chúa Cha đã ban cho Ta sao?” (Ga 18:11). Nhưng cái chén này, cái chén được Chúa Giêsu uống là gì? Trong Cựu Ước, tái hiện hình ảnh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đổ vào cốc cho tội nhân uống (xem Tv 75:8, Is 51:17, Jer 25:15). Đó là hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt con người vì tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa quá nhiều.

Chỉ khi dân chúng đã uống cạn chén này thì cơn giận của Thiên Chúa mới nguôi đi.

Chúa Giêsu vô tội (Dt 4:15), tuy nhiên, dường như Người được trao chén này để uống. Tại sao? Có phải sự xúc phạm đến Thiên Chúa quá lớn đến nỗi, như Thánh Anselmô đề xuất, chỉ có một hy lễ hoàn hảo mới có thể chuộc tội lỗi của nhân loại? Thiên Chúa của tình yêu, lòng thương xót và lòng trắc ẩn vô hạn có đòi hỏi một sự hy sinh như vậy không?

Chỉ có Chúa mới có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng điều chúng ta có thể nói là mọi việc Chúa làm đều vì lợi ích của chúng ta. Không điều nào trong số đó là vì lợi ích của Chúa. Khi Chúa Giêsu mang hình ảnh chiếc chén đó lên mình, Ngài đang trấn an chúng ta rằng bất cứ hình phạt nào mà chúng ta là con người đáng phải chịu hoặc nghĩ rằng chúng ta xứng đáng vì tội lỗi của mình, bất kỳ hình phạt nào mà người khác đáng phải chịu, hoặc bất kỳ hình phạt nào mà chúng ta nghĩ người khác có thể đáng phải chịu vì tội lỗi của họ, thì Chúa Giêsu đang gánh chịu sự trừng phạt đó lên chính Ngài, trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa của tình yêu và lòng trắc ẩn không muốn từ chối chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.

2. Yulia Navalnaya gọi Putin là 'ác quỷ' và đặt câu hỏi về đức tin Kitô giáo của ông

Yulia Navalnaya, góa phụ của cố lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny, đã yêu cầu chính quyền Nga thả thi thể ông để gia đình chôn cất và cáo buộc tổng thống Nga là “ác quỷ” Vladimir Putin khi tiếp tục “tra tấn” thi thể người quá cố.

Trong đoạn video dài sáu phút được đăng trên YouTube, Navalnaya cáo buộc Putin giữ thi thể chồng cô làm “con tin” và đặt câu hỏi về đức tin Kitô giáo thường được tuyên xưng của Putin.

Mẹ của Navalny, Lyudmila hôm thứ Sáu cho biết các nhà điều tra Nga đã từ chối đưa thi thể của anh ra khỏi nhà xác ở thành phố Salekhard xa xôi ở Bắc Cực cho đến khi bà đồng ý để anh yên nghỉ mà không tổ chức tang lễ công khai.

Bà cho biết một quan chức đã nói với bà rằng bà nên đồng ý với yêu cầu của họ vì thi thể của Navalny đã đang phân hủy.

Hôm thứ Bảy, các trợ lý của Navalny nói rằng chính quyền đã đe dọa chôn cất ông tại khu nhà tù hẻo lánh nơi ông qua đời trừ khi gia đình ông đồng ý với điều kiện của họ.

Trong video, Yulia Navalnaya đầy xúc động khẳng định rằng cá nhân Putin phải chịu trách nhiệm về tung tích của thi thể Navalny và rằng ông ta đang “tra tấn” Navalny đến chết cũng như khi còn sống.

“Chúng tôi đã biết rằng niềm tin của Putin là giả tạo. Nhưng bây giờ chúng tôi thấy điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết”, Navalnaya mặc đồ đen nói. “Không một Kitô hữu chân chính nào có thể làm được những gì Putin đang làm với thi thể của Alexei.”

3. Bảy tu sĩ bị bắt cóc tại Haiti

Nạn bắt cóc tiếp tục xảy ra tại Haiti: Sáng thứ Sáu, ngày 23 tháng Hai vừa qua, sáu tu huynh Dòng Thánh Tâm đã bị một nhóm võ trang bắt cóc, trong khi đến trường Gioan XXIII, nơi các thầy dạy học.

Đó là trường duy nhất còn hoạt động trong vùng có nhiều nguy hiểm ở trung tâm thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Ngoài ra, cũng có một linh mục bị bắt cóc vừa sau khi cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Đức Mẹ Fatima thuộc khu vực “kỷ niệm 200 năm” cũng thuộc thủ đô của nước này.

Trong khi đó, Đức Cha Pierre-André Dumas, Giám mục Giáo phận Anse-à-Veau và Miragoâne, đã chịu hai cuộc phẫu thuật sau khi bị thương hôm Chúa nhật, ngày 18 tháng Hai vừa rồi, vì bị bắn tại một nhà nơi ngài cư ngụ trong cuộc viếng thăm tại Port-au-Prince. Báo chí địa phương cho biết Đức Cha đã bắt đầu ăn được và nay mai được chở sang Miami bang Florida ở Mỹ để tiếp tục chữa trị.

Haiti tiếp tục ở trong tình trạng bất an và bất ổn rất trầm trọng do tình trạng chính trị, và cảnh sát không chống lại được các băng đảng võ trang nhan nhản ở thủ đô. Các linh mục và tu sĩ thường là đối tượng cho những vụ bắt cóc do các nhóm bất lương. Họ nghĩ rằng Giáo hội Haiti giàu có và có thể trả tiền chuộc mạng. Vụ bắt cóc cách đây khoảng một tháng, là sáu nữ tu đi xe buýt bị nhóm võ trang chặn lại và bắt cóc. Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa ngày 21 tháng Giêng vừa rồi, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hòa hợp xã hội tại Haiti và ngài cũng kêu gọi mọi người góp phần chấm dứt nạn bạo lực từ lâu gây nên bao nhiêu đau khổ cho dân chúng.

4. Cha sở tại Gaza cho biết Tình hình bắc Gaza cam go hơn

Linh mục Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza, cho biết tình hình dân chúng ở miền bắc Gaza ngày càng khó khăn hơn: ngày càng ít lương thực có thể mua được, và những đồ ăn tìm được để mua thì lại quá đắt.

Cha Romanelli người Á Căn Đình, thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, từ 28 năm nay hoạt động tại Thánh địa. Ngày 07 tháng Mười năm ngoái, khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố của Hamas chống Israel, cha bị kẹt ở Bethlehem và từ đó cha chưa được quân đội Israel cho phép trở lại giáo xứ Thánh Gia của cha. Dầu vậy, cha vẫn có thể tiếp xúc hằng ngày với cha phó ở xứ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA, truyền đi ngày 24 tháng Hai vừa rồi, cha cho biết dân chúng ở Gaza thiếu thốn mọi sự. Hiện nay, vẫn còn 400.000 người ở thành phố Gaza. Đồ cứu trợ ít ỏi đưa tới, nhưng diễn ra trong tình trạng hỗn độn. Số các tín hữu Kitô ở Gaza bị giết từ đầu chiến tranh hoặc vì thiếu thuốc men và săn sóc y tế cho đến nay là 29 người, gần 2,9% Kitô hữu ở Gaza.

Theo cha Romanelli, hiện nay vẫn còn khoảng 600 tín hữu Kitô tại giáo xứ Thánh Gia. Ngoài ra, có 200 người tị nạn tại giáo xứ Chính thống ở Gaza. Trong khi đó nhiều gia đình bị kẹt ở miền nam Gaza không thể trở về thành phố Gaza. Kế hoạch di tản cộng đoàn giáo xứ về miền Nam Gaza hiện nay không được đặt ra.

Từ đầu chiến tranh ở Gaza đến nay, khoảng một triệu 100.000 người bị quân đội Israel yêu cầu rời bỏ miền bắc và phần lớn tị nạn tới thành phố Rafah ở miền nam. Cha Romanelli nói: “Chúng tôi cố gắng tiếp tục là một ốc đảo an bình. Ngoài việc đón nhận và giúp đỡ các tín hữu Kitô, trong cộng đoàn giáo xứ Thánh Gia cũng có mấy trăm người Hồi giáo láng giềng. Trong khuôn viên giáo xứ có một bệnh xá được thiết lập để săn sóc những người bị thương”.

5. Quân đội Israel yêu cầu giải tỏa giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Quân đội Israel muốn giải tỏa giáo xứ Thánh Gia, giáo xứ Công Giáo duy nhất tại Gaza.

Nữ tu Nabila, thuộc Dòng Mân Côi, nói với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 21 tháng Hai rằng: “Từ hôm qua, Israel lại dội bom vào khu vực chúng tôi. Chúng tôi lại ở dưới bom đạn và có tin từ Israel, theo đó quân đội nước này yêu cầu các thường dân phải di tản khỏi vùng này. Nhưng dù có nguy hiểm, những người tản cư trú ngụ trong khu vực giáo xứ, khoảng 600 người, quyết định tiếp tục ở lại giáo xứ”.

Cha sở Gabriel Romanelli của giáo xứ vẫn chưa được quân đội Israel cho phép trở về Gaza, nhưng cha vẫn luôn theo dõi tình hình xứ đạo của cha. Cha gọi tình trạng hiện nay là “con đường thánh giá của các Kitô hữu và dân chúng tại Gaza”. Tình trạng tiếp tục trở nên tệ hơn mỗi giờ, trong khi số nạn nhân từ đầu cuộc xung đột đến nay, tiếp tục lên cao. Trong thời gian gần đây, nhà bếp của giáo xứ hoạt động ba ngày mỗi tuần. Các tín hữu tìm cách kiếm lương thực như họ có thể. Bột mì chưa chế biến được sử dụng để nướng bánh, hiện thời đó là điều duy nhất họ có được”.

Cha Romanelli nói rằng: “Sau bốn tháng chiến tranh, dân chúng mệt mỏi, đau buồn, xuống tinh thần. Họ không thấy tương lai, dầu vậy họ cố gắng đứng lên bảo vệ giúp đỡ những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn họ”.