John M. Grondelski, trên Catholic Thing, ngày 24 tháng 1, 2024, nhận định rằng “sự chân thực” luôn là vấn đề lớn trong nhiều thập niên. Trở nên “chân thực” có nghĩa là không tuân thủ, “trung thực với chính mình” - thường được hiểu là việc nuông chiều những bản năng cơ bản của bạn mà không cần lý luận về chúng. Các nền văn hóa và “xã hội” Kitô giáo là kẻ thù không đội trời chung của “sự chân thực”. Bây giờ tất cả chúng ta đều là người theo Rousseau, đứng lên như các cá nhân, tự xác định “khái niệm của riêng mình về hiện hữu, ý nghĩa, [và] vũ trụ”. (Chánh án Kennedy, trong vụ Casey) Mà chủ yếu có nghĩa là: tình dục.

Đó là một quan điểm chủ đạo về sự chân thực nhưng có thể cho rằng nó không xác thực. Đó không phải là “bản ngã” của tôi y như “cái đó” [id] của tôi theo trường phái Freud được xác định là “bản ngã” của tôi.

Triết gia Germain Grisez nói về “sự chân thực” chân thực hơn như một trong tám điều tốt cơ bản của con người. (Theo thời gian, Grisez đã thay đổi “các điều tốt cơ bản” của mình một chút; phiên bản hay nhất có thể được tìm thấy trong cuốn sách của ông với Russell Shaw, Beyond the New Morality [Bên kia Nền Tân Luân Lý]).

“Chân thực” là một trong bốn điều tốt liên quan đến mối quan hệ giữa con người với nhau. Chúng bắt đầu bằng “sự chính trực”, tích hợp tất cả các bộ phận của con người – cảm xúc, bản năng, lý trí, ý chí – vào một hướng thống nhất nhất quán với cùng đích của chúng ta. Chỉ khi chúng ta không bị chia rẽ trong nội tâm, chúng ta mới có thể “chân thực”, tức là tiết lộ cho thế giới thấy những gì bên trong là một tổng thể thống nhất, chứ không phải là một mớ hỗn độn mâu thuẫn giữa bản năng, đam mê, cảm xúc và khẩu hiệu.

Chỉ khi nào “những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được” bên trong và bên ngoài, một người mới có thể tham gia vào các mối quan hệ với những người khác, tức là “tình bạn”. Và chỉ khi đó con người mới có thể bước vào các mối quan hệ với sự viên mãn của Ngôi Vị, tức là Thiên Chúa, tức là “tôn giáo”.

Sự chân thực đó thật khó. Đó không phải là “sự chân thực” của việc “hãy coi tôi như tôi cảm thấy thích nó”, bởi vì chủ trương đó có thể không chân thực với con người thật của tôi.

Tại sao lại phải nói về “sự chân thực”? Bởi vì có nhiều nỗ lực sử dụng “sự chân thực” một cách có chọn lọc để nâng cao quan điểm đạo đức tồi tệ.

Thí dụ, Patrick Healy, gần đây đã viết trên tờ New York Times về Fiducia supplicans, Tuyên bố cho phép ban phúc lành cho các “cặp” đồng tính: “Tôi Biết Mẹ Tôi Yêu Tôi. Lẽ ra Giáo hội có thể giúp Bà chấp nhận tôi.”

Fiducia là hiện thân của cơn cuồng nhiệt hiện nay trong Giáo hội về việc “chào đón”, nhưng phớt lờ cách Chúa Giêsu “chào đón” mọi người đến với Vương quốc: “Hãy ăn năn!” Metanoiete theo nghĩa đen có nghĩa là “quay lưng” - từ tội lỗi sang Thiên Chúa – bị việc nói đến hạn từ “chào đón” một cách lập lờ tránh đề cập đến.

Mọi người đều được ban phép lành vào cuối Thánh lễ, bất kể tình trạng đạo đức của họ. Nhưng là một phép lành để lên đường trong tuần tới và trở nên tốt hơn. Không có sự mâu thuẫn giữa tính chính trực của bạn – lý do bạn ở đây – và sự chân thực của bạn.

Nhưng hai người tự trình bày như một “cặp” sống trong một cuộc kết hợp “bất hợp lệ” – hai người đồng tính luyến ái hoặc những người “ly dị và tái hôn” – đều không chân thực và ở trong một tình huống mơ hồ. Có sự không ăn khớp giữa những gì Giáo hội dạy và cách họ tự trình bầy để được ban phước – hãy chứng kiến những nỗ lực méo mó để phân tích ngữ pháp “các cá nhân” và “các cặp” trong một số phép toán mới của Giáo hội trong đó 1 + 1 ≠2. Những điều này đặt ra câu hỏi về “sự chân thực” về phía Giáo hội.

Narcissus phải lòng với hình ảnh phản chiếu của chính mình bởi Peter Paul Rubens, 1636 [Bảo tàng Boijmans Van Beuningen, Rotterdam, Hà Lan]


Bài báo của Healy thực hành sự chân thực có chọn lọc. Điểm chính trong lập luận của ông là, nếu Giáo hội trước đây “chấp nhận” nhiều hơn những người đồng tính tích cực, thì những người khác – như mẹ ông – cũng sẽ “chấp nhận” nhiều hơn. Mẹ ông không hề tỏ ra “vui mừng” khi ông thông báo ông đã cầu hôn một người đàn ông khác. “Bà chưa bao giờ đến thăm nhà chúng tôi.”

Ông bắt đầu đặt câu hỏi liệu bà có phải là người phụ nữ “dũng cảm” mà ông đã tưởng tượng về bà khi còn nhỏ hay không. Và ông đổ lỗi cho Giáo hội cho đến khi có Fiducia tội đồng lõa, đặt ra một câu hỏi đầy hy vọng: “Liệu phước lành mới này có giúp ích gì không... trong việc thu hẹp sự căng thẳng [giữa]...việc chấp nhận nhiều hơn trong xã hội nhưng lại bị lên án hoặc thiếu tôn trọng trong chính gia đình chúng ta?”

Bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên, sứ mệnh của Giáo hội không phải là cổ vũ lối sống của bạn mà là đặt mọi lối sống dưới sự giám sát của Tin Mừng, kêu gọi hoán cải ở những nơi cần thiết. Ai cho rằng sứ mệnh của Giáo hội là tuyên bố “Tôi ổn, bạn ổn” đã nhầm lẫn về cả Giáo hội lẫn sứ mệnh.

Ông đã nhầm lẫn về Giáo hội, bởi vì Giáo hội hiện hữu để nuôi dưỡng cuộc sống được mô phỏng theo chân lý trọn vẹn của Tin Mừng, chứ không phải những quan điểm chọn lọc về việc “chấp nhận” tách rời khỏi đạo đức Kitô giáo.

Ông cũng sai lầm về sứ mệnh, bởi vì sứ mệnh Kitô giáo là cả bạn lẫn tôi đều không “ổn”, bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Tuy nhiên, bằng cách chấp nhận những đòi hỏi và lối sống của Tin Mừng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được ổn định. Điều đó rất khác với việc mong đợi Giáo hội trở thành nơi cổ vũ cho bản thân bạn.

Thứ hai, trong khi tác giả chắc chắn tin vào sự chân thực, tôi không chắc ông đã hiểu được yêu cầu của nó. Ông coi tầm nhìn của mình về bản thân là “chân thực”. Nhưng những người yêu cầu người khác – cá nhân và tổ chức – khẳng định “tính chân thực” của họ đang từ chối những người khác những gì họ yêu cầu. Tôi không nghi ngờ gì mẹ của Healy yêu ông. Đó là những gì cha mẹ làm. Nhưng điều đó không nhất thiết đòi hỏi mẹ của Healy phải chấp nhận mọi lựa chọn, hành vi hoặc lối sống của ông. Đó không phải là tình yêu của cha mẹ.

Cha mẹ yêu thương những đứa con mà những quyết định và cuộc sống của chúng có thể khiến họ thất vọng. Đôi khi cha mẹ thậm chí còn cho rằng những quyết định và cuộc sống đó là sự tự hủy hoại bản thân. Đứa con có thể không đồng ý, nhưng đứa con không có cơ sở để yêu cầu cha mẹ từ bỏ “tính chân thực” của mình để trở thành một tiếng nói khẳng định khác trong dàn đồng ca. Cha mẹ có quyền, thậm chí đôi khi có nghĩa vụ, đưa ra quan điểm bất đồng; đó là một phần tính chân thực của họ.

Nó đặc biệt là một phần tính chân thực của họ khi nó xuất phát từ chiều sâu và nguồn gốc của đức tin.

Cha mẹ là người độc nhất nhận thức được danh tính của đứa trẻ, ngay cả trước khi đứa trẻ đó có bất cứ suy nghĩ tỉnh táo nào về điều đó. Trên thực tế, cha mẹ giúp xác định danh tính, gắn kết đứa con này vào một gia đình và một lịch sử, đặt tên cho một người có giới tính đã được xác định theo cơ chế sinh học của nó. Người ta có thể cho rằng cha mẹ có thể hiểu con mình hơn chính đứa con đó. Và gia đình đôi khi là nơi duy nhất trong đó ai đó thực sự được nói ra sự thật.

Vì vậy, trong khi bạn được hưởng tình yêu thương của cha mẹ và Giáo hội, bạn không được quyền làm tổn hại đến tính chân thực của họ nhân danh sự “chấp nhận” của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đang tự hào khẳng định rằng bạn “chân thực” hơn những người khác.