1. Vatican đáp lại với những phản ứng dữ dội lan rộng về Tuyên ngôn Fiducia Supplicans

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Vatican responds to widespread backlash on same-sex blessing directive” nghĩa là “Vatican đáp lại với những phản ứng dữ dội lan rộng về chỉ thị ban phước cho người đồng giới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm thứ Năm, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đưa ra phản hồi nhằm “làm rõ việc tiếp nhận Fiducia Supplicans” trong bối cảnh quốc tế phản ứng dữ dội đối với tuyên bố gần đây của Vatican về các phước lành đồng giới.

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã công bố một thông cáo báo chí dài 5 trang vào ngày 4 Tháng Giêng đề cập đến Fiducia Supplicans như là “đạo lý thường hằng” của Giáo Hội, và nhấn mạnh rằng các phép lành mục vụ dành cho các cặp trong các tình huống bất hợp lệ, không nên là “sự chứng thực cho lối sống của những người yêu cầu những phép lành ấy”.

Hồng Y Fernández nói rằng những phản hồi mà ngài nhận được từ các hội đồng giám mục trên khắp thế giới đối với tuyên bố nêu bật “sự cần thiết phải có một thời gian suy tư mục vụ kéo dài hơn” và rằng những gì được thể hiện trong các tuyên bố của các giám mục này “không thể được hiểu là sự phản đối về mặt giáo lý bởi vì văn kiện là rõ ràng và dứt khoát về hôn nhân và tình dục.”

“Không có chỗ nào để chúng ta tách biệt về mặt giáo lý với tuyên bố này hoặc coi nó là dị giáo, trái với Truyền thống của Giáo hội, hoặc báng bổ,” Đức Hồng Y nói, đồng thời chỉ vào một vài đoạn trong văn bản của tuyên bố ban đầu khẳng định quan điểm của Giáo hội và giáo lý về hôn nhân.

Lời giải thích được công bố hai tuần rưỡi sau khi Tuyên ngôn Fiducia Supplicans được công bố ngày 18 tháng 12, và sau đó đã gây ra phản ứng dữ dội từ các giám mục ở một số quốc gia Phi Châu và Đông Âu cũng như sự hoang mang và chia rẽ từ các nơi khác trên thế giới.

Một số giám mục đã hoan nghênh tuyên bố này, một số tiếp cận nó một cách thận trọng, còn những người khác thì từ chối thực hiện nó.

Trong thông cáo báo chí, được xuất bản bằng sáu thứ tiếng, Hồng Y Fernández cung cấp một “ví dụ cụ thể” về “các phước lành mục vụ” tự phát có thể trông như thế nào trong thực tế, đồng thời giải thích rằng chúng chỉ nên kéo dài “khoảng 10 hoặc 15 giây”.

“Vì một số người đã nêu lên câu hỏi về những phúc lành này có thể trông như thế nào, chúng ta hãy xem xét một ví dụ cụ thể: Chúng ta hãy tưởng tượng rằng trong số đông người đang hành hương, một vài người đã ly dị, hiện đang trong một cuộc kết hợp mới, nói với linh mục. 'Xin ban phước lành cho chúng tôi, chúng tôi không tìm được việc làm, anh ta ốm nặng, chúng tôi không có nhà và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn: Xin Chúa giúp đỡ chúng tôi!”

“Trong trường hợp này, linh mục có thể đọc một lời cầu nguyện đơn giản như thế này: ‘Lạy Chúa, xin hãy nhìn đến những đứa con này của Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, công việc, bình an và giúp đỡ lẫn nhau. Hãy giải thoát họ khỏi mọi điều trái ngược với Tin Mừng của Chúa và cho phép họ sống theo ý muốn của Chúa. A-men.' Sau đó nó kết thúc bằng dấu thánh giá trên mỗi người.”

Hồng Y Fernández nói rằng các linh mục ban những phép lành này “không nên áp đặt các điều kiện” hoặc “hỏi thăm về đời sống thân mật của những người này”.

Ngài nói thêm rằng “hình thức làm phép lành không theo nghi thức này, với hình thức đơn giản và ngắn gọn, không có ý biện minh cho bất cứ điều gì không được chấp nhận về mặt đạo đức”.

Hồng Y Fernández nói thêm: “Do đó, rõ ràng là việc ban phép lành không được diễn ra ở một nơi nổi bật trong một tòa nhà linh thiêng, hoặc trước bàn thờ, vì điều này cũng sẽ tạo ra sự nhầm lẫn”.

Thật ra những điều mà Hồng Y Fernández vừa đề cập đến là một sự ngụy biện quá trắng trợn không xứng đáng với tư cách một Hồng Y. Trong thực tế, từ ngàn xưa đến nay, các linh mục luôn luôn chúc lành cho từng cá nhân những ai xin các ngài ban phép lành, và cũng chẳng linh mục nào “áp đặt các điều kiện” hoặc “hỏi thăm về đời sống thân mật của những người này”.

Thông cáo báo chí không hề đề cập bất cứ điều gì về các trường hợp trong đó các linh mục đã vi phạm các điều khoản được quy định trong tuyên bố Fiducia Supplicans, vốn yêu cầu các phép lành phải tự phát và không thể là “một phép lành tương tự như một nghi thức phụng vụ có thể gây nhầm lẫn”.

Hồng Y Fernández nhấn mạnh rằng “sự mới lạ thực sự của tuyên bố này” là “lời mời phân biệt giữa hai hình thức ban phép lành khác nhau: 'phụng vụ hoặc nghi thức hóa' và 'tự phát hoặc mục vụ'“.

“Chủ đề trọng tâm … là có một sự hiểu biết rộng hơn về các phép lành và đề xuất rằng các phép lành mục vụ này, vốn không đòi hỏi những điều kiện giống như các phép lành trong bối cảnh phụng vụ hoặc nghi lễ, sẽ phát triển. Do đó, gạt những cuộc bút chiến sang một bên, văn bản đòi hỏi một nỗ lực để suy ngẫm một cách thanh thản, với trái tim của những mục tử, thoát khỏi mọi ý thức hệ,” ngài nói.

Thông cáo báo chí của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng tuyên bố chúc lành cho người đồng giới có thể cần nhiều thời gian hơn để áp dụng “tùy thuộc vào bối cảnh địa phương và sự phân định của mỗi giám mục giáo phận với giáo phận của mình”.

Hồng Y Fernández nói: “Ở một số nơi, không có khó khăn gì khi áp dụng ngay lập tức, trong khi ở những nơi khác, không cần thiết phải giới thiệu chúng mà vẫn dành thời gian cần thiết để đọc và giải thích”.

Hồng Y Fernández nói thêm rằng thật tốt khi một số giám mục đã quy định rằng các linh mục chỉ thực hiện những phép lành này một cách riêng tư, miễn là điều này “được thể hiện với sự tôn trọng thích đáng đối với một văn bản được chính Đức Giáo Hoàng ký và phê duyệt, trong khi cố gắng thực hiện một cách nào đó để điều chỉnh sự phản ánh chứa đựng trong đó.”

Việc làm rõ cũng lưu ý rằng ở những quốc gia có “luật lên án hành động đơn thuần tuyên bố mình là người đồng tính luyến ái và phải ngồi tù và trong một số trường hợp bị tra tấn và thậm chí tử hình, thì không cần phải nói, việc ban phước lành sẽ là thiếu thận trọng”.

Thông cáo báo chí được ký bởi Hồng Y Fernández và Đức ông Armando Matteo, thư ký bộ phận giáo lý của thánh bộ.

“Tất cả chúng ta sẽ phải làm quen với việc chấp nhận thực tế rằng, nếu một linh mục ban những phép lành đơn giản này, thì ngài không phải là một kẻ dị giáo, ngài không phê chuẩn bất cứ điều gì cũng như không phủ nhận giáo lý Công Giáo,”

“Chúng ta có thể giúp dân Chúa khám phá ra rằng những loại phước lành này chỉ là những kênh mục vụ đơn giản giúp mọi người bày tỏ đức tin của mình, ngay cả khi họ là những tội nhân nặng nề. Vì lý do này, khi ban phép lành cho hai người đến với nhau để xin điều đó một cách tự phát, chúng ta không thánh hiến họ cũng không chúc mừng họ và cũng không thực sự tán thành kiểu kết hợp đó.”


Source:Catholic News Agency

2. Nhìn lại năm 2023: Hai mươi nhà truyền giáo Công Giáo bị giết!

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã công bố danh sách hàng năm các nhà truyền giáo Công Giáo bị giết để làm chứng cho đức tin. Năm 2023, 20 vị truyền giáo bị giết, trong đó Phi Châu chiếm con số cao nhất.

Theo Thông tấn xã Fides, 20 nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên khắp thế giới vì bạo lực nhiều hơn hai người so với năm 2022.

Danh sách bao gồm một giám mục, tám linh mục, hai tu sĩ, một chủng sinh, một tập sinh và bảy giáo dân bị thiệt mạng.

Như những năm trước, lục địa nguy hiểm nhất đối với các nhà truyền giáo của Giáo hội là Phi Châu, nơi có 9 vị thiệt mạng, rồi đến Mỹ Châu có 6 vị thiệt mạng.

Từ năm 2017, ngoại trừ năm 2020, Phi Châu luôn đứng đầu danh sách.

Hai linh mục, một chủng sinh và một tập sinh Dòng Biển Đức, đã bị sát hại ở Nigeria, nơi thường xảy ra nạn khủng bố và cướp bóc. Trong số các nạn nhân có Cha Isaac Achi, linh mục 61 tuổi bị thiêu sống trong một cuộc tấn công của một nhóm vũ trang tại giáo xứ của cha thuộc giáo phận Minna, miền trung Nigeria.

Cũng tại Phi Châu, hai nhà truyền giáo đã bị sát hại ở Burkina Faso; một linh mục đã bị giết trong một cuộc tấn công tại giáo xứ của ngài ở Tanzania; một tu sĩ và một linh mục coi xứ lần lượt bị đâm ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo

Sáu nhà truyền giáo bị giết ở Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Mễ Tây Cơ một lần nữa phải hứng chịu hàng loạt vụ sát hại các nhà truyền giáo ở Mỹ Châu trong năm nay, với hai linh mục và hai giáo lý viên trẻ bị sát hại trong bối cảnh liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng ở nước này.

Hai vụ sát hại nhà truyền giáo tàn bạo cũng được báo cáo tại Hoa Kỳ, nơi Đức Cha David O'Connell, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, bị chồng của người quản gia của Đức Cha giết. Vào giữa tháng 12, Cha Stephen Gutgsell, một linh mục tại Nhà thờ Công Giáo St. John the Baptist ở Fort Calhoun, Nebraska, cũng bị đâm chết trong nhà xứ.

Ở Á Châu, bốn giáo dân Công Giáo đã bị sát hại vào năm 2023. Hai sinh viên Công Giáo Phi là một trong số nạn nhân của vụ đánh bom gần đây trong Thánh lễ tại Đại học ở Tiểu Bang Mindanao ở Thành phố Marawi, khiến 4 người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Junrey Barbante và Janine Arenas là những tình nguyện viên của đại học, họ tham gia vào sinh hoạt phụng vụ.

Tại giải Gaza, nơi bị chiến tranh tàn phá, Nahida Khalil Anton và con gái của bà là Samar Kamal Anton, hai giáo dân tích cực của Nhà thờ Giáo xứ Công Giáo Thánh Gia, đã bị bắn chết vào ngày 16 tháng 12 khi họ đang đi bộ đến Tu viện Dòng Mẹ Theresa. Cả hai đều thuộc nhóm phụ nữ Công Giáo và Chính thống làm việc cho người nghèo và người khuyết tật ở Dải Gaza.

Một giáo dân khác cũng bị giết ở Tây Ban Nha vào đầu năm nay. Diego Valencia, người giữ nhà thờ của giáo xứ Nuestra Senora de La Palma, ở Algeciras, tỉnh Cadiz, đã bị một thanh niên Maroc cầm dao đâm chết vào tháng Giêng, người này cũng gây thương tích cho một số người khác.

Hiện nay, danh sách hàng năm của Fides không chỉ liên quan đến các nhà truyền giáo cho muôn dân theo nghĩa chặt chẽ, mà còn tìm cách ghi lại tất cả các Kitô hữu Công Giáo tham gia vào hoạt động mục vụ theo một cách nào đó, những người đã chết một cách bạo lực, ngay cả khi không rõ ràng là “vì hận thù đức tin”. Vì lý do này, tốt hơn là không sử dụng thuật ngữ “các vị tử đạo”, nhưng là “các nhân chứng”, để không ảnh hưởng đến tiến trình tuyên phong của Giáo Hội. Cũng vậy, thông tấn xã Fides sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của họ, là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng”

Thông tin ít ỏi về cuộc sống và hoàn cảnh đã gây ra cái chết bạo lực của 20 nhà truyền giáo nam nữ này cho chúng ta những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi trong những bối cảnh đặc biệt khó khăn, được đánh dấu bằng bạo lực, nghèo đói, thiếu công bằng và tôn trọng sự sống con người. Những người khác ở chung với họ thường chịu chung số phận với những người truyền giáo. Các linh mục bị giết trong khi họ chuẩn bị cử hành Thánh lễ với cộng đồng mà họ lãnh đạo, để bẻ bánh và thánh hiến rượu, sẽ là lương thực và sự sống cho rất nhiều tín hữu. Một giáo dân khác bị giết khi đang trên đường đến nhà thờ để hướng dẫn phụng vụ Lời Chúa cho các tín hữu trong khu vực đó, những người không có linh mục thường trú.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency

3. Tác hại của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans: Chris Christie gắn sự thay đổi của ông về hôn nhân đồng tính với phán quyết của Vatican về các phước lành đồng giới

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Chris Christie, từng là người phản đối hôn nhân đồng giới, hôm thứ Năm cho biết quan điểm của ông về vấn đề này đã thay đổi, trích dẫn tài liệu gần đây của Vatican về các phước lành đồng giới là bằng chứng cho thấy “ngay cả Giáo hội cũng đang thay đổi”.

“Và bạn biết đấy, đối với tôi, đó vẫn là một quá trình tôi phải trải qua để thay đổi cách tôi được nuôi dạy cả từ góc độ gia đình lẫn những gì cha mẹ tôi đã dạy tôi và cảm nhận cũng như từ góc độ tôn giáo. và… những gì Giáo hội dạy tôi tin,” Christie nói tại một sự kiện ở tòa thị chính ở Epping, New Hampshire.

Cựu thống đốc bang New Jersey tiếp tục: “Trong một hoặc hai tuần qua, Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đang ban phép lành cho các cặp đồng giới; ngay cả Giáo hội cũng đang thay đổi.”

Christie, người tự nhận mình là người Công Giáo ngoan đạo, cho biết: “Xã hội đã thay đổi và những gì mọi người chấp nhận ở đất nước chúng ta bây giờ khác với khi tôi lớn lên, chắc chắn là so với khi tôi ở độ tuổi của bạn. Và bạn biết đấy, tôi không còn phản đối điều đó nữa. Cuối cùng, tôi nghĩ tôi đã bị thuyết phục. “

Christie là thống đốc bang New Jersey từ Tháng Giêng năm 2010 đến Tháng Giêng năm 2018. Khi tranh cử thống đốc năm 2009, ông ủng hộ các kết hiệp dân sự ở New Jersey nhưng cho biết ông sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Vào năm 2013, Christie đã lên tiếng phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, vốn định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Ông gọi phán quyết này là “một quyết định tồi tệ” và là một ví dụ về “quyền lực tư pháp tối cao”.

Theo tờ New York Times, vào năm 2015, ông nói rằng ông nghĩ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nên do từng tiểu bang quyết định.

Những nhận xét của Christie về Đức Thánh Cha Phanxicô và các phép lành đồng tính là tham chiếu đến Fiducia Supplicans, một tài liệu từ Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican được xuất bản ngày 18 tháng 12.

Tuyên bố đó về giáo lý của Giáo hội nói rằng “các phép lành là một trong những bí tích phổ biến và đang phát triển nhất” và rằng có thể ban “các phép lành cho các cặp vợ chồng trong những hoàn cảnh bất hợp lệ và cho các cặp đồng tính”.

Tuyên bố nêu rõ rằng giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân giữa một nam và một nữ không thay đổi và nhấn mạnh rằng những phép lành như vậy “không bao giờ” xảy ra trong nghi thức kết hợp dân sự “và thậm chí không liên quan đến chúng” để tránh nhầm lẫn hoặc tai tiếng..

Tài liệu này đã gây ra sự chia rẽ giữa các giám mục trên toàn thế giới, với một số người chỉ trích tài liệu này và những người khác thì hoan nghênh nó.

Cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói rằng bất kỳ linh mục nào ban phép lành cho một sự kết hợp đồng tính luyến ái sẽ phạm vào “hành vi phạm thượng và báng bổ chống lại kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và chống lại cái chết của Chúa Kitô cho chúng ta”.

Ngài nói: “Phúc lành cho một thực tế trái ngược với sự sáng tạo không những là điều không thể, mà còn là sự báng bổ”.

Các hội đồng giám mục Công Giáo và các giám mục ở Kazakhstan, Malawi, Zambia và Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, đang từ chối thực hiện Fiducia Supplicans trong giáo phận của họ.

Nhà lãnh đạo Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing, cho biết ngài “biết ơn vì quan điểm mục vụ mà tuyên ngôn đưa ra”

Christie hiện đang đạt tỷ lệ 9% trên toàn quốc trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Cộng hòa, kém xa người dẫn đầu, cựu Tổng thống Donald Trump, người đạt 51% trong cuộc thăm dò mới nhất của Rasmussen Reports.

Christie đã thể hiện thành tích tốt nhất ở tiểu bang New Hampshire, nơi ông đạt tỷ lệ bỏ phiếu khoảng 10%, vẫn kém xa Trump và Nikki Haley.


Source:Catholic News Agency