1. Một cái nhìn Kitô giáo về Tết Nguyên Đán

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài bình luận về sự giao thoa giữa Tết nguyên đán và thứ tư Lễ tro.

Năm nay một lần nữa, thời điểm bắt đầu Mùa Chay lại trùng với thời điểm bắt đầu Tết Nguyên Đán Năm con Rồng. Sự trùng hợp này có liên quan đến việc hai sự kiện được ấn định về thời gian theo âm lịch.

Thoạt nhìn, hai sự kiện có vẻ trái ngược nhau: Mùa Chay là thời gian ăn chay, kiêng thịt và sám hối, trong khi Năm Mới là thời gian vui mừng cử hành. Nhưng trong Thư Mục vụ Mùa Chay 2024, Đức Giám Mục Giuse Cam Tuấn Thâu (Gan Junqiu, 甘俊秋) người đứng đầu Tổng Giáo phận Quảng Châu, cho thấy tầm nhìn Kitô giáo có thể hóa giải mâu thuẫn rõ ràng này như thế nào. Đức Giám Mục Trung Quốc viết: “Trên thực tế, mọi hành động được thúc đẩy bởi ý định yêu thương cuối cùng đều hướng về Thiên Chúa. Như vậy, “khi chúng ta bỏ lại sự cô đơn của cuộc sống đô thị phía sau, chúng ta chấm dứt khoảng ngăn cách chúng ta với những người thân yêu của chúng ta và chúng ta trở về nhà, nơi niềm vui được ở bên gia đình ngự trị. Đồng thời, chúng ta có thể sống Phụng vụ Lễ Tro khi nhận ra rằng đó cũng là lời mời gọi từ Chúa Cha Hằng Hữu dành cho chúng ta, lời mời gọi trở về nhà.”

Trong Thư mục vụ Mùa Chay 2024 có tựa đề “Lạy Chúa, xin tạo cho con một trái tim trong sạch” (Tv 51:10), Đức Giám Mục Giuse Cam cho thấy “làm thế nào chúng ta, những Kitô hữu, có thể đắm mình trong tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trong kỳ nghỉ lễ gia đình này”. Năm Mới, Đức Giám Mục Quảng Châu nhấn mạnh, là “tống cựu nghinh tân (từ biệt quá khứ để chào đón tương lai)”. Trong hành trình Kitô giáo, cũng thế, kinh nghiệm tha thứ và thống hối vì tội lỗi của mình cũng là một “tống cựu” và một bước đi đầy tin tưởng hướng tới thời gian sắp tới. Trong cảm nghiệm như vậy, “chúng ta trở nên tràn đầy niềm vui và hy vọng vào cuộc sống, chúng ta được đổi mới bởi tình yêu Chúa Kitô, trong ân sủng của Thiên Chúa.”

Mùa Chay là “thời gian chuẩn bị cho niềm vui Phục Sinh”. Và chính xác, thời điểm Tết Nguyên Đán, Đức Cha Cam nhấn mạnh, là một cơ hội vàng để làm chứng cho đức tin Công Giáo trong và với gia đình mình. Người ta có thể tham dự “Thánh lễ tạ ơn đêm giao thừa cùng với gia đình, nơi cả gia đình có thể cùng nhau tạ ơn Chúa vì sự che chở và phúc lành của Người trong năm vừa qua, và xin Chúa chúc lành cho bình an, sức khỏe của các thành viên trong gia đình và công việc chúng ta.”

Bằng cách cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng có thể đón nhận, với lòng biết ơn Chúa Giêsu, tâm trạng lễ hội và biết ơn của Năm Mới âm lịch.” trong nền văn hóa truyền thống của chúng ta, nhưng chúng ta có thể chứng tỏ rằng đức tin Kitô giáo là một món quà luôn ở trong tâm hồn chúng ta, cho dù thế nào đi nữa”.

Trong lễ mừng Năm Mới – Đức Giám Mục Cam viết – các Kitô hữu có thể cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa cũng như chăm sóc người lân cận của mình.

“Tết Nguyên Đán là thời điểm tốt lành để chăm sóc người khác, bắt đầu từ người già, người bệnh, người cô đơn và những người gặp khó khăn. “Chúng ta có thể trải nghiệm được phước lành và bình an của Chúa trong Lễ hội mùa xuân bằng cách dành thời gian cho gia đình, cầu nguyện trong sự hiệp thông và quan tâm đến người khác”, Đức Giám Mục Cam kết luận.

2. Katalin Novák từ chức tổng thống Hung Gia Lợi

Katalin Novák từ chức tổng thống Hung Gia Lợi hôm thứ Bảy trong bối cảnh phản đối quyết định ân xá của cô vào năm ngoái cho một người đàn ông bị kết tội che giấu hàng loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong một nhà trẻ do nhà nước điều hành.

“Tôi đã ban hành lệnh ân xá khiến nhiều người hoang mang và bất ổn,” Novák nói trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào ngày 10 tháng 2. “Tôi đã phạm sai lầm.”

Một đồng minh thân cận của Thủ tướng Viktor Orbán, Novák, 46 tuổi, theo đạo Tin lành Calvin, đã là người đấu tranh phò sinh được yêu mến đối với nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vì sự ủng hộ mạnh mẽ của cô đối với các chính sách ủng hộ sự sống, và gia đình. Là mẹ của ba đứa con, cô là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hung Gia Lợi và là người trẻ nhất từng giữ chức vụ này.

Việc từ chức bất ngờ của cô đã giáng một đòn mạnh vào đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc Hung Gia Lợi Fidesz, là đảng cầm quyền từ năm 2010 với đa số theo hiến pháp.

Sự phản đối kịch liệt của công chúng về việc ân xá chỉ mới nổ ra trong tuần qua. Người đàn ông được cô ân xá vào tháng 4 năm 2023 đã bị ngồi tù từ năm 2018 sau khi bị kết án 8 năm tù vì tội lạm dụng tình dục ít nhất 10 đứa trẻ từ năm 2004 đến năm 2016.

Ở Hung Gia Lợi, quyền ân xá cá nhân được thực hiện bởi tổng thống nước cộng hòa, quyết định của Tổng thống được Bộ trưởng tư pháp ký xác nhận. Việc ân xá của tổng thống không bị kháng cáo về mặt pháp lý.

“Tôi đã quyết định ủng hộ sự khoan hồng vào tháng 4 năm ngoái với niềm tin rằng người bị kết án không lạm dụng sự tổn thương của những đứa trẻ được giao phó cho anh ta. Tôi đã phạm sai lầm,” Novák nói hôm thứ Bảy. “Tôi xin lỗi những người tôi đã làm tổn thương và bất kỳ nạn nhân nào có thể cảm thấy tôi không đứng lên bảo vệ họ.”

Ngay sau thông báo của tổng thống sắp mãn nhiệm, Bộ trưởng tư pháp, Judit Varga, người đã ký quyết định ân xá được đề cập, cũng từ chức và tuyên bố rút lui khỏi đời sống công cộng.

Tin tức này đến như một tiếng sét vang dội ở Hung Gia Lợi, nơi Novák và Varga đã khẳng định mình là những nhân vật tiêu biểu trong chính phủ Orbán trong hai năm qua. Nhưng về lâu dài, cái bóng này sẽ làm mất uy tín của đảng Fidesz, Novák đã xây dựng sự nổi tiếng của mình chính xác dựa trên hình ảnh đạo đức trung thực gắn liền với cô, cũng như các chính sách ủng gia cư và ủng hộ trẻ em được thực hiện khi cô còn là nhà lãnh đạo Bộ Công tác gia đình từ năm 2020 đến năm 2021.

Vào ngày 8 tháng 2, hai ngày trước khi Novák từ chức, Orbán đã thông báo trên trang Facebook của mình rằng ông đã thay mặt chính phủ của mình đệ trình một bản sửa đổi hiến pháp, khiến không thể ân xá cho thủ phạm gây ra tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Trong thông điệp có tựa đề “Không thương xót những kẻ ấu dâm”, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một tình huống ngoại lệ cho tất cả các tội ác đối với trẻ em.

Sau khi Novák từ chức, một nhóm người biểu tình do đảng Momentum đối lập dẫn đầu đã tập trung trước Cung điện Sándor, nơi ở chính thức của tổng thống nước cộng hòa ở Hung Gia Lợi, để yêu cầu chính phủ giải thích thêm.

Với 40 lệnh ân xá được cấp vào năm 2023, Novak, theo truyền thông quốc gia, là “người ban hành lệnh ân xá lớn nhất” trong lịch sử Hung Gia Lợi gần đây.


Source:Catholic News Agency

3. Lịch sử và ý nghĩa Thứ Tư Lễ Tro.

Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay” (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay” (Caput ieiunii), hay “ Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày” (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.

Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: “Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi” (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu “tro” đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: “Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời” (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).

Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro

Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết.

Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.

Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.

Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.

Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv... không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.