1. Đô Đốc Hạm Đội Hắc Hải đêm đêm pháo kích dân lành đã đền tội. Tuyên bố của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine

Sau khi đã phối kiểm chắc chắn, trưa thứ Hai 25 Tháng Chín, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã chính thức loan báo Đô đốc Viktor Sokolov, Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải, người hàng đêm tung ra các đợt pháo kích giết oan dân lành Ukraine đã đền tội, cùng với 33 sĩ quan khác, là những người đang tham dự một cuộc họp tại Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải vào trưa ngày thứ Sáu 22 Tháng 9 vừa qua.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Commander of Russian Black Sea Fleet Killed in Crimea Navy HeadQuarters Strike: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv loan báo: Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga tử trận trong cuộc tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hải quân ở Crimea.”

Hôm thứ Hai, Kyiv chính thức cho biết, một cuộc tấn công của Ukraine vào trụ sở hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea đã giết chết 34 sĩ quan Nga, bao gồm cả chỉ huy hạm đội.

Lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết ngoài số người chết còn có 105 người Nga khác bị thương trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai.

Hôm thứ Sáu, Ukraine đã tấn công căn cứ Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, được cho là sử dụng hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp. Những vũ khí này cũng được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Ukraine nhằm hạ gục hai tàu Hắc Hải của Nga ở Sevastopol hồi đầu tháng này.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 5 hỏa tiễn trên bầu trời Sevastopol, nhưng cuộc tấn công đã làm hư hại trụ sở của Hạm đội Hắc Hải. Mạc Tư Khoa ban đầu cho biết một binh sĩ đã thiệt mạng, nhưng sau đó rút lại tuyên bố và nói rằng người này mất tích trong chiến đấu.

Sau vụ tấn công, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Trung Tướng Kyrylo Budanov, cho biết một số quan chức quân sự cao cấp của Nga đã bị thương trong các cuộc tấn công, mặc dù ông không xác nhận các báo cáo xung quanh cái chết của Đô đốc Viktor Sokolov, Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải.

Crimea ngày càng trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công của Ukraine trong những tháng gần đây. Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014 và Kyiv đã nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea.

2. Truyền thông Nga đưa ra 6 điều liên quan đến vụ tấn công.

Cơ quan truyền thông độc lập Meduza có trụ sở ở Riga, Latvia đã đưa ra một bản tóm tắt những gì họ biết chung quanh cuộc tấn công của không quân Ukraine vào trụ sở của Hạm Đội Hắc Hải vào lúc 12 giờ trưa ngày thứ Sáu 22 Tháng Chín.

Thứ nhất: Ít nhất 9 người thiệt mạng và 16 người bị thương trong vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, vùng Crimea bị sáp nhập vào ngày 22/9, giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Budanov nhấn mạnh rằng dữ liệu được trình bày không tính đến thông tin về các quân nhân bị thương không làm việc tại trụ sở Hạm đội Hắc Hải.

Thứ hai: Ít nhất hai tướng Nga bị thương trong vụ tấn công, Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết: “Trong số những người bị thương có chỉ huy nhóm quân Zaporizhzhia, Thượng Tướng Alexander Romanchuk, người đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Tham mưu trưởng, Trung tướng Oleg Tsokov, đã hôn mê”. Ông không xác nhận thông tin về cái chết có thể xảy ra của Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải của Nga. Cơ quan tình báo Ukraine cho biết họ không có thông tin về tình trạng của Sokolov là người chủ tọa cuộc họp, và được ghi nhận là mất tích kể từ đó.

Thứ ba: Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine báo cáo rằng cuộc tấn công được thực hiện trong khi lãnh đạo Hạm đội Hắc Hải của Nga đang họp. Quân đội Ukraine báo cáo rằng hoạt động mang tên “Bẫy cua” được thực hiện bởi Lực lượng Không quân và Lực lượng đặc biệt của Ukraine. Bộ tham mưu báo cáo: “Các chi tiết về việc tiến hành chiến dịch sẽ được biết khi có thể”. “Kết quả là hàng chục quân xâm lược chết và bị thương, trong số đó có lãnh đạo cao nhất của hạm đội.”

Thứ tư: Kênh truyền hình Sky News của Anh đưa tin, dẫn lời đại diện Không quân Ukraine, rằng cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga được thực hiện bằng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow. Giám đốc tình báo quân sự Ukraine Budanov không cho biết liệu hỏa tiễn được sử dụng trong vụ tấn công có được sản xuất ở các nước phương Tây hay không. “Tôi phải kiềm chế không trả lời ở đây, tôi nghĩ bạn phải hiểu,” ông nói. Vương Quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow vào tháng 5. Pháp đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn SCALP (là tên tiếng Pháp của Storm Shadow) vào tháng 7. Trước đó, Sky News đưa tin những hỏa tiễn này đã được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng để tấn công một xưởng đóng tàu ở Sevastopol bị sáp nhập vào đêm 13/9.

Thứ năm: Các kênh truyền thông và Telegram của Ukraine đăng tải hình ảnh, video về vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải cho thấy khi tòa nhà đã chìm trong ngọn lửa các hỏa tiễn vẫn tiếp tục lao vào. Kênh Telegram Insider UA đã đăng một đoạn video cho thấy vào thời điểm xảy ra vụ tấn công hỏa tiễn, một hỏa tiễn bắn trúng trụ sở đang cháy của Hạm đội Hắc Hải. Tờ Krym Realii cũng đăng một bức ảnh cho thấy một hỏa tiễn đang bay vào tòa nhà đang cháy.

Thứ sáu: Atesh, một phong trào du kích quân sự bao gồm người Ukraine và người Tatars ở Crimea trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, nói rằng các phe phái và cư dân Sevastopol đã giúp hỗ trợ cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine vào trụ sở chính. Đại diện của phong trào cho biết họ đã bảo đảm có được sự hợp tác của các sĩ quan Hạm đội Hắc Hải. Quân Ukraine thường tấn công vào khoảng 3 giờ sáng là thời điểm mệt mỏi của đối phương. Việc tấn công vào lúc 12 giờ trưa cho thấy họ đã được mật báo. Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang truy nã ráo riết các thành viên của Atest; trong khi đó các tuyên truyền viên trên TV của Nga lại đổ thừa cho tình báo Mỹ cung cấp thông tin cho quân Ukraine.

3. Tổng thống Zelenskiy chinh phục được Henry Kissinger

Khi bắt đầu cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, người Ukraine ghét cay đắng cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, 98 tuổi, vì ông ta tuyên bố tại trong hội nghị kinh tế toàn cầu ở Davao, Thụy Sĩ vào ngày 25 tháng 5, 2022 rằng Hoa Kỳ không nên viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng phải ép Ukraine nhượng lại các lãnh thổ cho Nga để có hòa bình. Henry Kissinger cũng khét tiếng chống lại việc Ukraine gia nhập NATO.

Tuy nhiên, trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua, Tổng thống Zelenskiy và phái đoàn của ông đã có một cuộc gặp gỡ với Henry Kissinger.

Hôm Chúa Nhật, Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống, đã tiết lộ rằng “Henry Kissinger hiện là một trong những nhà vận động hành lang cho Ukraine ở NATO.”

Ông nói: “Trong chuyến thăm Hoa Kỳ cùng với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, chúng tôi đã gặp nhà ngoại giao, nhà khoa học và chính trị gia nổi tiếng Henry Kissinger. Tôi rất vui khi được gặp ông ấy, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thực sự sâu sắc”

Theo ông, Kissinger có nhiều câu trích dẫn thích hợp mô tả tình hình hiện tại trong cuộc chiến với Nga.

Kissinger nói: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO vì tôi sợ nó sẽ bắt đầu chính xác quá trình mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nhưng bây giờ, ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa”.

Andriy Yermak nói thêm: “Nga đang cố gắng phá hủy trật tự thế giới, vi phạm và thay thế luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, áp đặt thuyết âm mưu và cách giải thích các quy tắc của riêng mình.”

Yermak nhấn mạnh: “Thành ra, tư cách thành viên của Ukraine trong Liên minh là khoản đầu tư tốt nhất cho an ninh Âu Châu trong nhiều năm tới”.

4. Tổng thống Ba Lan cho biết một hành lang đang được thiết lập để giải quyết vấn đề ngũ cốc Ukraine trong tình anh em

Tổng thống Andrzej Duda cho biết Ba Lan đã chuẩn bị các hành lang quá cảnh cho phép các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua lãnh thổ của mình và đến các quốc gia có nhu cầu nhất.

Những bình luận này rất đáng chú ý vì chính phủ Ba Lan đã cùng với Hung Gia Lợi và Slovakia mở rộng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine, là điều mà họ cho rằng đã làm giảm giá của nông dân địa phương. Tuy nhiên, với phát biểu mới nhất này, Tổng thống Duda cho biết Ba Lan vẫn sẽ giúp các chuyến hàng của Ukraine đến được đích cuối cùng.

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh phục hồi Ukraine hôm thứ Sáu, Tổng thống Duda cho biết tranh chấp ngũ cốc với Ukraine sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước, vì các mối quan hệ này có “khía cạnh lịch sử” bền chặt.

“Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ Ukraine và những quốc gia cần sự giúp đỡ này. Tôi tin rằng việc chính phủ Ba Lan duy trì lệnh cấm bán ngũ cốc Ukraine trên thị trường Ba Lan là quyết định đúng đắn”, Tổng thống Duda nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ba Lan TVP1 hôm Chúa Nhật. Theo một tuyên bố từ văn phòng của ông, Duda nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo đảm rằng quá trình vận chuyển diễn ra tốt nhất có thể”.

Một số bối cảnh: Kyiv và Warsaw đã công khai xung đột trong tuần này về vấn đề ngũ cốc.

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, Tổng thống Duda cũng cố gắng làm rõ các tuyên bố của Thủ tướng Mateusz Morawiecki, là người đã nói rằng Ba Lan sẽ ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba rằng “một số bạn bè của chúng tôi ở Âu Châu, thể hiện tình đoàn kết trong một sân khấu chính trị.”

Tổng thống Duda nhận xét rằng với hành lang ngũ cốc này, Ba Lan tiếp tục giúp đỡ Ba Lan xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người nông dân Ba Lan.

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Wagner đã trở lại chiến đấu ở Ukraine, nhưng khó có thể thay đổi cục diện tiền tuyến

Một số chiến binh của Tập đoàn Wagner có khả năng đã quay trở lại chiến đấu trong hàng ngũ quân đội xâm lược của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, những người lính đánh thuê sẽ không thể giúp quân xâm lược thay đổi tình thế có lợi cho họ ở tiền tuyến.Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết điều này trong một báo cáo mới.

Báo cáo cho biết: “Các lực lượng rời rạc của Nhóm Wagner được cho là đã và đang quay trở lại chiến đấu ở Ukraine. Tuy nhiên, họ khó có thể mang lại một tác động đáng kể nào đến khả năng chiến đấu của Nga”.

Theo các nhà phân tích ISW, lính đánh thuê Wagner khó có thể tác động đến khả năng chiến đấu của Nga nếu không mang lại hiệu quả đầy đủ mà Wagner đã có với tư cách là một tổ chức thống nhất dưới sự lãnh đạo của nhà tài chính Yevgeniy Prigozhin và người sáng lập Dmitry Utkin.

ISW trích dẫn tuyên bố của cựu Thống Đốc khu vực Luhansk, Serhii Haidai, vào ngày 23 tháng 9, rằng binh sĩ của Wagner đang hoạt động ở khu vực Luhansk và trên các khu vực khác nhau của tiền tuyến.

Haidai cũng tuyên bố rằng ông không biết số lượng binh sĩ Wagner cũng như tổ chức mà những nhân viên Wagner này đang hoạt động ở Ukraine.

Một nguồn tin thân cận với Wagner cho biết khoảng 500 binh sĩ của Wagner bao gồm cả những người từ chối tham gia cuộc nổi dậy Wagner ngày 24/6 đã gia nhập một tổ chức mới chưa xác định do cựu trưởng phòng nhân sự Wagner tổ chức và có thể sẽ quay trở lại Ukraine để chiến đấu ở sườn phía nam của Bakhmut.

ISW trước đây đã quan sát thấy các báo cáo rằng nhà lãnh đạo bộ phận nhân sự của Wagner (trước đây gọi là Vadim V. “Khrustal”) đang cố gắng tuyển dụng các chiến binh Wagner cho một công ty quân sự tư nhân mới để hoạt động ở Phi Châu.

Báo cáo cho biết: “Những báo cáo này chỉ ra rằng lực lượng Wagner bị phân mảnh và khó có thể tổ chức thành một lực lượng chiến đấu gắn kết hoặc có tác động đến khả năng chiến đấu của Nga nếu họ quay trở lại chiến đấu ở Ukraine”.

6. Ukraine, Ba Lan thành lập trung tâm quân y lớn

Kyiv và Warsaw đang nỗ lực thành lập một trung tâm quân y lớn để trao đổi kinh nghiệm và cung cấp hỗ trợ thiết thực, điều này rất quan trọng trong điều kiện thời chiến.

Tướng Grzegorz Gielerak, đã cho biết như trên.

Quyết định thành lập một trung tâm quy mô lớn trong lĩnh vực quân y được đưa ra trong cuộc họp giữa các quan chức quân sự Ukraine và Ba Lan, bao gồm cả nhà lãnh đạo cơ quan y tế của cả hai quân đội, diễn ra tại Kyiv vào tháng 5 này. Ông lưu ý rằng lịch trình và kế hoạch hợp tác chung đã được xác định tại cuộc gặp gỡ đó.

Gielerak cho biết sự hợp tác một mặt sẽ dựa trên việc thu thập và phân tích thông tin liên quan đến tính chất, loại hình và quy mô thiệt hại trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Mặt khác, chúng tôi sẽ cung cấp quyền truy cập vào kiến thức và khả năng của mình mà chúng tôi có được nhờ thực hiện một số dự án nghiên cứu liên quan, chẳng hạn như các nền tảng di tản người bị thương, các phương pháp điều trị các loại vết thương khác nhau trên chiến trường. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để dựa trên kinh nghiệm và cơ hội của Ukraine và Ba Lan, trong vòng 3 đến 5 năm tới, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra một trung tâm quân y lớn dành cho quân đội hai nước”

Theo ông, việc triển khai dự án từ phía Ba Lan đang ở giai đoạn được Bộ Quốc phòng xem xét.

Vị tướng nói: “Chúng tôi hy vọng rằng trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn thực hiện.

Gielerak cho biết Ba Lan sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine ở nhiều khía cạnh.

“Trước hết, chúng tôi muốn chữa trị cho các binh sĩ Ukraine bị thương, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn rất phức tạp đối với Ukraine hiện nay. Ví dụ, phẫu thuật là một thách thức không nhỏ đối với bạn hiện nay. Song song với việc trị liệu cho quân đội Ukraine, chúng tôi muốn đào tạo nhân viên của các bạn để các bạn trở nên tự chủ trong lĩnh vực này”, vị tướng nhấn mạnh.

Tướng Ba Lan nhấn mạnh, dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm về chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, gọi tắt là PTSD, ở những người lính Ba Lan từng được triển khai ở Iraq và Afghanistan, kiến thức mà các bác sĩ Ba Lan có được trong lĩnh vực này là ở mức cao nhất. Vì vậy, các bác sĩ Ba Lan đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về vấn đề này với các đồng nghiệp Ukraine từ năm 2014 và sẵn sàng làm điều đó trong tương lai. Ông lưu ý rằng kể từ năm 2014, khoảng 10 nhóm bác sĩ Ukraine đã được đào tạo tại Viện Quân y ở Warsaw về vấn đề chống PTSD. Ngoài ra, các buổi đào tạo với sự tham gia của các chuyên gia Ba Lan cũng diễn ra tại Ukraine, đặc biệt là tại Rivne.

Tướng Gielerak nhấn mạnh rằng đối với Ba Lan, kinh nghiệm về khía cạnh y tế từ cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một sự thay đổi căn bản về quan điểm, và thúc đẩy những thay đổi nghiêm trọng.

“Đối với chúng tôi, hiểu biết về cuộc chiến ở Ukraine giống như một cuộc cách mạng của Copernicus. Chúng tôi đang thay đổi hoàn toàn đường lối của mình đối với việc cung cấp dịch vụ y tế sẽ như thế nào trong bối cảnh xung đột đang diễn ra”, vị Tướng bác sĩ người Ba Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông nêu rõ vấn đề về loại hình chăm sóc y tế cần cung cấp cho thương binh ở các giai đoạn khác nhau cần phải được xem xét sâu sắc.

Warsaw nhận ra rằng trong trường hợp có khả năng xảy ra xâm lược, Ba Lan cũng có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự, vị tướng này thừa nhận, và do đó, sử dụng kinh nghiệm của Ukraine, Ba Lan tìm cách nâng cấp học thuyết của riêng mình.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá gần 3 tỷ Mỹ Kim. Ba Lan tiếp nhận các binh sĩ Ukraine bị thương để điều trị và một trung tâm y tế đã được triển khai tại phi trường Jasionka gần Rzeszów vào năm ngoái, qua đó các binh sĩ và dân thường Ukraine bị thương sẽ được trực thăng đưa đến các nước khác để điều trị thêm.

7. Tổng thống Zelenskiy cho biết Canada sẽ giúp khôi phục thủy điện Kakhovka

Canada sẽ giúp Ukraine khôi phục thủy điện Kakhovka và tái thiết đập thủy điện Kaniv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu buổi tối gởi quốc dân đồng bào sau khi trở về từ Canada qua ngã Ba Lan.

Ông lưu ý: “Chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận kinh tế với cả chính phủ và các doanh nghiệp.”

Zelenskiy nói thêm rằng quyết định về khu vực thương mại tự do với Canada đã được đưa ra và bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng đã được ký kết tại Washington.

Nguyên thủ quốc gia cho biết: “Một thỏa thuận đã đạt được ở Ottawa để xây dựng lại thủy điện Kakhovka và xây dựng lại thủy điện Kaniv”.

Ông chỉ ra mối quan tâm rõ ràng của các công ty lớn ở Mỹ và Canada muốn đến làm việc tại Ukraine.

Đồng thời, có sự hiểu biết lẫn nhau với các công ty quốc phòng ở cấp Bộ Công nghiệp Chiến lược.

Zelenskiy cũng cảm ơn Chính phủ Canada đã sẵn sàng phân bổ kinh phí để Bảo tàng Diệt chủng Holodomor hoàn thành việc xây dựng.

“Việc Canada sẽ là bên hỗ trợ Ukraine bảo tồn ký ức lịch sử của mình mang tính biểu tượng. Cảm ơn Canada!” Tổng thống nói.

8. Ukraine đang bủa lưới Hạm đội Hắc Hải của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Closing the Net on Russia's Black Sea Fleet”, nghĩa là “Ukraine đang bủa lưới Hạm đội Hắc Hải của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Hắc Hải đã trở thành nơi nguy hiểm đối với tàu chiến Nga.

Vùng biển chiến lược này đã trở thành sân khấu nóng bỏng cho cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Bất chấp ưu thế hải quân áp đảo, các tàu chiến của Mạc Tư Khoa đã không thể bình định được khu vực. Và giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh hàng hải bất đối xứng của Ukraine ngày càng gia tăng, Hạm đội Hắc Hải nổi tiếng của Nga đang bị buộc phải rút lui.

Ukraine đang bắt tay vào một chiến lược có phương pháp nhằm “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải, các chuyên gia Ukraine thân cận với Bộ Quốc phòng đã nói với Newsweek, rằng họ muốn làm xói mòn dần các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết để giữ cho các tàu của Mạc Tư Khoa hoạt động và thu giữ các tài sản hải quân có giá trị nếu có thể. Khi Kyiv tìm cách cô lập—và cuối cùng giải phóng—Crimea, không gian an toàn của Hạm đội Hắc Hải dường như đang bị thu hẹp lại.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và hiện là cố vấn của Bộ Quốc phòng, nói với Newsweek: “Mục tiêu của người Nga về cơ bản là bóp nghẹt chúng tôi về mặt kinh tế”. “Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là tiêu diệt Hạm đội Hắc Hải, phá hủy khả năng theo đuổi việc xâm lược Hắc Hải và khôi phục tự do hàng hải của chúng tôi”.

Zagorodnyuk - hiện là chủ tịch của Trung tâm Chiến lược Quốc phòng ở Kyiv - nói thêm: “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là tiêu diệt Hạm đội Hắc Hải và nói rằng bất kỳ tàu mới nào trong khu vực sẽ đi theo những chiếc trước đó”.

“Không có lựa chọn nào khác. Và chúng ta nên theo đuổi lựa chọn đó cho đến khi nó được thực hiện.”

Kiểm soát Hắc Hải từ lâu đã là tham vọng của Nga. Việc chiếm giữ Bán đảo Crimea vào năm 2014 và việc phong tỏa Biển Azov sau đó đều phục vụ mục tiêu lớn hơn này, là hạn chế khả năng tiếp cận của hải quân Ukraine và bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu hàng hải của nước này.

Găng tay của Mạc Tư Khoa đã lộ diện khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, với việc xâm lược đảo Rắn chiến lược và các tàu Nga rình rập bờ biển phía nam Ukraine và đe dọa một cuộc xâm lược đổ bộ vào Odesa. Sự hồi sinh của sự thống trị thời Liên Xô đối với toàn bộ phía bắc, phía tây và phía đông Hắc Hải dường như đã nằm trong tầm tay.

Rất ít yếu tố trong cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin với Ukraine đã được lên kế hoạch trong 18 tháng qua. Theo trang web phân tích quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan, điều này đặc biệt đúng ở Hắc Hải, nơi 16 tàu Nga đã bị hư hại hoặc phá hủy bởi một đối phương không hề có lực lượng hải quân thông thường; và chỉ có một sức mạnh không quân rất hạn chế. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Mỗi tổn thất đều đặt ra một thách thức dài hạn mới đối với ngành đóng tàu của Nga vốn đang bị hạn chế bởi căng thẳng kinh tế, các lệnh trừng phạt quốc tế và vốn là cái bóng của nền kinh tế tiền nhiệm Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy đóng tàu của Ukraine.

“Tất cả họ đều có thiết bị cũ”, Zagorodnyuk nói về các tàu Hắc Hải còn sót lại của Nga. “Tất cả đều được xây dựng từ lâu rồi. Họ gặp một số vấn đề nghiêm trọng về vũ khí, thiết bị, v.v.”

Zagorodnyuk nói: “Chiếc tốt nhất là tàu tuần dương Moskva,” đề cập đến soái hạm của Hạm đội Hắc Hải bị hỏa tiễn chống hạm Ukraine đánh chìm vào tháng 4 năm 2022. Việc thay thế các tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng.

Mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn đối với Điện Cẩm Linh. Vào ngày 13 tháng 9, hỏa tiễn hành trình của Ukraine đã phá hủy một tàu đổ bộ và một tàu ngầm tấn công tại một ụ tàu ở Sevastopol – là trung tâm của Hạm đội Hắc Hải và là nền tảng cho sự kiểm soát của Nga đối với bán đảo. Và vào thứ Tư, một cuộc tấn công khác nhắm vào trung tâm chỉ huy hạm đội.

Các cuộc tấn công quy mô lớn như vậy diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hỏa tiễn và biệt kích gần như hàng ngày nhằm vào các mục tiêu ở Crimea. Các cuộc đột kích của Ukraine đã phá hủy các hệ thống radar, khẩu đội phòng không và các địa điểm hỏa tiễn, cùng nhiều nơi khác.

Andriy Ryzhenko, một thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek: “Ukraine đang xác định và phát triển những lỗ hổng an ninh trong hệ thống phòng thủ của Nga ở Crimea”. Ryzhenko cho biết, việc phá hủy các cơ sở phòng không nói riêng “sẽ làm tăng cường độ giao tranh”.

Ngay cả khi không có yếu tố bất ngờ, Ukraine vẫn đang xuyên thủng mạng lưới phòng thủ Crimea. Một số tàu ngầm lớp Kilo của Mạc Tư Khoa được cho là đã được di chuyển từ Sevastopol đến cảng Novorossiysk của Nga sau một loạt các cuộc tấn công trên bán đảo. Sau vụ bắn phá Sevastopol vào tuần trước, Nga được tường trình là đã điều động một số tàu đổ bộ tới Biển Azov.

Cuộc tấn công gần đây nhất ở Sevastopol dường như cũng đã phá hủy hoặc ít nhất là hư hỏng nặng các cơ sở ụ tàu quan trọng, được sử dụng để bảo trì và sửa chữa các tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga. Không có cơ sở nào khác ở Hắc Hải đủ lớn và tinh vi để phục vụ mục đích này.

Ryzhenko cho biết, cuộc tấn công sẽ là “một lời cảnh báo rất lớn đối với họ về tính dễ bị tổn thương của các cơ sở sửa chữa này và sẽ hạn chế khả năng duy trì. Đơn giản là họ không thể sửa chữa tàu của mình và nhiều chiếc trong số đó đã rất cũ”.

Cuộc chiến diễn ra từ năm 2014 và chưa có dấu hiệu giảm bớt hay kết thúc. Cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều không nghiêm chỉnh xem xét các cuộc đàm phán hòa bình và cả hai đều tin rằng họ vẫn có thể đạt được mục tiêu trên chiến trường. Giấc mơ của Putin về một Ukraine bị chư hầu hóa giờ đây có vẻ ngoài tầm với, nhưng nhà độc tài Nga dường như vẫn tin rằng ông có thể tồn tại lâu hơn các quốc gia phương Tây đang giúp Kyiv tồn tại.

Hắc Hải, vốn là nơi diễn ra cuộc chiến tranh nóng bỏng của Nga với Ukraine, cũng đang nổi lên như một điểm nóng nguy hiểm giữa NATO và Nga và là điểm tắc nghẽn về nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu. Rải rác với mìn hải quân và được tuần tra bởi các tàu chiến và máy bay Nga, “vùng biển khắc nghiệt” - như người Đông Phương cổ đại lần đầu tiên biết đến - sẽ vẫn căng thẳng trong tương lai gần.

Mạc Tư Khoa không cho thấy dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ giảm bớt việc phong tỏa liên tục đối với tàu bè Ukraine, cũng như sẽ ngừng phóng hỏa tiễn hành trình vào các thành phố Ukraine từ các tàu Hắc Hải. Khu vực này vẫn là một trong những câu hỏi hóc búa chiến lược cấp bách nhất của Kyiv.

Zagorodnyuk nói: “Không ai có thể thay đổi quan điểm của Nga. Họ làm điều này vì không ai có thể ngăn cản họ…Về cơ bản, đó là cách họ hành xử nói chung, ở mọi nơi.”

Cựu bộ trưởng quốc phòng nói: “Chúng tôi là những người duy nhất sẽ giải quyết tình trạng lộn xộn này” khi được hỏi liệu các quốc gia NATO có sẵn sàng bước vào vùng vịnh an ninh đang phát triển ở đó hay không. “Chúng tôi sẽ tấn công các tàu Nga cho đến khi tất cả chúng chịu chung số phận với chiếc soái hạm Moskva, hoặc chúng bỏ chạy về phía đông Hắc Hải và ở lại đó”.

Ukraine vẫn đang kêu gọi các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây bao gồm cả chiến đấu cơ F-16—mà các phi công Ukraine hiện đang huấn luyện—và Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa MGM-140, được gọi là ATACMS, có khả năng sẽ tấn công toàn bộ Crimea trong tầm ngắm của Ukraine.

Zagorodnyuk nói: “Nga cũng đang theo đuổi ưu thế trên không ở Hắc Hải. Ông gợi ý rằng các máy bay F-16 hoạt động trong khu vực “sẽ cho phép chúng tôi giữ các tàu Nga ở bên ngoài” vùng biển Ukraine và cách xa các cảng quan trọng của Ukraine.

Tuy nhiên, về lâu dài, Ukraine cần nhiều thứ hơn ngoài chiến binh, hỏa tiễn chống hạm và thuyền không người lái của hải quân để bảo vệ Hắc Hải. Ryzhenko nói: “Sau này, chúng tôi cần thiết lập quyền kiểm soát lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế hàng hải của mình”. “Để làm được điều này, chúng ta cần một hạm đội mặt nước.”

Kyiv từ lâu đã hợp tác với Mỹ để mua các tàu tuần tra Mark VI và với Anh để mua tàu tấn công P50-U cho các mục đích như vậy. Ryzhenko cho biết Ukraine cần một “hạm đội muỗi” - một thuật ngữ thường được dùng để chỉ một hạm đội lớn được tạo thành từ các tàu tương đối nhỏ - có khả năng hoạt động cách bờ biển khoảng 100 km trong nhiều ngày.

Ryzhenko nói: “Chúng ta cần duy trì an ninh lãnh thổ chứ không chỉ giải phóng mà thôi”.

9. Tổng thống Zelenskiy cho biết Mỹ có quyết định lịch sử về việc chung sản xuất vũ khí với Ukraine

Một quyết định lịch sử đã được đưa ra về việc Ukraine và Mỹ cùng sản xuất vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không.

“Có một quyết định lịch sử của Hoa Kỳ về việc cùng sản xuất vũ khí và hệ thống phòng thủ. Đặc biệt là phòng không”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối.

Theo Nguyên thủ quốc gia, điều mà cho đến gần đây chỉ là tưởng tượng sẽ trở thành hiện thực.

“Chúng tôi sẽ biến nó thành hiện thực. Và đây là phẩm chất mới của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine – mạnh mẽ hơn nhiều”, Tổng thống nhấn mạnh.

Ông gọi quyết định này là một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế vì nó có nghĩa là “sẽ có các doanh nghiệp, công ăn việc làm mới cho cả hai dân tộc chúng ta – cho người Ukraine và người Mỹ.”

Zelenskiy cảm ơn Tổng thống Mỹ Biden, toàn bộ đội ngũ của ông, “và tất cả những người ở Mỹ coi trọng tự do và ủng hộ Ukraine”.

Tổng thống tóm tắt: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về khả năng phục hồi mới của Ukraine sẽ ngăn chặn sự tái diễn hành động xâm lược của Nga”.

Như đã đưa tin, Ukraine và Mỹ đã ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.