Những kẻ khủng bố đã xông vào một nhà thờ Công Giáo trong Thánh lễ hôm Chúa nhật ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, giết chết một người bằng cách bắn vào đầu anh ta. Kể từ đó, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công, theo vị giám mục địa phương, vụ việc xảy ra trong khi linh mục chủ tế đang truyền phép.

Vụ tấn công gần như trùng hợp với lễ kỷ niệm đầu tiên của trận động đất lớn giết chết hàng ngàn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào năm 2023, đặt ra câu hỏi liệu việc trở thành một Kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có nguy hiểm hay không và đất nước 99% theo đạo Hồi này hiếu khách như thế nào đối với những người khác đức tin.

Bất chấp các quy định về tự do tôn giáo hiện có trên giấy tờ ở Thổ Nhĩ Kỳ, các Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhiều giáo phái khác nhau ngày nay vẫn phải chịu đựng sức nặng của bộ máy quan liêu của chính phủ cũng như áp lực xã hội. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cho biết xã hội Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã chứng kiến “sự gia tăng rõ rệt các vụ phá hoại và bạo lực xã hội đối với các nhóm tôn giáo thiểu số”.

“Chính phủ cũng tiếp tục can thiệp quá mức vào công việc nội bộ của các cộng đồng tôn giáo. Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ lo ngại rằng những lời lẽ và chính sách của chính phủ góp phần tạo ra một môi trường ngày càng thù địch và ngầm khuyến khích các hành vi gây hấn và bạo lực xã hội”, USCIRF cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của khoảng 12.000 đến 16.000 người Do Thái, vài ngàn người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau và hàng trăm ngàn Kitô hữu. Theo báo cáo năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 25.000 người trong số đó là người Công Giáo Rôma, nhiều người trong số họ là người di cư từ Phi Châu và Phi Luật Tân.

Không giống như một số quốc gia có đa số người theo đạo Hồi khác, hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ xác định đất nước này là một nhà nước thế tục. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nó quy định quyền tự do lương tâm, niềm tin tôn giáo, quyền biểu đạt niềm tin và thờ phượng, đồng thời cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 95 quốc gia trên thế giới hình sự hóa tội báng bổ, trong trường hợp này là chống lại đạo Hồi, có thể bị phạt từ sáu tháng đến một năm tù.

Theo nhóm vận động Open Doors, sự hiện diện mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo và sự nhấn mạnh vào các giá trị Hồi giáo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra áp lực lên các tín hữu của các tín ngưỡng khác. Chính phủ cũng duy trì một danh sách các tôn giáo được công nhận và ghi danh, ghi nhận tín ngưỡng tôn giáo của người dân trên một con chip điện tử trên thẻ căn cước. Mặc dù Kitô giáo được công nhận rộng rãi, nhưng chính phủ không công nhận các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Chính thống Tông đồ Armenia và Kitô hữu Chính thống Đông Phương, cũng như người Do Thái.

Open Doors đưa tin: “Các Kitô hữu bị coi là có ảnh hưởng tiêu cực của phương Tây, và những người chọn theo Chúa Giêsu có thể phải đối mặt với áp lực từ gia đình và cộng đồng để từ bỏ đức tin của họ”.

Theo nhóm Bảo vệ các Kitô hữu, gọi tắt là IDC, các nhóm tôn giáo thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau phải đối mặt với những hạn chế về quyền sở hữu và duy trì tài sản, đào tạo giáo sĩ và cung cấp giáo dục tôn giáo. Đặc biệt, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục can thiệp vào việc điều hành Thượng hội đồng Thánh của Giáo hội Chính thống Đông Phương cũng như Tòa Thượng phụ Armenia, bao gồm cả việc lựa chọn lãnh đạo, IDC cho biết.

Dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, nhiều khía cạnh của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sự thiên vị đối với Hồi giáo, gây bất lợi cho các cộng đồng tôn giáo khác. Trong một động thái quan trọng vào năm 2020, Erdoğan đã chuyển đổi nhà thờ Hagia Sophia - trước đây là bảo tàng - và một nhà thờ Kitô giáo lịch sử khác ở Istanbul thành đền thờ Hồi giáo.

Các giáo đoàn Tin lành đã báo cáo những khó khăn về quan liêu do chính phủ gây ra. Bộ Ngoại giao báo cáo rằng Liên minh Tin lành Thế giới tiếp tục bày tỏ mối lo ngại về tình hình của những người theo đạo Tin lành trong nước, bao gồm cả việc các thành viên bị trục xuất và cấm tái nhập cảnh. Các báo cáo chỉ ra rằng chính phủ đã trục xuất 60 nhà truyền giáo Kitô nước ngoài trở lên và gia đình họ khỏi đất nước kể từ năm 2020.

Theo Open Doors, sự thù địch đối với các Kitô hữu đặc biệt gay gắt ở các khu vực nội địa, nơi có thái độ thường bảo thủ và thiên vị Hồi giáo. Nhóm cho biết hầu hết các cộng đồng Kitô giáo phi truyền thống, chẳng hạn như các giáo đoàn Baptist, Phúc Âm và Ngũ Tuần, sống ở các thành phố ven biển phía Tây, chẳng hạn như Istanbul, nơi có xu hướng tự do và thế tục hơn.

Tình trạng Thổ Nhĩ Kỳ là một nơi khó theo đạo Kitô đã có nguồn gốc lâu đời, mặc dù đất nước này là một trong những nơi ban đầu mà Kitô giáo phát triển mạnh mẽ.

Năm 1915, trong cái được gọi là Diệt chủng người Armenia, chính quyền Ottoman bắt đầu bắt giữ các trí thức và lãnh đạo người Armenia ở Constantinople. Đế chế bắt đầu một chiến dịch di dời hàng loạt người Armenia và các dân tộc thiểu số khác, bao gồm cả Kitô hữu Đông Phương, Syriac và Chanđê. Cuộc di dời bao gồm sự chia ly gia đình, các cuộc hành quân tử thần, nạn đói và các hành vi ngược đãi khác gây ra cho người dân Armenia chủ yếu theo Kitô giáo của đế chế. Ước tính có khoảng 1,5 triệu người Armenia đã thiệt mạng trong nạn diệt chủng, là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phủ nhận.


Source:Catholic News Agency