1. Giám mục Peru Escudero đưa ra lời phê bình toàn diện về việc chúc phúc cho các cặp vợ chồng bất hợp pháp

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Peruvian Bishop Escudero delivers comprehensive critique of blessing irregular couples.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đưa ra lời phê bình mạnh mẽ và thấu đáo đối với Fiducia Supplicans, Đức Giám Mục Rafael Escudero của Peru đã ra lệnh cho các linh mục của mình “không được thực hiện bất kỳ hình thức ban phước lành nào” cho các cặp đồng giới hoặc các cặp vợ chồng trong tình trạng bất hợp lệ.

“Vào ngày thụ phong giám mục, tôi đã long trọng thề ‘sẽ gìn giữ kho tàng đức tin tinh tuyền, phù hợp với truyền thống luôn luôn và ở mọi nơi được tuân giữ trong Giáo hội kể từ thời các Tông đồ. Vì lý do này, tôi khuyên nhủ các linh mục của Giáo hạt Moyobamba không được thực hiện bất kỳ hình thức ban phước lành nào cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ hoặc cho các cặp đồng giới”, Đức Giám Mục của giáo phận lãnh thổ Moyobamba thuộc Peru giải thích trong một thông điệp mục vụ được đăng trên trang web của giáo phận.

Đức Cha Escudero nhận xét rằng tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin “gây tổn hại đến sự hiệp thông của Giáo hội, vì những phúc lành như vậy mâu thuẫn trực tiếp và nghiêm trọng với sự mặc khải của Thiên Chúa cũng như giáo lý và việc thực hành không gián đoạn của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả huấn quyền gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là lý do tại sao không có trích dẫn nào trong suốt tuyên bố được hỗ trợ bởi huấn quyền trước đó.”

“Trong 'Phản hồi' năm 2021, Bộ Giáo lý Đức tin đã nói với chúng ta với chữ ký của Đức Thánh Cha rằng 'Giáo hội không có quyền và không thể ban phước cho sự kết hợp của những người cùng giới tính,'“, Đức Cha Escudero lưu ý.

Fiducia Supplicans, được phát hành vào ngày 18 tháng 12 năm ngoái, cho phép ban phước lành mục vụ “tự phát” cho “các cặp đồng giới” và các cặp vợ chồng khác trong “những hoàn cảnh bất thường”. Nó không cho phép các phép lành phụng vụ dành cho các cặp đồng tính luyến ái và quy định rằng các phép lành mục vụ không được ban hành “đồng thời với các nghi lễ của sự kết hợp dân sự, và thậm chí không liên quan đến chúng. Nó cũng không thể được thực hiện với bất kỳ trang phục, cử chỉ hay lời nói nào phù hợp với một đám cưới.”

Tuyên bố này nhanh chóng gây ra những phản ứng chào đón cũng như bác bỏ từ các giám mục trên khắp thế giới. Theo Đức Cha Escudero, văn bản này đã dẫn tới “sự hoang mang chưa từng có” giữa “các giáo sĩ và nhiều tín hữu” trong phạm vi quyền hạn của ngài.

Sau nhiều ngày cầu nguyện và suy ngẫm, vị Giám Mục kết luận rằng việc chúc lành cho những cặp vợ chồng này “là một sự lạm dụng nghiêm trọng danh thánh thiêng liêng nhất của Thiên Chúa, khi kêu cầu Ngài chúc lành cho các kết hợp tội lỗi một cách khách quan như gian dâm, ngoại tình, hoặc thậm chí tệ hơn là hoạt động đồng tính luyến ái..”

“Hơn nữa, trong trường hợp cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng 'các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là rối loạn và trên hết, trái với luật tự nhiên' (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 2357). Thiên Chúa không bao giờ chúc lành cho tội lỗi. Thiên Chúa không tự mâu thuẫn với chính mình. Chúa không nói dối chúng ta. Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương những người tội lỗi vô điều kiện, do đó tìm cách để họ ăn năn, hoán cải và được sống”, vị giám mục tuyên bố.

Theo Đức Cha Escudero, “chúc lành cho một cặp vợ chồng” cũng giống như “chúc lành cho sự kết hợp tồn tại giữa họ”, vì “không có cách nào hợp lý và thực sự để phân biệt điều này với điều kia. Tại sao họ lại cầu xin một phước lành cùng nhau chứ không phải hai phước lành cho hai cá nhân riêng biệt?”

Đối với vị giám mục của giáo phận Moyobamba, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn, vì một số giám mục và linh mục, “đi ngược lại đạo đức khách quan của Thánh Kinh và truyền thống thiêng liêng, đã khiến dân Chúa trong một thời gian dài bối rối với việc ban phép lành bừa bãi của những người này một cách khách quan”. Do đó, chúc lành cho sự kết hợp mất trật tự, và do đó là tội lỗi, là một tội phạm thánh khủng khiếp.”

Đức Cha Escudero không chỉ ra lệnh cho các linh mục của mình không được ban phép lành cho các cặp đồng giới hoặc trong tình trạng trái luật, mà còn khuyến khích họ tiếp tục “tuân theo các thực hành không gián đoạn của Giáo hội cho đến nay, đó là ban phước cho từng cá nhân mọi người xin phép phước lành.”

“Chúng ta sẽ tránh mọi tai tiếng, nhầm lẫn, xúi giục phạm tội, đồng thời chúng ta sẽ tiếp tục thể hiện lòng thương xót mà Giáo hội luôn thể hiện đối với mọi tội nhân đến gần mình, trên hết là cống hiến sự hoán cải, tha thứ, đời sống ân sủng, và sự sống vĩnh cửu. Giáo hội chúc lành cho những người tội lỗi, nhưng không bao giờ chúc lành cho tội lỗi hay mối quan hệ tội lỗi của họ”, ngài nhấn mạnh.

Vì vậy, Đức Cha Escudero nói tiếp rằng các giáo sĩ, ngoài “bác ái mục vụ”, có nhiệm vụ kêu gọi những người đang ở trong tình trạng tội lỗi hoán cải.

“Bất kỳ tội nhân chân thành ăn năn nào với ý định kiên quyết ngừng phạm tội và chấm dứt tình trạng tội lỗi công khai của mình (chẳng hạn như sống chung ngoài một cuộc hôn nhân hợp lệ theo giáo luật hoặc sự kết hợp đồng giới), có thể nhận được một phước lành và thậm chí còn tốt hơn nữa, là Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể,” ngài giải thích.

Đức Cha Escudero cũng yêu cầu các linh mục và giáo dân không giảm thiểu “những hậu quả mang tính tàn phá và ngắn hạn do nỗ lực của một số đấng bậc trong Giáo hội thực hiện nhằm hợp pháp hóa những phước lành như vậy”.

Cuối cùng, ngài “thân ái khuyến khích những người cảm thấy bị thu hút đồng giới hoặc sống trong một cuộc kết hợp đồng tính luyến ái hoặc bất hợp lệ hãy đến gần Chúa Kitô hơn qua việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, ăn chay, sám hối và sự giúp đỡ của Đức Trinh Nữ Maria để hướng tới sự hoán cải, tận dụng cơ hội hoán cải mà Thiên Chúa ban cho họ để có một cuộc sống hạnh phúc hơn và có được cuộc sống vĩnh cửu.”

“Tương tự như vậy, tôi kêu gọi các linh mục và tín hữu trong giáo phận hãy tiếp tục vun trồng mối hiệp nhất hiếu thảo của họ với vị giáo hoàng đương nhiệm của Giáo hội thánh thiện của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với những người đi trước ngài và với những người sẽ đến sau ngài. Sự hiệp thông này là điều thúc đẩy tôi viết lá thư mục vụ này,” ngài kết luận.

Source:Catholic News Agency

2. Hàng ngàn quà tặng của Đức Thánh Cha được bày bán để làm việc nghĩa

Hàng ngàn quà tặng Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được trong 11 năm qua, đang được bày bán trong Vatican để làm việc nghĩa.

Hiện nay cửa hàng ở Nội thành Vatican, gần Phủ Thống đốc và Nhà ga cũ của Vatican đang bày bán các đồ kỷ niệm này, cạnh các món hàng khác, từ mỹ phẩm cho đến dụng cụ gia chánh, vali, y phục hàng hiệu và máy móc.

Các món quà Đức Thánh Cha đã nhận được bày bán: món rẻ nhất giá 25 Euro và món đắt giá nhất giá 6.500 Euro. Đó là giá tối thiểu được ấn định. Khách hàng có thể trả hơn, cho việc nghĩa. Một chiếc bút máy màu nâu và bạc của thương hiệu độc quyền của Đức, giá là 1.800 Euro, bên cạnh có tượng một con chim lớn màu bạc được bán với giá ít nhất 1.950 Euro.

Trong các cuộc tiếp kiến và gặp gỡ hầu như hằng ngày, hoặc trong các chuyến tông du đây đó, Đức Thánh Cha thường nhận được các món quà, ví dụ, năm nay có tài tử Sylvester Stallone từ Hollywood, Tổng thống Lula da Silva của Brazil, hoặc nhóm cầu thủ bóng đá Celtic Glasgow.

Tổng thống Lula tăng Đức Thánh Cha bức tranh Thánh Gia và tượng Đức Mẹ Nazareth. Các cầu thủ bóng đá xứ Ecosse tặng ngài chiều áo cầu thủ có chữ Francis sau lưng.

Có những món quà tặng Đức Thánh Cha được giữ lại và trưng ở Bảo tàng viện Vatican, như một gia đình đóng thuyền ở miền nam Ý đã tặng ngài chiếc thuyền bằng gỗ dài 9 mét, giống như thuyền các ngư phủ xưa kia sử dụng ở hồ Galilea thời Chúa Giêsu. Chiếc thuyền này được trưng ở Bảo tàng viện Vatican từ tháng Mười năm nay.

Dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, nhiều món quà các ngài đã nhận, được tặng lại cho Vệ binh Thụy Sĩ, hoặc Hiến binh Vatican, để họ rút số nhận quà dịp lễ Giáng Sinh.

3. Bộ Phong thánh cứu xét phép lạ của chân phước Takayama Ukon

Bộ Phong thánh đang cứu xét một phép lạ của chân phước Justus Takayama Ukon và nếu được công nhận, Giáo hội sẽ có vị hiển thánh đầu tiên xuất thân từ một kiếm sĩ-Samurai, Nhật Bản.

Theo tin của hãng CBCP News thuộc Hội đồng Giám mục Philippines, Đức Hồng Y Thomas Aquinas Manyo Maeda, Tổng giám mục Giáo phận Osaka, Nhật Bản, cho biết như trên, hôm 22 tháng Mười Hai vừa qua, nhân dịp hướng dẫn 30 tín hữu người Nhật tham dự cuộc hành hương hằng năm tại Manila, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Mười Hai vừa qua, tại nơi chân phước Takayama lưu vong và qua đời.

Chân phước Justo Takayama Ukon, cũng gọi là Cao San Hữu Cận, sinh năm 1552, được rửa tội năm lên 12 tuổi và được các cha Dòng Tên hướng dẫn. Ông cũng là một kiếm sĩ Samurai. Đến thời tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cấm đạo Kitô, các kiếm sĩ khác đều tuân hành, ngoại trừ Takayama Ukon. Ông bị tước hết chức tước và quyền lợi dành cho hàng quý tộc và phải cùng với 300 đồng đạo lưu vong sang Manila, và qua đời tại đây, ngày 04 tháng Hai năm 1615, thọ 63 tuổi.

Ông được tôn phong chân phước ngày 07 tháng Hai năm 2017 tại Osaka, trong thánh lễ tại Osaka, do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đại diện Đức Thánh Cha chủ sự. Trong bài giảng, Đức Hồng Y đã ca ngợi vị tân chân phước là “Người thăng tiến không biết mệt mỏi công cuộc loan báo Tin mừng tại Nhật Bản. Người thực là chiến sĩ của Chúa Kitô, không phải bằng võ khí, nhưng bằng lời nói và gương lành. Chân phước đã được giáo dục về sự tôn trọng danh dự và lòng trung thành, đã trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Giêsu, lòng trung thành này mạnh mẽ đến độ đã an ủi người trong cảnh lưu vong và bị bỏ rơi.” “Tuy nhiên, sự mất mát địa vị đặc ân và lâm vào một cuộc sống nghèo khổ, thầm lặng không làm cho người sầu muộn, nhưng trái lại, làm cho người thanh thản, vui tươi, vì trung thành với những lời hứa khi chịu phép rửa tội”.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 08 tháng Hai năm 2017, ngài nhận định rằng: “Thay vì chiều theo những thỏa hiệp, chân phước Takayama Ukon đã từ bỏ những vinh dự và cuộc sống tiện nghi sang trọng, chấp nhận tủi nhục và lưu đày. Người trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng, vì thế, người là tấm gương đáng ca ngợi về sự vững mạnh trong đức tin và lòng tận tụy trong đức bác ái.”