Theo John Pontifex, người đứng đầu bộ phận Báo chí & Công vụ của Tổ chức Giúp Đỡ Các Giáo Hội Thiếu Thốn (Anh), tất cả các bên phải làm việc cùng nhau để bảo đảm việc Israel và Palestine lùi lại khỏi bờ vực hủy diệt.



“Chúng tôi cần thuốc. Nhiều bệnh viện đã bị phá hủy. Trường học của chúng tôi cũng bị hư hại nhưng chúng tôi không rời đi”.

Liên lạc với chúng tôi từ phía bắc Gaza, Sơ Nabila tỏ ra thách thức: “Người ta chẳng có gì cả, ngay cả những thứ thiết yếu cơ bản cũng không có. Chúng tôi sẽ đi đâu? Chết trên đường phố? Ở đây có những người già, các Thừa sai Bác ái cũng ở với chúng tôi, với một nhóm người khuyết tật và người già. Họ có thể đi đâu? Chúng tôi sẽ ở lại với họ.”

Khi thời hạn sơ tán đến miền nam Gaza đến gần, Sơ Nabila và các Nữ tu Mân Côi khác tuyên bố rằng họ không chỉ ở lại mà còn làm mọi cách để giúp đỡ người dân dù có chuyện gì xảy ra.

Vào thời điểm chúng tôi nghe được tin từ Sơ Nabila, sơ nằm trong số 150 người Công Giáo đang trú ẩn tại giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza, dâng kính Thánh Gia. Cũng được chăm sóc còn có khoảng 350 Kitô hữu Chính thống Hy Lạp có giáo xứ gần Nhà thờ Thánh Gia.

Đối với cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé của Thánh địa, cũng như nhiều cộng đồng khác, những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 và sau đó chỉ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ. Cuộc xung đột ngày càng gia tăng do cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã ngay lập tức làm lộ ra một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các Kitô hữu và những người khác trong khu vực, đó là mối đe dọa về một cuộc tấn công lớn trên bộ của Israel, tuyệt đỉnh là cuộc xâm lược Gaza.

Cha Gabriel Romanelli, một trong hai linh mục chăm sóc người Công Giáo Rôma ở Gaza, nói với Tổ chức Giúp Đỡ Các Giáo hội Thiếu Thốn (ACN), tổ chức từ thiện Công Giáo dành cho các Kitô hữu bị bách hại và những người đau khổ khác, rằng nhiều giáo dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại. Ngài cho biết giáo dân tin rằng “họ được an toàn hơn khi ở bên Chúa Giêsu. Và đó là lý do tại sao họ cùng nhau cầu nguyện, họ cầu nguyện và hy vọng rằng Chúa sẽ bảo vệ họ và những người đang làm việc và cầu nguyện cho hòa bình sẽ thay đổi quyết định tấn công nhà thờ vốn luôn là ốc đảo hòa bình.”

Một chuyên gia về tình huống này, người yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, nhấn mạnh không chỉ mối đe dọa về số người chết cao do một cuộc tấn công trên bộ của Israel mà còn cả phản ứng chết người có thể xảy ra từ Hamas. Quả quyết rằng Hamas có hàng nghìn tên lửa, ông nói: “Mặc dù 85% [tên lửa] bị hệ thống bảo vệ và radar đánh chặn, phần còn lại đủ để gây thiệt hại khủng khiếp cho người dân Israel, kể cả ở đây, ở Giêrusalem này.”

Do đó, Giáo hội cần phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để vận động cho hòa bình hoặc ít nhất là ngăn chặn xung đột leo thang.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong Đức cha Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, lên Hồng Y vào ngày 30 tháng 9, ít ai có thể biết được màu đỏ của cấp bậc mới của ngài – tượng trưng cho máu của các vị tử đạo – sẽ trở thành một điểm tham chiếu sống động đến thế trong vai trò mới của ngài là người hòa giải. Việc ngài sẵn sàng hiến thân để đổi lấy những đứa trẻ bị Hamas bắt làm con tin chứng tỏ Giáo hội sẵn sàng sử dụng đòn bẩy ngoại giao của mình cho mục đích hòa giải đến mức nào.

Cần có lòng can đảm để trở thành một Kitô hữu ở Thánh Địa, đặc biệt khi số lượng tín hữu quá ít. Kitô hữu ở Israel và Lãnh thổ Palestine có khoảng 217,000 người hay 1.5% dân số. Trải qua sự suy thoái tương ứng, các Kitô hữu ngày càng bị gạt ra ngoài lề không những chỉ bởi người Do Thái và người Hồi giáo với tỷ lệ sinh cao hơn nhiều; họ cũng bị cuốn vào tâm điểm căng thẳng kéo dài giữa các nước láng giềng có ưu thế hơn.

Vì lý do này, nỗi sợ hãi và lo lắng của các Kitô hữu trong khu vực sau ngày 7 tháng 10 đã nhanh chóng lan rộng ra ngoài Gaza và miền nam Israel. Các Kitô hữu ở Westbank, ước tính có khoảng 37,000 người, đang trong tình trạng hoàn toàn bị sốc. Các báo cáo mới nhất cho thấy 90% các nhóm hành hương và du khách đã rời khỏi đất nước, với các tour du lịch đã bị hủy bỏ cho đến dịp Giáng sinh và xa hơn nữa.

Đây là một cuộc khủng hoảng khủng khiếp đối với nhiều gia đình Kitô giáo khi 70% làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhiều người làm nghề tài xế xe buýt, chủ khách sạn, nhà sản xuất và bán lẻ đồ tạo tác tôn giáo, thường chế tác những mảnh gỗ ô liu thành tràng hạt, thánh giá và nôi. Nhiều người đã nghèo rồi; bây giờ họ sợ nghèo đói tàn tệ.

Chúng tôi đã nói chuyện với một nhà sản xuất đồ tạo tác tôn giáo như vậy, có trụ sở tại Bêlem. “Chúng tôi bị chặn trong nhà,” anh nói, mô tả việc vận chuyển hàng hóa của anh giờ đây không thể thực hiện được do đường bị đóng và các chuyến bay bị hủy.

Sợ mất việc kinh doanh là một chuyện nhưng nỗi kinh hoàng về sự leo thang xung đột lại là chuyện khác. Anh nói: “Mọi người đều lo lắng. Mọi người ở đây đang nói về Thế chiến thứ ba. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng bằng cách nào đó điều đó sẽ không xảy ra.”

Ngay phía dưới con đường từ Bêlem là Beit Jala, nơi Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn gần đây đã hỗ trợ việc thành lập một trung tâm linh đạo. Mới được khánh thành cách đây vài tuần và nhằm mục đích làm nơi tổ chức các chương trình liên quan đến chủng viện Latinh gần đó và cộng đồng địa phương, ngay sau ngày 7 tháng 10, tòa nhà phải được tái sử dụng làm văn phòng của Tòa Thượng Phụ Latinh.

Lý do: nhân viên không thể thực hiện hành trình dài 5 dặm tới Jerusalem vì các trạm kiểm soát đã đóng cửa.

Tình hình không khá hơn chút nào ở Đông Jerusalem, nơi có 10,000 Kitô hữu. Khoảng 40% trong số họ kiếm sống trong lĩnh vực du lịch và nhiều người hiện đã mất việc làm.

Khách sạn trống rỗng và khách du lịch đã rời đi. Nhiều tòa nhà đang được sử dụng làm danh trại cho quân dự bị. Từ Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem, Cha Artemio Vitores, một tu sĩ dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, nói với Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn rằng ngài không muốn “quá bi quan nhưng rất ít về tình hình này liên quan đến hòa bình. Giêrusalem phải là dấu chỉ hòa bình và hòa hợp cho mọi người; đây là thành phố thánh của Thiên Chúa đối với người Do Thái, Kitô hữu và người theo đạo Hồi. Điều này thật khó khăn. Hòa bình là một món quà của Thiên Chúa nhưng nó đòi hỏi sự hợp tác của mọi người”.

Và sau đó là cộng đồng Kitô hữu sống rải rác ở các vùng khác của Israel. Nhiều người trong số họ, kể cả du khách nước ngoài và những người có hai quốc tịch, đã trải qua nỗi sợ hãi bị tấn công khủng bố cũng như nỗi đau và nỗi thống khổ khủng khiếp của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Một trong số họ là Holly, một công dân Mỹ đang ở Jerusalem khi thế giới mà cô biết đã thay đổi đến mức không thể nhận ra.

Cô ấy nói với Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn: “Những ngày vừa qua thật là dài và mệt mỏi”. Nghĩ về 1,400 người thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas, cô nói rằng số người chết “thực sự không thể tưởng tượng được”.

Xa hơn, các Kitô hữu nhận thức sâu sắc rằng các nước láng giềng có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Đến thăm trụ sở quốc tế của Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn, Thượng phụ Công Giáo Hy Lạp Melkite Youssef Absi, có trụ sở tại Lebanon và Damascus, đã nhắc nhở các nhân viên rằng việc đảm bảo một tương lai lâu dài cho Palestine là chìa khóa cho hòa bình trong khu vực.

Thượng phụ Absi viết: “Nếu không có giải pháp cho tình hình Palestine thì sẽ không có giải pháp cho Trung Đông”.

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những mối nguy hiểm phía trước không thể nào rõ ràng hơn. Yêu cầu mọi việc phải được thực hiện để tránh một thảm họa nhân đạo, ngài tuyên bố: “Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì. Nó chỉ gieo rắc chết chóc và hủy diệt, gia tăng hận thù, nhân bội việc trả thù. Chiến tranh xóa sạch tương lai.” Đức Giáo Hoàng đã phát biểu trong buổi tiếp kiến hàng tuần chỉ vài ngày sau khi ngài nhấc điện thoại cho Sơ Nabila, nữ tu đến từ Gaza quyết tâm ở lại với những người đau khổ ở đó.

Nhà thờ Thánh Gia nơi sơ đang trú ẩn gần đây đã tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến, trong đó cộng đồng cử hành lễ rửa tội cho một đứa trẻ, Daniel. Bất cứ điều gì đang chờ đợi phía trước đối với Daniel, những Kitô hữu khác và tất cả những người ở Thánh địa, tương lai của họ phụ thuộc vào việc tất cả các bên cùng hợp tác để đảm bảo khu vực thoát khỏi bờ vực hủy diệt.