1. Putin đã mất gần 90% quân đội mà ông ta có trước cuộc xâm lược Ukraine

Ký giả James Callery của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin has lost nearly 90 per cent of his pre-invasion army with 315,000 personnel either killed or injured since war began, according to US intelligence”, nghĩa là “Theo tình báo Mỹ, Putin đã mất gần 90% quân đội trước cuộc tấn công với 315.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh bắt đầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nguồn tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa cho biết tổn thất của Mạc Tư Khoa đã khiến quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga bị chậm lại 18 năm. Theo tình báo Mỹ, Putin đã mất gần 90% quân số mà nước này có trước cuộc tấn công, với 315.000 quân nhân thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Tổn thất về nhân sự và các khí tài chiến tranh, đặc biệt là xe tăng và xe thiết giáp trước quân đội Ukraine đã khiến quá trình hiện đại hóa quân đội của Nga bị chậm lại 18 năm.

Báo cáo trước quốc hội Hoa Kỳ khẳng định Nga cũng đã mất gần 2/3 lực lượng xe tăng, tương đương 2.200 trong số 3.500 chiếc trước cuộc tấn công.

Mặc dù mọi người đều biết rằng lực lượng của Putin đã chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine, đánh giá này đã làm sáng tỏ mức độ cụ thể của những thất bại đó.

Các quan chức Nga cho biết những ước tính của phương Tây về số người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến đã bị phóng đại quá mức và hầu như luôn đánh giá thấp những tổn thất của Ukraine, mà các quan chức Nga cho rằng là rất lớn.

Báo cáo tình báo Mỹ mới được giải mật đánh giá rằng Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 với 360.000 quân.

Cho đến nay, 315.000 binh sĩ Nga, tương đương khoảng 87% tổng số quân mà nước này bắt đầu cuộc chiến, đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Những tổn thất nghiêm trọng đó là lý do khiến Nga phải nới lỏng các tiêu chuẩn tuyển dụng để có nhân sự triển khai ở Ukraine.

'Quy mô tổn thất đã buộc Nga phải thực hiện các biện pháp phi thường để duy trì khả năng chiến đấu. Nguồn tin cho biết, Nga tuyên bố huy động một phần 300.000 nhân sự vào cuối năm 2022 và nới lỏng các tiêu chuẩn cho phép tuyển dụng tù nhân và thường dân lớn tuổi.

Liên quan đến các chiến xa, quân đội Nga bắt đầu cuộc chiến với 3.100 xe tăng, mất 2.200 chiếc và phải 'bổ sung' lực lượng đó bằng xe tăng T62 được sản xuất từ những năm 1970, và chỉ còn lại 1.300 xe tăng trên chiến trường.

Kyiv coi những tổn thất của mình là bí mật quốc gia và các quan chức cho rằng việc tiết lộ con số này có thể gây tổn hại cho nỗ lực chiến tranh của họ. Một báo cáo của New York Times vào tháng 8 dẫn lời các quan chức Mỹ ước tính số người Ukraine thiệt mạng ở mức gần 70.000.

Các binh sĩ Ukraine tham gia cuộc phản công cho biết một số đơn vị đã mất phần lớn lực lượng chiến đấu do tính chất tàn bạo của cuộc xung đột, khi họ cố gắng xâm nhập vào các vị trí kiên cố của Nga và loại bỏ những đơn vị Nga đã cố thủ ở đó trong nhiều tháng.

Nga có dân số gấp ba lần rưỡi dân số Ukraine và hàng chục nghìn tù nhân đã được thả để họ có thể sử dụng trong cuộc xung đột.

Quân đội của nước này cũng đã được tăng cường nhờ khoảng 300.000 người được huy động tham gia cuộc chiến ở Ukraine kể từ tháng 9 năm ngoái.

Viết trên tạp chí Tyzhden của Ukraine, nhà sử học Yaroslav Tynchenko và tình nguyện viên Herman Shapovalenko tháng trước cho biết dự án Sách Ký ức của Shapovalenko đã xác nhận 24.500 người Ukraine tử vong trong chiến đấu và phi chiến đấu bằng cách sử dụng các nguồn mở.

Họ cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.

Zelenskiy hôm thứ Tư kêu gọi các đồng minh ở Âu Châu và Mỹ tiếp tục ủng hộ Kyiv, trong khi các tranh chấp ở Brussels và Washington khiến các gói viện trợ mới bị trì hoãn.

Ông phát biểu trước cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, trong đó ông sẽ tìm kiếm hỗ trợ tài chính để sản xuất thêm vũ khí.

“Bạn không thể giành chiến thắng nếu không có sự giúp đỡ”, Zelenskiy nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store.

'Nhưng bạn không thể thua, bởi vì tất cả bạn có là đất nước của bạn.'

Hôm thứ Tư, một loạt hỏa tiễn của Nga nhắm vào Kyiv, làm ít nhất 53 người bị thương, các quan chức cho biết.

Những tiếng nổ lớn làm rung chuyển Kyiv lúc 3 giờ sáng khi hệ thống phòng không của thành phố được kích hoạt lần thứ hai trong tuần này.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 10 hỏa tiễn đạn đạo về phía thủ đô và tất cả đều bị phòng không đánh chặn, nhưng mảnh vỡ của chúng đã rơi trúng các ngôi nhà và một bệnh viện nhi đồng.

Cuộc tấn công nhấn mạnh mối đe dọa tiếp tục đối với Ukraine từ kho hỏa tiễn của Điện Cẩm Linh trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng.

Theo đánh giá gần đây của Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh, Nga đã dự trữ hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không từ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của mình.

2. Vladimir Putin tiết lộ số lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine

Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết tổng cộng 617.000 binh sĩ Nga hiện đang chiến đấu ở Ukraine. Theo ông, khoảng 244.000 người trong số họ là những người lính được triệu tập để chiến đấu bên cạnh quân đội chuyên nghiệp của Nga.

Chi tiết hiếm hoi về hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine được đưa ra trong cuộc họp báo cuối năm của Putin hôm thứ Năm 14 Tháng Mười Hai.

Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng Điện Cẩm Linh không cần đợt huy động quân dự bị thứ hai.

Ông cho biết mỗi ngày có 1.500 người được tuyển mộ vào quân đội trên khắp đất nước. Tính đến tối thứ Tư, ông cho biết tổng cộng 486.000 binh sĩ đã ký hợp đồng với quân đội Nga.

3. Vương quốc Anh cho biết lực lượng Dù ưu tú của Nga chịu 'tổn thất đặc biệt nghiêm trọng '

Đó là tựa đề của một bài báo trên tờ Newsweek. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sư Đoàn Dù của Nga ở Kherson “đã chịu tổn thất đặc biệt nghiêm trọng” trong cuộc giao tranh với quân đội Ukraine vào đầu tháng 12.

Trong bản cập nhật hôm thứ Năm về cuộc chiến ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã viết rằng Sư đoàn Dù cận vệ 104 của Lực lượng Dù Nga mới được thành lập gần đây “đã không đạt được mục tiêu của mình” ở Kherson trong hoạt động chiến trường đầu tiên của sư đoàn.

Trận thua của lính dù Nga, những người thường được coi là những chiến binh tinh nhuệ nhất của Nga, đã xảy ra gần thị trấn nhỏ Krynky trên bờ đông sông Dnipro.

Krynky và khu vực xung quanh là nơi giao tranh dữ dội trong những tuần gần đây, và tháng trước Kyiv tuyên bố rằng lực lượng của họ đã thiết lập một tiền đồn trên bờ biển mà các nhà quan sát chiến tranh gọi là một chiến thắng chiến lược quan trọng trước lực lượng của Putin.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết rằng hoạt động tốn kém liên quan đến Sư Đoàn Dù cận vệ 104 “diễn ra sau khi sư đoàn này gia nhập Nhóm Lực lượng Dnipro của Nga và tham gia trong nỗ lực đánh bật đầu cầu Ukraine gần làng Krynky trên bờ đông sông Dnipro.”

Bản cập nhật tình báo của Anh cho rằng sự thiếu thành công của sư đoàn là do sư đoàn này “được hỗ trợ kém bởi không quân và pháo binh, trong khi nhiều binh sĩ rất có thể còn thiếu kinh nghiệm”.

4. Putin nói về quan hệ với Âu Châu và Mỹ

Putin cho biết ông sẵn sàng sửa chữa quan hệ với Âu Châu và Mỹ nhưng cũng nói rằng Nga không làm gì sai trong việc xâm lược Ukraine và đổ lỗi cho phương Tây đã “làm hỏng mối quan hệ” với Nga.

“Chúng tôi không hủy hoại mối quan hệ với phương Tây,” ông nói, bắt đầu một bài giảng dài về quan điểm của Điện Cẩm Linh về lịch sử Ukraine. “Họ đã hủy hoại mối quan hệ với chúng tôi và họ luôn cố gắng đẩy chúng tôi xuống vị trí thứ hai hoặc thứ ba mà phớt lờ lợi ích của chúng tôi”.

Có lúc, ông kể lại lịch sử của cuộc cách mạng Ukraine năm 2014, “họ khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào trong hành động của mình”.

Putin không đưa ra nhiều tin tức ngày hôm nay nhưng nhà lãnh đạo Nga đã có đường lối hung hăng, nói nhiều về cuộc chiến và không làm gì nhiều để chứng tỏ rằng ông đang rút lui khỏi các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa của Nga.

Ông cũng dành lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi, Victor Orbán, và thủ tướng dân túy của Slovakia, Robert Fico. Đặc biệt, Orban đã từ chối viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine khi ông thúc đẩy Brussels giải phóng cho Hung Gia Lợi hàng tỷ euro viện trợ bị giữ lại do lo ngại về quy định pháp luật.

“Họ không phải là những chính trị gia thân Nga,” ông nói về Orbán và Fico. “Họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc.”

Chỉ trích hành vi “đế quốc” của Mỹ, ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng sắp xếp quan hệ với họ… Chúng tôi cho rằng Mỹ là một quốc gia quan trọng, cần thiết trên thế giới. Nhưng nền chính trị đế quốc của họ đã cản trở họ.”

5. Kyiv cho biết Nga mất 1.300 quân, 12 hệ thống pháo binh trong một ngày

Theo tờ Newsweek, Kyiv cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đã mất hơn 1.300 binh sĩ và hàng chục hệ thống pháo binh trong 24 giờ qua khi cái giá về nhân mạng trong cuộc chiến mệt mỏi ngày càng gia tăng.

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất tổng cộng 342.800 quân kể từ khi tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Việc Kyiv phá hủy 12 hệ thống pháo binh của Nga trong ngày qua nâng tổng số thiệt hại được báo cáo của Mạc Tư Khoa lên tới 8.088 hệ thống.

Những con số của Ukraine là dấu hiệu mới nhất về tổn thất nhân mạng đáng kinh ngạc trong cuộc chiến tranh tiêu hao. Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ tinh nhuệ, lính dù, đội xe tăng, tù nhân nghĩa vụ và lính đánh thuê của Mạc Tư Khoa đã thiệt mạng hoặc bị thương, nhưng các nhà phân tích phương Tây tin rằng Nga đã phải chịu hàng trăm nghìn thương vong trong gần hai năm chiến tranh. chiến tranh.

Hôm thứ Ba, Reuters đưa tin gần 90% quân nhân trước chiến tranh của Nga hiện đã chết hoặc bị thương, trích dẫn một nguồn tin quen thuộc với một tài liệu tình báo được giải mật của Mỹ. Con số này lên tới khoảng 315.000 quân Nga thiệt mạng hoặc bị thương trong nhiều tháng chiến tranh với thương vong nặng nề.

Vào giữa tháng 11, Bộ trưởng lực lượng vũ trang Anh, James Heappey, nói với các nhà lập pháp Anh rằng Luân Đôn tin rằng khoảng 302.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực.

Nga hiện nay thường xuyên mất hơn 1.000 binh sĩ trong một ngày, theo thống kê của Kyiv. Điều này trùng hợp với thời điểm Nga bắt đầu nỗ lực phối hợp nhằm vào thị trấn công nghiệp tiền tuyến kiên cố Avdiivka mà Mạc Tư Khoa đã triển khai vào ngày 10 tháng 10.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng trước rằng những tuần từ ngày 10 tháng 10 đến cuối tháng 11 “có thể đã chứng kiến tỷ lệ thương vong của Nga trong cuộc chiến ở mức cao nhất cho đến nay”.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson nói với CNN trong tuần này rằng kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc tấn công nhằm bao vây Avdiivka, nước này đã phải hứng chịu hơn 13.000 thương vong quanh thị trấn.

Giống như Nga, Ukraine không công bố số liệu thiệt hại của mình, nhưng Kyiv cũng có những thương vong đáng kinh ngạc. Newsweek trước đây đã nói rằng tổn thất của Ukraine có thể thấp hơn tổn thất của Nga, nhưng bất kỳ con số thương vong nào cũng sẽ gây tổn hại cho quân đội Ukraine nhiều hơn cho Nga vì Nga có lực lượng lớn hơn nhiều.

6. Thủ tướng Estonia mô tả cuộc họp căng thẳng tại Liên Hiệp Âu Châu

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, hôm thứ Năm cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Cô cho biết Thủ tướng Hung Gia Lợi, Victor Orbán, đã nói với cô rằng ông ta không đồng ý việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

“Tôi đã nói chuyện với Viktor Orbán, và tìm cách thuyết phục ông ta. Nhưng, ông ấy nói rằng hiện tại ông ấy không thấy có một lý do nào để đồng ý.”

Orbán nói với các phóng viên báo chí rằng: “Xem xét các con số, phân tích kinh tế và xem xét nghiêm chỉnh rằng các cuộc đàm phán với Ukraine sẽ nhằm mục đích cấp tư cách thành viên - chúng ta không được sử dụng nó như một động thái chính trị - vì tư cách thành viên không nhằm mục đích đó… vì thế, chúng tôi phải nói rằng suy nghĩ như thế là vô lý, lố bịch và không nghiêm chỉnh.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia cho biết Ukraine đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để mở các cuộc đàm phán gia nhập vốn sẽ mất vài năm.

Cô cho biết cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, trước thái độ khăng khăng một cách vô lý của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, là người quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu “mất kiên nhẫn”.

Kallas cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.

Orbán hậm hực bước ra, mặc dù ông ta có thể cứ ngồi đó và tiếp tục phủ quyết.

Kallas nhận xét rằng việc bỏ ra ngoài của Orbán có thể coi là bỏ phiếu trắng. Những người còn lại đã đồng thanh đồng ý việc mở cuộc đàm phán cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Cô nói cô cảm thấy bất ngờ vì mọi chuyện trở nên dễ dàng như thế.

7. Zelenskiy ca ngợi chiến thắng cho Ukraine ở Liên Hiệp Âu Châu trong khi đồng minh của Putin mất cả chì lẫn chài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Hails 'Victory for Ukraine' in Europe as Putin Ally Stands Down”, nghĩa là “Zelenskiy ca ngợi chiến thắng cho Ukraine ở Âu Châu khi đồng minh của Putin nhượng bộ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố “chiến thắng cho Ukraine” sau khi Liên Hiệp Âu Châu quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Hội đồng Âu Châu đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến hành các cuộc đàm phán để Ukraine và nước láng giềng Moldova trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Năm, giáng một đòn mạnh vào Putin, vốn phản đối mạnh mẽ động thái này.

Cuộc bỏ phiếu được thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels đã gây bất ngờ. Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, người được nhiều người mô tả là đồng minh của Putin, trước đó đã đe dọa phủ quyết các cuộc đàm phán.

Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, vì Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người đã đưa ra giải pháp.

Hai quan chức tóm tắt về cuộc đàm phán cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.

Theo một quan chức quốc gia và một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, Orbán đã rời khỏi phòng họp sau những lời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người tỏ ra rất cương quyết và nóng giận.

Ngay sau khi Orbán bước ra, tất cả các thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ biện pháp này.

Nhiều người thắc mắc không biết như thế có hợp lệ không. Nhưng một chuyên gia cho biết “Nếu ai đó vắng mặt, thì là họ vắng mặt. Về mặt pháp lý, nó hoàn toàn hợp lệ”, quan chức này nói thêm, và nhận xét rằng việc bỏ ra ngoài của Orbán có thể coi là bỏ phiếu trắng, khác xa với việc phủ quyết.

Trước diễn biến bất ngờ, này Tổng thống Zelenskiy nói: “Đây là một chiến thắng cho Ukraine. Một chiến thắng cho toàn bộ Âu Châu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh.”

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã công bố quyết định này và gọi đây là “tín hiệu hy vọng rõ ràng cho người dân Ukraine và cho lục địa của chúng ta”.

Orban, người có mối quan hệ thân thiết với Mạc Tư Khoa, nói rằng quyết định không phủ quyết cuộc bỏ phiếu không có nghĩa là quan điểm của ông đối với tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine đã thay đổi.

Theo hãng tin AP, ông nói: “Quan điểm của Hung Gia Lợi rất rõ ràng: Ukraine chưa sẵn sàng để chúng tôi bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của nước này”. “Đó là một quyết định hoàn toàn phi logic, phi lý và không đúng đắn.”

Mặc dù quyết định bỏ phiếu trắng của Orban là một đòn giáng mạnh vào Putin cũng như hy vọng của ông trong việc giữ Ukraine và Modolva rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu, nhưng chắc chắn rằng Orbán sẽ còn gây thêm khó khăn.

Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cũng nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng của Nga với đồng minh mạnh mẽ một thời là Armenia, khi Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan nói rằng chính phủ của ông “nồng nhiệt hoan nghênh” đề xuất mở “các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và Ukraine”.

Dmitry Polyanskiy, phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, năm ngoái đã lập luận rằng không có “sự khác biệt lớn” giữa việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và gia nhập NATO, điều mà một số người cho rằng có thể châm ngòi cho sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vài ngày sau khi Nga xâm chiếm lãnh thổ nước này vào ngày 24/2/2022. Nước này được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6/2022.

Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng khả năng Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có thể mất “vài thập kỷ”, trong đó các quốc gia bao gồm Montenegro và Serbia đã không đạt được tư cách thành viên mặc dù đã trở thành ứng cử viên từ nhiều năm trước.

8. Kyiv tố cáo Nga tấn công miền nam Ukraine bằng 42 máy bay không người lái chỉ trong đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai,Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái do Iran thiết kế do lực lượng Nga phóng nhằm vào thành phố phía nam Odesa, trong cuộc tấn công qua đêm mới nhất của Mạc Tư Khoa khiến 11 người bị thương.

“Tổng cộng, quân xâm lược đã phóng 42 máy bay không người lái tấn công chúng ta”, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết và nhấn mạnh rằng 41 máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ. Chúng được triển khai từ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Các mảnh vỡ rơi xuống đã làm hư hỏng một ký túc xá ở Odesa, AFP đưa tin.

Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 11 người trong đó có 3 trẻ em bị thương. Cô nói thêm: “Quỷ Nga bắt đầu buổi tối thứ hai liên tiếp bằng cuộc tấn công vào Odesa.”

Sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 9 máy bay không người lái của Ukraine đang tiến về thủ đô, vài giờ trước cuộc họp báo rất được mong đợi của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Các đơn vị phòng không đang làm nhiệm vụ đã phá hủy và đánh chặn 9 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ khu vực Kaluga và Mạc Tư Khoa”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời đổ lỗi cho Kyiv về vụ tấn công.