Vatican tưởng nhớ Cô Etty Hillesum, một người nữ Do Thái đã truyền nhiều cảm hứng cho Đức Bênêđíctô XVI

(Anna Kurian – Aleteia)

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm cái chết bi thương của cô Etty Hillesum trong trại tập trung Auschwitz, vào ngày 30 tháng 11 năm 1943, Vatican đã bày tỏ lòng kính trọng chân thành đối với cô.

Khoảng 80 năm trước, cô Etty Hillesum qua đời ở Auschwitz ở tuổi 29. Cô sinh ra trong một gia đình Do Thái nhưng không thực hành tôn giáo nào. Bị Đức Quốc xã sát hại, cô đã để lại một di sản gồm các tác phẩm làm chứng cho việc cô tìm kiếm một “ngôn ngữ mới” để nói về Chúa “trong địa ngục của trại tập trung”.

Điều này đã được Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça, Chủ tịch Thánh Bộ Văn hóa và Giáo dục, nhấn mạnh vào Thứ Tư, ngày 29 tháng 11 vừa qua tại một cuộc hội thảo dành riêng cho phụ nữ trẻ được tổ chức tại Rome dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Hà Lan tại Tòa thánh. Chính vị Hồng Y người Bồ Đào Nha đã đề nghị cho đại sứ Hà Lan tại Tòa thánh, là cô Annemieke Ruigrok, tổ chức ngày kỷ niệm về người phụ nữ này mà ngài coi như là một nhà thần bí vĩ đại.

Vị chủ tịch Thánh bộ 57 tuổi, người thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, là đồng tác giả của cuốn sách Theo dấu chân Etty Hillesum - In the Footsteps of Etty Hillesum (Nos Passos de Etty Hillesum) xuất bản năm 2018, cùng với nhiếp ảnh gia Filipe Condado trong chuyến hành hương đến Amsterdam.

Cô Etty Hillesum trở nên nổi tiếng thế giới nhờ cuốn nhật ký ghi lại hành trình tâm linh và hiện sinh của cô.

Chính “sức mạnh tinh thần” của người phụ nữ trẻ này đã chạm đến cá nhân Đức Hồng Y. Sức mạnh của cô ấy không có ý “chạy trốn”, mà “thúc giục chúng ta đối diện” với bất luận thảm họa hay cảnh huống kinh hoàng nào. Nó “không cho phép chúng ta bỏ cuộc, nhưng mời gọi chúng ta tiếp tục gõ cửa, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện”, ĐHY nói trong buổi hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Gregorian.

Một “sự thức tỉnh tâm linh”

Cô Etty đã trải qua cuộc “thức tỉnh tâm linh” kéo dài ba năm và cũng là một hành trình “đơn độc”. Cô phải “tự sáng tạo”, Đức Hồng Y nhấn mạnh. Ngài tin rằng cô có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ ngày nay.

Trên hành trình của mình, cô được truyền cảm hứng từ nhà thơ người Đức Rainer Maria Rilke, nhưng phần lớn là từ Kinh thánh, bao gồm các đoạn trong Tân Ước như Bài giảng trên núi hay bài ca Đức Ái của Thánh Phaolô.

Những tư duy này đã khiến cô viết lên một số “những lời cầu nguyện đặc biệt mà một con người có thể thốt lên”, ngay cả khi thế giới của cô đang sụp đổ trước cuộc bạo loạn của Đức quốc xã, Đức Hồng Y nói. Và, ĐHY tiếp tục cho hay điều đó biến cô trở thành “người tình của Chúa”, tuyên xưng niềm hy vọng không thể xóa nhòa trong lá thư cuối cùng của mình, mà cô đã ký với những lời này: “Chúng tôi bị giết đi, nhưng lời ca hát của chúng tôi vẫn vang vọng trong trại.”

10 năm trước đây, Đức Bênêđíctô XVI đã coi cô như một mẫu gương

Nhiều người khác đã được đổi đời nhờ cuộc hành trình của cô Etty Hillesum. Đức Bênêđíctô XVI đã đề xướng cô như một mẫu gương cho các tín hữu Công Giáo, trong một bối cảnh rất đặc biệt. Hai ngày sau khi tuyên bố từ nhiệm khỏi ngai tòa Thánh Phêrô, Vị giáo hoàng người Đức đã chủ trì một buổi tiếp kiến chung – buổi tiếp kiến áp chót của ngài – tại Vatican.

Trong bài giáo lý mà hàng ngàn người Công Giáo theo dõi, đã rơi lệ trước sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô, ngài đã trích lời của người phụ nữ Do Thái Hà Lan. Sau đó ngài nói: “Trong cuộc sống đầy xáo trộn và không ngừng nghỉ của mình, cô Etty Hillesum đã tìm thấy Chúa ngay giữa những thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20: Cuộc diệt chủng người Do Thái (Shoah). Người phụ nữ trẻ yếu đuối mỏng dòn này, đã được đức tin biến đổi, đã trở thành một người phụ nữ tràn đầy yêu thương và thanh thản nội tâm, để cô có thể tuyên xưng: ‘Tôi sống trong sự thân mật thường xuyên với Thiên Chúa.’”