1. Tổn thất của quân đội Nga ở Ukraine vừa đạt cột mốc quan trọng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troop Losses in Ukraine Hit Major Milestone: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết tổn thất của quân đội Nga ở Ukraine vừa đạt cột mốc quan trọng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đã mất hơn 350.000 quân trong cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine do nhà độc tài Vladimir Putin phát động gần 22 tháng trước, theo số liệu do quân đội Kyiv công bố.

Là một phần trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng tải số liệu về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga. Mạc Tư Khoa đã mất 1.080 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu liên quan đến quân đội Nga thiệt mạng hôm thứ Năm - nâng tổng số lên 350.270.

Tổn thất về quân đội của Nga đã tăng theo cấp số nhân trong bối cảnh cuộc chiến ngày càng khốc liệt nhằm chiếm giữ thành phố Avdiivka ở miền đông Ukraine.

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, Đại tá Oleksandr Shtupun cho biết Nga đã mất khoảng 25.000 binh sĩ khi chiến đấu ở khu vực Donetsk trong hai tháng qua và 80% số tổn thất này xảy ra xung quanh Avdiivka, nơi được coi là cửa ngõ vào thành phố Donetsk.

Nga đã điều hàng ngàn binh sĩ, xe tăng và xe thiết giáp vào khu vực này kể từ ngày 10/10.

Shtupun nói trên truyền hình quốc gia: “Nếu chúng ta tính từ ngày 10 tháng 10, khi đối phương hoạt động tích cực hơn, ở một số nơi chúng đã tiến thêm một km rưỡi đến hai km”. “Nhưng chúng phải trả giá đắt. Trong hơn hai tháng đối phương đã mất gần 25.000 người, khoảng 200 xe tăng và hơn 400 xe thiết giáp trong khu vực trách nhiệm của nhóm Tavria ở tỉnh Donetsk.”

2. 2.900 máy bay không người lái tấn công Shahed đã bị bắn hạ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 22 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết:

“Ukraine đã bắn hạ được 2.900 trong số 3.700 máy bay không người lái tấn công Shahed do Iran sản xuất mà Nga đã triển khai kể từ tháng 9 năm 2022, khi Putin bắt đầu chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái trên khắp đất nước.”

Tháng 9 năm 2022, khi Nga tấn công Ukraine ồ ạt bằng máy bay không người lái tấn công Shahed do Iran sản xuất, Tehran đã phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói: “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”

Đến ngày 5 tháng Mười Một, 2022, trước các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ Hossein Amir-Abdollahian nói: “Chúng tôi có gởi nhưng chỉ một số ít trong thời gian trước chiến tranh Ukraine.”

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.

Lập trường của Iran cho đến nay là vừa tiếp tục gởi, vừa tiếp tục phủ nhận.

3. Người Nga duy nhất ra tranh cử với Putin bị cáo buộc nhận tiền nước ngoài

Yekaterina Duntsova, cựu nhà báo dự định tranh cử với Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga, đã phủ nhận việc cô được một cựu ông chủ dầu mỏ, người điều hành một phong trào đối lập từ nước ngoài hậu thuẫn. Cô cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn.

Cô cho biết, hôm Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai, khi đưa tin về nỗ lực chính thức của Duntsova tham gia cuộc đua, hãng thông tấn nhà nước RIA mô tả cô là “được hỗ trợ và tài trợ bởi nhà tài phiệt chạy trốn Mikhail Khodorkovsky” mà RIA mô tả là một “đặc vụ nước ngoài”.

“Đặc vụ nước ngoài” là thuật ngữ được chính quyền Nga áp dụng cho các nhà hoạt động và nhân vật đối lập mà họ cho là đang tham gia vào hoạt động chính trị có hại được tài trợ từ bên ngoài đất nước.

Khodorkovsky là tỷ phú đứng đầu công ty dầu mỏ Yukos, được tường trình là người giầu nhất nước Nga, nhưng đã phạm lỗi với Putin và phải ngồi tù 10 năm vì tội lừa đảo, là điều mà ông luôn luôn phủ nhận trước khi được thả vào năm 2013.

Hiện ông sống ở Luân Đôn và lãnh đạo một liên minh đối lập mang tên Open Russia.

Duntsova nhận xét rằng cách diễn đạt mà RIA sử dụng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những trở ngại mà cô sẽ gặp phải trong việc có được sự đưa tin cân bằng, chứ chưa nói đến thuận lợi, về chiến dịch tranh cử tổng thống lâu dài từ các phương tiện truyền thông nhà nước trung thành với Điện Cẩm Linh.

Cô cho rằng mô tả của RIA là một phát minh. Cô ấy nói rằng mình “không có mối liên hệ trực tiếp” nào với Khodorkovsky. Tuy nhiên, cô nhận xét rằng lời cáo buộc có thể dựa trên thực tế là việc ứng cử của cô được Anastasia Burkova ủng hộ.

Burkova là nhà lãnh đạo dự án mang tên Kovcheg mà Khodorkovsky thành lập để hỗ trợ những người chạy trốn khỏi Nga vì họ phản đối cuộc chiến ở Ukraine.

Burkova bị FSB liệt vào danh sach “đặc vụ nước ngoài” ngay sau khi Duntsova tuyên bố muốn tranh cử với Putin.

Trong cuộc phỏng vấn, Duntsova tránh chỉ trích trực tiếp Putin. Nhưng cô cho biết đã có một sự “đình trệ” nhất định ở Nga sau 24 năm ông cai trị.

Cô nói: “Thực tế là giá cả đang tăng lên một cách bất thường mỗi ngày. Sự ổn định mà họ nói với chúng ta không hoàn toàn tương ứng với thực tế.”

Duntsova đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine và trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có Alexei Navalny, nhà phê bình công khai hàng đầu đối với Putin vẫn còn ở Nga. Cô cũng cho biết sẽ tìm cách bãi bỏ luật “đặc vụ nước ngoài”.

4. Orbán mở ra sinh lộ cho gói viện trợ dành cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Gives Ukraine Aid Package Lifeline”, nghĩa là “Đồng minh của Putin mở con đường sống cho gói viện trợ dành cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, Viktor Orbán đã ra tín hiệu rằng gói trị giá 50 tỷ euro hay 55 tỷ Mỹ Kim từ Liên minh Âu Châu dành cho Ukraine có thể được thông qua nếu đất nước của ông ta được miễn trừ không phải đóng góp.

Bloomberg đưa tin Orbán, một đồng minh lâu năm của Putin, hôm thứ Năm đề xuất rằng Liên Hiệp Âu Châu có thể phá vỡ sự phản đối của đất nước ông đối với gói hỗ trợ tài chính 4 năm cho Kyiv bằng cách đạt được một thỏa thuận riêng giữa 26 thành viên khác trong khối.

Vài ngày trước đó, ông đã phủ quyết gói viện trợ tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brussels. Động thái đó diễn ra ngay sau khi Liên Hiệp Âu Châu đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu đàm phán tư cách thành viên với Ukraine.

Orbán chữa thẹn khi nói với các phóng viên ở Budapest hôm thứ Năm rằng: “Đó không phải là vấn đề ý chí của Hung Gia Lợi có thể bị vượt qua trong nhiều lĩnh vực.

Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi thường xuyên chỉ trích việc gửi viện trợ cho Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga, được phát động vào tháng 2 năm 2022.

Vào ngày 27 Tháng Giêng, Orbán cho rằng các quốc gia phương Tây đã “trôi dạt” trở thành những người tham gia tích cực vào cuộc chiến bằng cách cung cấp vũ khí và tiền bạc để hỗ trợ Kyiv. Thay vào đó, các nước phương Tây nên theo đuổi “một lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình”, ông nói trên đài phát thanh nhà nước Hung Gia Lợi.

Orbán đã xây dựng mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Nga nhưng Hung Gia Lợi đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine và tuân theo một số gói trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.

Hung Gia Lợi đã từ chối cung cấp vũ khí cho Kyiv, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới các nhà lãnh đạo phương Tây về cung cấp quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Hung Gia Lợi Kristóf Szalay-Bobrovniczky hồi tháng 2 cho biết nước ông không muốn chứng kiến sự leo thang trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông cho biết Hung Gia Lợi muốn đứng về phía hòa bình và cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Ukraine chạy trốn chiến tranh.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm,” ông nói vào thời điểm đó.

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Leo Varadkar hôm 15/12 nói với các phóng viên rằng Ukraine sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro dù có hoặc không có sự chấp thuận của Orbán.

Varadkar nói: “26 quốc gia thành viên có thể cung cấp tiền trên cơ sở song phương”. “Một chút thời gian và không gian trong dịp Giáng Sinh có thể hữu ích.”

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với Politico rằng ông “khá tin tưởng” các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đạt được thỏa hiệp vào đầu năm 2024.

Orbán cho biết vào Tháng Giêng rằng ông tin rằng việc các nước Liên Hiệp Âu Châu đã hứa hoặc cung cấp vũ khí cho Ukraine “không chỉ gặp nguy hiểm mà còn bị cuốn trôi”.

“Nếu bạn gửi vũ khí, nếu bạn tài trợ toàn bộ ngân sách hàng năm cho một trong những bên tham chiến, nếu bạn hứa ngày càng có nhiều vũ khí, ngày càng có nhiều vũ khí hiện đại, thì bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn. Dù bạn có nói gì thì bạn cũng đang tham gia vào cuộc chiến”, ông nói.

5. Nga xác nhận hợp tác quốc phòng 'toàn diện' với Bắc Hàn

Nga đã thiết lập hợp tác quốc phòng “toàn diện” với Bắc Hàn và đang tiếp tục lộ trình “đối tác chiến lược” với Ấn Độ và Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov phát biểu trong cuộc họp báo với các tùy viên quân sự nước ngoài hôm thứ Năm.

“Con đường hướng tới phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục. Hợp tác tích cực, toàn diện đã được thiết lập với Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn”, ông Gerasimov nói trong bài phát biểu cuối năm

Gerasimov cho biết hoạt động của NATO ở Đông Âu và “sự hội nhập nhanh chóng” của Thụy Điển và Phần Lan vào liên minh quốc phòng Mỹ đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ở Âu Châu, “với triển vọng gia tăng đối đầu”, Reuters đưa tin.

Gerasimov đặc biệt chỉ trích việc Mỹ đưa quân vào 6 nước Bắc Âu và Baltic, và Đức triển khai quân tại Lithuania; và gọi đó là các hành vi khiêu khích và “vô trách nhiệm”.

6. Nga đánh bom vào mỏ than để chôn sống thợ mỏ

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, bom của Nga đã nhắm vào khu vực hai mỏ than ở thị trấn Toretsk, vùng Donetsk, phía đông Ukraine, khiến 3 người thiệt mạng và ít nhất 5 thường dân bị thương.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 22 Tháng Mười Hai, Ông Ihor Klymenko nói: “Hai quả bom đã đánh trúng một trong những mỏ than ở Toretsk. Một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.”

“32 người thợ mỏ vẫn đang ở dưới lòng đất khi cuộc tấn công xảy ra. Mất điện, họ không thể lên được nhưng đã được giải cứu thành công.”

Klymenko nói thêm: “Nga cũng thả hai quả bom xuống một mỏ khác, khiến 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Các tòa nhà hành chính và thiết bị bị hư hại.”

Văn phòng tổng công tố cho biết những người thiệt mạng lần lượt là 41, 42 và 45 tuổi.

7. Quốc Hội Hoa Kỳ nghỉ lễ trong bối cảnh viện trợ giành cho Ukraine vẫn bế tắc

Quốc hội Hoa Kỳ rời Washington trong tuần này để nghỉ lễ kéo dài với một số vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, bao gồm viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và an ninh biên giới chặt chẽ hơn, tạo tiền đề cho một tháng Giêng phức tạp.

Các nhà lập pháp sẽ phải đối mặt với hai thời hạn đóng cửa chính phủ và tiếp tục nỗ lực soạn thảo một bộ luật nhằm tài trợ cho việc phòng thủ của Ukraine chống lại Nga và làm chậm dòng người di cư qua biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.

Trong khi đó, các cử tri Đảng Cộng hòa sẽ bắt đầu chọn ứng cử viên của họ để thách thức tổng thống Đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden, trong cuộc bầu cử năm 2024, Reuters đưa tin.

Lãnh đạo đa số Thượng viện của đảng Dân chủ, Chuck Schumer, nói về sự trở lại của Quốc hội vào tuần bắt đầu từ ngày 8 Tháng Giêng: “Chúng tôi sẽ phải chạy nước rút.”

Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội thông qua khoản bổ sung 61 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, nhưng một số thành viên Quốc Hội đã yêu cầu phải đi đôi với luật an ninh biên giới mạnh mẽ hơn vào thời điểm lượng người nhập cư đến Hoa Kỳ tăng kỷ lục.

Chủ tịch Hạ viện, Mike Johnson, và nhiều thành viên Quốc Hội khác đã chỉ trích Tổng thống Biden về vấn đề kiểm soát biên giới, một vấn đề khiến cử tri Mỹ ngày càng bất an.

Quốc hội cũng có thời hạn chót là ngày 19 tháng 1 và ngày 2 tháng 2 để tài trợ cho các chương trình của chính phủ Hoa Kỳ. Việc không đạt được thỏa thuận về 12 dự luật chi tiêu sau một năm đấu tranh giảm thâm hụt sẽ khiến chính phủ phải đóng cửa trên quy mô lớn.

Các cuộc đàm phán tại Thượng viện lưỡng đảng cũng đang tiếp tục trong thời gian nghỉ giải lao với mục đích tạo ra một thỏa thuận cải cách luật tị nạn lỗi thời của Hoa Kỳ. Điều đó sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc bỏ phiếu của Thượng viện để giúp đỡ Ukraine và gửi viện trợ của Mỹ cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza và nâng cao khả năng phòng thủ ở Đài Loan.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch công bố thêm một gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong tháng này. Nhưng sau đó, nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt.

“Khi việc đó hoàn thành… chúng tôi sẽ không còn quyền bổ sung nữa. Và chúng ta sẽ cần Quốc hội hành động ngay lập tức,” Kirby nói.

Theo Tướng Kirby, Ngũ Giác Đài vẫn có thẩm quyền rút vốn trị giá 4,4 tỷ Mỹ Kim của tổng thống để cung cấp vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ kho của Bộ Quốc phòng. Nhưng số vũ khí mà Bộ Quốc phòng có thể chuyển giao cho Ukraine bị hạn chế bởi nguồn kinh phí cần thiết để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ, và số vũ khí đó gần như đã biến mất.

8. Ukraine nhận được khoản thanh toán 1,5 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Ukraine đã nhận được khoản tiền trị giá 1,5 tỷ euro cuối cùng trong gói cứu trợ trị giá 18 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu.

Ông nói hôm Thứ Sáu 22 Tháng Mười Hai: “Hôm nay chúng tôi đã nhận được 1,5 tỷ euro cuối cùng trong gói hỗ trợ tài chính trị giá 18 tỷ euro. Hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ vững chắc từ Liên Hiệp Âu Châu.”

9. Orbán lên tiếng chỉ trích Ukraine

Trước những lời chỉ trích của phe đối lập trong nước cho rằng Orbán đang trình diễn trước thế giới một Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, ngang ngược, vô lý và tham lam, Viktor Orbán đang tung ra các lập luận phản bác.

Orbán nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng quyết định của Ukraine ngăn cản cựu tổng thống Petro Poroshenko rời khỏi đất nước vào đầu tháng này để gặp ông ta đã đặt ra câu hỏi về tham vọng Liên Hiệp Âu Châu của Kyiv.

Reuters đưa tin, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết vào ngày 2 tháng 12 rằng họ đã ngăn cản Poroshenko rời Ukraine với lý do Nga lên kế hoạch khai thác cuộc gặp đã lên kế hoạch với Orbán để làm tổn hại đến lợi ích của Ukraine.

Poroshenko là tổng thống Ukraine từ năm 2014 đến 2019.

Đảng chính trị của ông Poroshenko, Đoàn kết Âu Châu, cho biết cựu tổng thống chỉ lên lịch các cuộc họp ở Ba Lan và Mỹ, đồng thời cảnh báo cơ quan an ninh SBU không được tham gia vào chính trị. Văn phòng của Orbán không bình luận vào thời điểm đó.

Hôm thứ Năm, khi được hỏi trực tiếp về quyết định của Ukraine, Orbán cho biết việc Ukraine đưa ra các quy định đặc biệt trong thời chiến là “có thể chấp nhận được”.

Anh ta nói:

Nhưng một câu hỏi được đặt ra, nếu cuộc gặp giữa một công dân Ukraine và thủ tướng Hung Gia Lợi tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia, thì làm sao họ muốn trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu?

SBU cho biết ông Poroshenko dự định gặp Orbán, người vẫn duy trì quan hệ với nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin.

Khi được hỏi về cuộc hội đàm mới nhất với Putin, được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10, Orbán nói: “Tôi thấy tự nhiên là khi chúng tôi ở Bắc Kinh, chúng tôi sẽ gặp nhau”. Ông nói thêm rằng lẽ ra ông sẽ tự mình khởi xướng cuộc họp nếu người Nga không đề nghị.

Orbán đã có mâu thuẫn với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, về một số vấn đề liên quan đến việc Ukraine muốn trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Tuần trước, mọi quốc gia Liên Hiệp Âu Châu ngoại trừ Hung Gia Lợi đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine bất chấp sự xâm lược của Nga, bỏ qua sự phản đối của Orbán bằng cách yêu cầu ông rời khỏi phòng khi các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định.

10. Đức sẽ cung cấp thêm 88,5 triệu euro cho hệ thống năng lượng Ukraine

Trong một tuyên bố hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Annalena Baerbock cho biết Đức sẽ cung cấp thêm 88,5 triệu euro để giúp tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng Ukraine khi Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Bộ kinh tế đang đóng góp 54,3 triệu euro thông qua ngân hàng nhà nước KfW và Bộ ngoại giao 34,2 triệu euro cho quỹ hỗ trợ năng lượng của Ukraine.

11. Bộ Ngoại Giao Nga chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung của Nhật Bản, Mỹ và Úc Đại Lợi

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Năm cho biết họ coi các cuộc tập trận quân sự chung của Nhật Bản, Mỹ và Úc Đại Lợi gần đảo Hokkaido của Nhật Bản là một “mối đe dọa quân sự tiềm tàng”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói:

“Chúng tôi coi hoạt động khiêu khích như vậy liên quan đến các quốc gia ngoài khu vực là mối đe dọa an ninh tiềm tàng.”

Zakharova nói thêm rằng Nga đã đưa ra phản đối chính thức tới đại sứ quán Nhật Bản ở Nga.